26/04/2025 | 08:11 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Cỗ cúng và quá trình phát triển cư dân Vĩnh Phúc thuở xa xưa

Bùi Đăng Sinh
Cỗ cúng và quá trình phát triển cư dân Vĩnh Phúc thuở xa xưa Mâm cỗ chay ở xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc_Ảnh: TL
Cỗ cúng thực ra cũng là một loại lễ vật dâng cúng, nhưng được sắp xếp bên nhau theo một dụng ý, phục vụ một đối tượng, một yêu cầu hay nhiều yêu cầu. Tùy mức độ hoàn chỉnh khác nhau, người ta làm thành những loại cỗ, những loại mâm cúng khác nhau.

Từ những lễ vật đơn lẻ tiến tới cỗ cúng, mâm cúng chính là quá trình hoàn thiện dần dần đời sống con người Việt cổ trên đất Vĩnh Phúc, thông qua quá trình hoàn chỉnh lễ vật về mặt số lượng và chất lượng. Lễ vật trên mâm cúng không chỉ phản ánh nhu cầu của đối tượng được suy tôn, mà còn phản ánh tài năng của người lao động trong quá trình sáng tạo sản phẩm (trồng trọt, chăn nuôi) và chế biến sản phẩm (làm cỗ, bày cỗ) để đời sống không ngừng được nâng cao. Có 2 loại cỗ cúng là cỗ chay và cỗ mặn. Do khả năng chế biến bột, trộn bột với đường và mật ong, mật mía, người ta có hàng loạt loại bánh. Đồng thời, với sự phát triển của Phật giáo (có ở Việt Nam từ thế kỷ X, đến nay đã hơn 1.000 năm), cỗ cúng của chùa quy định chặt chẽ, không sát sinh, cỗ chay vì thế đã định hình. Ở Vĩnh Phúc có nhiều loại cỗ chay, nhưng đều nằm trong mô hình chung nhất là: hương, hoa, bánh, trái (trái cây), hoặc hương, hoa, oản, quả.

Cỗ chay ngoài các thứ bắt buộc phải có như hương, hoa, trầu, cau, trái cây, rượu mộng (rượu nếp không chưng cất) còn chủ yếu là các thứ bánh. Nhiều địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc có tục lệ thi bánh, đa số là thi bánh dày (làng Yên Thư, huyện Yên Lạc), một số nơi thi bánh nẳng (xã Đôn Nhân, huyện Lập Thạch), bánh ót (có nơi gọi là bánh út, bánh ít). Trong sinh hoạt của người dân, ta thấy có nhiều thứ bánh. Nếu bày một mâm cho đủ các thứ bánh dân tộc truyền thống, hẳn cũng rất phong phú và gợi cảm. Dù bao nhiêu thứ bánh mặc lòng, bánh chưng và bánh dày vẫn là 2 thứ bánh Tiên chỉ (đứng đầu) trong làng bánh Việt Nam (vừa là thứ bánh của truyền thuyết Lang Liêu, vừa là 2 loại bánh ngon, đến tận ngày nay vẫn được dùng nhiều). Nhưng bánh chưng chỉ làm lễ vật tế thần linh mà không thi. Còn bánh dày vừa được coi là bánh đầu vị trong tế lễ thần linh do tính chất tinh khiết của nó, vừa được đem ra thi tài bếp núc. Bánh dày bày vào cỗ chay, cỗ mặn đều được.

Nói đến cỗ chay, người Vĩnh Phúc hay nói đến cỗ chay ở xã Thượng Trưng (huyện Vĩnh Tường). Cỗ chay ở đây ngoài các loại bánh, oản, mâm cỗ còn được trang trí bằng nhiều loại hoa, quả. Thượng Trưng thi cỗ vào tháng Giêng. Khi bày cỗ, người ta lấy quả đu đủ nhuộm vàng, nhuộm đỏ làm hoa và làm Phật thủ. Con trai, con gái từ 30 tuổi trở lên chưa vợ, chưa chồng đều được làm cỗ dự thi. Ai cũng muốn mâm cỗ chay của mình được chọn để cúng ở chùa làng. Từ tục lệ này, con trai, con gái Thượng Trưng đều khéo tay làm các loại bánh, sắp cỗ và trang trí các mâm cỗ lễ.

Cỗ mặn thi phong phú và nhiều vẻ hơn cả về vật phẩm và cách nấu nướng, cũng như tên gọi. Cỗ mặn gọi theo đơn vị cộng đồng: cỗ hàng giáp, cỗ họ, cỗ làng. Gọi theo tính chất hiếu, hỉ: cỗ cưới, cỗ đám ma. Gọi theo hình thức trình bày: cỗ chảnh, cỗ phố. Gọi theo lễ vật chính hoặc theo cấu tạo mâm cỗ: cỗ trâu, cỗ lợn, cỗ cá gỏi, ván xôi con gà, cỗ tam sinh. Gọi theo mục đích: cỗ kết chạ (kết nghĩa, nước nghĩa giữa 2 làng). Hoặc gọi theo cách sử dụng: cỗ ăn, cỗ để...

Thông qua cách nấu, cách bày cỗ, cách ăn được lưu lại thành một tục hèm, người ta có thể hiểu sinh hoạt của một thời cổ đã qua. Cỗ phố là hèm tục ăn của cư dân thời săn bắt. Nồi nấu và đồ đựng thức ăn đều lấy ngay từ thiên nhiên: cơm lam nấu bằng ống nứa tươi; thịt trâu, thịt lợn luộc bằng nồi da trâu, da lợn; đũa vót bằng tre tươi; bát là đoạn nứa có mắt; đĩa dùng nan nứa đan, mâm bằng phên đan lót lá rừng. Tế tại đình, ăn chung ngay tại đình. Cỗ phố to nhất là cỗ 9 tầng, mỗi tầng 7 lá. Loại cỗ này tế xong cả làng cùng ăn ngay trên bãi cầu...

Để làm cỗ phố, cách xử lý vật phẩm tuỳ theo yêu cầu của đối tượng dâng cúng, hoặc dựa theo một truyền thuyết, thường là truyền thuyết thời Hùng Vương. Khi cúng để thịt sống, hoặc nửa chín nửa sống, hoặc lòng chín, thịt sống. Sau khi cúng xong mới chế biến để làm cỗ. Ở thị trấn Thổ Tang (huyện Vĩnh Tường) hiện nay, vào dịp tế thần đầu xuân, mâm lễ vẫn còn 1 khẩu thịt sống, trứng sống và gạo sống.

Cỗ chảnh nhiều nơi làm rất cầu kỳ: mỗi mâm cỗ bày 8 tầng bát đĩa, phải 8 người mới khiêng được mâm cỗ ra đình. Từng món chế biến, nấu nướng đều đạt tới trình độ nghệ thuật cao. Thí dụ món cá hấp là cá gáy tươi làm sạch, cho vào nồi đổ trấu chung quanh mà hấp. Hấp xong, cá uốn tròn trên đĩa trông như cá sống đang bơi, mang cá xoè ra, mỗi vẩy cá đều điểm một hạt gạo nếp trắng tinh. Có cỗ bày gà giả phượng. Có cỗ chim ngói quay xếp hình ông Lã Vọng ngồi câu cá. Có cỗ bày thịt trâu, bò, lợn, gà cùng với hoa quả “nhân tạo”: phật thủ, bưởi, cam, quýt, chuối và hoa cúc, hoa hồng,... giống y như thật, được chế biến khéo léo bằng bột nếp, dùng ăn tráng miệng sau khi đã “rượu, thịt no say”.

Có thể nhận định một cách tổng quát rằng, mỗi mâm cỗ dù đơn giản hay cầu kỳ, phức tạp đều là hình ảnh thu nhỏ, tiêu biểu về sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi. Không biết bắt đầu từ bao giờ, nhưng vẫn còn tồn tại đến tận hôm nay, phổ biến khắp các làng xã, các gia đình là “cỗ hàn âm”, tức là cỗ mâm xôi và con gà luộc cả con (có nơi gọi là ván xôi con gà), đi với be rượu và đĩa trầu cau. Người dân Vĩnh Phúc nhấn mạnh rằng bánh chưng, bánh dầy trắng (làm bằng bột nếp không nhân, không xoa đỗ) và rượu mộng (rượu nếp không chưng cất) là những thứ quý từ thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang truyền lại, con cháu phải giữ gìn. Ngày tết, dứt khoát phải có bánh chưng. Còn lễ vật cổ nhất, được coi trọng và tiêu biểu của cỗ lệ mùa nào cũng vậy là tiệc bánh dày trắng, gồm 4 cái, 1 ván xôi gà và 1 bình rượu mộng (ủ bằng nếp cái hoa vàng). Có thể khẳng định: những lễ vật dâng cúng, cũng như các loại cỗ cúng và vật phẩm bầy trên mâm cỗ đã phản ánh khá rõ tiến trình phát triển đời sống cư dân Vĩnh Phúc thuở xa xưa đến ngày nay, phù hợp với kết quả khảo cổ./.

4 March 2024
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)