26/04/2025 | 07:26 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Thơ Đường luật yêu nước của Trần Huy Liệu

La Nguyễn Hữu Sơn
Thơ Đường luật yêu nước của Trần Huy Liệu Nhà sử học, nhà văn, nhà báo Trần Huy Liệu_Ảnh: TL
Trần Huy Liệu (5-11-1901 - 28-7-1969) là nhà hoạt động cách mạng, nhà sử học, nhà văn, nhà báo. Với thơ Đường luật, Trần Huy Liệu thể hiện rõ tinh thần hành đạo cùng tinh thần yêu nước sâu sắc và những nhận thức, suy tư cá nhân trước thời cuộc...

Trần Huy Liệu có các bút danh Đẩu Nam, Nam Kiều, Kiếm Hồ, Hải Khách, Côi Vị, Ẩm Hận, Kiếm Bút. Ông quê làng Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Thuở nhỏ, ông học ở Nam Định, Hà Nội; từ năm 1924, vào Nam cộng tác với các báo Nông cổ mín đàm (1901 - 1924), Ngòi bút sắt (1924), Nam Phong tạp chí (1917 - 1934), Rạng đông (1925 - 1929), từng làm chủ bút Đông Pháp thời báo (1923 - 1929); sáng lập và làm chủ bút báo Pháp Việt nhất gia (1927) rồi bị bắt giam 6 tháng ở Sài Gòn; ra tù lại thành lập Cường học thư xã (1928) và gia nhập Việt Nam Quốc dân đảng, giữ chức Bí thư Nam Bộ.

Tháng 8-1928, ông bị bắt đày Côn Đảo (làm chủ bút báo Hòn CauTiếng sóng bể). Năm 1934, ra tù, bị trục xuất ra Bắc, ông lập Nhà xuất bản Đông Dương và tham gia viết các báo Đời mới, Bắc hà, Tiếng vang, Kiến văn, Hồn trẻ, Tiếng trẻ, Le travail, Rassemblement, En avant, Hà thành thời báo, Thời thế, Bạn dân... Năm 1936, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, được cử làm chủ bút báo Tin tức, Đời nay. Thời kỳ 1939 - 1945, ông bị bắt giam ở các nhà tù Sơn La, Bá Vân, Nghĩa Lộ (làm báo bí mật Suối reo, Dòng sông Công, Đường nghĩa)...

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông giữ các chức vụ trong cơ quan Nhà nước, Quốc hội và nghiên cứu sử học... Tên ông được đặt cho nhiều tuyến phố ở Hà Nội, Nam Định, Nghệ An, Huế, Buôn Ma Thuột, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Nói riêng về việc Trần Huy Liệu cộng tác với Nam phong tạp chí thì cần chú ý tới mối quan hệ qua lại giữa hai phía, đặc biệt ý thức chủ quan của nhà thơ.

Thứ nhất, thời điểm ra đời Nam Phong tạp chí (tháng 7-1917) rơi vào khoảng lặng giữa 2 cuộc khai thác thuộc địa của nhà nước thực dân Pháp, lần thứ nhất (1897 - 1914) và lần thứ hai (1919 - 1929). Trên nền tảng thực tại đời sống tư tưởng, kinh tế, xã hội đã tạo đà cho học thuật, văn chương nghệ thuật, báo chí, xuất bản phát triển lên một tầm mức mới.

Ở đây cần đặc biệt coi trọng quan điểm lịch sử cụ thể, nhận diện đúng các đặc điểm và xác định đúng mức giá trị, ý nghĩa của Nam Phong tạp chí, hạn chế tối đa lối đánh giá cực đoan, quy kết một chiều như từng đối xử với tổ chức Tự lực văn đoàn, phong trào Thơ mới, tư trào văn học lãng mạn và các nhóm Tri tân, Thanh nghị, Xuân thu nhã tập...

Trên thực tế, làm nên thành công của Nam Phong tạp chí đã có được một ban biên tập và cộng tác viên hùng hậu, gắn bó trong hầu suốt 17 năm tạp chí tồn tại. Nhà thư mục học Nguyễn Khắc Xuyên (1923 - 2005), trong công trình Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong, từng nhấn mạnh vị thế mấy tác giả chính: Phạm Quỳnh - Nguyễn Hữu Tiến - Nguyễn Trọng Thuật - Nguyễn Bá Học, Nguyễn Đôn Phục và chia loại, tôn vinh theo 2 nhóm chủ yếu (văn và thơ)... Có thể nói, họ đều là những trí thức yêu nước, những cây đại thụ văn hóa đã gắn bó chặt chẽ với báo chí và góp công kiến tạo nền quốc văn - văn học Việt Nam giai đoạn bản lề nửa đầu thế kỷ XX...

Thứ hai, khi cộng tác với báo chí, Trần Huy Liệu mới ngoài 20 tuổi, thuần túy là một thanh niên yêu nước, chưa tham gia bất cứ một tổ chức đảng phái chính trị nào. Trong dự cảm một người trẻ tuổi, ông tìm thấy sự đồng vọng nơi Nam Phong tạp chí tinh thần dân tộc, nơi có thể kín đáo giãi bày tâm sự bất bình trước thực tại, tiếng nói đấu tranh và khát vọng đổi đời xa xôi. Khởi đầu, Trần Huy Liệu in liền 3 bài thất ngôn bát cú: Tự thuật - Dạ hoài - Bà Triệu Ẩu (số 70, tháng 4-1923), đến lần xuất hiện cuối cùng là bài thơ nhan đề Mắng mình ngông (số 98, tháng 8-1925)... Như vậy trong khoảng hơn 2 năm, Trần Huy Liệu đã in trên Nam Phong tạp chí 39 bài thơ Đường luật (có 5 bài liên hoàn), nếu tính chi tiết theo từng số mục là 45 bài; trong đó có 43 bài thất ngôn bát cú, 2 mục bài tứ tuyệt...

Khác với thơ của phần nhiều nhà nho cuối mùa và nhiều bậc chí sĩ yêu nước đương thời cùng in trên Nam Phong tạp chí, thơ Đường luật Trần Huy Liệu bộc lộ sắc nét vai trò chủ thể, chủ ý giản lược lối thơ đề vịnh trong khi gia tăng tầm quan sát, phản ánh đời sống và thể hiện phong cách thơ Đường tương đối hiện đại. Đọc thơ Đường luật của ông có thể thấy được tinh thần hành đạo cùng những nhận thức, suy tư cá nhân trước thời cuộc. Bên cạnh lối thể hiện chủ ngữ ẩn truyền thống, thơ của Trần Huy Liệu xuất hiện nhiều đại từ chỉ ngôi thứ nhất theo cách định danh đương thời: tôi, thằng tôi, tôi nghĩ thằng tôi, nhớ tôi, tôi bác đôi ta; nhà ta, riêng ta, ta trông, ta buồn, ta về ta vái Bụt chùa ta, ta sẽ tái phùng; thân, thương thân, một tấm thân, cái thân lữ thứ, thân bốn biển, thân hắn; mình, trêu mình, phận mình, cho mình, riêng mình, một mình, ngán mình; tớ, tớ chỉ buồn...

Trong xu thế bộc lộ tiếng nói con người cá nhân, Trần Huy Liệu nhìn lại, soi xét và đánh giá bản thân mình trong tư cách một thân phận, một con người cụ thể: Mới ló đầu ra hai mốt tuổi,/ Đã kề vai gánh nặng muôn phần. (Nhắn trời, II); Nghe nói nhà Nam có một anh,/ Tuổi chừng đôi chín độ xuân xanh./ Nợ nần chất đống dân cùng nước,/ Chữ nghĩa ba câu học với hành... (Tự trào, I)...

Nhà thơ nói rõ mình là kẻ tha hương, kẻ lưu lạc, du tử, lữ thứ, bèo lạc, sống nơi đất khách, luôn vọng tưởng về nơi quê nhà, cố lý, có khi thể hiện rõ ngay từ nhan đề với những Đi xa nhớ nhà, Chiều hôm nhớ nhà, Đất khách đêm nằm không ngủ, Lữ thứ sầu ngâm và bộc lộ rõ trong từng ý thơ, câu thơ, bài thơ cụ thể: Đất khách một mình thêm nhớ bạn,/ Tìm trong thanh khí có ai không? (Khóc bạn Nam Kỳ)...

Khi chí nguyện chưa thành, nhà thơ chiếu ứng trở lại bản thân và bày tỏ nỗi niềm riêng tư, tâm trạng tù túng, đan xen cả hy vọng và thất vọng, tự tin và tự trào: Vào trường túy mộng đã lâu rồi,/ Tỉnh trước đồng bào có một ai.../ ... Muốn hét một hơi trong vũ trụ,/ Bốn nghìn năm ngủ, ngủ chửa thôi (Đêm nằm không ngủ).

Nhà thơ nhấn mạnh cảm giác thương thân, vừa nêu gương tự nhiệm, thức tỉnh, dẫn đường dân chúng vừa cảm nhận mình như kẻ vô dụng, bất tài, thậm chí lẻ loi, cô đơn, cô độc, sinh bất phùng thời: Mày râu vẫn dạn cùng non nước,/ Thân thế cùng xoay với núi sông (Tiễn bạn); Rồng tiên ví phỏng như mình cả,/ Tranh cạnh vũ đài biết lấy ai? (Tự trào, II); Bực mình những tính mài gươm sắt,/ Quyết bắc thang mà hỏi lão xanh! (Cảm tác)...

Điều khác biệt ở Trần Huy Liệu là trong thơ Đường luật của ông hầu như không xuất hiện kiểu mô típ “đăng cao, vọng viễn”, tứ nghệ “ngư, tiều, canh, mục”, đề vịnh bốn mùa “xuân, hạ, thu, đông”, tứ cảnh “phong, hoa, tuyết, nguyệt”, tứ mộc “tùng, cúc, trúc, mai”, tứ linh “long, ly, quy, phượng”, mà chủ yếu là chí hướng con người muốn phụng sự đất nước, nhân quần và lời nguyền hiếu trung ở tầm quốc gia, dân tộc, thậm chí mang tầm quốc tế Á - Âu: Nước nhà chung gánh vai còn nặng,/ Xuất xử đôi đường dạ khó phân (Cảm tác, II); Đinh ninh tấc dạ dân cùng nước,/ Khắc khoải thâu đêm đứng lại ngồi (Đêm nằm không ngủ); Á Âu chung vẻ tô tai mắt,/ Trung hiếu đôi vai nặng gánh gồng (Cảm hoài)...

Thơ Đường luật Trần Huy Liệu mở rộng diện đề tài, mở rộng đối tượng phản ánh, mở rộng khoảng thời gian và không gian nhưng luôn theo sát hệ quy chiếu của đời sống thực tại. Ông có một bài duy nhất thuộc đề tài vịnh sử nhưng lại liên hệ, thức tỉnh và nhấn mạnh vai trò người phụ nữ hôm nay: Lệ hải bà vương lừng tiếng mãi,/ Làm gương răn bảo chị em nhà (Bà Triệu Ẩu). Ông có một bài duy nhất đề vịnh nhân vật Truyện Kiều nhưng lại vận vào ý tưởng tìm bạn đồng chí: Chỉ vì chưa gặp người tri kỷ,/ Mà luống long đong mãi với đời (Khóc Kiều). Ông có một bài duy nhất thuộc lối thơ du ký, đề vịnh danh lam thắng cảnh nhưng lại phản ánh tâm trạng kẻ tha hương: Đến đây phút động lòng du tử,/ Nghĩ đến quê nhà lại ngẩn ngơ! (Vịnh cảnh Thủ Dầu Một)...

Bên cạnh dòng thơ tự thuật, cảm tác, cảm hoài, dạ hoài đều có nhưng câu thơ gắn với thế sự, Trần Huy Liệu bày tỏ mối ưu tư liên quan đến quốc sự, đến khả năng thức tỉnh “dân ngốc” và những “lũ hèn”, “trở mặt”, “pha đen”: Xô đẩy trường đời đã mấy phen,/ Phong trần càng nếm lại càng quen./ Tuôn dòng huyết lệ thương dân ngốc,/ Vang tiếng ruồi xanh gớm lũ hèn!/ Buồn ngó người thân khi trở mặt,/ Đau nhìn lòng đỏ lúc pha đen./ Sài môn tuyệt khách từ đây nhé,/ Trong chốn thư hương có bạn hiền. (Cảm tác).

Cách thức tiễn bạn của ông cũng mang tâm thức mới của những người bạn đồng chí, cùng cảnh ngộ ở tầm vóc “lăn lóc với non sông”, thể hiện niềm tin giữa những “người tâm chí” và hy vọng một ngày mai: Nam Bắc đôi phương một tấm lòng,/ Cuộc đời muốn tính tính chưa xong./ Mông mênh bể thảm vơi rồi ngập,/ Nghiêng ngửa hộc sầu lắc lại đong./ Xót bạn dở dang cùng cảnh ngộ,/ Thương mình lăn lóc với non sông./ Trời kia chẳng phụ người tâm chí,/ Hậu hội rồi ta sẽ tái phùng! (Họa thơ tống biệt của một người bạn Nam Kỳ).

Cảm nhận về cảnh mưa dầm, nhà thơ liên hệ với sự thật nước non đang trong “cơn mưa gió” mà thấy chạnh lòng, sốt ruột vì chưa tìm được lối thoát, tạm thời chịu bất lực trước thời cuộc: Cái cảnh mưa dầm cảnh vắng teo,/ Bởi chưng chật đất hóa nằm meo./ Nước non mù tít cơn mưa gió,/ Ngòi lạch mênh mang nỗi nước bèo./ Chẳng biết đợi thời hay lỡ bước,/ Mà sao ngồi xó lại nằm queo./ Vũ đài tranh cạnh đang huyên náo,/ Thấy gã nằm queo lại chán phèo! (Cảnh mưa dầm).

Thêm nữa, nhà thơ đồng cảm với người dân: Chân bùn tay lấm đàn con đỏ,/ Kiếm quẩn ăn quanh mấy bác đò (Lụt nước mưa, I) và bóng gió một lời kêu gọi tranh đấu: Nhân thế bất bình nghe cũng lắm,/ Hưng sư vấn tội dễ mà ai? (Lụt nước mưa, II)...

Trên phương diện nội dung, có thể thấy thơ Đường luật Trần Huy Liệu bộc lộ rõ tinh thần yêu nước, sự bất bình trước thời cuộc và mong muốn một sự vận động, đổi thay. Việc sưu tập, giới thiệu đầy đủ các tác phẩm thơ Đường luật của Trần Huy Liệu không chỉ góp phần minh chứng sức sống của thể loại Đường luật mà còn giúp hậu thế hiểu đầy đủ hơn đời sống tinh thần của cả một thế hệ trí thức văn nghệ sĩ trong vài ba thập niên đầu thế kỷ XX.../.

4 March 2024
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)