15/07/2025 | 01:43 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Đằng sau chiến thuật “lá chắn sống” của Israel ở Dải Gaza

La Tuấn
Đằng sau chiến thuật “lá chắn sống” của Israel ở Dải Gaza Cậu bé người Palestine ngồi trên bậc thềm của một cửa hàng, gần đó là một thành viên của lực lượng an ninh Israel ở thành phố Hebron, ngày 21-1-2022_Ảnh: AFP/TTXVN
Việc sử dụng “lá chắn sống” (human shield) trong chiến tranh không phải là hiện tượng mới, bởi các đội quân trên thế giới từng buộc thường dân phải làm lá chắn sống trong nhiều thế kỷ qua. Tuy nhiên, bất chấp lịch sử lâu dài và đầy mơ hồ này, Israel đã xoay xở để đưa ra một hình thức “lá chắn sống” mới ở Gaza, một hình thức dường như chưa từng có trong lịch sử chiến tranh.

Các nhà khoa học chính trị Neve Gordon và Nicola Perugini ghi nhận rằng từ thế kỷ thứ VII, người Trung Quốc đã tận dụng các bộ lạc “man rợ” ở biên giới Thổ - Mông Cổ làm “vùng đệm”, trong khi người Mông Cổ triển khai tù binh làm lá chắn trong các cuộc chinh phạt. Hiện nay, luật pháp quốc tế nghiêm cấm hành vi này. 

Điều 8 của Quy chế Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) quy định rằng, trong những cuộc xung đột giữa các quốc gia, các bên tham chiến không được “sử dụng sự hiện diện của dân thường hoặc những người được bảo vệ khác để ngăn chặn một số điểm, khu vực hoặc lực lượng quân sự khỏi bị tấn công”, nếu không sẽ phạm tội ác chiến tranh.

Trước đây, quân đội Israel từng sử dụng robot và chó nghiệp vụ, cũng như thường dân Palestine để làm lá chắn. Những người Palestine từng được sử dụng làm lá chắn luôn mặc quần áo thường dân và do đó có thể được xác định là thường dân. 

Tuy nhiên, bằng cách cho thường dân Palestine mặc quân phục và đưa họ vào các đường hầm, quân đội Israel đã thực sự thay đổi chính logic của việc che chắn bằng con người.

Lập luận muôn thuở của bên tấn công

Để biện minh cho số lượng người Palestine thương vong cao, Israel tuyên bố rằng trách nhiệm thuộc về Hamas, tổ chức này bị cáo buộc hoạt động mà không quan tâm đến tính mạng của đồng bào mình. Đúng là luật pháp quốc tế coi việc sử dụng dân thường làm lá chắn là một tội ác chiến tranh. Nhưng một câu hỏi vẫn còn đó: có thể sát hại bao nhiêu thường dân để tiêu diệt một kẻ thù duy nhất?

Trên thực tế, các cuộc chiến ở Trung Đông đã làm hồi sinh việc lợi dụng dân thường. Israel cho rằng, Hamas che chắn lực lượng này bằng lá chắn sống, biện minh cho số lượng dân thường thiệt mạng cao ở Gaza. 

Dĩ nhiên, các tay súng Palestine đã hoạt động giữa các khu vực đông dân cư - điều này có thể được giải thích do mật độ dân số cao và tình trạng bị bao vây của Gaza. Tuy nhiên, khái niệm “lá chắn sống” đòi hỏi một ý định có chủ đích nhằm sử dụng dân thường làm phương tiện răn đe.

Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) đã xác định 2 trường hợp vào ngày 7-10-2023, trong đó các chiến binh Hamas có vẻ cố tình lợi dụng dân thường Israel làm lá chắn và cũng không thể loại trừ khả năng chiến thuật này đã tiếp tục được sử dụng sau đó. 

Tuy nhiên, trong các cuộc xung đột trước đó, nhiều cuộc điều tra sau chiến tranh đã bác bỏ những cáo buộc tương tự từ Israel. Hai nhà nghiên cứu Gordon và Perugini lưu ý rằng, các cáo buộc của Israel về việc Hamas đặt trụ sở dưới bệnh viện al-Shifa và al-Quds là không có thật. Các cáo buộc này được sử dụng để biện minh cho việc tấn công các bệnh viện, làm suy yếu hơn nữa hệ thống y tế vốn đã sụp đổ ở Gaza.

Chiến thuật “lá chắn sống” chỉ có ý nghĩa nếu kẻ địch thừa nhận nhân tính của dân thường và cảm thấy có nghĩa vụ đạo đức phải ngừng tấn công để tránh gây thương vong. Nhưng nhiều nhà quan sát đã chỉ trích thái độ coi thường sinh mạng dân thường Gaza của quân đội Israel. Một số người thậm chí không ngần ngại gọi đó là tội diệt chủng.

Tới cuối tháng 3-2025, quân đội Israel đã thừa nhận đang điều tra “một số vụ án” liên quan đến những binh sĩ buộc người Palestine phải làm lá chắn sống ở Gaza, đưa họ vào các tòa nhà và đường hầm để kiểm tra bom và các tay súng. 

Trong một tuyên bố, IDF nêu rõ: “việc sử dụng người Palestine làm lá chắn sống hoặc ép buộc họ tham gia vào các hoạt động quân sự bị nghiêm cấm theo lệnh của IDF”.

Tỷ lệ thương vong và trí tuệ nhân tạo trong xung đột

Cả quy mô và cường độ của cuộc tấn công hiện tại của Israel nhằm vào Gaza đều vượt xa bất kỳ điều gì từng thấy trước đây, với trung bình 428 mục tiêu mỗi ngày - gấp hơn 4 lần mức trung bình hàng ngày trong cuộc chiến tranh lớn gần đây nhất vào năm 2014. 

Kể từ khi nổ ra xung đột Hamas - Israel ngày 7-10-2023 đến cuối tháng 5-2025, các hoạt động quân sự của Israel đã khiến hơn 53.000 người Palestine thiệt mạng và hàng chục nghìn người bị thương. Về phía Israel, ngoài 1.200 nạn nhân thiệt mạng còn có 251 người bị Hamas bắt giữ. Đến thời điểm này, Hamas đã thả gần 40 con tin để đổi lại việc Israel phóng thích hàng trăm tù nhân Palestine.

Ngoài số người thiệt mạng khổng lồ, cuộc tấn công của Israel cho đến nay đã phá hủy 60% nhà ở của Gaza (khoảng 360.000 ngôi nhà), tất cả 12 trường đại học, hầu hết trong số 36 bệnh viện, hàng trăm địa điểm văn hóa, dân sự và tôn giáo, cùng với 1/3 đất nông nghiệp của dải đất này. Nói cách khác, đó chính là những thể chế duy trì sự sống cho người dân Gaza.

Trái ngược với suy nghĩ thông thường, luật chiến tranh không hoàn toàn cấm giết hại dân thường. Nó quy định cách thức giết hại một cách hợp pháp: không nhắm mục tiêu trực tiếp vào dân thường và phải tương xứng với lợi ích quân sự đạt được. 

Quân đội có một chỉ số để đánh giá sự tương xứng này: giá trị thương vong của người không tham chiến (NCV) - tức là để tiêu diệt một mục tiêu quân sự, cần phải tính toán số dân thường có thể bị nguy hiểm. Trước mỗi cuộc không kích, phải đánh giá thiệt hại dự kiến và chỉ tiến hành nếu con số này dưới mức NCV.

Từ tháng 10-2023, quân đội Israel thiết lập NCV ở mức rất cao: 15 dân thường cho một thành viên Hamas, 100 dân thường cho một chỉ huy cấp cao. So sánh với quân đội Mỹ trong chiến dịch chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), mức NCV của Mỹ hầu như bằng 0 cho các tay súng thường và chỉ từ 5 đến 10 cho các thủ lĩnh cấp cao.

Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo (AI) đã thay đổi cục diện chiến tranh. Trước đây, tình báo Israel có thể xác định khoảng 50 mục tiêu mỗi năm, nhưng nhờ AI, con số này đã tăng lên 100 mục tiêu mỗi ngày. Sự gia tăng đáng kể số lượng mục tiêu đã làm tăng số thương vong, với ước tính hơn 180.000 người thiệt mạng ở Gaza.

Sự thay đổi luật chiến tranh

Trong những năm thập niên đầu thế kỷ XXI, “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” đã thay đổi cách diễn giải luật chiến tranh. Theo cẩm nang của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2015, quân đội có thể chấp nhận số lượng dân thường bị giết nhiều hơn nếu đối phương lợi dụng họ làm lá chắn. Lý luận này nhằm ngăn chặn việc sử dụng chiến thuật phi pháp này trong tương lai.

Tuy nhiên, theo Giáo sư luật Adil Ahmad Haque (Đại học Rutgers, Mỹ), nghĩa vụ pháp lý của một bên trong xung đột không phụ thuộc vào hành vi của bên kia. Còn Charles Dunlap - cố vấn của Không quân Mỹ - từng lập luận rằng chấp nhận thương vong dân sự có thể là “lựa chọn ít tệ hại hơn” nếu giúp ngăn chặn những cuộc tấn công tương lai.

Còn tại Israel, luận điệu cho rằng Hamas lợi dụng dân thường Palestine làm lá chắn đã tạo ra sự đồng thuận giữa những người có mục tiêu khác nhau: những người ủng hộ “thanh lọc sắc tộc” hoàn toàn và những người phản đối nó vì lý do đạo đức. 

Nhưng cả hai đều đồng ý rằng, cần có chiến tranh toàn diện chống Hamas và chấp nhận mức thương vong dân sự cao. Quan điểm này có thể định hình lại luật chiến tranh, nhất là theo logic của cựu quan chức quân đội Israel Daniel Reisner khi ông này khẳng định rằng: “nếu bạn làm điều gì đó đủ lâu, thế giới sẽ chấp nhận nó”./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện