Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dịch vụ dầu khí đón đầu xu thế chuyển dịch năng lượng
Minh QuânVai trò của ngành dịch vụ dầu khí
Dịch vụ dầu khí, bao gồm: khảo sát địa vật lý, dịch vụ khoan, kỹ thuật giếng khoan khai thác dầu khí, xuất khẩu, nhập khẩu và cung cấp các loại vật tư, thiết bị dầu khí; xuất khẩu, nhập khẩu và kinh doanh dầu thô cũng như các sản phẩm dầu; vận chuyển, cung cấp và phân phối các sản phẩm dầu khí; vận hành và duy tu bảo dưỡng các công trình dầu khí; dịch vụ cung ứng và xử lý tràn dầu; thiết kế và xây lắp các công trình dầu, khí, điện, xây dựng dân dụng; vận tải biển và phục vụ hậu cần; cung cấp lao động kỹ thuật, du lịch, khách sạn; tư vấn khoa học - công nghệ; nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới trong hoạt động khai thác dầu khí...
Với số lượng dịch vụ cung cấp lớn và đa dạng, công tác dịch vụ dầu khí đóng góp đáng kể trong tổng thu nhập của Petrovietnam. Chỉ tính riêng trong năm 2022, doanh thu lĩnh vực dịch vụ Tập đoàn đạt 199,8 nghìn tỷ đồng, vượt 78% kế hoạch năm, chiếm 34% tỷ trọng doanh thu hợp nhất của Tập đoàn và tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021.
Trước tốc độ chuyển dịch năng lượng trên toàn cầu hiện nay, đòi hỏi lĩnh vực dịch vụ dầu khí cần có những định hướng triển khai cụ thể để thích nghi, đồng thời tận dụng cơ hội gia tăng doanh thu của các đơn vị dịch vụ dầu khí.
Trong đó, tốc độ đầu tư ở lĩnh vực tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, đã vượt năng lượng hóa thạch và sẽ tạo nhu cầu lớn cho dịch vụ kỹ thuật. Đây là cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức đối với sự tăng trưởng, phát triển của các đơn vị dịch vụ của Petrovietnam.
Giai đoạn 2020 - 2023, trước những biến động trên thế giới, nổi bật nhất là đại dịch COVID-19 bùng phát và xung đột giữa Nga - Ukraina đã gây nên cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh năng lượng, an ninh lương thực...; lạm phát tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa,... làm suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên, nhiên, vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành dầu khí.
Trước tình hình đó, lĩnh vực dịch vụ dầu khí của Petrovietnam vẫn duy trì đáp ứng không chỉ thị trường ngành dầu khí, các ngành công nghiệp trong nước, mà còn mở rộng cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí của Việt Nam ra nước ngoài. Các đơn vị dịch vụ từng bước khẳng định vị thế và năng lực không chỉ ở thị trường trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới.
Điều này cho thấy, mặc dù tỷ lệ tăng chưa cao song các đơn vị dịch vụ trong Petrovietnam đã có sự nỗ lực, dần định hướng ổn định để phát triển và gia tăng quy mô, có thể kể đến một số đơn vị điển hình, như PTSC, PVOIL...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác dịch vụ của các đơn vị dầu khí vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, như một số loại hình dịch vụ còn có sự chồng chéo do nhiều đơn vị thành viên trong Tập đoàn cùng thực hiện. Sự phối hợp, hỗ trợ cùng phát triển giữa các đơn vị còn thiếu đồng bộ, chậm được triển khai, việc liên kết giữa các đơn vị trong cùng Tập đoàn để đáp ứng các dịch vụ dầu khí còn hạn chế, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp…
Một số khuyến nghị
Petrovietnam đang hướng tới trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng, do đó, lĩnh vực dịch vụ dầu khí cần trở thành “lĩnh vực dịch vụ năng lượng và công nghiệp”. Để làm được điều đó, đòi hỏi Petrovietnam cần điều chỉnh, tạo ra các mô hình kinh doanh sử dụng tài sản đầu tư một cách hiệu quả hơn và tăng tính kết nối giữa các nguồn lực tại nhiều đơn vị. Trong đó, mục tiêu chính cần tiếp tục giữ vững thị phần các dịch vụ dầu khí truyền thống, bảo đảm hiệu quả kinh tế cao; nâng cao chất lượng dịch vụ dầu khí.
Cơ cấu lại, sắp xếp lại các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí, bảo đảm vai trò là lĩnh vực kết nối các hoạt động của Tập đoàn. Theo đó, cần khẩn trương hoàn thành danh mục sản phẩm dịch vụ chủ lực của Tập đoàn theo từng giai đoạn; hoàn thiện hệ thống quản trị nội bộ thông qua đầu tư vốn và người đại diện; nâng cao mô hình quản trị phân cấp, phân quyền linh hoạt cho người đại diện của Petrovietnam tại các đơn vị…
Tiếp theo, cần tăng cường phân cấp tại các đơn vị trong lĩnh vực dịch vụ để tăng tính chủ động nhưng cũng gắn với kiểm tra, kiểm soát thông qua thực hiện các luật, quy định. Đồng thời, xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo sự liên kết theo chuỗi giữa các đơn vị trong tập đoàn.
Cuối cùng, thực hiện đẩy mạnh văn hóa doanh nghiệp, đón đầu xu thế chuyển dịch năng lượng, cung cấp dịch vụ kỹ thuật liên quan đến sự chuyển dịch không chỉ trong nước mà còn mở rộng cung cấp dịch vụ kỹ thuật ở nước ngoài. Đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số trong công tác quản trị, điều hành và xây dựng hệ thống dữ liệu, thông tin chung trong tập đoàn nhằm tăng tính kết nối và đồng bộ hóa thông tin giữa các đơn vị trong tập đoàn./.