21/11/2024 | 16:42 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Chủ tịch Nay Y Phú và dấu ấn đổi thay trên đại ngàn Lắk

Nguyễn Văn Chiến
Chủ tịch Nay Y Phú và dấu ấn đổi thay trên đại ngàn Lắk Đồng chí Nay Y Phú trao Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng cho đảng viên Y Manh BKrông ở Đảng bộ xã Nam Ka_Ảnh: N.V.C
Nay Y Phú là Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lắk. Người đứng đầu chính quyền một trong những huyện còn khó khăn của tỉnh Đắk Lắk tạo ấn tượng ngay lần đầu gặp mặt bởi tác phong xởi lởi, hồn hậu, chân thành cùng đôi mắt sáng, nước da nâu, dáng người vạm vỡ, giọng nói hào sảng đúng chất chàng trai Mnông trên đại ngàn Tây Nguyên.

Lãnh đạo phát triển kinh tế đúng hướng, nhiều thành tựu

Được Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk giới thiệu, lần đầu gặp mặt, thoạt nhìn Chủ tịch Nay Y Phú khá giản dị, từ phòng làm việc tới từng lời nói và cách hành xử, nhưng ẩn sâu trong đó là sự tâm huyết và thấu đáo của người đứng đầu chính quyền vùng đất sỏi cát, nhiều nắng gió. Anh để lại ấn tượng cho người đối diện tác phong lịch thiệp, khiêm nhường, trầm tĩnh và quyết đoán.

Nay Y Phú có bố mẹ đều là người con của núi rừng Tây Nguyên, được Tỉnh ủy Đắk Lắk cử ra miền Bắc học tập trong những tháng năm đất nước còn “đi trong lửa đạn”. “Tôi sinh ở Phú Thọ nên bố mẹ đặt tên là Phú”, anh tâm sự. 

Đất nước thống nhất, năm 1976, tròn 1 tuổi, Phú cùng bố mẹ trở về huyện Lắk quê hương. Ngay từ bé, Nay Y Phú đã có ý thức học tập, trui rèn và là một trong số ít thanh niên trong vùng khi ấy chịu đèn sách, cơm nắm, cơm gói theo thầy học chữ hết 12 năm.

Tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên trở về huyện Lắk, sinh viên mới ra trường hăm hở, năng động tham gia các phong trào, nhất là các hoạt động đoàn... Với nhiệt huyết và khát vọng tuổi trẻ, lại là chàng trai cá tính, luôn có mặt ở những nơi gian khó cần sức trẻ nên được bạn bè, đồng nghiệp tin yêu. Vì thế, Nay Y Phú lọt được vào “tầm ngắm” của các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Dấn thân, trải nghiệm, đắm mình với thực tiễn, gắn bó với bà con các dân tộc Mnông, Ê-đê và những người “quê lúa” Thái Bình vào lập nghiệp ở huyện Lắk. Trải qua nhiều công việc tại các đơn vị khác nhau, cuối năm 2020, Nay Y Phú được bầu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lắk với số phiếu tín nhiệm cao.

Hơn 3 năm trở thành người đứng đầu chính quyền huyện, Nay Y Phú luôn tập trung cao nhất cho nhiệm vụ quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Trong thực thi nhiệm vụ, ông luôn đặt công tác dân vận lên hàng đầu với phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân” để chăm lo cuộc sống cho người dân. 

“Mình phải bám nghị quyết, sát thực tiễn, đồng cảm với người dân, nhất là bà con nghèo. Trong khả năng của mình, làm được việc gì đem lại lợi ích cho dân thì làm, dù khó khăn đến mấy cũng phải nỗ lực cho bằng được”, Nay Y Phú tâm sự. Bí thư Đảng ủy xã Buôn Tría Đào Quang Lâm nhận xét: “anh Phú luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, gần gũi, hòa đồng với mọi người, được cán bộ cơ sở và nhân dân tín nhiệm”.

Từ một địa phương có điểm xuất phát thấp với trên 63% là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế chậm phát triển, nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm chính trị cao, chủ trương đúng và giải pháp sát thực tiễn, sự đồng thuận của nhân dân nên kinh tế - xã hội của huyện Lắk tăng trưởng khá. 

Năm 2023, có 17/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; tăng trưởng kinh tế đạt 8,1%; thu ngân sách đạt 134%; hoàn thành chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công. Đến nay, gần 99% số hộ được dùng điện lưới quốc gia; 97% đường giao thông liên thôn, xã được cứng hóa; 100% trạm y tế có đủ giường bệnh khám, điều trị; 100% số học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học; độ che phủ rừng đạt trên 63%; tỷ lệ hộ nghèo còn 20,95%, giảm 18% so với đầu nhiệm kỳ. Huyện đạt 138/190 tiêu chí nông thôn mới.

Chủ tịch Nay Y Phú cho biết, nhiều công trình, dự án trọng điểm đang xúc tiến triển khai, khi hoàn thành sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội mạnh mẽ như: dự án nước sạch về trung tâm thị trấn Liên Sơn và các xã lân cận; hồ chứa nước Yên Ngựa Buôn Biếp; trung tâm khu du lịch hồ Lắk; đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana; khu đô thị mới Lương Thế Vinh; khu dân cư Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Đình Chiểu, thị trấn Liên Sơn và nhiều công trình thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia đang khẩn trương “về đích”.

“Mừng nhất là Lắk đã ra khỏi danh sách huyện nghèo giữa năm 2022. Đó là kỳ tích mà cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Chính quyền huyện tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền cho cán bộ, địa phương, đơn vị gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. 

Cán bộ, công chức phải sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó; dồn tâm huyết của mình trong mọi việc, làm gì, ở đâu cũng phải hết lòng, dốc sức”, Chủ tịch Nay Y Phú cho biết.

Nhóm lửa, truyền lửa, ấp ủ bao ước vọng...

Tự tay cầm lái đưa chúng tôi đi trên những con đường Buôn Triết, Buôn Tría, Đắk Nuê, Đắk Liêng, Ea Rbin, Krông Nô,... với những cánh đồng lúa, cà phê, cây trái bạt ngàn, xanh thẳm, Chủ tịch Nay Y Phú tường tận từng con đường, dòng kênh, vạt lúa, mỗi ngôi nhà với từng hoàn cảnh, người giàu, người còn khó. 

Vào những ngày nghỉ, ông thường xuyên kiểm tra những công trình, phần việc trọng điểm, việc xây dựng nông thôn mới, công tác quản lý, bảo vệ rừng, thăm nơi ăn chỗ ở của người dân... Ông chia sẻ: “mình không ngần ngại và luôn có mặt kịp thời trước mỗi sự việc xảy ra hoặc những nơi có công việc khó. Điều quan trọng là phải luôn cân nhắc kỹ, tìm hiểu, nắm rõ ngọn nguồn sự việc để giải quyết thấu tình, đạt lý, mang lại niềm tin cho người dân”. 

Nghe chuyện, chúng tôi cảm nhận sâu kín trong chất mộc mạc, dung dị, khiêm nhường của đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lắk là một trái tim nhiệt huyết, mang nặng trách nhiệm của một đảng viên trên vùng quê cách mạng phía Nam tỉnh Đắk Lắk.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025, có những chỉ tiêu, để bảo đảm khả thi, ông phải đi thị sát địa bàn, xem xét kỹ thực tế đời sống, tham khảo ý kiến nhân dân, nhất là các vị lão thành cách mạng, các bậc cao niên, người có uy tín ở cơ sở, để đề xuất với Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả. 

Đảng bộ huyện đã ban hành 9 nghị quyết chuyên đề triển khai các chỉ tiêu trọng yếu của nghị quyết đề ra để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện đã và đang cho thấy tính khả thi, biến tiềm năng, lợi thế thành nguồn lực phát triển hiệu quả, thực chất.

Với chủ trương kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, xây dựng; ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn, hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất ngày càng hoàn thiện. 

“Tên tỉnh Đắk Lắk được lấy tên từ Hồ Lắk. Huyện Lắk rất đẹp và nhiều tiềm năng để đầu tư phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ du lịch. Chúng tôi cam kết với các nhà đầu tư sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư. Đến Lắk ắt sẽ thành công”, Chủ tịch Nay Y Phú khẳng định.

Theo ông, để biến chủ trương, kỳ vọng thành sản phẩm cụ thể, trước hết phải xây dựng tinh thần đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ; tháo gỡ những “điểm nghẽn”, “nút thắt”, tạo cơ chế thông thoáng, sát thực tiễn. 

Ông khẳng định: “là người đứng đầu, phải là người luôn biết cầm lửa, giữ lửa, thổi lửa và truyền lửa; cùng đặt mình vào hơi thở của cuộc sống, hun đúc tinh thần cống hiến”. Câu chuyện ông nói về việc Đảng, việc dân say mê và hào hứng, như người nông dân nói chuyện trồng lúa, chăm cây vậy. 

Bởi thế, tinh thần “đoàn kết, đổi mới, khát vọng” được bắt nguồn từ vị chủ tịch với bao tâm huyết đã tạo dựng niềm tin, thắp lên ngọn lửa sáng tạo trong hành trình dựng xây, kiến thiết.

Bên hồ Lắk huyền thoại, cuộc trò chuyện của chúng tôi lui mãi về chiều muộn. Chủ tịch Nay Y Phú có nhiều trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi những mô hình mới, cách làm hay để Lắk tạo đà, bứt tốc. Theo ông, định hướng đến năm 2030, tập trung đầu tư phát triển các loại hình du lịch gắn với các giá trị văn hóa như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. 

Với lợi thế khác biệt, án ngữ bên hồ Lắk là dãy núi Chư Yang Sin trầm mặc, hùng vĩ và hoang sơ tạo cảm giác sơn địa bình phong che chắn cho cư dân buôn Lê, buôn Jun, buôn MLiêng của người Mnông còn mang vẻ đẹp nguyên sơ, hồn hậu của núi rừng.

Nét độc đáo của đồng bào Mnông ở đây là còn gìn giữ được nhiều tập quán văn hóa truyền thống quý báu như lễ hội, nghề thủ công, dệt thổ cẩm; nhiều vật dụng sinh hoạt như ghế Kpal, trống Hgơr, cồng chiêng, ché cổ... - những loại đồ dùng trong nhà dài được người Mnông xem như báu vật thiêng liêng. 

Từ đó, chủ trương là khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát triển văn hóa các buôn làng dân tộc bản địa... Phấn đấu đưa huyện Lắk, đặc biệt là khu du lịch hồ Lắk, trở thành điểm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng trọng điểm của quốc gia.

Theo ông Phú, tinh thần trách nhiệm phải xuất phát từ chính trong tâm mình, từ chính bản thân của mỗi người chứ không thụ động đợi người khác nhắc nhở mới làm. Phương châm sống, công tác và cũng là điều ông Phú tâm đắc trong suốt quá trình phấn đấu, đó chính là thẳng thắn, rõ ràng, dám làm, dám nhận trách nhiệm về mình, không ngại khó, không bàn lùi, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ được giao, tận tâm, tận lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ đó.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Hồ Văn Anh tâm sự, ông Phú luôn là người đi đầu, làm trước; nghiên cứu kỹ tài liệu trước các cuộc họp và lắng nghe ý kiến từ các cơ quan chuyên môn với thái độ hết sức cầu thị rồi cùng trao đổi, tìm ra giải pháp thấu tình, đạt lý. 

Phong cách làm việc của ông dứt khoát, ngắn gọn, hiệu quả; khi họp hành, yêu cầu báo cáo chắc tình hình thực hiện nhiệm vụ, tham dự hội họp đúng thành phần, đúng giờ; phát biểu đúng trọng tâm, kết luận rõ ràng, cụ thể.

Có thể khẳng định, ông Nay Y Phú trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được Đảng bộ huyện phân công đã kế thừa thành tựu các thế hệ đi trước; bám sát sự lãnh đạo của cấp trên; cùng tập thể chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, đề ra chủ trương, giải pháp phù hợp, kịp thời những yêu cầu mới; phát huy mối quan hệ với các ban ngành, đoàn thể; lắng nghe ý kiến của tập thể để giải quyết công việc thấu đáo, có lý, có tình; đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân, nỗ lực nghiên cứu đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, quản lý; đề ra chủ trương, chính sách và chỉ đạo phù hợp, kịp thời những yêu cầu công việc của địa phương, nhất là đối với những vấn đề mới phát sinh, những việc khó, việc mới.

Có thể nhìn rõ trên vùng cao Lắk đang diễn ra “cuộc cách mạng” khơi dòng, hợp sức trí tuệ của đội ngũ cán bộ để chủ trương, nghị quyết được cụ thể hóa bằng thực tiễn. Tinh thần luôn hướng về phía trước được khởi xướng từ vị chủ tịch huyện với bao trăn trở, tâm huyết, thắp lên ngọn lửa sáng tạo, vun đắp niềm tin, chắt chiu thành quả để dựng cơ đồ./.

14 June 2024
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)