Chiến tranh tơ tằm và vũ khí của ông Trump
DƯ HỒNG QUẢNG
Trước công nguyên, chỉ có người Trung Quốc biết nuôi tằm kéo tơ dệt lụa. Các lái buôn người Ba Tư thường mang tơ lụa đi qua Đông Roma, sang Tây Âu bán cho những người giàu có, nhờ đó họ phát tài to. Đường xá xa xôi nên tơ lụa đắt như vàng.
Hoàng đế Justinian của đế quốc Đông Roma muốn buộc Ba Tư chia sẻ nguồn lợi khổng lồ đó. Năm 540, ông gây chiến tranh thương mại bằng cách tăng thuế nhập cảnh với hàng hóa của Ba Tư.
Để giữ độc quyền, triều đình Trung Quốc chỉ cho phép xuất khẩu tơ lụa, nghiêm cấm xuất khẩu giống tằm. Đế quốc Đông Roma sai 2 vị tăng lữ sang Trung Quốc học cách nuôi tằm ươm tơ. Sau đó, họ giấu trứng tằm trong chiếc gậy trúc, rồi chống gậy vượt đường xa vạn thẳm, đến năm 552, về được thành phố Constantinopolis.
Từ đó, người Đông Roma học được cách nuôi tằm ươm tơ của Trung Quốc. Thông tin trên trích theo cuốn “Thế giới 5000 năm” của Chu Hữu Chi (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, năm 2006).
Lịch sử thế giới đã chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh thương mại. “Rào thuộc địa” là chính sách của các nước lớn để tạo nên một vùng thị trường có tính chất bài ngoại. Năm 1932, nước Anh lập vùng kinh tế pound-block (khối đồng bảng Anh) nhằm thúc đẩy kinh tế trong Khối Thịnh vượng chung. Theo đó, các nước thuộc địa Anh được tập hợp thành một liên minh tự do thương mại, còn hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác ngoài khối bị đánh thuế nhập khẩu rất cao.
Nhật Bản cũng lập ra vùng kinh tế yen-block (khối đồng yên Nhật) bao gồm các vùng thuộc địa Triều Tiên, Đài Loan, Mãn Châu. Mỹ, Pháp, Đức cũng đều khoanh vùng thị trường bài ngoại cho riêng mình. Kết quả là thế giới bị chia rẽ thành nhiều khối (block) khác nhau được đặt tên theo đơn vị tiền tệ như bảng Anh, yên Nhật, mác Đức, đô la Mỹ... Cuộc chiến thương mại trở nên khốc liệt giữa các nước lớn, trước khi cuộc chiến súng đạn nổ ra.
Theo các tài liệu nghiên cứu về lịch sử giao thương thế giới, thương mại trực tiếp thúc đẩy sự thịnh vượng toàn cầu. Thông qua chuyên môn hóa, các quốc gia có thể tập trung sản xuất dựa vào lợi thế địa lý, khí hậu, và nền tảng tri thức khiến họ có thể làm hàng hóa tốt nhất, rồi đổi các hàng hóa đó lấy những mặt hàng được sản xuất tốt nhất ở một nơi khác.
Quy luật về lợi thế so sánh cho chúng ta biết rằng, sẽ tốt hơn nhiều nếu người Argentina nuôi bò, người Nhật sản xuất ô tô và người Ý tạo ra giày thời trang, so với việc từng quốc gia cố gắng tự cung tự cấp cả 3 mặt hàng đó.
Nhưng bản thân lợi thế so sánh cũng có mặt hạn chế khi bị thao túng thương mại. Thời Xuân Thu cách đây khoảng 2.700 năm, Tề và Lỗ (nay thuộc địa phận tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) là 2 nước láng giềng. Nước Lỗ có khả năng dệt lụa rất đẹp và bền. Quản Trọng là tể tướng nước Tề đã tâu Vua Tề Hoàn Công thực thi chính sách nhập khẩu thật nhiều lụa của nước Lỗ với giá cao. Người nước Lỗ rất vui mừng, nhà nhà đua nhau dệt lụa.
Việc trồng lúa gạo người nước Lỗ không cần làm vì có tiền từ bán lụa để mua gạo từ nước Tề. Đến một ngày, Quản Trọng thấy thời cơ đã đến bèn kiếm cớ không mua lụa từ nước Lỗ nữa. Người nước Lỗ đã lâu bỏ bê trồng lúa nên đói kém khắp nơi. Nước Lỗ từ đó suy yếu, rồi bị thôn tính, nước Tề trở thành bá chủ.
Với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, ngay sau nhậm chức lần hai, Tổng thống Donald Trump đã hành động quyết liệt nhất và thực dụng nhất nhằm duy trì địa vị bá chủ toàn cầu của nước Mỹ. Hạn chế tự do thương mại được ông sử dụng như một loại “vũ khí”. Xu hướng tự do hóa thương mại với đỉnh cao là sự ra đời của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 1995.
Mục tiêu của WTO là gỡ bỏ các hàng rào trong thương mại quốc tế, đưa thế giới trở thành “ngôi làng toàn cầu”, khi đó hàng hóa di chuyển giữa các quốc gia cũng như di chuyển trong nội địa, không gặp phải các rào cản thuế quan, các biện pháp quản lý nhập khẩu của các nước.
Nhiều năm liền, tự do hóa thương mại toàn cầu được Mỹ và các nước phương Tây cổ vũ. Nhưng với tính toán lợi ích quốc gia, câu chuyện đã dần thay đổi. Nếu như toàn cầu hóa hướng tới thương mại tự do hơn giữa các nền kinh tế thì chủ nghĩa đơn phương đi ngược lại xu hướng trên. Thay vì mở cửa, giảm bớt rào cản thì chủ nghĩa đơn phương dựng thêm các hàng rào, đánh thuế cao hàng hóa nhập khẩu. Tổng thống
D. Trump vừa tuyên bố sẽ đánh thuế rất cao hàng hóa từ những bạn hàng lớn của nước Mỹ. Ông Trump có thể đã học hoàng đế nước Đông Roma, hoặc có lẽ ông đang thể hiện quan điểm của các cựu thủ tướng Anh Henry Palmerston và Winston Churchill: Không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn./.








Các bài cũ hơn


