“Trai thời trung hiếu làm đầu”
Dư Hồng Quảng“Bán chúa cầu vinh”, chưa rõ mấy chữ này nguồn gốc từ đâu. Nhưng nếu nói xuất phát từ lời của Nguyễn Khang “sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu mình” thì cũng rất có thể.
Năm 1786, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc với danh nghĩa “Phù Lê diệt Trịnh”. Chúa Trịnh Khải chạy về Hạ Lôi. Lý Trần Quán đón tiếp, giả bộ Trịnh Khải là quan tham tụng Bùi Huy Bích. Nhưng học trò của Lý Trần Quán là Nguyễn Khang biết rõ chuyện thực. Hắn bèn báo cho quân Tây Sơn tới bắt Trịnh Khải. Trên đường áp giải, Chúa Trịnh đã tự tử.
Khi bị thày Lý Trần Quán chỉ trích vì sao lại phản thày, bán chúa, học trò Nguyễn Khang đáp: “sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu mình”. Tự xét thấy mình không bảo vệ được chúa và không biết dạy dỗ học trò, Lý Trần Quán tự tìm đến cái chết. Ông nói chủ quán trọ mua cho mình một quan tài, rồi ông mặc nguyên mũ áo nằm vào trong, sai người chôn sống mình vào ngày 29-6 âm lịch năm 1786, chỉ 2 ngày sau khi Trịnh Khải chết.
Về chữ trung, theo ghi chép trong cuốn “Mông Cổ bí sử” (Nhà xuất bản Văn học, năm 2021), cha con Thất Nhi Cổ Ngạch bắt sống chủ của mình là Tháp Nhi Hốt Đài - kẻ thù của Thành Cát Tư Hãn. Trên đường áp giải đến chỗ Thành Cát Tư Hãn, con trai của Thất Nhi Cổ Ngạch là Nạp A Nha nói với cha: “nếu áp giải Tháp Nhi Hốt Đài đến nơi, Thành Cát Tư Hãn sẽ nghĩ chúng ta là bọn phản chủ, ngài sẽ bảo: dám xuống tay với cả chủ của mình, những kẻ như vậy làm sao mà tin tưởng? Những kẻ như vậy sao có thể tháp tùng ta? Mau đem bọn phản chủ này ra chém! Như vậy thì chúng ta chết chắc. Chi bằng hãy thả Tháp Nhi Hốt Đài!”.
Cha và anh của Nạp A Nha đều cho là phải, bèn thả Tháp Nhi Hốt Đài. Rồi 3 người đến diện kiến Thành Cát Tư Hãn. Người cha nói: “chúng thần đã bắt giữ Tháp Nhi Hốt Đài. Trên đường áp giải sang đây, không nỡ thấy chủ mình bị xử chém, nên đã thả cho đi”. Thành Cát Tư Hãn nói: “nếu các ngươi đã xuống tay với chủ của mình là Tháp Nhi Hốt Đài, còn bắt hắn giải tới đây, ta sẽ tru diệt tông tộc đám phản chủ các ngươi. Thế nhưng các ngươi không nỡ phản bội chủ, làm như thế rất đúng”. Thế rồi Thành Cát Tư Hãn ban thưởng cho Nạp A Nha.
Thêm một chuyện khác cho thấy thái độ của Thành Cát Tư Hãn đối với những người trung thành (kể cả trung thành với kẻ thù của Thành Cát Tư Hãn). Sau 3 ngày 3 đêm bị Thành Cát Tư Hãn bao vây, quân của Vương Hãn sức cùng lực kiệt, buộc phải đầu hàng. Nhưng không biết làm sao mà Vương Hãn trốn thoát. Một viên tướng là Hợp Đáp Hắc Bả xin ra hàng, nói: “ta đã chiến đấu suốt 3 ngày 3 đêm. Ta làm sao nỡ chứng kiến chủ nhân Vương Hãn bị bắt đi xử tử. Ta không thể bỏ rơi ngài. Ta liều chết chiến đấu để ngài có cơ hội chạy xa. Nay Thành Cát Tư Hãn bảo chết thì ta chết thôi. Nếu như Thành Cát Tư Hãn ân xá, ta xin dốc lòng vì đại hãn”.
Thành Cát Tư Hãn khen là phải, ngài giáng chỉ: “không nỡ bỏ rơi chủ nhân, để cho hắn có cơ hội chạy xa hòng giữ được mạng sống mà mình thì chịu chết, người như thế há chẳng đáng mặt trượng phu ư? Kẻ này theo ta được”. Rồi Thành Cát Tư Hãn xá tội không giết Hợp Đáp Hắc Bả.
Những kẻ phản chủ xưa nay đều không có kết cục tốt lành. Thời Tam Quốc, Tào Tháo ức hiếp Vua Hán khiến quốc cữu Đổng Thừa phải lập mưu trừ khử. Có tên đầy tớ là Khánh Đồng thông dâm với nàng hầu của Đổng Thừa, bị giam ngục. Khánh Đồng trốn thoát, báo cho Tào Tháo biết mưu của quốc cữu Đổng Thừa. Tào Tháo giết Đổng Thừa. Khánh Đồng nghĩ mình có công, xin Tào Tháo tác thành cho lấy nàng hầu của Đổng Thừa. Tào Tháo ghét nhất những kẻ bất trung, bất nghĩa. Kết cục Tào Tháo giết Khánh Đồng vì tội bán đứng chủ nhân.
Tào Tháo là người yêu quý người tài, tìm mọi cách thu phục người tài. Tuy nhiên, không phải cứ người có tài là Tào Tháo thu dụng. Tài phải đi cùng với đức. Nếu không trung thành tuyệt đối với chủ nhân, thì tài đến đâu cũng không được dùng. Vì thế Lã Bố - dũng tướng mạnh nhất trong Tam Quốc - dù xin hàng vẫn bị Tào Tháo giết. Nguyên nhân Lã Bố là kẻ bất trung, bất hiếu. Trước đó Lã Bố vì lợi mà phản phúc, giết chết 2 vị chủ nhân đồng thời là 2 người cha nuôi của mình: Đinh Nguyên và Đổng Trác.
Ở Việt Nam nhiều người biết câu “trai thời trung hiếu làm đầu” trong truyện thơ Lục Vân Tiên - tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu bàn về đạo làm người. “Bán chúa cầu vinh” trái ngược với “trung hiếu tiết nghĩa”. Trung hiếu là giá trị cốt lõi làm thành phẩm giá con người, dù đó là người Việt Nam, Mông Cổ, Trung Quốc hoặc bất cứ nơi đâu./.