21/11/2024 | 14:41 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Thầy hiệu trưởng và “bữa cơm bán trú cho em”

Vũ Toàn
Thầy hiệu trưởng và “bữa cơm bán trú cho em” Thầy Đặng Xuân Viên vui cùng học sinh trong bữa cơm bán trú tại điểm trường Éo_Ảnh: Vũ Toàn
Thầy giáo Đặng Xuân Viên - 52 tuổi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân, xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa - là “tác giả” của “bữa cơm bán trú cho em” tại 4 điểm trường của trường này. Đây là câu chuyện trăn trở, sáng tạo, âm thầm vượt khó của người thầy để giữ vững số lượng và nâng cao chất lượng học tập của học sinh Thái, Mường ở vùng sâu miền Tây tỉnh Thanh Hóa.

Tháng 11-2017, sau 10 năm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, thầy Viên nhận quyết định lên Trường Tiểu học Thanh Xuân, xã vùng sâu Phú Xuân. Thầy Viên xem quyết định này như một cuộc thử sức, cuộc tăng cường giáo viên lên tham gia quản lý những điểm trường lẻ vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Quan Hóa.

Trăn trở “bữa cơm bán trú”

Rời mái trường dưới những đồi cây xanh giữa trung tâm thị trấn huyện, thầy Viên đến với học sinh bản trên, bản dưới. Có bản gần cách điểm trường chính 5 cây số. Bản xa nhất 12 cây số.

Chúng tôi nghe thầy điểm danh từng tốp học sinh trong 270 em từ lớp 1 đến lớp 5 tại 4 điểm trường là con em của dân bản người Thái, người Mường tại bản Éo, bản Giá, bản Sa Lắng, bản Tân Sơn,... đã thấy sự cách trở, khó khăn đối với tuổi nhỏ nơi vùng sâu này. 

Ví như, học sinh bản Giá có 2 tốp, 1 tốp ở sát bờ sông Mã, tốp khác ở sâu trong vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Học sinh bản Tân Sơn cũng có 2 tốp. Một tốp Tân Sơn trên, ở trên đồi cao 800m so với mực nước biển; tốp Tân Sơn dưới ở dốc Mướp cạnh quốc lộ 15. 

Thầy Viên nói: “trước đây, Trường Tiểu học Thanh Xuân có 8 điểm trường. Sau khi sáp nhập thành 4 điểm trường Éo, Giá, Vui, Tân Sơn như hiện nay thì khoảng cách từ nhà, từ bản đến trường mới lại xa hơn trước. Trong cái lợi của việc “khép” dần điểm trường lẻ, quy tụ về điểm trường chính để nâng cao một bước chất lượng giáo dục lại sinh ra cái khó về đường xá đi lại của học sinh tuổi nhỏ vùng sâu”.

Theo thầy Viên, một cái “rất khó” khác là do xã Phú Xuân đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn (theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2021) nhưng ngay sau đó, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao bởi tiêu chuẩn hộ nghèo đã thay đổi. Vì thế, khó khăn tiếp tục đeo đẳng đến cả tuổi thơ của con em vùng sâu trong mỗi ngày đến trường. 

“Rất may, trong 270 học sinh của tôi có 182 em được nhận 150.000 đồng/tháng (trong 9 tháng mỗi năm, chiếm 67,4%) là chi phí học tập do Nhà nước hỗ trợ. Đây là con em hộ nghèo tại các bản đặc biệt khó khăn và học sinh khuyết tật”, thầy Viên nêu sự may mắn có từ mối quan tâm cụ thể của Nhà nước sau khi xã đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn.

Còn học sinh phải đi đò ngang qua sông Mã 4 lần mỗi ngày phải trả tiền; học sinh đi bộ đến trường dưới trời nắng mưa, suối lũ, đường sạt lở,... thì gia đình dân bản tự lo liệu. Đang giữa chừng câu chuyện, thầy Viên sực nhớ cảnh một số học sinh bỏ học bởi tác động của những khó khăn bí bách khiến giáo viên phải đến từng nhà động viên, thuyết phục. Khổ nỗi, các em trở lại trường được vài hôm rồi bỏ học tiếp. 

Giáo viên lại lên đường thuyết phục bằng được để học sinh đến trường. “Tất cả những thực tế này là nhức nhối đầu tiên ập đến khiến tôi trăn trở phải tìm cách gỡ để giảm bớt khó khăn cho học sinh nghèo, để các em thực sự yên lòng, vững bước chân đến trường”, thầy Viên nói.

Thêm nữa, từ năm 2021, Trường Tiểu học Thanh Xuân không còn chế độ bán trú cho học sinh bởi địa phương đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn. Biết khó khăn mới xuất hiện về “chuẩn nghèo”, huyện chỉ đạo các trường học “cố gắng khôi phục bán trú” để thu hút học sinh đến trường thường xuyên. Đây là yếu tố căn bản để nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là đối với học sinh vùng dân tộc thiểu số.

Những khó khăn trên trở thành động lực, giúp thầy Viên quyết tâm tìm cách “khôi phục bán trú” - nỗi khao khát mà thầy thường gọi là “bữa cơm bán trú cho em”. Những câu hỏi đầu tiên hiện ra trong tâm trí thầy Viên là: muốn “khôi phục bán trú” thì phải có gạo - tiền - cơ sở vật chất - người phục vụ. 

Những cái “cần phải có” này chỉ có thể tìm thấy ở môi trường xã hội hóa. Nghĩ đến cách làm xã hội hóa, thầy Viên tuần tự thực hiện hai bước. Một, xin ý kiến Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện về việc xã hội hóa vì “bữa cơm bán trú cho học sinh”. Hai, mở cuộc họp để thăm dò ý kiến phụ huynh về nhu cầu bán trú của học sinh. 

Hôm được thăm dò ý kiến, phụ huynh đồng loạt vỗ tay, nói như hô lên “mong lắm”, “mong lắm” và làm đơn đăng ký ngay. Còn Ủy ban nhân dân huyện và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đặc biệt quan tâm. Thế là, thầy Viên ngồi viết tờ trình gửi Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện về chương trình xã hội hóa để khôi phục “bữa cơm bán trú cho học sinh”.

“Cứu cánh” từ bữa cơm bán trú

Mong mỏi của phụ huynh, học sinh và giáo viên Trường Tiểu học Thanh Xuân được tổ chức thiện nguyện “Vì trẻ em vùng sâu Thanh Hóa” ở thành phố Thanh Hóa tiếp sức đầu tiên. Tổ chức này hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh ở đây với mức 9.000 đồng/suất ăn, thời gian liên tục 9 tháng trong mỗi năm học, bắt đầu từ năm học 2021 - 2022. 

Nghe đến đây, chúng tôi xin phép thầy Viên tạm dừng câu chuyện để xuống bếp, tận mắt chứng kiến nhân viên phục vụ đang tổ chức bữa cơm bán trú đã được khôi phục thành công này.

Bếp và phòng ăn cơm là một gian nhà khá rộng rãi, thoáng mát ở gần khu hiệu bộ. 2/3 gian nhà là nơi học sinh ăn trưa khi trời mưa gió. Còn hôm nào trời nắng ráo thì bàn ghế ăn cơm được chuyển ra phía trước, dưới mái che và tán cây rừng. 1/3 gian nhà còn lại nơi nấu ăn. 

Thầy Viên chỉ tay về phía 2 phụ nữ mặc trang phục dân tộc Thái, cho hay hôm nay nhân viên “đứng bếp” là 2 phụ huynh Vi Thị Niêm và Vi Thị Sen, người dân tộc Thái. Người mặc áo trắng là cô giáo Lê Thị Thao, dân tộc Mường. Cô Thao tranh thủ giờ giải lao, xuống hỗ trợ phụ huynh.

Ít phút sau, học sinh ùa ra sân trường vui chơi rồi tập thể dục. Thầy Viên đứng nhìn các em rồi nhìn về phía bếp, nói: “lát nữa là các em sẽ ăn bữa trưa. Cơm và thức ăn đã được chuẩn bị cả rồi. Vui lắm đấy. Ăn cơm xong, các em ngủ trưa từ 11 giờ 30 đến 13 giờ để học tiếp buổi chiều”. 

Chúng tôi cũng như vui lây khi 10 giờ 45 phút, cùng 125 em học sinh hướng về bếp ăn. Các em nhanh tay giúp nhà bếp soạn bàn ghế ra vị trí quen thuộc rồi ngồi vào bàn ăn. Đúng là bữa ăn trưa mà cả thầy, cô giáo và học sinh, phụ huynh đều để lộ niềm vui nơi ánh mắt, nụ cười.

Thầy Viên ghé tai tôi nói: “nếu không có bữa cơm bán trú này, các phụ huynh ở xa đã đến đón con từ lúc 10 giờ. Họ bỏ công việc nương rẫy để đi đón con hoặc họ không đi làm xa được vì trưa nào, chiều nào cũng phải đón con. Như vậy, một ngày họ phải 4 lần đưa đón con từ nhà đến trường và ngược lại”. 

Việc phụ huynh tham gia giúp trường nấu ăn thì do phụ huynh tình nguyện đăng ký, nhà trường chọn người có sở trường nấu ăn ngon và phù hợp với công việc. Các cơ sở cung cấp thực phẩm phải được cam kết an toàn. Hiệu trưởng ký hợp đồng, chịu trách nhiệm.

Riêng có điều chúng tôi quan tâm tiếp theo là hiệu quả của bữa cơm bán trú. Thầy Viên ngước nhìn về phía rừng cây, vui nói: “trước đây, trời đổ mưa hoặc trời nắng nóng là nhiều học sinh bỏ học buổi chiều. Từ năm học 2021 - 2022 đến nay, dù nắng, dù mưa học sinh vẫn siêng năng ngày 2 buổi đến trường, không còn cảnh bỏ học. Bữa cơm bán trú còn giúp các em có những kỹ năng cơ bản về giao tiếp, ứng xử trong cách ăn, cách nói. Hiệu quả vui nhất là chất lượng học tập được nâng lên rõ rệt, đồng đều từ điểm trường chính đến 3 điểm trường lẻ”.

Nhờ thế, từ năm học 2021 - 2022 đến nay, Trường Tiểu học Thanh Xuân đều đứng tốp đầu của huyện, phá bỏ cái “dớp” đạt thấp trong những năm học trước. Cái “dớp” ấy mỗi năm lùi lại vài ba bậc khi Trường Tiểu học Thanh Xuân lần lượt xếp thứ 8, thứ 7 rồi thứ 4 trong tổng số 16 trường của huyện. 

“Giờ trường tôi chỉ đứng sau Trường Tiểu học thị trấn, Nam Xuân và Hồi Xuân”, thầy Viên tự tin về những thành quả sau nhiều ngày xoay trở để khôi phục bằng được bữa cơm bán trú cho gần 300 học sinh vùng sâu huyện Quan Hóa./.

26 October 2024
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)