20/05/2024 | 18:37 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Hoa ban - “kiệt tác” của núi rừng Tây Bắc

Trương Hữu Thiêm
Hoa ban - “kiệt tác” của núi rừng Tây Bắc Một góc thành phố Điện Biên Phủ hôm nay_Ảnh: Hữu Thiêm
Nói đến hoa ban, người ta thường nhớ về Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung. Đây là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, gắn với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Vùng đất biên cương anh hùng và thơ mộng này luôn được điểm trang mỗi mùa ban nở, từ lâu đã thấm sâu trong tiềm thức của bà con các dân tộc trên địa bàn.

Không chỉ đi vào truyền thuyết, hoa ban còn xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày qua ca dao, tục ngữ, những điệu dân vũ, qua những đường nét hoa văn giàu biểu cảm trên trang phục các dân tộc thiểu số...

Những ngày này, dù rất bận rộn với việc chuẩn bị nội dung cho show diễn thực cảnh và giới thiệu huyền tích, lịch sử và các vũ điệu dân gian đặc sắc, văn hóa dân gian dân tộc Thái tại khu du lịch khoáng nóng bản U Va (xã Noong Luống, huyện Điện Biên), ông Nguyễn Đăng Quang vẫn dành cho chúng tôi nửa giờ trò chuyện không chỉ với tư cách nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Điện Biên, mà còn với vai trò của người nhiều năm tham gia viết kịch bản văn học cho lễ hội hoa ban tại Điện Biên.

Bằng sự trải nghiệm của một người có thâm niên 35 năm công tác trong ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ông Quang cho biết: nhằm định vị thương hiệu du lịch, với tiêu đề “Về miền hoa ban”, các đồng chĩ lãnh đạo tỉnh chủ trương tổ chức lễ hội hoa ban thường niên vào mỗi dịp hoa ban nở, gắn với kỷ niệm ngày mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ (13-3). 

Đây là chủ trương phù hợp với nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, góp phần quảng bá, giới thiệu về hình ảnh hoa ban nói riêng, vẻ đẹp của mảnh đất - con người Điện Biên nói chung, đến đông đảo bạn bè trong nước, khu vực và rộng ra là quốc tế.

Ông Quang có một sự ví von không chỉ lý thú mà còn rất hợp với một cán bộ làm công tác quản lý của ngành văn hóa: “năm xưa cha anh đã hy sinh xương máu để làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu”, thì giờ thế hệ hậu sinh chúng ta cũng đưa hình ảnh của hoa ban Điện Biên Phủ “đến với năm châu”. 

Xuất phát từ ý tưởng đó nên năm 2024, Lễ hội hoa ban Điện Biên được tổ chức với quy mô 8 tỉnh Tây Bắc tham dự (thay vì 10 đơn vị trong tỉnh như mọi năm). Đi xa hơn, trong tương lai là các lễ hội hoa ban Điện Biên, với sự tham dự của đại diện đến từ các tỉnh Bắc Lào và vùng Vân Nam (Trung Quốc).

Lễ hội “Về miền Hoa ban” chính là điểm nhấn nhằm tôn vinh và giới thiệu với đông đảo công chúng sức quyến rũ kỳ diệu của thiên nhiên, cảnh vật, con người và phong tục, tập quán vô cùng hấp dẫn của đồng bào các dân tộc. Đồng thời, cũng là lời gọi mời trìu mến, chân thành mọi người hãy đến để góp sức, chung tay xây dựng Điện Biên thành trung tâm phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Tây Bắc, xứng đáng với tiềm năng, tầm vóc, ý nghĩa và truyền thống của vùng đất biên cương anh hùng, nơi chung sống hàng nghìn đời nay của đồng bào 19 sắc tộc thiểu số.

Tại trụ sở Đoàn Nghệ thuật “Hoa Ban Trắng” tỉnh Điện Biên, nghệ sĩ ưu tú, trưởng đoàn Điêu Khánh Thực - người từng đảm nhiệm vai trò tổng đạo điễn và chỉ huy nghệ thuật nhiều chương trình khai mạc (và cả bế mạc) lễ hội hoa ban ở Điện Biên - chia sẻ: “tôi chính gốc người Thái và lại là phụ nữ, nên hơn ai hết, tôi muốn thổi hồn, muốn hóa thân vào nhân vật huyền thoại “nàng Ban”. Đây là người phụ nữ có số phận, có tính cách và cao hơn hết là dám chống lại cường quyền để bảo vệ sự trinh bạch, bảo vệ phẩm hạnh và bảo vệ tình yêu”.

Dường như để chứng minh cho những “luận cứ” của mình, nghệ sĩ ưu tú Điêu Khánh Thực nói mà cứ như lý giải: trong không khí của ngày hội xuân, hình ảnh chiếc khăn piêu duyên dáng không thể thiếu trên đầu các thiếu nữ. Chiếc khăn piêu không chỉ mang biểu tượng tinh thần, là đồ trang sức của phụ nữ Thái, dân tộc Thái mà nó còn rất nhiều hữu ích trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người Thái. 

Mỗi chiếc khăn là một câu chuyện thể hiện qua họa tiết, sắc màu để nói lên tâm tư, tính cách của mỗi người phụ nữ. Ai đã lên Tây Bắc đều không khỏi thẫn thờ trước những cô gái Thái trong trang phục truyền thống với áo cóm, váy đen, dây xà tích sáng trắng trễ xuống bên hông...

Ngay từ nhỏ, người con gái Thái được các bà, các mẹ dạy cách thắt “xài yêu”, một loại thắt lưng bằng vải, để lớn lên các cô đều có thân hình thắt đáy lưng ong. Chính vì vậy khi trưởng thành, các cô gái Thái đều uyển chuyển với những đường cong hoàn hảo, tuyệt mỹ. 

Hàng cúc chất liệu bằng bạc mang hình con bướm “mák pém” cách điệu trên áo cóm, cũng có tiếng nói và ý nghĩa nhân sinh rất tinh tế. Một bên là hàng cúc hình bướm đực, một bên là hàng cúc hình bướm cái, ngoài ý nghĩa mỹ thuật còn ý nghĩa tâm linh. Phải chăng thế mà phụ nữ Thái ở lứa tuổi nào cũng có một cơ thể cân đối, gợi cảm và càng nổi bật hơn khi mặc trang phục của chính dân tộc mình?

Về miền hoa ban, mời quý khách cùng lắng nghe núi rừng kể về truyền thuyết hoa ban. Đó là mối tình trắc trở giữa chàng Khum (có thuyết là chàng Khun) và nàng Ban. Họ chính là hiện thân do đấng sinh thành - đất mẹ Mường Then nuôi dưỡng. Song để đến được với nhau, tình yêu của họ phải trải qua bao bão tố, trắc trở. 

Nhưng rồi cái chính nghĩa, sự yêu thương nồng nàn, chân thành, với trái tim khát khao mãnh liệt, cuối cùng tình yêu của họ đã được đền đáp - họ đến với nhau trong sự bất tử, kết tinh thành đóa hoa ban xinh đẹp, tượng trưng cho khát vọng của con người về tình yêu, cao hơn mọi lễ giáo, định kiến, hóa giải mọi trở ngại, nguy nan, dối lừa và bất công trong cuộc sống đời thường.

Trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dọc đường hành quân của những chiến sĩ “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc” (thơ Quang Dũng), dưới những làn mưa bom bão đạn, nhành hoa ban thơ mộng vẫn cùng các chiến sĩ ướp lòng mình vào từng trang nhật ký, từng phong thư gửi về hậu phương. 

Màu trắng hoa ban với nhụy như sợi chỉ tím mong manh là vậy, vẫn kết chặt những mối ân tình hậu phương - tiền tuyến. Nghe nói ngày quân ta khai hoả trận đánh lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” tròn 70 năm trước (13-3-1954), đâu đó trên các triền núi Khâu Lệnh, Pú Hồng Mèo trong thung lũng Mường Thanh (thành phố Điện Biên hiện nay), những cành hoa ban đài các vẫn nở rộ trong mùi khói bom khét lẹt, trong tiếng hô xung phong trầm hùng của những người lính Việt Minh “đi trả thù mà không sợ dài lâu”.

Để khép lại bài viết này, chúng tôi xin lược dẫn lời bình của đêm khai mạc Lễ hội về miền Hoa ban 2024: chuyện tình hoa ban là một “kiệt tác” nhân tạo kết hợp khéo léo cùng thiên tạo của núi rừng Điện Biên - Tây Bắc; ở đó, chim rừng quên hót, gió như ngừng thổi, chỉ còn xanh ngắt những con mắt lá của hoang dã đại ngàn. 

Không biết có phải từ khi các cô gái Thái khỏa mình trong dòng nước biếc sau mỗi buổi đi nương, dòng nước mát lành trả lại làn da trắng ngần của mẹ, của cha và tinh hoa của sơn tuyền hun đúc bao đời mới có được? Thực đấy mà ảo đấy, các cô hồn nhiên té nước, dưới ráng chiều bảng lảng sau dãy núi mờ xa bạt ngàn hoa ban. 

Từ những bàn tay như nụ ban tỏa ra muôn ánh cầu vồng lấp lánh; đúng như nhà thơ Trần Mạnh Hảo từng viết: “Hoa ban nở thành người con gái Thái/ Đám mây bay trong thau nước gội đầu... Nơi con thác giữ nụ cười em lại/ Tiếng Thái thương như cầm được giữa tay mình...”./.

27 March 2024
Tản văn
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)
Dừng chân (06/04/2024 16:59:15)