21/11/2024 | 16:31 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Đệ nhất nhẫn nhục

Dư Hồng Quảng

Vậy những người nhịn nhục, nhẫn nhục, quỳ gối bằng cách nào mà bước vào lịch sử? Sử xanh có công bằng không khi chép lại những câu chuyện về họ?

Trong quan niệm xưa nay, kẻ sĩ thà chết chứ không chịu nhục. Bao tấm gương lưu truyền sử xanh ngàn đời tôn thờ những bậc trượng phu “tuốt gươm không chịu sống quỳ”. Vậy những người nhịn nhục, nhẫn nhục, quỳ gối bằng cách nào mà bước vào lịch sử? Sử xanh có công bằng không khi chép lại những câu chuyện về họ?

Thời Tam Quốc bên Trung Quốc, nếu không gặp cản trở từ Tư Mã Ý thì Gia Cát Lượng đã thu phục trung nguyên, phục hưng Hán thất. Theo Gia Cát Lượng, cái tài của Tư Mã Ý là phòng thủ. Người này không giỏi công thành nhưng lại là “cổ kim đệ nhất thủ”. Quân Thục tiến hành Bắc phạt xa xôi, lương thảo có hạn, nên Gia Cát Lượng muốn đánh nhanh thắng nhanh. 

Ngược lại, Tư Mã Ý lệnh cho quân Ngụy thủ thành, không ra đánh. Người Trung Quốc xưa vốn trọng nam khinh nữ. Không còn cách nào dụ địch, Gia Cát Lượng gửi bộ váy lụa đàn bà kèm một bức thư nói nếu Tư Mã Ý không dám ra đánh thì nên mặc váy đàn bà, đừng làm Đại đô đốc nữa. Quân Ngụy không chịu được nỗi nhục này, gào thét đòi đánh. Nhưng Tư Mã Ý không cho. Ông thản nhiên mặc bộ váy đàn bà đỏ xanh sặc sỡ. Ông đã nhịn được nỗi nhục mà ba quân không thể nhịn. Nhịn nhục chính là trí tuệ hơn người của Tư Mã Ý. Cuối cùng, ông là người chiến thắng, đặt nền móng cho con cháu phạt Thục, diệt Ngô, xóa bỏ cục diện Tam Quốc, lập ra triều đại nhà Tấn.

Trước đó, thời nhà Tần ở Trung Quốc cũng ghi lại một câu chuyện nhịn nhục ghê gớm. Sách “Hán Sở tranh hùng” (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, năm 2009) kể lúc bấy giờ, Hàn Tín là một thanh niên bụng đầy hoài bão, lưng đeo kiếm dài nhưng còn lận đận long đong. Một kẻ làm nghề mổ lợn thấy thế thì muốn làm nhục Hàn Tín. Hắn nói Hàn Tín đeo kiếm nhưng nhát gan. Hắn thách thức Hàn Tín nếu không dám dùng kiếm giết hắn thì phải chui qua háng của hắn mới được ra khỏi chợ. Với võ nghệ của Hàn Tín thì tên đồ tể này không phải là đối thủ. 

Nhưng kỳ lạ thay và thất vọng thay, trước nghìn con mắt giữa chợ đông, Hàn Tín đã bò xuống đất, chui qua háng tên đồ tể. Mang nỗi nhục nhã này, Hàn Tín sau đó đầu quân cho Hạng Vũ nhưng không được để ý. Hàn Tín bỏ Hạng Vũ, theo Lưu Bang nhưng cũng chẳng được coi trọng. May có Tiêu Hà nhìn ra tài năng của Hàn Tín, hết sức tiến cử, cuối cùng chàng trai chui háng giữa chợ được Lưu Bang trọng dụng, bái làm Đại tướng quân. Là vị tướng cầm quân chưa từng thua trận trong lịch sử Trung Quốc, Hàn Tín giúp Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, lập ra triều đại nhà Hán.

So với chuyện Hàn Tín và Tư Mã Ý, câu chuyện dưới đây mới là nhịn nhục phi thường, là “Trung Hoa cổ kim đệ nhất nhục”, mà cũng là có một không hai trong lịch sử loài người. Sách “Đông chu liệt quốc” (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, năm 1988) ghi rằng sau khi thua trận, Vua nước Việt là Câu Tiễn định giết hết vợ con rồi sẽ tự sát. Sau ông không tự sát, chịu bị bắt sang nước Ngô làm tù nhân. Vua Ngô là Phù Sai bắt Vua Việt kéo xe cho mình chạy khắp nơi để ra oai với thiên hạ. Câu Tiễn và vợ con cùng nhẫn nhục làm nô lệ ở nước Ngô. 

Phù Sai sau khi đánh bại nước Việt, cho rằng mình mạnh nhất, càng thêm kiêu ngạo, mải ăn chơi hưởng lạc, tửu sắc quá độ mà bị ốm nặng. Câu Tiễn nhìn thấy cơ hội. Một lần Vua Ngô đi đại tiện xong, Câu Tiễn bèn xin nếm phân để đoán bệnh. Câu Tiễn nói: “kẻ tù tội này nghe xưa có người y sư dạy phân là cốc vị (vị của ngũ cốc). Nếu thuận khí trời thì sống, nghịch thì chết. Nay tôi nếm phân của đại vương, thấy vị đắng mà chua, rất hợp với thời tiết xuân hạ giao mùa. Vì vậy, bệnh của đại vương sẽ chóng khỏi”.

Vua Ngô Phù Sai thấy Câu Tiễn nếm phân cho mình, ngạc nhiên và cảm động. Vả lại cũng nghĩ, con người ta đã hèn hạ, nhục nhã đến mức nếm phân rồi thì không còn chí khí nữa, nên tha cho Câu Tiễn về nước Việt. Để không quên mối thù với nước Ngô, Câu Tiễn đêm nằm trên đống củi gai để không ham ngủ, trước khi ăn đều nếm mật đắng để không ham ăn, dành trọn tâm trí tìm cách báo thù (điển tích “nếm mật nằm gai”). Sau mấy năm vỗ về trăm họ, nuôi dưỡng quân đội, năm 473 Trước công nguyên, Việt vương Câu Tiễn đánh nước Ngô, bắt sống Vua Ngô Phù Sai. Phù Sai không chịu nổi nhục nhã, rút gươm tự sát.

Trước đó, khi Câu Tiễn bị bắt làm tù nhân của nước Ngô, nhục nhã ê chề, sống không bằng chết. Người bình thường nghĩ “chết trong còn hơn sống đục”. Câu Tiễn sống nhục mà không tự sát, đủ thấy bản lĩnh phi thường. Đúng là muốn làm được việc khác người thì phải dám làm cái mà người khác không thể làm./.

12 October 2023
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)