Khám phá đền chùa độc đáo ở Thái Lan
Đăng Bẩy
Chùa Rồng bí ẩn khác thường
Chùa Wat Samphran nằm ở huyện Sam Phran, tỉnh Nakhon Pathom, cách Bangkok 30km, nhưng sẽ không tìm thấy nó trong bất kỳ cuốn sách hướng dẫn du lịch nào của Thái Lan và không rõ ai, khi nào đã xây dựng nó...
Đây là một tòa tháp 17 tầng màu hồng có chiều cao 80m, trên đó có một con rồng xanh khổng lồ dũng mãnh trèo lên. Ngôi chùa không đáp ứng các tiêu chuẩn được chấp nhận chung của thiết kế Thái Lan, ví dụ, không có khu vực riêng dành cho Đức Phật, nhưng ấn tượng nhất là bức tượng Phật bằng đồng khổng lồ và có một nhóm tôn giáo sống ở các tầng trên của tòa tháp. Phần còn lại bao gồm một số ngôi chùa nhỏ hơn và một số lượng lớn các di tích khác nhau.
Con rồng quấn quanh tháp được làm bằng sợi thủy tinh và rỗng bên trong. Bụng của nó đón ánh sáng lờ mờ từ những ngọn đuốc bập bùng, chiếu sáng những chiếc vảy kỳ quái của con rồng. Tiếng bước chân vang vọng như tiếng thì thầm xa xưa. Ngôi chùa siêu thực vẫy gọi, hứa hẹn một chuyến thám hiểm khó quên vào vương quốc tâm linh và trí tưởng tượng.
Nhiều người leo lên đỉnh của cấu trúc để xem khung cảnh đơn giản tuyệt đẹp mở ra, nhưng hầu hết du khách vẫn thích sử dụng thang máy nên mất đi một số cảm giác đặc biệt. Sau đó, có thể đi bộ dọc theo con đường trang trí bằng những dấu tay và dấu chân, đi bộ qua một đường hầm bê-tông lớn dưới lòng đất với một cái ao nhỏ. Con đường gợn sóng với đủ loại tượng động vật: thỏ trắng, cá heo nhảy, con voi khổng lồ, hổ, một con tàu gỗ đột nhiên xuất hiện từ hư không và nổi bật là con rùa.
Wat Samphran đáng xem ít nhất một lần. Hơn nữa, ở đây luôn thưa thớt người qua lại, chỉ gặp một số ít du khách chủ yếu là người Thái.
Ngôi đền Khmer huyền bí che giấu bí mật cổ xưa
Ngôi đền Phanom Rung có lẽ là ấn tượng, huyền bí nhất Thái Lan. Ngôi đền Hoàng gia này tọa lạc tại huyện Chaloem Phra Kiat, tỉnh Buri Ram, là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của đất nước. Đền được xây dựng trên đỉnh của một ngọn núi lửa đã tắt, ở độ cao 200m so với đồng bằng Buriram ở miền Nam Isan (Đông Bắc Thái Lan) để thờ các vị thần Brahma - Shiva - Vishnu.
Cùng với thời gian, khu đền đã trở nên hoang phế, bị hư hại nghiêm trọng. Cục Mỹ thuật Thái Lan phải mất 17 năm (1971 - 1988) để trùng tu và ngày 21-5-1988, ngôi đền chính thức mở cửa bởi Hoàng tử Maha Chakri Sirindhorn.
Ngôi đền Phanom Rung có kiến trúc kiểu mẫu, được làm từ chất liệu sa thạch đỏ, màu sắc vẫn tươi đẹp sau bao nhiêu năm tháng. Tổng thể ngôi đền được xây dựng trên đồi với bậc tam cấp đi lên cao 160m, trung tâm là một cột trụ hình búp sen vươn lên cao và kết thúc ở hướng Tây, tiếp giáp với cầu Naga của Phimai.
Kiến trúc của Phanom Rung là sự pha trộn giữa nhiều phong cách kiến trúc Khmer khác nhau, như kiểu kiến trúc của Koh Ker, kiểu dầm đỡ của Angkor ở Campuchia... Quần thể đền thờ được trang trí bằng những chạm khắc vô cùng phức tạp và khéo léo. Các cửa sổ và cửa ra vào của đền được sắp xếp thẳng hàng để mỗi năm một lần có một ngày Mặt trời mọc chiếu xuyên qua tất cả.
Phnom Rung được xây dựng dưới triều đại của một số vị vua, bắt đầu từ Vua Suryavarman II trị vì đế quốc Khmer ở Angkor Wat (1112 - 1152). Cấu trúc cổ xưa này được Narendraditya khởi công, rồi con trai của ông là Hiranya tiếp tục công trình của cha mình và phải mất 3 thế kỷ sau mới được hoàn thành.
Narendraditya là một tướng lĩnh trong triều đại Vua Mahidharapura và đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch của Vua Suryavarman II, vì những chiến công hiển hách đã được tưởng thưởng như các hoàng thân và trấn giữ vùng đất riêng như một lãnh chúa.
Xét về khía cạnh lịch sử, ngôi đền này được xây dựng sau 2 công trình quy mô trước đó là Angkor Wat và Phimai. Tuy nhiên, sau 2 “bậc đàn anh” Angkor Wat và Phimai quy mô, bề thế trước đó, Phnom Rung “sinh sau đẻ muộn” là ngôi đền duy nhất trong 3 ngôi đền có các cột tháp hình búp sen vươn cao chỉ có 3 cạnh. Trước mỗi tháp này có một tiền sảnh rất lớn, gọi là antarala. Kết quả công việc của các bậc thầy kiến trúc Khmer cho đến ngày nay vẫn được coi là tuyệt vời.
Khám phá mới ở công viên lịch sử Phanom Rung
Gần đây, một Giáo sư địa chất tại Đại học Chulalongkorn ở Thái Lan cùng nhóm khảo sát tình cờ phát hiện ra phần còn lại của một công trình cổ kính ẩn mình nào đó, dưới những bức tường của Phanom Rung. Ở trung tâm của công viên Phanom Rung, họ tìm thấy thứ trông giống như “đất nung”. Kết quả phân tích mẫu vật xác nhận tuổi của vật liệu lâu hơn so với chính ngôi đền.
Nghiên cứu các loại đá của khu vực, các nhà địa chất phát hiện ra rằng Phanom Rung được hình thành do sự tích tụ của dung nham sau khi nguội đi chỉ còn lại đá bazan trên núi. Tuy nhiên, GS, TS. Santi cùng nhóm chuyên gia đã phát hiện bên cạnh lượng đá bazan phong phú, còn có các vật liệu phi bazan giống như xi măng phong hóa và xa lạ với khu vực xung quanh, bao gồm các trầm tích thạch anh hoặc cát, phần lớn là khoáng sét, cao lanh, ngày nay được dùng phổ biến để làm gốm sứ.
Các chuyên gia cũng khám phá vùng đồng bằng xung quanh Phanom Rung để minh họa cho hệ thống phân cấp đá trong khu vực và phát hiện ra một giếng làng mới được đào. Hố khai quật để lộ đá sa thạch đỏ ở dưới cùng, đất sét cao lanh trắng ở trung tâm và chất đống bên trên, đất đen từ sự phân hủy của đá bazan sau đó tích tụ và bao phủ toàn bộ khu vực.
Đây là bằng chứng thuyết phục rằng đất sét cao lanh sau khi nung nóng khoảng 700 - 8000C đã được sử dụng để xây dựng các tòa nhà khác nhau ở Phanom Rung, chất này rất có thể là “đất nung”. Bằng chứng quan trọng cho thấy các mảnh vật liệu chứa cả những mảnh đã phân hủy và chưa phân hủy, phần đã phân hủy có màu trắng và phần chưa bị phân hủy có màu cam đất tương tự như gạch hiện đại.
Những mảnh đất sét hoặc gạch cũng chứa dấu vết của các sợi và lỗ nhỏ, kết luận là rơm và cỏ vụn đã được thêm vào hỗn hợp để tạo ra những vật liệu như vậy. Họ ước tính tuổi của nó là vài nghìn năm.
Đến thăm công viên lịch sử Phnom Rung, ngoài trải nghiệm chụp ảnh hoặc chiêm ngưỡng sự quy mô, bề thế của ngôi đền, du khách còn được tham gia vào lễ hội tưng bừng với quy mô lớn thường được tổ chức theo truyền thống đã có hơn 8 thế kỷ.
Chương trình thường được chia thành 2 phần lễ và hội, với các hoạt động mang ý nghĩa tôn giáo đặc biệt. Phần lễ thường diễn ra những nghi thức Hindu giáo với những bộ trang phục truyền thống nhiều màu sắc, nghi thức dâng lễ phục dựng từ đời xưa vô cùng lạ lẫm, độc đáo. Phần hội được du khách hưởng ứng nhiệt tình vì có các phiên chợ bán sản vật địa phương, quầy lưu niệm, ẩm thực.../.









Các bài cũ hơn


