Sứ mệnh lịch sử của 3 Tổng thống Mỹ đều là người của Đảng Dân chủ - Kỳ cuối: Kịch bản kết thúc cuộc chiến tranh thế giới phức hợp ở Ukraina
Lê Thế Mẫu
Để có thể dự báo kịch bản kết thúc cuộc chiến tranh thế giới phức hợp ở Ukraina, trước hết cần xuất phát từ mục đích chính trị của các bên trong cuộc chiến này, bởi theo nguyên lý bất biến xưa nay, chiến tranh là sự kế tục chính trị bằng các phương tiện bạo lực vũ trang.
Mục đích chính trị mà ông Joe Biden đặt ra trong cuộc chiến này từng được chính ông và nhiều quan chức trong bộ máy lãnh đạo của Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) công khai tuyên bố là sẽ buộc Nga phải chịu “thất bại chiến lược”, nghĩa là làm cho nước Nga tan rã và tiến tới xóa sổ vĩnh viễn nước Nga khỏi bản đồ thế giới, bởi Nga là cản trở lớn nhất đối với nỗ lực của Mỹ giành quyền lãnh đạo trật tự thế giới đơn cực do Washington kiểm soát.
Trật tự này còn được gọi bằng một cái tên khác là “trật tự thế giới dựa trên luật lệ”. Cái gọi là “luật lệ” ở đây là do Mỹ đặt ra và hoàn toàn chi phối.
Còn mục tiêu của Moscow trong cuộc chiến này là hóa giải nguy cơ an ninh trực tiếp xuất phát từ chiến lược của Mỹ sử dụng Ukraina và NATO để tiến hành cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống phá Nga.
Như vậy, cuộc chiến này chỉ có thể kết thúc theo 1 trong 2 kịch bản.
Theo kịch bản 1, cuộc chiến tranh thế giới phức hợp xoay quanh Ukraina sẽ kết thúc khi Nga chịu thất bại quân sự trên chiến trường Ukraina, lâm vào khủng hoảng toàn diện về kinh tế - xã hội, chính trị và tan rã.
Theo nhận định của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, khi đó mục tiêu tiếp theo của Mỹ sẽ là Trung Quốc mà Joe Biden từng xác định là thách thức có tính hệ thống đối với trật tự thế giới đơn cực do Washington chi phối.
Theo ông S. Lavrov, cuộc chiến Ukraina chính là “cuộc tổng diễn tập” một cuộc chiến tranh khác giữa Mỹ và Trung Quốc. Vì thế, Mỹ đang chuẩn bị hình thành “NATO châu Á”. Nếu NATO - châu Âu chống Nga thì NATO - châu Á đối đầu với Trung Quốc nhằm mục tiêu cuối cùng là duy trì trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo.
Theo kịch bản 2, Mỹ và phương Tây nhận thấy không thể đánh bại Nga và phải chấp nhận Liên bang Nga như một quốc gia có chủ quyền và hợp tác với Nga như một đối tác bình đẳng.
Học thuyết hạt nhân của Nga công bố năm 2020 xác định 4 tình huống Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân: (i) Nga nhận được thông tin đáng tin cậy và chính xác về các cuộc phóng tên lửa đạn đạo tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của mình và/hoặc lãnh thổ của các đồng minh; (ii) Đối phương sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại Nga và/hoặc các đồng minh của Nga; (iii) Đối phương tấn công các mục tiêu quân sự hoặc các mục tiêu có giá trị quan trọng quốc gia của Nga; (iv) Đối phương sử dụng vũ khí thông thường tấn công và tạo ra nguy cơ đối với đe dọa sự tồn vong của nhà nước Nga. |
Kịch bản 1 từng được đại diện của Mỹ, EU và NATO tuyên bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos năm 2023 rằng Nga “sẽ phải chịu thất bại chiến lược” trong cuộc chiến ở Ukraina.
Bình luận về tuyên bố này, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga D. Medvedev khẳng định: “không ai có thể đánh bại một cường quốc hạt nhân trong các cuộc xung đột lớn có ý nghĩa quyết định số phận của họ.
Điều này là quá hiển nhiên đối với bất kỳ chính trị gia phương Tây nào. Họ không cần phải suy nghĩ cũng có thể rút ra một kết luận đơn giản: thất bại của một cường quốc hạt nhân như Nga trong một cuộc chiến tranh thông thường có thể kích hoạt chiến tranh hạt nhân”.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga D. Peskov bình luận, nhận định của ông D. Medvedev hoàn toàn xuất phát từ học thuyết hạt nhân của Nga.
Khi tuyên bố phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24-2-2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin Putin từng cảnh báo: “những kẻ đang tạo ra mối đe dọa đối với sự tồn vong của đất nước chúng ta nên biết rằng phản ứng của Nga sẽ ngay lập tức và sẽ dẫn đến những hậu quả mà họ chưa từng biết đến trong lịch sử”.
Tổng thống V. Putin cho biết: “về mặt lý thuyết, việc sử dụng vũ khí hạt nhân chắc chắn là có thể. Đối với Nga, điều này có thể xảy ra nếu đứng trước mối đe dọa đối với toàn vẹn lãnh thổ, độc lập và chủ quyền của chúng ta, đe dọa sự tồn tại của nhà nước Nga. Nhưng tình huống đó sẽ dẫn đến chiến tranh hạt nhân trên quy mô lớn, trong đó kẻ thù của Nga sẽ bị hủy diệt mà không kịp trăng trối, còn người Nga lên thiên đường như những người tử vì đạo”.
Phát biểu tại Câu lạc bộ thảo luận Valdai năm 2023 trong bối cảnh Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina, Tổng thống V. Putin cho biết: trong điều kiện hiện nay chỉ còn 2 lý do để Nga sử dụng vũ khí hạt nhân: một là để đáp trả cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào lãnh thổ Nga và hai là để đáp trả mối đe dọa quân sự phi hạt nhân nhằm chấm dứt sự tồn tại của nhà nước Nga.
Do đó, xác suất cuộc chiến tranh thế giới phức hợp của Mỹ chống Nga kết thúc theo kịch bản 1 sẽ vô cùng nhỏ nhưng không thể loại trừ, bởi Washington vẫn quyết tâm đánh bại Nga.
Thậm chí, Mỹ đang ráo riết chuẩn bị kế hoạch sử dụng vũ khí siêu vượt âm mang đầu đạn thông thường và vũ khí hạt nhân để tiến hành đòn tấn công phủ đầu nhằm vào các mục tiêu chính trị - quân sự và kinh tế có tầm quan trọng quốc gia của Nga.
Theo kịch bản 2, Mỹ nhận thấy không thể đánh bại Nga bằng cuộc chiến tranh thế giới phức hợp ngay cả khi có thể leo thang thành chiến tranh hạt nhân và phải chấp nhận Nga là một quốc gia có chủ quyền.
Trong bài phát biểu tại Diễn dàn Kinh tế phương Đông ngày 7-9-2022, Tổng thống V. Putin khẳng định: “Nga đã đối phó thành công cuộc xâm lược kinh tế của phương Tây. Các hành động thiển cận của lãnh đạo Mỹ và đồng minh đã gây ra lạm phát trên phạm vi toàn cầu, vượt quá mức kỷ lục trong nhiều năm qua ở các nền kinh tế phát triển. Giá cả tăng cao trên thị trường thế giới có thể trở thành thảm kịch thực sự đối với hầu hết các quốc gia nghèo nhất đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, tài nguyên năng lượng và các hàng hóa thiết yếu khác. Họ đang đẩy chính các nước phương Tây vào tình thế bế tắc, khủng hoảng kinh tế và xã hội, gây ra những hậu quả khó lường cho toàn thế giới”.
Kịch bản 2 đã được đề ra trong Chiến lược đối ngoại mới của Liên bang Nga công bố trong tháng 3-2023. Trong đó khẳng định Nga không coi mình là kẻ thù của Mỹ và phương Tây và sẽ cùng các quốc gia khác xây dựng trật tự thế giới mới đa cực với vị thế là một quốc gia có chủ quyền và được đối xử bình đẳng. Đây là kịch bản khả dĩ nhất để kết thúc cuộc chiến.
Đã có nhiều chính khách và giới phân tích chính trị - quân sự ở Mỹ và phương Tây đề cập đến kịch bản 2. Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair nhận định: “cuộc chiến Ukraina chứng tỏ sự thống trị của phương Tây sắp kết thúc trong một ngã rẽ quan trọng nhất trong nhiều thế kỷ, có thể so sánh với sự kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ hai hay là sự sụp đổ của Liên bang Xô viết”.
Barry Pavel - Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu Mỹ của Atlantic Council - nhận định: “trên thực tế, hầu hết các chính phủ trên thế giới không đứng về phía Mỹ trong cuộc chiến ở Ukraina, cũng như Martin Luther King từng nói hơn 50 năm trước khi nói về Chiến tranh Việt Nam rằng Mỹ vẫn là nguyên nhân của bạo lực trên thế giới”.
Mark Leonard - Giám đốc Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại - cho rằng, cuộc chiến tranh thế giới phức hợp xung quanh Ukraina chứng tỏ kỷ nguyên trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo đã kết thúc.
Christopher Layne - Giám đốc Tình báo và An ninh quốc gia tại George Bush School of Government - cho rằng, các thế lực ở châu Âu - Đại Tây Dương đã có một thời gian dài thống trị thế giới thì nay đang tới hồi kết.
Kết quả nghiên cứu của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu tiến hành khảo sát ý kiến ở 9 quốc gia thành viên EU (bao gồm Pháp, Đức và Ba Lan), cũng như Anh, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, chứng tỏ cuộc chiến tranh thế giới phức hợp của Mỹ chống Nga tuy có tác động đoàn kết phương Tây, điển hình là việc kết nạp thêm 2 thành viên mới là Phần Lan và Thụy Điển, nhưng lại chứng tỏ sự trỗi dậy mạnh mẽ chưa từng có của phần còn lại của thế giới đang đóng vai trò định hình trật tự toàn cầu trong tương lai.
Cuộc chiến tranh này có thể đánh dấu một bước ngoặt lịch sử dẫn tới sự hình thành trật tự thế giới mới “hậu phương Tây”, trong đó ẩn chứa một nghịch lý là phương Tây tuy đoàn kết hơn nhưng lại ít có ảnh hưởng và tác động hơn bao giờ hết đối với phần còn lại của thế giới”.
Theo báo cáo có tựa đề “Cạnh tranh có quản lý: Chiến lược lớn của Mỹ trong thế giới đa cực” của Viện Quincy (Mỹ), Washington cần thừa nhận thất bại trong chiến lược cô lập và làm suy yếu Nga và Trung Quốc.
Do đó, Mỹ cần từ bỏ chính sách thay đổi chế độ và chuyển sang thực hiện chiến lược “cạnh tranh có quản lý” với sự trợ giúp của sức mạnh và liên minh cũng như luật chơi chung, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi để giải quyết các vấn đề trong nước.
Do vẫn đứng vững và phát triển ổn định trước sức ép của cuộc chiến tranh thế giới phức hợp, Nga vẫn có ảnh hưởng lớn và đóng vai trò không thể thiếu trong trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Trong năm 2023, có trên 40 quốc gia bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS, trong đó có 23 quốc gia chính thức đệ đơn xin gia nhập và 5 quốc gia đã được gia nhập từ ngày 1-1-2024. SCO được thành lập theo sáng kiến của Nga và Trung Quốc đã kết nạp Ấn Độ, Pakistan, Iran và đang thu hút ngày càng nhiều quốc gia tham gia.
Theo Tổng thống Nga V. Putin, BRISC và SCO là hình mẫu của trật tự thế giới mới đa cực bởi hai liên kết này đều dựa trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế đã được thừa nhận.
Do đó, Tổng thống V. Putin nhận định, hướng tới trật tự thế giới đa cực thay thế trật tự thế giới đơn cực do Mỹ chi phối là xu hướng không thể đảo ngược và là một quá trình lâu dài hàng thập niên./.