21/11/2024 | 14:43 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Sứ mệnh báo chí Việt Nam trong dòng chảy lịch sử và cách mạng

La Nguyễn Hữu Sơn
Sứ mệnh báo chí Việt Nam trong dòng chảy lịch sử và cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài nước tại Thủ đô Hà Nội, tháng 5-1968_Ảnh: TL
Sự nghiệp của Đảng và nhân dân gắn liền với dòng chủ lưu sức mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam, khởi đầu từ Báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra số đầu tiên ngày 21-6-1925. Tuy nhiên và trên thực tế, đồng hành với nền báo chí cách mạng còn có những chi lưu, đường biên, bên lề của không ít tổ chức báo chí yêu nước, tiến bộ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp của Đảng và nhân dân ta.

Cần chú ý tới sự khác biệt, trong khi nền báo chí cách mạng gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng, tôn chỉ, mục đích và nguyên tắc Đảng thì hệ thống báo chí Việt Nam nói chung ra đời ngay từ cuối thế kỷ XIX, vừa có phần giao thoa, thống nhất với nền báo chí cách mạng (đấu tranh giải phóng dân tộc, chống phong kiến, đế quốc; yêu cầu dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội...) lại vừa khác biệt (thiếu nguyên tắc tổ chức, thiếu định hướng chính trị, thiếu nền tảng tư tưởng công - nông - binh, thiếu tính triệt để, kiên quyết)... 

Nhờ sự ứng biến nhanh nhạy trước thời cuộc và năng lực tổ chức, tập hợp, tác động, tuyên truyền của đội ngũ nhà báo, trí thức, doanh nhân sát cánh cùng những người cộng sản mà nền báo chí Việt Nam vẫn có đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Trên tổng thể, ngay từ khi nền báo chí Việt Nam mới phôi thai xuất hiện với Gia Định báo (1865 - 1910), Phan Yên báo (1868), Đại Nam đồng văn nhật báo (1891 - 1907), Nam Kỳ nhựt trình (1897 - 1901), Nông cổ mín đàm (1901 - 1921)...; hoặc đan xen cả giai đoạn trước và sau khi dòng báo chí cách mạng chính thức xuất hiện (1925) với những Lục tỉnh tân văn (1907 - 1944), Nam Kỳ địa phận (1908 - 1945), Công luận báo (1916 - 1939), Nam Phong tạp chí (1917 - 1934), Phong hóa - Ngày nay (1932 - 1940), Đuốc tuệ (1935 - 1945), Tri tân (1941 - 1946)...; kể cả bộ phận báo chí tiến bộ miền Nam giai đoạn 1945 - 1975 theo nhiều sắc thái khác nhau với những Việt bút, Việt báo, Tân Việt, Văn hóa, Thế giới, Trung lập, Sài Gòn mới, Đối diện, Trình bày, Tia sáng, Tin văn, Thời đại, Bách khoa, Sử địa,... đều tích cực tham gia vào công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, chống xâm lược, đòi quyền tự do, dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội...

Có thể nói, hệ thống báo chí nằm ngoài tổ chức và sự lãnh đạo của Đảng qua các giai đoạn cơ bản đều chấp nhận sự chi phối của quy luật thị trường, vai trò chủ báo cá nhân, chế độ kiểm duyệt, tính chất dân chủ gắn với sự cạnh tranh và xu thế trục lợi, thậm chí “lá cải” câu khách... Nhìn chung, lịch sử báo chí Việt Nam có thể chia thành 3 giai đoạn lớn với sự phân khúc và đan xen nhiều đặc điểm khác biệt nhau.

Thứ nhất, nền báo chí từ khởi nguồn đến năm 1945 đặt dưới sự quản lý của chế độ thực dân, phong kiến, phần lớn là báo tư nhân gắn với tổ chức nghiệp đoàn, hội đoàn, văn đoàn, giáo giới và đội ngũ ký giả tự do, đa phần thuộc tầng lớp trí thức, nhà giáo giàu tiềm năng. 

Tiếng nói báo chí giai đoạn này kín đáo đề cao truyền thống dân tộc, khơi gợi tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm. Ở đây có thể kể đến nhà báo Phạm Quỳnh (1892 - 1945) có quan điểm ủng hộ mô hình chủ nghĩa quốc gia và chính thể Việt Nam tự trị dưới sự bảo hộ của người Pháp nhưng đặc biệt đề cao vị thế tiếng Việt và truyền thống văn hóa dân tộc.

Với vai trò chủ bút Nam Phong tạp chí, việc Phạm Quỳnh thực sự bị thuyết phục bởi nước Pháp “quả tim thế giới”, “khối óc văn minh”, “tinh hoa của văn hóa”, cảm nhận cần hướng theo nền kỹ nghệ và cơ cấu xã hội kiểu Pháp nhưng không dập khuôn máy móc một chiều, mong tìm ra phương hướng canh tân thích hợp, đề xuất việc học thành thục tiếng An Nam “nhiên hậu có thì giờ sẽ học đến tiếng ngoài”. 

Trước sau ông vẫn nhận mình thuộc hàng trí thức, chú trọng rung lên tiếng chuông trước quốc dân đồng bào và trước các nhà chức trách đương thời về quyền lợi dân tộc và tiến bộ xã hội, xứng đáng là nhà truyền bá văn hóa xuất sắc nửa đầu thế kỷ XX...

Với nhà báo Phan Khôi (1887 - 1959), từng cộng tác với báo giới khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam, nổi tiếng với tinh thần trung thực, phản biện, tranh luận và tranh đấu đòi giảm thuế, phê phán Khổng giáo cũng như vị thế người khơi nguồn phong trào Thơ mới (1932 - 1945)...

Trường hợp Hàn Mặc Tử (1912 - 1940) thường được xem là nhà thơ khởi xướng Trường thơ Loạn với lối thơ “lạ lùng”, “càng đi xa càng ớn lạnh” nhưng lại viết nhiều ký, ghi chép, phóng sự gắn với hiện tình đất nước và từng hoạ thơ với nhà chí sĩ yêu nước tiền bối Phan Bội Châu, có giảng luận về tập truyện “Kép Tư Bền” giàu sắc thái hiện thực của Nguyễn Công Hoan và từng giới thiệu chân dung Karl Marx thi sĩ trên Báo Công luận (Sài Gòn, số 6825, ra ngày 4-5-1935, tr.5)...

Ở đây cần nhấn mạnh sự thật, kể từ khi dòng báo chí cách mạng ra đời (1925), mặc dù hoạt động bí mật và nửa bí mật, đã ngày càng tác động vào bộ phận báo chí công khai, chung sức hướng đến thành quả cách mạng mùa thu 1945.

Thứ hai, nền báo chí 1945 - 1975 phát triển ở vùng tạm chiếm Hà Nội (1945 - 1954) và đô thị miền Nam bước vào thời kỳ chuyên nghiệp hóa cao, ngày càng ý thức về sức mạnh ngôn luận “quyền lực thứ tư”. 

Qua suốt chặng đường dài, tại miền Nam đã xuất hiện nhiều chủ bút, ký giả (Nguyễn Kim Bắc, Hồ Văn Huê, Nguyễn Kỳ Nam, Châu Vĩnh Thạnh, Tô Thị Thân; Thẩm Thệ Hà, Thanh Lộc, Trần Ngọc Sơn, Anh Tín, Phạm Thế Tuyền; Trương Bá Cần, Lý Quý Chung, Nguyễn Ngọc Lan, Châu Tín, Lý Chánh Trung),... đã dũng cảm phơi bày thực trạng xã hội, nói lên tiếng nói chính nghĩa, ủng hộ kháng chiến và công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, phù hợp với đường lối cách mạng của Đảng và nhân dân...

Ngay từ năm 1946, báo giới yêu nước Sài Gòn đã sớm liên kết thành lập đoàn “Báo chí thống nhứt” do Lê Thọ Xuân (1904 - 1978) làm chủ tịch với chương trình hành động cụ thể (đấu tranh vì độc lập dân tộc, yêu cầu thương thuyết với Chính phủ Hồ Chí Minh và tôn trọng Hiệp định sơ bộ 6-3-1946...). 

Sau này, dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa (1955 - 1975), báo chí phân hóa theo nhiều tổ chức chính trị, đảng phái và lực lượng đối lập bị bắt bớ, truy tố, báo bị đình bản, tịch thu, phạt nặng... Vượt qua thời thuộc địa, báo chí công khai ở miền Nam giai đoạn này cơ bản hoạt động hướng theo quy luật thị trường, phát triển tư nhân, phân hóa và phân cực đảng phái, đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu.

Thứ ba, lịch sử báo chí Việt Nam cho thấy đội ngũ nhà báo luôn đứng về phía chính nghĩa dân tộc, quyền lợi nhân dân và xu thế tiến bộ xã hội. Điều có ý nghĩa quyết định chất lượng và tiến trình nền báo chí Việt Nam chính là nhờ ở sự xuất hiện của dòng chủ lưu báo chí cách mạng vừa đóng vai trò hạt nhân vừa định hướng, tác động, lan toả tới các chi phái truyền thông báo chí khác. 

Có thể thấy đây là mối quan hệ qua lại nhưng nền tảng tư tưởng vô sản ngày càng thể hiện sức mạnh, sức hấp dẫn và động lực thúc đẩy đời sống báo chí phát triển.

Từ nguồn sáng Báo Thanh niên (1925) đã dần mở rộng khả năng tuyên truyền, phối hợp, liên kết, đoàn kết, gây dựng thành các phong trào Vô sản hóa, Đông Kinh nghĩa thục, Hội Văn hóa cứu quốc, Mặt trận Bình dân, Mặt trận chống phát xít, Mặt trận Việt Minh... 

Dòng chủ lưu báo chí cách mạng đã dần lôi cuốn, hấp dẫn ngay cả đội ngũ văn nghệ sĩ từng có thời gian dài gắn bó với tổ chức Tự lực văn đoàn và Báo Phong hóa - Ngày nay (Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Huy Cận, Chế Lan Viên...), giúp họ chuyển hóa, nhập cuộc nền văn nghệ cách mạng.

Thêm nữa, nhiều loại báo chí vào đêm trước Cách mạng Tháng Tám 1945 (Tri tân, Thanh nghị, Phóng sự, Nam Kỳ tuần báo, Đại Việt tập chí...) cũng nhấn mạnh tinh thần yêu nước, gia tăng các tác phẩm thơ ca, truyện, kịch viết về truyền thống anh hùng, danh nhân văn hóa, thúc đẩy toàn dân hướng tới nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc. 

Mối quan hệ giữa dòng chủ lưu báo chí cách mạng và các chi lưu tiếp tục phát triển qua các giai đoạn cho đến ngày đất nước thống nhất và Đảng nắm quyền lãnh đạo tuyệt đối, sâu sắc, toàn diện nền báo chí.

Trải qua trường kỳ lịch sử, sứ mệnh nền báo chí Việt Nam luôn gắn bó mật thiết với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, trong đó gắn kết trước hết với nền báo chí cách mạng. Trưởng thành cùng đất nước, các chi lưu ngày càng thống nhất, hội nhập, hòa nhập trong dòng chủ lưu báo chí cách mạng, hướng tới những nguyên tắc hoạt động và xu thế phát triển ngày càng chuyên nghiệp, vững mạnh hơn./.

14 March 2024
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)