Chiến thắng AI bằng cảm xúc của con người
Hoàng Xuân PhươngThông tin chính xác, đầy đủ,... là chưa đủ
“Xin chào, tôi là trợ lý AI của bạn. Hôm nay trời đẹp, nhiệt độ 250C, độ ẩm 60%; bây giờ đang là 7h00 sáng, thời tiết rất dễ chịu cho một chuyến đi cắm trại...”. Đó là một loạt thông tin mà AI tổng hợp, cập nhật trên điện thoại thông minh, tuy đầy đủ thông tin, nhưng... vô hồn.
Sự bùng nổ của AI mang đến nhiều cơ hội mới cho lĩnh vực truyền thông, nhưng đồng thời cũng tạo ra những hệ lụy không nhỏ. Khi các tổ chức và doanh nghiệp lạm dụng AI để tối ưu hóa hiệu suất, các sản phẩm truyền thông ngày càng trở nên công thức, máy móc và thiếu cảm xúc.
Mục tiêu hướng đến hiệu quả nhanh chóng khiến nhiều chiến dịch bỏ qua yếu tố nhân văn, làm cho thông điệp trở nên vô hồn và xa cách với người tiếp nhận.
Chatbot, ChatGPT và hệ thống trả lời tự động tuy có khả năng giải quyết vấn đề nhanh chóng nhưng lại thiếu sự tinh tế và chân thành trong giao tiếp. Những câu trả lời rập khuôn, lạnh lùng khiến người dùng cảm thấy mình đang tương tác với máy móc, chứ không phải con người.
Thêm vào đó, việc cá nhân hóa nội dung dựa trên thuật toán giúp các nền tảng mạng xã hội thu hút người dùng, nhưng cũng tạo ra những bong bóng thông tin.
Công chúng dễ bị dẫn dắt vào những luồng thông tin mang tính thao túng hoặc một chiều, làm mất đi sự đa dạng và sâu sắc trong cách tiếp cận thông tin. Truyền thông thiếu cảm xúc tạo ra khoảng cách giữa người gửi và người nhận thông điệp, làm mất đi tính chân thật và nhân văn trong giao tiếp.
Trong thế giới nơi công nghệ đang chi phối mọi thứ, người ta càng khao khát những kết nối chân thành, những câu chuyện thật sự chạm đến trái tim. Và đó là điều mà AI, dù thông minh đến đâu, không bao giờ có thể thay thế hoàn toàn.
Trong thời đại mà AI có thể tạo ra hàng nghìn bài viết, hình ảnh và video chỉ trong tích tắc đã đặt ra một vấn đề quan trọng: làm thế nào để truyền thông của con người có thể tỏa sáng và tạo ra sự khác biệt?
Khi mà thông tin chính xác và phong phú đã không còn là đặc quyền của con người, đâu là yếu tố giúp chúng ta chạm đến trái tim của nhau, vượt qua ranh giới của dữ liệu và thuật toán? Câu trả lời, có lẽ, nằm trong những rung động tinh tế của cảm xúc con người - thứ mà cho đến nay, vẫn là một ẩn số đối với AI.
Cảm xúc chính là mảnh ghép hoàn thiện
Dù AI có thể tạo ra nội dung nhanh và chính xác, cảm xúc vẫn là yếu tố mà công nghệ không thể thay thế hoàn toàn. Trong truyền thông, cảm xúc không chỉ đơn thuần là phương tiện truyền tải thông điệp mà còn là cách chạm đến trái tim người nghe, xây dựng lòng tin và tạo ra sự kết nối bền chặt.
Khi công chúng ngày càng cảnh giác với các sản phẩm truyền thông được tạo ra bởi AI, sự chân thật trong thông điệp trở thành điểm khác biệt, mang lại lợi thế vượt trội cho những thương hiệu và cá nhân biết cách truyền cảm hứng bằng cảm xúc. Các chiến dịch truyền thông thành công thường dựa vào những câu chuyện gần gũi và nhân văn.
Những quảng cáo tết mang thông điệp đoàn viên, những câu chuyện truyền cảm hứng về hành trình vượt qua nghịch cảnh luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng.
Đó là những thông điệp không chỉ thông minh mà còn tràn đầy cảm xúc, khiến người xem cảm thấy được sự thấu hiểu và chia sẻ.
Bên cạnh đó, trong thời đại mà tin giả và công nghệ deepfake (một sản phẩm được tạo ra bởi AI) tràn lan, niềm tin của công chúng trở thành tài sản quý giá nhất.
Các sản phẩm truyền thông được xây dựng bằng cảm xúc thật sẽ dễ dàng tạo dựng lòng tin và sự gắn bó lâu dài. Người tiêu dùng ngày nay không chỉ muốn nhận thông tin; họ muốn cảm nhận sự chân thành và minh bạch từ những thông điệp mà thương hiệu truyền tải.
Đây là yếu tố mà những chatbot hay nội dung tự động khó có thể đáp ứng một cách trọn vẹn. Cùng với việc xây dựng lòng tin, cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong việc định hình quyết định mua hàng.
Khách hàng thường dựa vào lý trí để đưa ra lựa chọn, song cũng bị chi phối bởi trải nghiệm cảm xúc mà họ có với thương hiệu. Một dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo, một thông điệp quảng bá cảm động có thể khiến họ trung thành với thương hiệu, ngay cả khi có những lựa chọn khác hấp dẫn hơn về giá cả.
Để thực sự chiến thắng AI trong lĩnh vực truyền thông, điều cần thiết không phải là loại bỏ công nghệ mà là biết cách kết hợp AI với cảm xúc con người.
AI có thể hỗ trợ phân tích dữ liệu và tối ưu hóa quy trình, nhưng phần cốt lõi của thông điệp vẫn cần được con người điều chỉnh để mang lại sự gần gũi và chân thật.
Nếu cảm xúc được đặt vào trung tâm của các chiến dịch, dữ liệu sẽ không còn khô khan mà trở thành chất liệu cho những câu chuyện sống động, có khả năng chạm đến lòng người.
Truyền thông thành công trong thời đại này không chỉ là nói cho đúng, mà là nói cho thấu lòng. Sự chân thành trong từng câu chuyện, sự đồng cảm trong mỗi thông điệp sẽ xây dựng nên lòng tin - thứ tài sản vô giá mà không một thuật toán nào có thể tái tạo.
Các thương hiệu và tổ chức biết cách kết hợp giữa sức mạnh công nghệ và trái tim con người sẽ chiến thắng AI, đồng thời tạo ra mối liên kết bền vững, đầy ý nghĩa với công chúng.
Công nghệ có thể thay đổi cách chúng ta giao tiếp, nhưng cảm xúc sẽ luôn là thứ kết nối chúng ta lại với nhau. Và trong một thế giới đầy biến động, chính cảm xúc, chứ không phải máy móc, mới là điều giúp chúng ta chinh phục trái tim của nhau./.