18/05/2024 | 21:30 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Kinh tế thế giới có thể “hạ cánh mềm”

Anh Thư
Kinh tế thế giới có thể “hạ cánh mềm” Xe chở hàng viện trợ tại cửa khẩu Rafah để vào Dải Gaza, ngày 30-10-2023_Ảnh: AFP
Thế giới vừa trải qua một năm 2023 đầy sóng gió, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể chững lại ở mức khoảng 2,9% theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Tuy nhiên, với dấu hiệu lạm phát hạ nhiệt, các chính sách kiểm soát tiền tệ hợp lý cùng thị trường việc làm đang diễn ra khá sôi động tại một số nền kinh tế lớn, nhiều chuyên gia đang “đặt cược” vào một “cú hạ cánh mềm” cho kinh tế thế giới trong năm 2024.

Năm 2023 với nhiều “cơn gió ngược”

Những lo ngại về xung đột gần như lấn át mọi mối đe dọa khác đối với tăng trưởng toàn cầu. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraina còn chưa định ngày kết thúc, thế giới lại tiếp tục bàng hoàng trước cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo, gia tăng rủi ro luân chuyển của dòng vốn và hàng hóa trên toàn thế giới. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng dây chuyền của ngành ngân hàng cũng ghìm lại tăng trưởng kinh tế thế giới. Chỉ trong 2 tháng, đã có 3 ngân hàng lớn của Mỹ tuyên bố phá sản (gồm Silicon Valley Bank, Signature Bank và First Republic Bank). Tại Thụy Sĩ, ngân hàng lớn thứ hai của nước này là Credit Suisse cũng bị mua lại, chấm dứt sự tồn tại sau 167 năm. Nguy cơ suy thoái luôn trực chờ nền kinh tế Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), trong khi Trung Quốc đang chứng kiến mức tăng trưởng có phần chững lại so với những năm qua.

Năm 2023, thế giới vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn sau cú sốc của đại dịch COVID-19. Sự gia tăng về số ca nhiễm COVID-19 và các biến thể mới tiếp tục làm suy yếu chuỗi cung ứng toàn cầu, gây gián đoạn hoạt động sản xuất và xuất khẩu, tạo ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu. Cùng với đó là giá lương thực cùng nhiều mặt hàng khác tăng cao, gây khó khăn cho những quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu. Ngoài ra, quyết định cắt giảm nguồn cung dầu mỏ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước OPEC+ đã đẩy giá dầu tăng cao, khiến tốc độ lạm phát giảm chậm hơn so với dự kiến.

Trong khi đó, các cuộc tấn công mạng diễn ra nhiều hơn tại một số quốc gia cho thấy rủi ro địa - chính trị sẽ ngày càng phức tạp hơn. Việc số hóa kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia là xu hướng tất yếu, nhưng đi liền theo đó là nhiều dịch vụ như lưới điện, mạng lưới cấp nước và hệ thống giao thông,... ngày càng dễ bị tấn công mạng. Một cuộc tấn công thành công vào bất kỳ hệ thống nào đều có thể gây ra hậu quả nặng nề, thiệt hại cả về con người lẫn kinh tế.

Không những vậy, biến đổi khí hậu cũng là một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ tới an ninh quốc gia và kinh tế thế giới trong năm 2023. Các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn, làm hư hỏng kết cấu hạ tầng tại nhiều quốc gia, gây ra những bất ổn kinh tế, như gián đoạn chuỗi cung ứng, khan hiếm tài nguyên, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế của người dân.

Kinh tế thế giới vượt qua nguy cơ suy thoái

Cuối năm 2022, nhiều chuyên gia kinh tế đã lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế, nhưng kịch bản đó cho đến nay vẫn không xảy ra. Trong số các nước phát triển, kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, tiêu dùng và đầu tư ổn định. Hàng loạt nền kinh tế mới nổi đã chứng minh được sự bền bỉ và khả năng phục hồi mạnh mẽ.

Sau cú sốc phá sản của nhiều ngân hàng lớn, chính phủ và Ngân hàng Trung ương các nước đã có các gói hỗ trợ tài chính, nhờ đó ngăn chặn kịp thời cuộc khủng hoảng lan rộng dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu. Các chính sách thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất cuối cùng cũng phát huy hiệu quả, khi lạm phát bắt đầu có xu hướng giảm.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 chậm lại phần nào do nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ bị mất đà tăng trưởng, chỉ đạt khoảng 1,5%. Kinh tế Liên minh châu Âu dần phục hồi đà tăng trưởng ở mức 0,7%. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương với mức tăng trưởng kinh tế khoảng 5% sẽ tiếp tục là động lực cho kinh tế toàn cầu trong năm 2024.

GDP toàn cầu thậm chí còn đạt mức tăng trưởng cao hơn dự đoán của nhiều tổ chức tài chính (OECD đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 có thể đạt khoảng 2,9%). Theo bà Nora Szentivanyi - nhà nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại Công ty dịch vụ tài chính JP Morgan (Mỹ) - kinh tế thế giới đã trải qua một năm kiên cường hơn rất nhiều so với dự đoán, nhờ các yếu tố cơ bản vững chắc của khu vực tư nhân và sự nỗ lực của chính phủ các nước.

Đứng trước nguy cơ trí tuệ nhân tạo (AI) đang có xu hướng bị “vũ khí hóa”, nhiều quốc gia đã đưa ra những chính sách mới để kiểm soát sự phát triển của công nghệ này. Chính phủ Mỹ đã ban hành sắc lệnh hành pháp toàn diện đầu tiên về AI, yêu cầu các nhà phát triển công nghệ phải công bố kết quả kiểm tra độ an toàn của các chương trình được đưa ra với Chính phủ liên bang trước khi phát hành rộng rãi đến người dùng. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang nỗ lực thông qua Đạo luận AI đầu tiên nhằm phân loại hệ thống AI theo rủi ro.

Đặc biệt, trong tất cả các cuộc thảo luận về tăng trưởng kinh tế, một yếu tố quan trọng chiếm vị trí trung tâm trên toàn cầu là sự gia tăng chi phí do thảm họa của biến đổi khí hậu. Do đó, tại Hội nghị khí hậu COP-28 năm nay, các nhà lãnh đạo từ gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thống nhất gác lại những bất đồng, cùng thông qua một thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu. Sau gần 3 thập niên tổ chức các hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, các quốc gia đã đạt được sự đồng thuận đầu tiên về việc ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Hy vọng vào “những phép màu” cho năm 2024

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự kiến kinh tế toàn cầu năm 2024 có thể đạt mức tăng trưởng 2,9%; Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra con số 2,4%; trong khi OECD dự báo mức tăng trưởng này là 2,7%. Dù các con số có thể không giống nhau, nhưng vẫn có một điểm tương đồng, đó là mức tăng trưởng dương và đạt trên 2%. Hầu hết chuyên gia kinh tế đều cho rằng, thế giới đã bước qua được giai đoạn khó khăn nhất và những trở ngại cũng đang dần giảm bớt.

Theo chuyên gia kinh tế Michael Strobaek - Giám đốc Ngân hàng Lombard Odier tại Thụy Sĩ - nhiều nhà nghiên cứu đã bày tỏ sự ngạc nhiên về tính kiên cường và khả năng phục hồi của kinh tế thế giới trong năm 2023. Mặc dù các rủi ro có thể kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng năm 2024 sẽ mang đến những diễn biến bất ngờ, với một điểm khởi đầu khá vững chắc.

Chi tiêu cho tiêu dùng mạnh mẽ là điểm nhấn cho khả năng phục hồi nền kinh tế trong năm 2023 và có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng trong năm 2024. Bên cạnh đó, cuối năm 2023, mặc dù tốc độ tuyển dụng lao động đã giảm, cơ hội việc làm giảm, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng lên, nhưng đây được cho chỉ là một “vết nứt nhỏ”, bởi thị trường lao động nói chung vẫn khá nhộn nhịp. Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu vẫn thấp, trong khi tỷ lệ sa thải chưa tăng lên đáng kể. Nhìn chung, tình hình thị trường lao động toàn cầu được cho là “tấm nệm êm” cho kinh tế thế giới “hạ cánh mềm” trong năm 2024.

Lạm phát được dự báo cũng giảm nhẹ trong năm 2024, chủ yếu là nhờ chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước. Các nhà phân tích của Công ty S&P Global Market Intelligence (Mỹ) dự báo, năm 2024 lạm phát giá tiêu dùng toàn cầu ở mức 4,7% (giảm từ mức 5,6% vào năm 2023). Các chuyện gia kỳ vọng, lạm phát sẽ quay trở lại mức mà Ngân hàng Trung ương và OECD đặt ra vào năm 2025 (3,8%) ở hầu hết các nền kinh tế.

Tuy nhiên, thế giới không thể đánh giá thấp những rủi ro, phức tạp có thể bất ngờ ập đến từ các cuộc xung đột địa - chính trị, vấn đề an ninh năng lượng và sắp tới là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 với tính phân cực cao. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đứng trước nhiều thách thức, giới quan sát nhấn mạnh rằng, hợp tác quốc tế sẽ là “chìa khóa vạn năng”, giúp giải quyết các vấn đề này một cách hiệu quả./.

15 January 2024
MỚI NHẤT
Đọc nhiều nhất

Trang: 1 2 Sau