Đạo lý ngoại giao Hồ Chí Minh
Xuân OanhQuan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác ngoại giao, về cách nhìn và cách xử sự trong ngoại giao, không thể định nghĩa như một quan điểm chính trị hay triết học, mà là kết quả của rất nhiều nhân tố hợp lại trong một con người, trong một thời kỳ lịch sử... Trong lĩnh vực ngoại giao và trong quan hệ giữa các nước, các dân tộc, ngoài cái cách mà Bác Hồ đã từng chứng minh trong hoạt động của Người thì hầu như không thể có cách nào khác đúng hơn và tốt hơn để giải quyết các mối bất hòa, các mâu thuẫn và xung đột, mà cách ấy chỉ có thể là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng nó lên một trình độ “nghệ thuật”.
Trong cuộc sống và trong bất kỳ lĩnh vực hoạt động khoa học, nếu chưa đạt được tới trình độ “nghệ thuật” thì không thể phát huy được tác dụng, cũng như chưa thể đi được vào lòng người. Riêng trong lĩnh vực ngoại giao, đòi hỏi phải đạt trình độ nghệ thuật nhiều hơn một số lĩnh vực khác vì nó liên quan đến lợi ích của cả một quốc gia, dân tộc, thậm chỉ cả khu vực. Nghệ thuật là sự biểu hiện ở mức độ cao nhất cái tinh túy, hồn cốt, chất sâu lắng của một loại hoạt động chính trị xã hội, trong đó có hoạt động ngoại giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho công tác ngoại giao, một công việc bình thường và tất yếu của bất cứ quốc gia, dân tộc nào trong quan hệ với các nước khác, trở thành một công việc có sức hấp dẫn, lôi cuốn, điều mà trong lịch sử ngoại giao của nhiều thời đại, nhiều triều đại, hiếm có trường hợp nào tương tự.
Trong suy nghĩ và hành động của Bác Hồ, ngoại giao được sử dụng như một phương tiện nghệ thuật để thực hiện mục đích chính trị nhất định, hoàn toàn không có ranh giới phân biệt đâu là Nhà nước, đâu là nhân dân. Thực tế, chính việc Chủ tịch Hồ Chí Minh nâng công tác ngoại giao lên một trình độ nghệ thuật, vô hình trung đã xóa bỏ được ranh giới cố hữu do các nền ngoại giao phong kiến, tư sản được tạo nên qua nhiều thế kỷ. Và cũng chính việc xóa bỏ ranh giới này đã làm cho chính trị đối ngoại vào được trái tim của con người và phát huy được tác dụng. Có thể nói, khả năng thuyết phục trong mỗi lời nói và cử chỉ của Bác Hồ đối với bất cứ đối tượng nào, từ các lãnh tụ, nguyên thủ quốc gia, chính khách, đến người dân bình thường, với tất cả mọi người, ở mọi nước,... là có một không hai. Trong lịch sử ngoại giao và quan hệ giữa các nước, hiếm có được một người mà khi hoạt động ngoại giao, lại có thể chiếm được trái tim và khối óc của mọi người, kể cả bạn hay thù, và đọng sâu trong lòng người như Bác Hồ.
Tôi chắc trong chúng ta, nhiều người đã từng nghe nói đến câu chuyện về một bà nội trợ nghèo ở bang Missouri (Mỹ), sau khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đã viết một bức thư gửi nhân dân Việt Nam, trong đó nhấn mạnh: “cứ mỗi thế kỷ, Thượng đế chỉ sinh ra một con người đặc biệt ưu tú để trao con người ấy cho một dân tộc nào đó. Thế kỷ này, Thượng đế chỉ sinh ra một người là Hồ Chủ tịch và trao cho nhân dân Việt Nam vinh dự được có con người ấy. Nay Hồ Chủ tịch đã qua đời, lại phải mất một thế kỷ nữa, Thượng đế mới lại sinh ra được một người tương tự”... Tại sao bà lại có được những suy nghĩ rất thần thánh về Bác Hồ như vậy nếu không phải là những hoạt động ngoại giao của Người dường như tạo nên thần giao cách cảm, xuyên qua hàng triệu con người để đến một con người, để cùng chia sẻ niềm vui hay nỗi đau. Ngoại giao đạt tới trình độ như vậy, nếu gọi là nghệ thuật cũng chưa đủ, mà có thể được coi là siêu phàm.
Nhạc sĩ Xuân Oanh - dịch giả, nhà báo, người sáng tác hàng trăm ca khúc trong đó có bản hùng ca nổi tiếng “Mười chín Tháng Tám”. Ông từng làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, tham gia vào các hoạt động hòa bình - đoàn kết - hữu nghị, vận động nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến, kiến quốc... |
Nếu so sánh với những nhân vật ngoại giao nổi tiếng, những nhà lãnh đạo tên tuổi trong lịch sử Đông - Tây, chúng ta có thể thấy Hồ Chí Minh có những nét độc đáo riêng mà không ai có được. Trong mỗi cử chỉ và lời nói của Bác Hồ đều toát lên những điều tưởng như mâu thuẫn: rất dân tộc nhưng cũng rất quốc tế, rất phương Đông nhưng cũng rất phương Tây, rất truyền thống nhưng cũng rất hiện đại, rất khẩn trương nhưng cũng rất thong dong, rất cởi mở nhưng cũng rất kín đáo, tế nhị, rất cao siêu nhưng cũng rất giản dị, dễ hiểu... Nói cách khác, trong con người và trong các hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh có một sự thống nhất của nhiều hệ thống, nhiều phạm trù, nhiều mâu thuẫn, và sự thống nhất ấy nhuần nhuyễn đến mức trở thành lẽ tự nhiên như chính cuộc sống vậy.
Trong lịch sử ngoại giao và quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc, đã có biết bao nhân vật xuất chúng đã trở thành truyền thuyết. Có người chỉ một lời nói đã có sức mạnh bằng mấy binh đoàn thiện chiến, có người chỉ một cái trở tay là xoay chuyển được tình thế, biến nguy thành yên, có người am hiểu thiên kinh vạn quyển, thông minh hùng biện đến mức chỉ hé một câu cũng đủ khuất phục đối phương... Nhưng dường như chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh mới toát lên được điều này: làm cho cả bạn bè lẫn đối phương thêm phần yêu mến, tin cậy, làm cho những con người cao cả và con người bình thường đều bị thuyết phục, trở nên gần gũi, chia sẻ và thông cảm với nhau; lấy cái tình mà đối đãi với nhau và coi đó là nằm trong chính lợi ích quốc gia - dân tộc của mình, tạo nên một sự cao quý trong tư tưởng và tình cảm đến mức đẩy lui được cả những mâu thuẫn về chính kiến và giai cấp, sẵn sàng hợp tác với nhau...
Trong các văn kiện tài liệu lịch sử, kể cả sách báo của phương Tây, hình như chưa ai gọi Bác Hồ là “nhà ngoại giao”. Quan sát và phân tích kỹ những lời nói, cử chỉ và hành động của Người trong nhiều trường hợp, không thể tìm được đâu là dấu vết của ngoại giao thực thụ, bởi ngoại giao đã được nâng lên thành nghệ thuật.
Tôi nghĩ cái “siêu phàm” của Hồ Chí Minh trong hoạt động cách mạng, cộng với tất cả những tinh hoa của dân tộc, kết hợp với những tinh hoa của các nền văn hóa Đông - Tây, hội tụ trong Hồ Chí Minh và tạo nên một phong cách ngoại giao rất nhân văn, rất con người.
Công tác ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở mọi trường hợp long trọng, nghiêm trang hay bình thường, trong không khí căng thẳng nhất hay thân mật, hữu nghị, với đối tượng gần hoặc xa, hết thảy đều nói lên điều cơ bản và cốt tử này, đó là lấy tình người đối đãi với người, bất kể con người ấy thuộc dân tộc, giai cấp, đẳng cấp nào, thuộc chính trị tâm lý hay tôn giáo nào. Tình người, lòng nhân ái chính là điều cần thiết nhất, cơ bản nhất và cũng là “chính trị” nhất để làm cho công tác ngoại giao phát huy tác dụng.
Tôi xin kể lại vài câu chuyện để minh chứng Bác Hồ đã thể hiện quan điểm của Người trong một số trường hợp phải “ngoại giao” như thế nào.
Những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ XX, đoàn đại biểu đầu tiên của ta gồm nhiều thành phần, mặt trận, đảng phái, đoàn thể,... được cử tham dự Đại hội Hòa bình thế giới. Đồng chí phụ trách đoàn lúc đó trình bày với Bác Hồ về ý nghĩa và mục đích của đoàn, nói đây là một đoàn “ngoại giao nhân dân” đi đấu tranh để nêu cao chính nghĩa của ta. Bác nghe một hồi rồi mỉm cười nói: “thế ra các cô các chú đi làm ngoại giao đấy. Bác tưởng các chú đi gặp người ta giải thích vận động để người ta hiểu và ủng hộ mình, chứ đi làm ngoại giao để làm gì?”. Bác thấy mọi người có vẻ lúng túng, bèn ôn tồn nói: “việc ta làm là đúng, nhưng không phải ai cũng cho là đúng, vì vậy phải giải thích cho từng người biết ta đúng như thế nào, họ có hiểu được thì mới ủng hộ. Chứ còn làm ngoại giao là đi thuyết người ta thì khó đấy”.
Năm 1957, lần đầu tiên có một đoàn nghị sĩ Anh sang Việt Nam theo lời mời của Mặt trận Tổ quốc. Trong chương trình đoàn, có một buổi được Bác tiếp chuyện trong Phủ Chủ tịch. Bất ngờ, gần đến giờ tiếp, Bác chỉ thị bố trí để Bác tiếp khách ở ngoài vườn. Chưa từng có cuộc tiếp nào ở ngoài vườn như thế, mà đây lại là một đoàn nghị sĩ từ nước tư bản. Nhưng cuộc gặp gỡ với Bác đã trở thành điều hết sức thích thú và phấn khởi đối với đoàn nghị sĩ Anh. Thư ký đoàn nghị sĩ Anh nói: “các nhà ngoại giao phương Tây ít ai biết quan tâm đến tâm lý khách. Họ trịnh trọng, nghiêm nghị, tự gò bó mình trong những thủ tục và cung cách ngoại giao, luôn luôn tạo nên một bức tường ngăn cách giữa khách với chủ, chẳng làm thế nào mà hiểu nhau được. Cuộc gặp gỡ với Hồ Chủ tịch ở ngoài vườn cho chúng tôi một bài học: muốn đạt được mục đích của ngoại giao thì không nên làm ngoại giao. Tức là làm chính trị nhưng không ai biết đó là chính trị mới giỏi”.
Bà Isabelle Blume - đồng Chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới - từng nói với tôi: “chỉ một cử chỉ của Chủ tịch như thế này đủ khiến phong trào chúng tôi yêu mến Người tới muôn đời, và có bảo chúng tôi nhảy vào lửa để làm bất cứ gì ủng hộ Việt Nam, chúng tôi cũng sẵn sàng”.
Từ vài câu chuyện trên đây, trong muôn nghìn câu chuyện và ví dụ về Hồ Chí Minh đã “làm ngoại giao” như thế nào, cho thấy Người đã có cả một hệ thống quan điểm riêng biệt và độc đáo về ngoại giao, đó là sự “kết hợp một cách linh hoạt, sáng tạo và có hiệu quả giữa ngoại giao nhà nước với ngoại giao nhân dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dùng trí tuệ cao thâm của mình là kết quả của một sự hiểu biết rộng lớn và sâu sắc về dân tộc mình và các dân tộc khác, cộng với tấm lòng nhân ái không bờ bến đối với mọi con người, không kể họ từ đâu đến và mang những tư tưởng gì, để đối đãi bằng tình người, đem những điều đó áp dụng vào công tác ngoại giao, lấy đó làm phương tiện và mục đích nâng cao giá trị tư tưởng và hành động của người khác, khiến người khác tự thấy mình có một tầm vóc cao hơn trước, nếu không phải là thay đổi thì cũng đã tăng thêm trong mình cái “thiện” ... Tôi cho rằng nếu ai và ở đâu cũng hiểu được cái đạo lý ngoại giao của Hồ Chủ tịch và thực hành cái đạo lý ấy, thì sẽ chẳng có mâu thuẫn, xung đột hay bất hòa nào mà không giải quyết được.../.