Cuộc cạnh tranh rất quyết liệt
Trần Nhàn
Sự phát triển đỉnh cao...
Cả về danh nghĩa lẫn trong thực chất, sự ra đời của đường sắt tốc độ cao là phát triển đỉnh cao của nền công nghiệp chế tạo xe lửa và vận chuyển đường sắt trên thế giới.
Cho tới nay, trên thế giới mới chỉ có rất ít quốc gia làm chủ được kỹ thuật và công nghệ đường sắt tốc độ cao, cụ thể là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Pháp, Hàn Quốc.
Vì những hiệu ứng quan trọng và to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội mà đường sắt tốc độ cao đưa lại, đường sắt tốc độ cao được xây dựng và sử dụng không chỉ ở những quốc gia nói trên, mà còn ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhờ sử dụng kỹ thuật, công nghệ đường sắt tốc độ cao của đối tác bên ngoài.
Theo đó, giữa những quốc gia làm chủ kỹ thuật, công nghệ đường sắt tốc độ cao từ lâu đã có cuộc cạnh tranh rất quyết liệt. Một là, khi nhu cầu trên thế giới về đường sắt tốc độ cao lớn, không ngừng gia tăng, thì kỹ thuật, công nghệ đường sắt tốc độ cao trở thành một mặt hàng xuất khẩu đắt giá và các nơi sẽ trở thành thị trường đầy tiềm năng cho đường sắt tốc độ cao.
Các bên hiện làm chủ kỹ thuật, công nghệ đường sắt tốc độ cao cạnh tranh lẫn nhau để chinh phục những thị trường đó, nhằm chiếm toàn bộ hay thị phần to lớn như có thể được.
Hai là, cạnh tranh quốc tế về đường sắt tốc độ cao còn là cuộc cạnh tranh về ảnh hưởng chính trị, về uy tín và vị thế, về vai trò và ảnh hưởng quốc tế của quốc gia trên thế giới.
Qua đó có thể thấy đường sắt tốc độ cao không những chỉ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở bên trong quốc gia, mà còn đem lại nguồn lợi to lớn từ xuất khẩu kỹ thuật, công nghệ, từ gia tăng “sức mạnh mềm” cho quốc gia thông qua xuất khẩu kỹ thuật, công nghệ đường sắt tốc độ cao.
Xây dựng mạng lưới tuyến đường sắt tốc độ cao đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn và nguồn lợi thu về thường phải sau thời gian dài mới có thể đủ mức cân bằng vốn đầu tư.
Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, ý nghĩa và giá trị về phát triển xã hội của đường sắt tốc độ cao rất lớn. Vì thế, giới kinh tế tư nhân thường chỉ có thể tham gia chứ không thể đầu tư hoàn toàn vào phát triển và xây dựng mạng lưới tuyến đường sắt tốc độ cao trong quốc gia.
Nhà nước thường phải chủ trì việc đầu tư và tổ chức thực hiện những dự án lớn về đường sắt tốc độ cao trong quốc gia. Cho nên, cuộc cạnh tranh quốc tế về đường sắt tốc độ cao không chỉ là cuộc cạnh tranh về trình độ phát triển khoa học, kỹ thuật và công nghệ, về vị thế quốc tế và ảnh hưởng chính trị thế giới giữa nhóm ít quốc gia với nhau, mà còn là cuộc cạnh tranh giành các đơn đặt hàng lớn từ phía nhà nước ở các nơi chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao, giành quyền được lựa chọn làm đối tác hợp tác.
Do đó, sự công nhận về trình độ phát triển của kỹ thuật, công nghệ đường sắt tốc độ cao; sự nổi tiếng của thương hiệu sản phẩm cụ thể trên phương diện đường sắt tốc độ cao; mức độ tốt xấu trong quan hệ hợp tác song phương thường quyết định ai thắng, ai thua trong cuộc cạnh tranh quốc tế về đường sắt tốc độ cao.
Khó khăn và khó xử
Bên cạnh thị trường và kỹ thuật, công nghệ, những khía cạnh cụ thể khác của cạnh tranh quốc tế về đường sắt tốc độ cao là tốc độ, sự an toàn và hiệu quả kinh tế.
Tốc độ cao và mức độ an toàn cao như có thể được là những tiêu chí quyết định nhất, sau đó mới đến hiệu quả kinh tế. Tốc độ cao đi đôi như hình và bóng với an toàn cao.
Tiêu chí hiệu quả kinh tế cao bao gồm chi phí đầu tư ban đầu thấp, chi phí vận hành thường xuyên, duy tu và bảo dưỡng cũng như vật tư, phụ tùng thay thế không cao, nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu đặt ra là đạt tốc độ cao và mức độ bảo đảm an toàn cao như có thể được.
Trên thực tế, tất cả các thương hiệu về đường sắt tốc độ cao hiện có trên thế giới không cách biệt nhau nhiều trong từng tiêu chí cạnh tranh riêng rẽ, cũng không có thương hiệu nào nổi bật hơn hẳn thương hiệu nào.
Vì thế, các quốc gia gặp không ít khó khăn và khó xử khi quyết định lựa chọn sử dụng kỹ thuật, công nghệ đường sắt tốc độ cao của ai.
Bài toán họ phải giải trước hết là bài toán về nguồn vốn đầu tư xây dựng đường sắt công nghệ cao cùng với bài toán về duy trì quan hệ hợp tác lâu dài với bên cung ứng kỹ thuật, công nghệ đường sắt tốc độ cao để dễ dàng có thể tiếp tục phát triển, mở rộng và hiện đại hóa đường sắt tốc độ cao đã được hợp tác xây dựng.
Ở đây, tính ổn định lâu bền, sự tin cậy giữa quốc gia và đối tác bên ngoài đóng vai trò cũng rất quan trọng, rất quyết định trong cuộc cạnh tranh quốc tế về đường sắt công nghệ cao.
Cạnh tranh quốc tế về đường sắt tốc độ cao không chỉ đơn thuần là cuộc ganh đua giành các đơn đặt hàng của các quốc gia trong phạm vi khuôn khổ lãnh thổ quốc gia, mà còn thông qua việc đưa ra những dự án, kế hoạch, sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng kết nối các vùng, các quốc gia và các châu lục mà đường sắt tốc độ cao là thành tố cốt lõi.
Trung Quốc làm cách này với sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Liên minh châu Âu (EU) làm cách này để tăng cường liên kết nội khối và để kết nối EU, châu Âu với những châu lục và khu vực khác trên thế giới. Châu Phi là châu lục diễn ra cuộc cạnh tranh quốc tế rất rõ nét và rất quyết liệt về đường sắt tốc độ cao.
Một cách thức cạnh tranh được các bên làm chủ kỹ thuật, công nghệ đường sắt tốc độ cao thường sử dụng trong cạnh tranh với nhau là cho vay vốn để đầu tư, hoặc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư thông qua các tổ chức, thể chế tài chính đa phương quốc tế.
Cạnh tranh quốc tế về đường sắt công nghệ cao, vì thế, không chỉ là cạnh tranh về khoa học, kỹ thuật và công nghệ cao hay về vốn đầu tư và hợp tác kinh tế, thương mại, mà còn là cuộc chơi địa - chính trị, là tập hợp lực lượng trên thế giới.
Cuộc cạnh tranh này thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ đường sắt tốc độ cao, đồng thời phủ bóng xuống chính trị thế giới và cục diện quan hệ quốc tế.
Quyết định của các quốc gia về xây dựng đường sắt tốc độ cao là quyết định về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng quyết định của họ về chọn đối tác để hợp tác, chọn kỹ thuật và công nghệ đường sắt tốc độ cao của ai để sử dụng lại còn là quyết định chính trị nữa.
Đường sắt tốc độ cao còn là chuyện an ninh quốc gia. Cũng chính vì thế, quyết định lựa chọn đối tác hợp tác thường rất khó khăn đối với chính quyền ở mọi nơi trên thế giới./.
Các bài cũ hơn



