Làng trong phố - nét độc đáo giữa lòng Hà Nội
Hồng Thủy* - Đặng Mai*** Trường Trung học cơ sở Khương Thượng - ** Phòng Văn hóa Thông tin quận Đống Đa
Đậm nét trong kiến trúc Thủ đô
Hà Nội được hiểu là một vùng đất, một đơn vị hành chính, một thành, một thành phố; ban đầu là thành Cổ Loa, Tống Bình, Đại La - Đại La Thành, Thăng Long, Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh, Bắc Thành, tỉnh Hà Nội, thành phố Hà Nội...; rồi mở rộng ra gồm cả phố thị theo nghĩa của kinh kỳ, phố - phường;... đến nay là thành phố trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, “trái tim của cả nước”.
Sự giàu có về không gian kiến trúc của Hà Nội theo nghĩa rộng, về tự nhiên, có đủ cả núi, đồi, rừng, đồng và bãi; đủ cả sông, suối, hồ, đầm, đầm lầy, đỗ, thác, khe, vực... Đây là một không gian kiến trúc tự nhiên tuyệt vời, không phải nơi nào cũng hội đủ. Về hành chính - kiến trúc, Hà Nội có phố phường, khu tập thể và khu đô thị, có làng, thôn, xóm, ngõ, ngách; xưa còn có trại, ấp, đoàn và nay có cả bản...
Xét về địa hình có làng ven sông, làng bến, làng ven hồ, làng ven lộ, làng ven đồng, làng/bản ven đồi núi...; có phố làng và làng phố. Xét về chức năng kinh tế, có làng thuần nông (tất nhiên đến nay chỉ là tương đối), làng nghề thủ công nghiệp, làng buôn, làng dịch vụ...
Xét về vị trí trong mối quan hệ với đô thị và quá trình đô thị hóa, có làng trong phố - làng ven phố/khu đô thị - làng ngoại thành - làng khu vực thuần về nông thôn ở xa đô thị. Chỉ tính trong không gian các quận nội thành, ta cũng thấy sự khác biệt giữa làng phố - phố làng - làng trong phố, cả về kết cấu xã hội và về kiến trúc.
Trải cùng lịch sử với nhiều thăng trầm, dưới tác động của đô thị hóa và chuyển biến nội tại, làng đổi thay rất nhiều. Các làng trong phố dần bị “nuốt” vào đô thị, từ làng, trại, ấp giờ đã thành phường, phố, ngõ, xóm, khu dân cư. “Thập tam trại”, như Cống Vị, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Thụy Khuê, Hào Nam, Kim Mã Thượng, Kim Mã, Liễu Giai,... hiện chỉ còn địa danh và một số kiến trúc tâm linh mang dấu ấn làng như đình, chùa, nghè, miếu.
Không gian kiến trúc đặc trưng của làng là vườn, ruộng không còn; không gian khu dân cư dày đặc đến nỗi bằng cảm quan không thể thấy giới hạn hành chính giữa các phường, khu dân cư; kiến trúc làng ở nhiều nơi đã thành kiến trúc phố. Sẽ là rất hiếm nếu còn tìm được nếp nhà xưa với kiến trúc chia gian, nhà trên - nhà dưới, có sân - vườn đúng nghĩa.
Các trại/thôn/làng trở thành làng phố, làng trong phố - thông ra phố, gắn kết với phố; đường làng trở thành phố làng. Không gian kiến trúc của làng mở hơn, hướng ra phố chứ không hướng ra cánh đồng, thay vì tụ lại ở điểm nhấn trung tâm là ngôi đình, giếng nước. Không gian kiến trúc của các căn nhà hướng ra đường, ra ngõ với công năng thiên về thương mại, dịch vụ, chứ không còn hướng/ẩn vào phía trong như trước.
Dân cư gốc của các làng trong phố cổ, cứ tạm tính khoảng một trăm năm trở lại đây còn lại rất ít. Cũng bởi thế, hầu như không còn từ “kẻ” tồn tại trong giao tiếp theo cả nghĩa chỉ một vùng và chỉ cư dân của một vùng nào đó, dù chỉ khoảng trăm năm trước, từ kẻ vẫn dùng phổ biến, như: Kẻ Bưởi (Yên Thái, Hồ Khẩu, Võng Thị, Trích Sài...), Kẻ Chèm, Kẻ Đỏ (Triều Khúc), Kẻ Dáy (Hòa Mục), Kẻ Giàn (Trung Kính), Kẻ Mọc (Nhân Chính), Kẻ Noi (Cổ Nhuế), Kẻ Vẽ (Đông Ngạc), Kẻ Cót (Yên Quyết), Kẻ Mẩy (Mễ Trì), Kẻ Mơ, Kẻ Cáo... Kể cả từ “Kẻ Chợ” cũng chỉ còn trong sách vở.
Đáng chú ý là nhiều làng đã mất hẳn, điển hình là trường hợp 3 thôn Tây Long (Tây Luông), Thạch Tần (Thạch Trần), Cựu Lâu (thuộc tổng Phúc Lâm, huyện Thọ Xương), nay thuộc phường Tràng Tiền - mà Nhà Hát Lớn xây trên đất Thạch Tần - Tây Long; gọi là mất hẳn vì chẳng thể tìm được địa danh cũ, cũng không còn dân cư cũ, không còn công trình kiến trúc cũ nào tồn tại.
Các làng trong phố thay đổi rất nhanh về cơ sở kinh tế mà đến nay hầu hết không còn nghề gốc. Trích Sài, một trong 6 làng cổ vùng Kẻ Bưởi, theo nghĩa của tên gốc là làng đốn củi, mất mấy trăm năm để trở thành làng dệt và chỉ vài chục năm để trở thành làng trong phố với cả trăm nghề.
Làng Ngọc Hà, có thể coi là khu định cư - nghỉ dưỡng đầu tiên ở Việt Nam (của quan lại trong thành), qua hàng trăm năm thành Làng Hoa, giờ chẳng thể tìm được một vườn/ruộng hoa đúng nghĩa. Tất nhiên, có giai đoạn quá độ cả về địa danh và về kiến trúc, như Hữu Tiệp, ban đầu là trại, rồi thành Trại Hàng Hoa; hoặc trường hợp “phố kẻ” của Phố Kẻ Giàn, Phố Kẻ Vẽ một thời...
Vẫn rất phong phú và độc đáo
Nhưng làng trong phố vẫn còn, rất phong phú và rất độc đáo. Nhiều địa danh vẫn tồn tại, dù làng đã thay bằng phố, phường; nhiều ngõ, xóm vẫn giữ địa danh, dù khu dân cư đã được đánh số. Một số căn nhà thờ họ vẫn ở đó, thậm chí giữ nguyên kiến trúc truyền thống, dù cư dân cũ mới đan xen và nhân khẩu tại chỗ trong dòng họ có xu hướng giảm.
Kiến trúc làng trong “vùng lõi” còn khá đậm, nhất là ngõ và cổng ngõ, nhà truyền thống, bao gồm cả sân, vườn. Đặc biệt, còn rất nhiều kiến trúc tâm linh mang đậm dấu ấn làng, là đình, chùa, đền, miếu, quán, nghè, văn chỉ, giếng làng. Đây là điểm nhấn kiến trúc và mang dấu ấn kiến trúc làng - có sự khác biệt với dấu ấn kiến trúc phố.
Những công trình kiến trúc này, đúng hơn là những di sản văn hóa - không gian tâm linh này được sự đồng thuận, tôn trọng, ý thức bảo tồn của cả cộng đồng dân cư cũ và mới. Dân cư Hà Nội hiện nay và có lẽ cả trong tương lai thật hạnh phúc nếu được sống trong làng mà chỉ vài bước chân là ra phố. Đây là giá trị riêng có, vô cùng quý báu của Hà Nội, cần phải giữ gìn.
Trường hợp xóm Hà Hồi là một minh chứng về sự phong phú, độc đáo của phố làng - làng phố Hà Nội. Theo một số tư liệu, cư dân gốc của xóm này từ Hà Hồi (Thường Tín) cùng quân nhà Tây Sơn tiến đánh vào thành Thăng Long cuối thế kỷ XVIII rồi ở lại lập thành trại lính, thành xóm, nên lấy tên là xóm Hà Hồi; khi người Pháp chiếm đóng xây thành các dinh thự cho quan chức.
Nay chủ yếu là khu dân cư, cửa hàng, với khoảng 140 hộ, trên 400 nhân khẩu. Xưa gọi là Xóm Hà Hồi, rồi lại định danh là Ngõ Hà Hồi, một thời là Phố Xóm Hà Hồi và nay là Ngõ Xóm Hà Hồi. Xóm này có 4 lối thông ra đường Trần Hưng Đạo - Trần Quốc Toản - Quang Trung, 3 lối ghi là Hà Hồi, riêng ngõ Trần Hưng Đạo ghi là Hạ Hồi, lần lượt là: ngõ xóm Hạ Hồi, ngõ xóm Hà Hồi, xóm Hà Hồi, ngõ Hà Hồi. Về mặt hành chính - tên gọi còn nhiều tranh cãi, còn với người dân yêu xóm phố này, chẳng quan trọng là xóm hay là phố.
Các làng ngoại thành cũng có sự biến đổi nhanh chóng. Trong vài chục năm gần đây, nhất là từ đổi mới, không gian của làng ngày càng mở, hướng ra đường.
Những căn nhà ống dọc theo đường vào làng luôn được giá và phát huy vai trò trong thương mại, dịch vụ; vai trò trung tâm kiến trúc của đình, chùa, giếng nước đã giảm so với trước.
Đường lát gạch nghiêng được thay thế bằng nhựa đường, bê tông. Thật hiếm những làng còn giữ được lũy tre, cây đa cổ thụ, bến nước...
Kiến trúc nhà dân cũng thay đổi, nhà ống nhiều tầng, khép kín ngày càng áp đảo; nhà hướng ra đường, ngõ, thay vì dựa lưng vào đường như trước; chức năng cổng và cửa gần lại làm một...
Kiến trúc làng dần theo hướng kiến trúc phố, kể cả cách nội thành vài chục ki-lô-mét, không hiếm các trường hợp vừa được gọi là làng xóm, vừa được gọi là phố.
Chức năng kinh tế của làng cũng thay đổi mạnh mẽ, còn rất ít làng thuần nông, kéo theo và đặt ra nhiều vấn đề về quy hoạch và kiến trúc.
Làng trong kiến trúc, quy hoạch là một nét đặc sắc riêng có của Thủ đô; luôn tồn tại trong suốt quá trình xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh. Làng, kiến trúc làng và làng trong quy hoạch Thủ đô sẽ không làm Hà Nội bị “nhà quê hóa” mà nếu biết trân trọng, quan tâm thì có thể tạo ra lợi thế, nguồn lực riêng
Việc cấp thiết cần làm là thực hiện kiểm kê, số hóa thực trạng kiến trúc, các công trình kiến trúc mang dấu ấn làng. Bảo tồn, tôn trọng quy hoạch truyền thống các làng, nhất là những xóm làng phố cổ - những viên ngọc quý giữa lòng thành phố, minh chứng cho lịch sử ngàn năm văn hiến của Hà Nội, đặc biệt là đường làng, cổng làng, cổng ngõ, cổng nhà truyền thống; các di tích văn hóa, tâm linh, kiến trúc truyền thống; không gian xanh, trầm mặc, cổ kính.
Tìm sự kết nối hài hoà về quy hoạch và kiến trúc, kể cả quy hoạch các công trình ngầm giữa phố phường, các trụ sở, khu đô thị với phố làng và làng phố trên cơ sở tôn trọng không gian kiến trúc của từng khối chức năng; biến các làng trong phố và phố làng thành điểm nhấn độc đáo, giàu bản sắc của Thủ đô./.