29/04/2025 | 00:55 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Năm rồng và câu đối tết

Peter Pho
Năm rồng và câu đối tết Ảnh minh họa (nguồn: thethaovanhoa.vn)
Mỗi dịp tết đến, các ông đồ thường được nhiều người thuê viết chữ, viết câu đối xuân để trang trí trong nhà. “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực Tàu, giấy đỏ/ Bên phố đông người qua” (Vũ Đình Liên). Bởi xưa cũng như nay, việc xin chữ hay treo câu đối đã trở thành một mỹ tục của nhân dân ta, cả ở thành thị lẫn ở nông thôn.

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Dù chỉ gồm có 2 câu song thất với 14 chữ, 6 danh từ mà đã gói gọn và phản ánh nét đẹp và bức tranh phong phú của cái tết cổ truyền Việt Nam. Hồi xưa, tết mà thiếu câu đối là thiếu hẳn đi một cái nét đặc trưng của tết. Màu đỏ của câu đối nơi cánh cửa, trên tường nhà, làm cho nhà cửa ngày xuân trở nên rực rỡ hơn, lộng lẫy và sáng sủa hơn. Nội dung các câu đối thường là lời cầu chúc, ước vọng cho cuộc sống, cho con người được mọi điều tốt đẹp khi mùa xuân đến gõ cửa mỗi nhà. Một trong những câu đối được bình chọn hay nhất, nhiều người ưa nhất là câu:

天增岁月人增寿,

春满乾坤福满门

Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng thọ

Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường

Dịch:

Trời thêm năm tháng, người thêm thọ

Xuân khắp đất trời, phúc khắp nhà

Đây là câu đối mùa xuân kinh điển và truyền thống. Đại ý là: năm mới đã đến, đất trời thiên nhiên tăng thêm năm tháng, tuổi thọ con người cũng được tăng lên một tuổi, nơi nơi ngập tràn không khí mùa xuân, phúc khí tràn trề mọi nhà, mọi ngõ ngách. Câu đối này đối nhau khéo léo, ngụ ý cát tường. Không chỉ nói lên được “thiên tăng tuế nguyệt” (trời tăng năm tháng) và “xuân mãn càn khôn” (mùa xuân tràn ngập vũ trụ) mà còn khéo léo lồng ghép những lời chúc đẹp đẽ: “nhân tăng thọ” (con người tăng thêm tuổi thọ) và “phúc mãn đường” (phúc đến tràn ngập trong nhà). Rất hấp dẫn và rất thuận miệng khi đọc, khiến nó trở thành một kiệt tác trong những câu đối tết truyền thống. Từ đâu mà có tập tục đốt pháo, đón giao thừa, chơi câu đối đỏ ngày tết?

Trong nhân gian lưu truyền một truyền thuyết, thật hay giả nhưng cứ kể lại cho vui ngày tết. Thời đó có một con quái vật tên là “年” (Niên), có cặp sừng dài và sắc trên đầu, nó vô cùng hung dữ, mọi người đều rất sợ. Theo chu kỳ một năm 365 ngày nó lại xuất hiện tìm ăn thịt người. Vậy nên mỗi khi đến ngày này (30 tết), mọi người đều trốn trong nhà, đóng chặt cửa lại, ăn cơm tối xong cũng không dám đi ngủ, tụ tập lại nói chuyện để tránh “Niên” tấn công. Đây cũng chính là tập tục “thức đón giao thừa” được lưu truyền về sau. Thức hết đêm này là sang mùng 1 tết, mọi người vui vẻ đi ra khỏi nhà, đến thăm hàng xóm, chúc mừng nhau không bị quái vật “Niên” ăn thịt. Những ngày tháng yên bình này kéo dài rất lâu, mọi người cũng dần dần nới lỏng cảnh giác. Rồi cho đến một đêm giao thừa nọ, “Niên” tấn công một ngôi làng. Hầu hết dân trong làng đều bị nó ăn thịt, chỉ còn sót lại một ngôi nhà của đôi vợ chồng mới cưới treo rèm đỏ, mặc áo đỏ và những đứa trẻ chơi trò đốt pháo ngoài cổng thôn là bình an vô sự. Về sau, mọi người mới biết được, thì ra “Niên” sợ nhất là ba thứ: màu đỏ, ánh sáng và tiếng nổ. Kể từ đó về sau, mọi nhà mỗi khi đón tết đều dán giấy đỏ, treo đèn đỏ, đốt pháo. Tập tục miếng vải đỏ treo trước nhà còn lưu truyền đến ngày nay với người Mông ở vùng cao nguyên đá nước ta. Và người Trung Quốc gọi ăn tết là “過年” (qua niên) là vậy.

Thực ra trong chính sử thì từ thời Chiến Quốc hơn 2.000 năm trước đã bắt đầu bày đặt ra viết câu đối tết, thời kỳ sơ khai người ta gọi là “桃梗” (đào cánh) còn gọi là “桃符?” (đào phù) được treo trên cành đào trong dịp tết nguyên đán. Mãi đến đời nhà Minh mới bắt đầu gọi là “春联” (xuân liên) tức câu đối mùa xuân, dân ta gọi là câu đối tết. Đời nhà Tống có một câu đối nổi tiếng của Vương An Thạch là:

爆竹一声除旧, 桃符万象更新

“Bạo trúc nhất thanh trừ cựu, đào phù vạn tượng cáng tân”. Có nghĩa là tiếng pháo nổ vang lừng báo năm cũ đã qua. Đào phù (câu đối xuân) đem đến cảnh tượng thay đổi muôn sắc màu. Đời Minh Thái Tổ đóng đô ở Kim Lăng, nay là Nam Kinh. Nhà vua có thú chơi câu đối tết. Trước giao thừa, nhà vua hạ chiếu lệnh cho mọi nhà quan dân đều phải dán câu đối tết ngoài cửa. Sáng mùng 1, nhà vua cùng các quan tản bộ trong kinh thành ngắm, đọc các câu đối. Nhà nào có câu đối hay thì được thưởng “lì xì” (tiền thưởng may mắn dịp tết).

Năm 2024 được xác định là năm Giáp Thìn, năm con rồng. Thỏ Ngọc hồi cung giã từ năm cũ, và Rồng Vàng nổi lên từ mặt nước để đón năm mới. Rồng liệng xuống nhân gian khi mọi người tưng bừng đón xuân và hứa hẹn một năm đầy may mắn. Trong số 12 cung hoàng đạo, “rồng” không phải là một con vật có thật mà là một linh vật theo trí tưởng tượng được người đời ban cho các đặc tính tâm linh và diện mạo của các loài động vật khác nhau như cá sấu, rắn, dê, lợn, ngựa, bò,... được lồng ghép vào “rồng”, kết hợp với các hiện tượng thiên nhiên tự nhiên như mây, mưa, sấm, sét. Từ ngàn xưa, rồng đã là linh vật biểu tượng cho cao thượng, may mắn, cát tường của vua chúa cũng như dân đen.

Bởi vì rồng có địa vị tối cao và tượng trưng cho sự tốt lành nên nó đã bị các hoàng đế của mọi triều đại độc quyền, họ tự xưng cho mình là “Hoàng đế ngồi trên ngai rồng”, sức mạnh của vua có nguồn gốc từ sức mạnh thần thánh đến từ rồng và họ coi mình là “thiên tử” (con trời) cai trị thiên hạ theo ý muốn của trời. Quần áo của hoàng đế được gọi là “long bào” (áo rồng), xe của hoàng đế được gọi là “long liễn” (xe rồng), giường của hoàng đế được gọi là “long tháp” (giường rồng), mũ của hoàng đế được gọi là “long quan” (vương miện rồng), cơ thể của hoàng đế được gọi là “long thể” (thân rồng), còn mặt của hoàng đế được gọi là “long nhan” (dung nhan của rồng)... Có quá nhiều thứ để đề cập đến rồng bị triều đình độc quyền sở hữu, nhà vua khoác mình chiếc áo rồng và sử dụng hình ảnh rồng để thể hiện sự tôn nghiêm và uy quyền của mình. Mặc dù quyền lực hoàng đế là tối cao và dân thường bị cấm sử dụng hình ảnh rồng, nhưng rồng từ lâu đã ăn sâu vào lòng người dân, người ta múa đèn rồng, đua thuyền rồng và tôn thờ rồng để cầu cho “mưa thuận gió hòa”, bình an và hạnh phúc.

Trong tín ngưỡng của người Việt, rồng là sinh vật tâm linh đứng đầu trong tứ linh “long, ly, quy, phượng”. Rồng đã in sâu vào tâm thức mỗi người Việt Nam từ xa xưa và được coi là tổ tiên của người Việt, và chúng ta là “con rồng, cháu tiên”. Là người Việt, ai cũng biết truyền thuyết về thủy tổ của người Việt. Theo truyền thuyết, Vua Lạc Long Quân kết hôn với Âu Cơ và sinh ra bọc trăm trứng, sau đó 50 người theo Lạc Long Quân xuống biển, 50 người theo Âu Cơ lên núi, từ đó hình thành nên nhiều dân tộc khác nhau ở Việt Nam. Khái niệm rồng xuất hiện sớm nhất trong văn hóa Đông Sơn thời Văn Lang, được thể hiện ngay cả trên bản đồ nước ta dưới dạng hình chữ S. Đầu rồng nằm ở hướng Bắc, đuôi rồng là mũi Cà Mau.

Trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, rồng được coi là biểu tượng cho sự thịnh vượng, sức mạnh của dân tộc Việt Nam và là vương quyền của các triều đại phong kiến. Vào thời nhà Lý 1.000 năm trước, hình tượng rồng bắt đầu trở nên rõ nét. Trong chiếu chỉ dời đô từ Hoa Lư - Ninh Bình về thành Đại La, Lý Thái Tổ kể rằng ông nằm mơ thấy rồng bay lên trời nên đặt tên kinh đô mới là Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Thăng Long thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm của dân tộc Việt Nam sẽ bay lên mạnh mẽ như rồng. Từ thời Lý, Trần, Lê đến sau triều Nguyễn, dù ở thời kỳ nào, trong các công trình, di tích lịch sử, tác phẩm nghệ thuật đều có hình tượng rồng, đều liên quan đến mây và nước. Người Việt thể hiện ước mơ, trí tuệ của mình thông qua hình ảnh con rồng - nét rất đặc trưng của văn hóa Việt Nam.

Trong tâm thức người Việt Nam, năm rồng sẽ mang lại may mắn và cát tường như ý. Chúng ta hãy chào đón năm Giáp Thìn với kỳ vọng đất nước thịnh vượng, tương lai tươi sáng, mọi người dân tràn trề sức khỏe và hạnh phúc.

Cuối cùng xin tặng các bạn đọc một câu đối Tết:

迎春迎喜迎富贵 接福接财接平安

Nghênh xuân nghênh hỉ nghênh phú quý/ Tiếp phúc tiếp tài tiếp bình an

Dịch nghĩa:

Nghênh xuân nghênh hỉ nghênh phú quý/ Đón phúc đón tài đón bình an./.

19 February 2024
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)