Đừng để tay trái biết việc làm của tay phải
DƯ HỒNG QUẢNG
Cách đây đúng 19 năm, lúc 1 giờ 30 phút sáng ngày 27-9-2005, nước lũ từ thượng nguồn bất ngờ ập về, tràn đê ngòi Lao. Đến 2 giờ sáng, đoạn đê dài 150m bị vỡ. Lũ quét nhấn chìm làng Thao Hà, xã Bằng Giã, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, trên 200 người dân phải dỡ ngói trèo lên mái nhà hoặc bám víu trên các ngọn tre.
Trước khi các lực lượng cứu hộ kịp đến, chiếc thuyền nan nhỏ bé của một người đánh cá là ông Lập đã lao vào dòng lũ, tìm đến những nơi có tiếng kêu cứu, đưa người già và trẻ em lên chỗ đê chưa vỡ. Nhà ông Bình ở làng bên, đất cao hơn nên không bị ngập sâu. Vợ ông nấu mấy nồi cơm cho chồng bơi thuyền mang đến những người mắc kẹt đang chờ cứu hộ. Một miếng khi đói đầy ắp nghĩa tình.
Ngay sau khi nước rút, tại hội trường Ủy ban nhân dân xã Bằng Giã, chương trình tọa đàm “Những gương mặt đời thường” được tổ chức. Đây là chương trình hằng tháng của Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Thọ nhằm tôn vinh những người dân bình thường nhưng có những việc làm phi thường vì cộng đồng.
Ông Lập cứu hộ, ông Bình nhường cơm được mời làm nhân vật giao lưu chia sẻ. Hai ông rất ngại tham gia chương trình, nhà đài phải cố gắng thuyết phục với mong muốn lan tỏa những việc làm bình dị mà cao cả. Trong lúc giao lưu, ông Bình còn thật thà nói rằng bề trên dạy, khi giúp người, đừng để tay trái biết việc làm của tay phải. Hôm nay tôi nói với đài thế này là tự xóa hết công quả rồi.
Giúp người thì không kể công, đó là những lời tốt đẹp người Việt trao truyền cho nhau từ đời này sang đời khác. Hơn 2.000 năm trước, ở Trung Đông, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng, khi làm việc phúc đức, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống như đám biểu diễn ngoài phố, cốt để người ta khen. Khi làm việc thiện phải kín đáo, đừng để tay trái biết việc tay phải làm.
Có người biết, có người chưa biết lời dạy trên của Đức Chúa nhưng loài người xưa nay ai cũng mong muốn có cuộc sống an lành, tốt đẹp. “Nhân chi sơ tính bản thiện”, muốn làm việc thiện là bản tính của con người. Muốn được ghi nhận, ngợi khen cũng là bản tính của con người. Trong mỗi người lại có mặt tốt, xấu lúc này lúc khác, vì thế mới cần đạo đức, luân lý, dư luận và pháp luật để điều chỉnh.
Trung Quốc năm 2007, Lý Liên Kiệt thông báo thành lập tổ chức từ thiện One Foundation và kêu gọi ủng hộ để giúp những người yếu thế. Với tầm ảnh hưởng của tài tử điện ảnh võ thuật nổi tiếng, Lý Liên Kiệt đã quyên góp được rất nhiều tiền cho tổ chức One Foundation.
Năm 2013, tại Nhã An, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) xảy ra thảm họa động đất kinh hoàng. Ngay lập tức, Lý Liên Kiệt kêu gọi quyên góp và nhận được số tiền lên đến 400 triệu nhân dân tệ (hơn 1.400 tỷ đồng). Tuy nhiên, theo báo chí thông tin, số tiền ngôi sao điện ảnh này chi ra cho việc khắc phục hậu quả do thảm họa động đất, tái thiết cuộc sống cho người dân chỉ có khoảng 140 tỷ đồng, bằng 1/10 số tiền Lý Liên Kiệt vận động được. 9/10 số tiền kêu gọi ủng hộ không được giải trình cụ thể, rõ ràng khiến dư luận bất bình.
Làm việc thiện cần quảng bá. Mặt tích cực của quảng bá là khi làm đúng mực sẽ kêu gọi, khuyến khích, cổ vũ người ta theo nhau làm việc thiện, nhân lên điều tốt đẹp. Mặt khác, sự quảng bá rùm beng làm giảm ý nghĩa của việc thiện lành.
Rất cần thông tin quảng bá để lan tỏa việc làm thiện nguyện của những người có ảnh hưởng trong cộng đồng, những người nổi tiếng được công chúng mến mộ. Nhưng cũng rất cần tiết chế những việc quảng bá quá đà kiểu “khua chiêng đánh trống như đám biểu diễn ngoài phố, cốt để người ta khen”.
Làm việc thiện cần quảng bá, làm việc thiện cũng cần minh bạch. Siêu bão Yagi đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam đầu tháng 9 khiến hàng trăm người chết và mất tích. Với tinh thần “tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách”, người dân cả nước chung tay khắc phục hậu quả bão lụt. Những việc làm thiện nguyện đã giúp đỡ rất hiệu quả, thiết thực với đồng bào trong hoạn nạn.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đăng tải công khai gần 10.000 trang sao kê tiền ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi siêu bão. Công khai, minh bạch để mọi người cùng giám sát, để người đóng góp biết chắc chắn đồng tiền ủng hộ của mình đã đến đúng địa chỉ.
Khi một cá nhân hay tổ chức làm việc thiện, tùy họ muốn giữ kín đáo hay không, đó là quyền cá nhân của họ. Nhưng mọi người cần biết việc làm thiện nguyện đó có thực chất hay không, hay là “có ít xít ra nhiều”, đánh bóng tên tuổi. Đó là quyền được biết và quyền giám sát của mọi người, của cộng đồng, xã hội./.