Những điểm nhấn trong quá trình chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” ở Quảng Ninh
Tiến Thắng60 năm qua, Quảng Ninh đã giành được những thành tựu to lớn, nhiều mặt nổi bật, mang tính tiên phong và đột phá, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và phát triển đất nước. Nhìn tổng thể, từ một tỉnh còn yếu kém phải dựa vào hỗ trợ của Trung ương Quảng Ninh đã “vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá khi về thăm, làm việc năm 2022.
Quả thực, chuyển đổi phát triển từ “nâu” sang “xanh” đã cho những mùa hoa trái ngọt lành. Điều ấy thể hiện rõ trong cơ cấu kinh tế giai đoạn 2015 - 2020, với khu vực dịch vụ tăng từ 43,1% lên 44,6%; công nghiệp - xây dựng duy trì ổn định ở mức khoảng 49%; nông, lâm, thủy sản giảm từ 7,7% xuống 5,9%. Du lịch, dịch vụ ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tổng số khách 5 năm ước đạt 55 triệu lượt, tăng 1,7%/năm, trong đó khách quốc tế đạt 19,3 triệu lượt; doanh thu du lịch tăng 11,9%/năm.
Với đà tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2017-2022), kể cả trong những giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; quy mô nền kinh tế tăng nhanh, năm 2022 đạt gần 270.000 tỷ đồng, cao gấp 103 lần so với năm 1986; GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 8.291 USD, gấp đôi bình quân cả nước, đứng đầu ở khu vực phía Bắc... Sự trỗi dậy mạnh mẽ được ghi nhận hết sức tích cực, Quảng Ninh trở thành hình mẫu chuyển đổi mô hình kinh tế thành công từ “nâu” sang “xanh”.
Gần đây nhất, một trong những điểm nhấn của Quảng Ninh trong tư duy và hành động đột phá, đó là việc thực hiện hiệu quả định hướng phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế. Trong đó, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên là những mũi đột phá năng động, hình thành đô thị xanh, hiện đại, thông minh trong tương lai. Ngày càng nhiều dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp sạch, xây dựng hạ tầng dịch vụ, cảng biển, logistics,... từ các nhà đầu tư lớn đã hình thành tại Quảng Ninh, hoạt động rất hiệu quả.
Tư duy và hành động đột phá của Quảng Ninh trong thời gian qua còn thể hiện sinh động, thuyết phục ở các lĩnh vực, thời điểm khác, như việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; đẩy mạnh công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, bảo đảm bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ thực sự khoa học, dân chủ, tuân theo pháp luật và kỷ luật của Đảng; thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương; thường xuyên tự phê bình và phê bình... Đó chính là những biểu hiện sinh động của việc đổi mới hệ thống chính trị để bộ máy thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phản ứng nhanh với tình hình và tổ chức có hiệu quả các đường lối, quyết sách mà Đảng bộ tỉnh đề ra...
Đến nay, có thể tự hào cho rằng, Quảng Ninh đã đạt được những thành công quan trọng, có ý nghĩa nền tảng cả về tư duy và hành động đột phá. Từ vùng đất thường được biết đến với những mỏ than đầy bụi, với một nền kinh tế “nâu” đáng báo động, nhất là về môi trường, chất lượng sống, Quảng Ninh đã có sự chuyển mình, thậm chí có thể coi là “lột xác” sau quá trình chuyển sang nền kinh tế “xanh”, đầu tư hạ tầng một cách mạnh mẽ.
Trong 7 năm liên tiếp, GRDP của Quảng Ninh ở mức 2 con số. Trong nhiều năm liên tiếp, tỉnh Quảng Ninh luôn đứng đầu và trong nhóm dẫn đầu toàn quốc về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); Chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAP1)... Với tốc độ phát triển đô thị cùng mức tăng trưởng thuộc top đầu cả nước, Quảng Ninh xứng đáng trở thành cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc. Đó chính là lý do mà Nghị quyết Đại hội tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiếp tục xác định 3 đột phá chiến lược (Đầu tư hoàn thiện hạ tầng; Đẩy mạnh cải cách hành chính; Tập trung phát triển nguồn nhân lực) vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài trong phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể cho rằng, những bài học kinh nghiệm từ sự thành công của Quảng Ninh trong tư duy và hành động đột phá cần được tổng kết, nhân rộng trong điều kiện có thể. Điều này càng có cơ sở, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian phân tích khá sâu về “tư duy mới, đột phá mới, giá trị mới” để giúp khu vực Đông Nam Bộ phát triển mạnh mẽ.
Chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ diễn ra ngày 26-11-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, các mâu thuẫn mà Quảng Ninh từng đối mặt, trải qua, đó là: Kết nối hạ tầng chiến lược, đồng bộ chưa hiệu quả, đầy đủ, toàn diện. Huy động nguồn lực chủ yếu dựa vào Nhà nước, chưa phát huy được các cơ chế hợp tác công - tư, huy động nguồn lực xã hội...
Định hướng nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, tựu trung trong 9 chữ “tư duy mới, đột phá mới, giá trị mới”. Theo Thủ tướng, tư duy mới là tư duy tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, không trông chờ, ỷ lại, dựa vào nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài. Nội lực là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hoá, tinh thần đoàn kết…, từ đó, chúng ta có những sản phẩm không chỉ là “Made in Việt Nam, by Việt Nam”.
Không chỉ rõ bài học của Quảng Ninh, nhưng Thủ tướng cũng hàm ý rằng: “Hợp tác công tư có nhiều hình thức, chúng ta phải sáng tạo, năng động, phải quyết tâm làm”, rồi đưa ra ví dụ, thời gian vừa qua, có tỉnh làm được 200km cao tốc, nhưng cả vùng Đông Nam Bộ trong 10 năm qua chỉ làm được 50km cao tốc, “đây là vấn đề mà các đồng chí cần suy nghĩ, không ai làm thay chúng ta được”.
Và mô hình hợp tác công – tư, nhất là sự huy động nguồn lực, được Thủ tướng gợi ý với vùng Đông Nam Bộ, cũng đã xuất hiện ở Quảng Ninh: Một là lãnh đạo công, quản trị tư các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Lãnh đạo công là xây dựng cơ chế, chính sách, luật pháp, phát triển hạ tầng đến chân các khu này, còn quản trị tư là giao cho tư nhân quản trị. Thứ hai là đầu tư công, quản trị tư. Thứ ba là đầu tư tư, sử dụng công.
Từ những phân tích căn cốt, kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn trong tư duy và hành động đột phá phát triển của tỉnh Quảng Ninh nói trên, cùng những bài học ngắn gọn, sâu sắc được đúc kết, gợi ý tham khảo, nhân rộng đối với cả nước, mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu thời gian gần đây, có thể thấy rõ rằng, chỉ có tư duy lý luận đột phá mới dẫn đến hành động đột phá, tạo ra những kết quả đột phá, những kỳ tích trong tăng trưởng, phát triển.
Khi tư duy, hành động đột phá trong khuôn khổ pháp luật, thậm chí vượt trước, đi trước thời đại mà lý luận chưa theo kịp rất cần sự tổng kết, rút kinh nghiệm, đưa ra các bài học quan trọng, để góp phần bổ sung lý luận của Đảng về xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam./.