29/04/2025 | 01:20 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

“Nóc nhà thế giới” Himalaya ngày càng “nguy hiểm chết người” hơn

Hải Anh
“Nóc nhà thế giới” Himalaya ngày càng “nguy hiểm chết người” hơn Các chuyên gia leo núi chinh phục đỉnh Everest tại Nepal, ngày 2-6-2021_Ảnh: AFP
Biến đổi khí hậu đã khiến điều kiện tự nhiên trên đỉnh Everest thay đổi theo hướng cực kỳ nguy hiểm, khiến những cuộc leo núi chinh phục “nóc nhà thế giới” giờ không khác gì hành trình chết chóc, với số người thiệt mạng cao kỷ lục.

Các chuyên gia leo núi và nhà khí hậu học nói rằng, nhiệt độ ấm lên trên toàn cầu đang khiến cả địa hình của các sông băng ở dãy Himalaya và các kiểu thời tiết - mà những người leo núi dựa vào để lên kế hoạch về thời gian cho chuyến hành trình của họ - trở nên khó dự đoán hơn.

Địa hình sông băng và núi kém ổn định

Joseph Shea - Phó Giáo sư địa chất môi trường tại Đại học North British Columbia (Mỹ) - cho biết, nghiên cứu trong những năm gần đây chỉ ra rằng các sông băng ở dãy Himalaya đang mỏng dần. Theo một báo cáo từ năm 2019 của Shea, biến đổi khí hậu đã tàn phá khu vực Himalaya, khiến các dòng sông băng rút lui và lớp băng vĩnh cửu tan chảy.

Shea cho biết, một số tuyến đường mà những người leo núi sử dụng để lên các đỉnh núi cao hơn phụ thuộc vào sự ổn định của sông băng, chẳng hạn như Thác băng Khumbu, nằm gần trại nền Everest và được sử dụng để đi bộ lên Trại 1. “Thác băng Khumbu vốn đã rất khó di chuyển, giờ trở nên kém tin cậy hơn”.

Các nhà nghiên cứu đã khoan vào sông băng Khumbu gần trại nền Everest và phát hiện ra rằng nó “rất gần điểm tan chảy”, Duncan Quincey - Giáo sư về băng hà tại Đại học Leeds (Anh) - tiết lộ. Ông cho biết, chỉ với một sự gia tăng nhỏ về nhiệt độ khí quyển, sông băng Khumbu sẽ rơi vào tình huống bắt đầu tan chảy nhanh chóng.

Shea phân tích thêm: biến đổi khí hậu cũng có thể làm trầm trọng thêm các rủi ro khác như hiện tượng đá rơi, đặc biệt là ở các khu vực núi cao vì nhiều thành tạo được liên kết với nhau bằng lớp băng vĩnh cửu trên núi cao hoặc mặt đất đóng băng sau đó tan băng.

Trước khi khu vực này bắt đầu ấm lên, những người leo núi có thể tự tin hơn khi vượt qua những dốc núi nguy hiểm vì mọi thứ đều đóng băng và ổn định. Giờ đây, nhiều sườn dốc lần đầu tiên lộ ra ngoài và các hiện tượng lở đá sẽ ngày càng khó lường.

Tuyết lở cũng làm tăng rủi ro cho những người leo núi - một nghiên cứu từ Liên minh khoa học Địa chất châu Âu cho biết. “Càng ngày, chúng ta càng nên dự kiến toàn bộ khu vực sẽ trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều”, Quincey nói.

Cửa sổ thời tiết hoàn hảo của Everest trở nên khó lường

Nghiên cứu cho thấy, kiểu thời tiết trong khu vực cũng trở nên thất thường hơn, khiến những người leo núi khó lên kế hoạch cho những chuyến thám hiểm kéo dài. 

Chris Tomer - nhà khí tượng học và nhà dự báo thời tiết cho các chuyến thám hiểm leo núi, có trụ sở tại Colorado (Mỹ) - cho biết: các chuyên gia về Everest biết rằng có một khoảng thời gian “kỳ diệu” trong tháng 5, thường là từ ngày 15 đến ngày 30, trong đó gió giảm xuống dưới 30 dặm/giờ. 

Cửa sổ thời tiết có xu hướng xuất hiện khi mùa gió mùa đến gần và dòng tia (khu vực có gió lớn thường nằm trên đỉnh núi) bị đẩy ra ngoài, khiến gió trong khu vực giảm đáng kể, tạo điều kiện tốt nhất để leo Everest trong năm.

Các nhà leo núi đều mong chờ thời điểm này, vì thông thường nếu gió có tốc độ trên 30 dặm/giờ, hầu hết mọi người sẽ không leo lên, Alan Arnette - một vận động viên leo núi dày dạn kinh nghiệm và là người Mỹ lớn tuổi nhất leo K2 ở tuổi 58 - cho biết như vậy.

Nhưng thời điểm đó đang thay đổi. Tomer xác nhận: “điều tôi nhận thấy là nó trở nên khó dự đoán hơn một chút và thất thường hơn một chút”. Arnette nhận xét: “điều đó quá nguy hiểm, làm tăng nguy cơ bị tê cóng cũng như các vấn đề khác”.

Arnette cho biết, vào năm 2019, chỉ có 3 ngày - trái ngược với 11 đến 14 ngày thông thường - tốc độ gió thích hợp để leo núi. Đến tháng 5-2022, gần như cả tháng trời có gió thuận lợi, điều chưa từng xảy ra trước đây. “Điều đó cho bạn thấy những điều cực đoan đang xảy ra”, ông nói.

Joseph Shea vẫn chưa rõ điều gì sẽ xảy ra trong tương lai về vị trí của dòng tia và thời điểm chuyển đổi gió trên Everest. Theo ông, dự báo dài hạn về cửa sổ khí hậu có thể sẽ thay đổi, nhưng dự báo ngắn hạn vẫn chính xác.

Khu vực Himalaya thể hiện rõ các dấu hiệu biến đổi khí hậu

Các nghiên cứu cho thấy rằng, nếu lượng khí thải nhà kính không giảm đáng kể, các sông băng sẽ tiếp tục mất khối lượng và rút đi đáng kể, Shea nói. “Đây là một tín hiệu biến đổi khí hậu rất rõ ràng. Các mô hình mà chúng tôi sử dụng để xem xét những gì xảy ra trong tương lai cũng dự đoán điều tương tự, chẳng hạn như sự sụt giảm lớn về tổng thể tích sông băng, phạm vi sông băng”.

Quincey cho biết, đối với những người đã nghiên cứu khu vực này trong nhiều năm, những thay đổi có thể thấy rõ bằng mắt thường, bao gồm các sườn dốc lộ ra ở sườn của các sông băng chính và các hồ nước tích tụ trên bề mặt băng không có nước tan chảy. 

Quincey nói: “rất, rất khó để không nhìn thấy tác động của biến đổi khí hậu. Có một số chỉ số trực quan rất rõ ràng về tác động của khí hậu ở khu vực đó”.

Đâu là thủ phạm giết người trên Everest?

Arnette cho biết, 17 nhà leo núi đã thiệt mạng khi cố gắng chinh phục Everest trong năm 2023 - một con số đột biến so với mức trung bình 4 - 6 người mỗi mùa. Bên cạnh yếu tố biến đổi khí hậu, trình độ của người dẫn đường và trang bị kém cũng có thể dẫn đến chết người.

Arnette cho biết trong số 17 người đã chết, 11 trường hợp tử vong có thể phòng ngừa được. Ngoài ra, Shea cho biết số lượng người leo núi đạt kỷ lục vào năm 2023, điều này làm tăng khả năng tử vong nhiều hơn. 

Nepal đã lập kỷ lục cấp 478 giấy phép leo núi cho người nước ngoài vào năm 2023. Tính cả số lượng Sherpa (dẫn đường), đã có khoảng 1.200 người leo núi theo đuổi đỉnh Everest trong suốt mùa xuân.

Sự khó lường của thời tiết làm nghiêm trọng hơn tình trạng quá tải trên đỉnh núi. Nếu các nhà dự báo chỉ có thể dự đoán các điều kiện một cách chắc chắn trong 4 - 5 ngày tới, nhiều người sẽ dồn vào mấy ngày này để lên núi. 

Trong 1 ngày có thể có tới 400 người cùng leo - con số mà vào các năm khác sẽ được dàn đều ra khoảng 5 ngày. Dù lý do chính là gì, rõ ràng sự thay đổi cực đoan của thời tiết cũng là yếu tố làm gia tăng sự quá tải và chết chóc trên đỉnh Everest năm qua./.

24 May 2024
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)