12/09/2024 | 08:21 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Ngành dầu khí trước yêu cầu dịch chuyển nguồn năng lượng xanh

Trang Thu
Ngành dầu khí trước yêu cầu dịch chuyển nguồn năng lượng xanh Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi_Ảnh minh họa
Thời gian qua, ngành năng lượng thế giới chứng kiến “làn sóng” chuyển dịch mạnh mẽ, thay vì đầu tư phát triển năng lượng truyền thống, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp dầu khí đã chuyển sang đầu tư phát triển năng lượng xanh. Đây được coi là một xu hướng tất yếu của ngành năng lượng thế giới, trong đó các doanh nghiệp năng lượng Việt Nam không đứng ngoài cuộc.

Tính tất yếu chuyển dịch sang nguồn năng lượng sạch để giảm thiểu rủi ro

Báo cáo tháng 10-2023 của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết, nhu cầu tiêu thụ dầu trong năm 2023 đạt 102,06 triệu thùng/ngày và sẽ tăng lên mức 104,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024. OPEC hiện vẫn giữ quan điểm thận trọng khi dự báo thị trường sẽ ở trạng thái thắt chặt giai đoạn quý IV năm nay, bởi sản lượng từ các quốc gia ngoài OPEC yếu đi. 

Mặc dù vẫn là nguồn năng lượng chính trên thế giới, nhưng giai đoạn qua, việc sử dụng dầu thô cho thấy nhiều rủi ro về giá và ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế thế giới. Bên cạnh yếu tố địa - chính trị, giá dầu cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi sự chuyển động của dòng tiền đầu tư liên thị trường. 

Trong đó, đà tăng của giá vấp phải lực cản từ đồng USD, khi mà chỉ số Dollar Index tiếp tục ở mức cao. Điều này đặt ra vấn đề cần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch sang các nguồn năng lượng bền vững trong tương lai. 

Về dài hạn, báo cáo Triển vọng năng lượng của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch thế giới sẽ đạt đỉnh vào năm 2030. Công suất năng lượng tái tạo toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 3.629GW lên 11.008GW theo kịch bản “phát thải ròng bằng không” vào năm 2023. 

Cũng theo IEA, đến năm 2030 dự kiến số lượng ô-tô điện được đưa vào sử dụng sẽ tăng gấp khoảng 10 lần. Các nguồn năng lượng tái tạo được ước tính sẽ chiếm 80% công suất điện mới vào năm 2030, trong đó riêng năng lượng Mặt trời chiếm hơn một nửa. 

Xu hướng này cộng với các chính sách hỗ trợ năng lượng sạch ở các thị trường, như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) sẽ làm giảm mức sử dụng dầu thô trong tương lai.

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế quá trình chuyển đổi xanh nhằm giảm phát thải hướng đến mục tiêu trung hòa carbon phù hợp định hướng của Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11-2-2020, của Bộ Chính trị, “về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và các cam kết của Chính phủ về giảm phát thải ròng bằng không tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP-26).

Bối cảnh chuyển dịch nguồn năng lượng sạch và một số khuyến nghị

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế để đi đầu trong làn sóng dịch chuyển năng lượng. 

Về kết cấu hạ tầng, Tập đoàn Dầu khí có hệ thống đường ống vận chuyển và phân phối, các kho chứa, cửa hàng kinh doanh xăng dầu,… kinh nghiệm vận hành hệ thống khí tự nhiên ứng dụng cho lĩnh vực hydro. 

Về công nghệ, tập đoàn các đơn vị thành viên của tập đoàn có nhiều kinh nghiệm, năng lực triển khai ở các giai đoạn của dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi, có khả năng làm chủ công nghệ. Trong đó, có các dự án điện gió ngoài khơi làm cơ sở để sản xuất hydro xanh trong tương lai. 

Về cung ứng, các nhà máy lọc hóa dầu cũng như các nhà máy sản xuất phân đạm của Petrovietnam là những khách hàng trực tiếp sử dụng nguồn hydro xanh để thay thế từng bước nguồn hydro xám hiện nay. Tập đoàn Dầu khí có thể sử dụng hydro xanh để chế biến nhiên liệu tổng hợp từ các nguồn khí có hàm lượng CO2 cao hiện có tại Việt Nam.

Bên cạnh những lợi thế sẵn có, ngành năng lượng Việt Nam nói chung và Tập đoàn Dầu khí nói riêng cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình dịch chuyển sang nguồn năng lượng xanh như:

Một là, việc hoạch định chính sách, đầu tư, xây dựng và quản lý vận hành còn nhiều hạn chế vì đầu tư các dự án năng lượng tái tạo có nhu cầu về vốn lớn; rủi ro cao do công suất và sản lượng phụ thuộc thời tiết, khí hậu; khả năng thu hồi vốn lâu do suất đầu tư và giá điện cao hơn nguồn năng lượng truyền thống. 

Hai là, Việt Nam chưa xây dựng xong tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện Mặt trời, điện gió… Các chính sách, quy định khuyến khích phát triển thời gian qua chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào điện gió, điện Mặt trời. 

Mặc dù việc bổ sung quy hoạch nguồn điện được tính toán đồng bộ quy hoạch lưới nhưng tiến độ triển khai nhiều công trình lưới điện trong quy hoạch được phê duyệt còn chậm, dẫn đến quá tải cục bộ tại một số khu vực… 

Ba là, thiếu kết cấu hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế thiết bị. Tỷ lệ nội địa hóa công nghệ ngành năng lượng thấp, thiếu cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy phát triển.

Thời gian tới, để ngành dầu khí thực hiện đẩy nhanh dịch chuyển nguồn năng lượng xanh cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Về nhận thức, cần quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức, phát triển nguồn nhân lực, huy động tài chính, khuyến khích nghiên cứu khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ cho dịch chuyển nguồn năng lượng xanh.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm phê duyệt các kế hoạch thực hiện quy hoạch làm cơ sở cho việc triển khai các dự án năng lượng. Song song với đó, cần có các cơ chế về giá cho các loại hình năng lượng tái tạo, nâng cao năng lực và trình độ công nghệ, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ. Đồng bộ các quy định và luật để thúc đẩy sử dụng hiệu quả, phát triển thị trường năng lượng mới và tái tạo.

Về hợp tác quốc tế sẽ mở ra nhiều triển vọng để cải thiện, nâng cấp kết cấu hạ tầng, công nghệ cho các doanh nghiệp ngành dầu khí; giúp bảo đảm nguồn cung trong nước, an ninh năng lượng và phát triển nền kinh tế bền vững./.

25 December 2023
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 Sau