Bảo vệ và chăm lo cho người lao động bằng thỏa ước lao động tập thể
Kinh nghiệm để Thỏa ước Lao động tập thể có lợi cho người lao động
Từ thực tế hoạt động, ông Nguyễn Đình Thắng - Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội - khẳng định, các bản thỏa ước lao động tập thể thực sự là cơ sở cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, đồng thời cũng bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các bên tham gia quan hệ lao động.
Kinh nghiệm từ Ban chấp hành Công đoàn cơ sở Công ty TNHH EnKei Việt Nam (Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội) về triển khai thực hiện công tác thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể tại đơn vị cho thấy tầm quan trọng của các bước tiến hành.
Ban chấp hành Công đoàn cơ sở Công ty đã xây dựng quy trình ký kết thỏa ước lao động tập thể một cách bài bản. Các nội dung trong thỏa ước lao động tập thể được thảo luận kỹ trong Ban chấp hành Công đoàn cơ sở trước khi thông báo và thảo luận với chủ doanh nghiệp.
Trước khi tổ chức Hội nghị người lao động, Ban chấp hành Công đoàn cơ sở tiến hành lấy ý kiến, kiến nghị của tất cả người lao động và thông báo về nội dung trong thỏa ước lao động tập thể để người lao động nắm được, đồng thời lấy chữ ký của toàn thể người lao động trước khi chính thức ký với Ban Giám đốc Công ty...
Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đang quản lý trực tiếp 348 công đoàn cơ sở, với 142.167 đoàn viên/151.64 lao động.
Trao đổi về cách thúc đẩy, giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể, ông Thắng cho biết, Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thường xuyên đôn đốc, đi từng khu công nghiệp, rà từng đơn vị, hỗ trợ từng ban chấp hành công đoàn cơ sở để nắm bắt kịp thời tình hình thời hạn cũng như giám sát việc thực hiện nội dung thỏa ước lao động tập thể.
Qua đó, tại các đơn vị có thỏa ước lao động tập thể sắp hết hạn hoặc đã hết hạn, ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức đối thoại, đàm phán, thương lượng với người sử dụng lao động thêm nhiều điều, khoản có lợi cho người lao động.
Ngoài sự bám sát trên, Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội còn thường xuyên đôn đốc việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể qua các kênh truyền thông như gọi điện trực tiếp, đôn đốc qua trang Zalo của từng khu công nhiệp, trang Zalo riêng các chủ tịch công đoàn cơ sở.
Thông tin về hội nghị người lao động; quá trình thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể của các đơn vị đã tổ chức xong được đăng tải trên trang Zalo nhóm để vừa gây hiệu ứng lan tỏa, vừa chia sẻ kinh nghiệm giữa các đơn vị, giữa các khu công nghiệp...
Một kinh nghiệm của Công đoàn Dệt may Việt Nam - đơn vị duy nhất có thỏa ước lao động tập thể ngành - được bà Phạm Thị Thanh Tâm, Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ là để đạt được các nội dung thương lượng, trước 3 tháng khi Thỏa ước Lao động tập thể ngành hết hạn, Công đoàn Dệt may Việt Nam đã xây dựng kế hoạch, thành lập hội đồng thương lượng; rà soát các quy định của pháp luật lao động hiện hành; khảo sát, thu thập thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh, chế độ chính sách của các doanh nghiệp; chuẩn bị các nội dung đề xuất thương lượng.
Công đoàn Dệt may Việt Nam cùng Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã tổ chức 3 phiên thương lượng. Tại các phiên họp, với mỗi nội dung đề xuất, Công đoàn ngành đều đưa ra các căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn, con số chứng minh để thương lượng và bảo vệ quan điểm.
Căn cứ kết quả thương lượng, ngày 20-5-2024, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Công đoàn Dệt may Việt Nam ban hành công văn liên tịch số 109/LT-HH- Công đoàn Dệt may Việt Nam về việc ủy quyền và đăng ký tham gia Thỏa ước Lao động tập thể ngành Dệt may Việt Nam để lấy ý kiến người sử dụng lao động và công đoàn cơ sở theo quy định.
Tính đến ngày 30-6, đã có 85 doanh nghiệp, 85 công đoàn cơ sở gửi giấy ủy quyền và đăng ký tham gia Thỏa ước Lao động tập thể ngành Dệt may lần thứ VI, chiếm tỷ lệ trên 75%, đủ điều kiện ký kết theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trên cơ sở đó, ngày 11-7-2024, Công đoàn Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Dệt may Việt Nam chính thức ký kết Thỏa ước Lao động tập thể ngành lần thứ VI với sự chứng kiến của đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cùng sự tham gia của một số doanh nghiệp và công đoàn cơ sở trong hệ thống.
Với nội dung cao hơn luật, các bản thỏa ước lao động tập thể mang lại nhiều quyền lợi cho người lao động. 6 tháng đầu năm 2024, cả nước có 2.264 công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh tăng giá trị bữa ăn ca, đạt 59,8% chỉ tiêu năm 2024.
Ở cấp ngành, Công đoàn Dệt may Việt Nam tổ chức các phiên thương lượng với Hiệp hội Dệt may Việt Nam bổ sung một số chế độ mới vào dự thảo Thỏa ước Lao động tập thể ngành lần thứ VI với một số nội dung như nâng mức ăn giữa ca của từng vùng lên 2.000 đồng/bữa; tặng quà cho lao động nữ ngày 8-3 và 20-10 (mỗi ngày ít nhất 50.000 đồng); hỗ trợ tiền gửi trẻ cho người lao động nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi tối thiểu 50.000 đồng/tháng, mở rộng điều kiện tham gia thỏa ước lao động tập thể ngành đối với các doanh nghiệp dệt may ngoài hệ thống nhằm tăng độ bao phủ...
Trong 6 tháng đầu năm, cũng có 1.417 bản thỏa ước lao động tập thể được ký mới, đạt 45,36% chỉ tiêu năm, nâng tỷ lệ Thỏa ước Lao động tập thể đã được ký kết lên 74,82%; có 5.328 bản thỏa ước lao động tập thể được sửa đổi, bổ sung.
Điều này cho thấy chất lượng thỏa ước lao động tập thể tiếp tục được nâng lên, đã chú trọng thương lượng và đưa vào ký kết những nội dung có lợi, cao hơn quy định của pháp luật đối với người lao động.
Hướng tới giải quyết các vấn đề được nhiều đoàn viên, người lao động quan tâm
Trong Chương trình của Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII về “Nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể giai đoạn 2023 - 2028” có đưa nhiệm vụ thực hiện có hiệu quả, đi vào chiều sâu công tác đối thoại, hướng tới giải quyết các vấn đề được nhiều đoàn viên, người lao động quan tâm, các vấn đề cốt lõi của tổ chức công đoàn.
Trong đó nâng cao chất lượng công đoàn tham gia tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc, phát huy quyền dân chủ của người lao động. Bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ công đoàn về quy định pháp luật, kỹ năng đối thoại, thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở trong việc tham gia với người sử dụng lao động tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc.
Công đoàn cấp trên tăng cường hỗ trợ công đoàn cơ sở về thực hiện dân chủ ở cơ sở, đối thoại tại nơi làm việc.
Thí điểm các mô hình đối thoại ngoài doanh nghiệp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với các tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở cấp trung ương, công ty toàn cầu có chuỗi cung ứng tại Việt Nam; liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối thoại với các nhãn hàng, công ty toàn cầu có chuỗi cung ứng tại địa phương, với các doanh nghiệp sử dụng đông lao động, có chi nhánh tại nhiều địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam...; thí điểm tổ chức đối thoại đồng loạt, cùng một thời điểm tại các doanh nghiệp trong cùng một hoặc một số khu công nghiệp, trong một tỉnh, thành phố hoặc một số tỉnh, thành phố (vùng) hoặc toàn quốc, về cùng một hoặc một số nội dung.
Tổ chức thương lượng tập thể nhiều cấp độ, với nhiều đối tác; mở rộng độ bao phủ; nâng cao số lượng, chất lượng thỏa ước lao động tập thể...
Một điểm quan trọng trong Chương trình là bố trí đủ nguồn lực thực hiện hiệu quả hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể. Theo đó, tiếp tục nghiên cứu, ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định chi tài chính cho hoạt động tham gia xây dựng quy chế thực hiện dân chủ và thực hiện dân chủ ở cơ sở, đối thoại, thương lượng tập thể, tổ chức hành động tập thể, tổ chức và lãnh đạo đình công phù hợp với thực tế; quy định cụ thể nội dung chi, mức chi Quỹ đại diện, bảo vệ.
Hướng dẫn việc chi tài chính cho công tác đối thoại, thương lượng tập thể. Bố trí ổn định cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở phụ trách công tác quan hệ lao động và làm công tác đối thoại, thương lượng tập thể; tiếp tục chỉ đạo việc thành lập, tạo cơ chế hoạt động cho các Trung tâm tư vấn và hỗ trợ người lao động để thực hiện các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể.
Thành lập nhóm chuyên gia hỗ trợ đối thoại, thương lượng tập thể theo vùng, khu vực, lĩnh vực, ngành nghề,... để hỗ trợ các công đoàn cơ sở, địa phương, đơn vị khi cần thiết. Thành phần gồm cán bộ công đoàn các cấp, các chuyên gia ngoài hệ thống công đoàn.
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách, công cụ bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở, bố trí nguồn lực hỗ trợ chủ tịch công đoàn cơ sở về thu nhập, việc làm khi bị mất việc làm do thực hiện đối thoại, thương lượng tập thể, tổ chức và lãnh đạo đình công; nghiên cứu, xây dựng mức phụ cấp cho cán bộ công đoàn cơ sở phù hợp với thực tiễn hoạt động tại cơ sở./.
Chương trình “Nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể giai đoạn 2023 - 2028” đề ra chỉ tiêu hàng năm và chỉ tiêu đến năm 2028. Trong đó: Chỉ tiêu hằng năm: - 100% số công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực nhà nước, ít nhất 85% số công đoàn cơ sở doanh nghiệp, đơn vị ngoài khu vực nhà nước tham gia với người sử dụng lao động ban hành, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. - 100% số công đoàn cơ sở doanh nghiệp khu vực nhà nước, ít nhất 85% số công đoàn cơ sở doanh nghiệp, đơn vị ngoài khu vực nhà nước phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc. - 100% số liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền cùng cấp tổ chức hoặc phối hợp tổ chức đối thoại, tiếp xúc, gặp gỡ đoàn viên, người lao động và cán bộ công đoàn. - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đoàn viên, người lao động và cán bộ công đoàn. - Công đoàn cấp trên giám sát hoặc phối hợp với cơ quan chức năng giám sát ít nhất 10% số công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp về việc đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể. Chỉ tiêu đến năm 2028: - 100% số công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ động đề xuất với cấp ủy, chính quyền, chuyên môn cùng cấp tổ chức hoặc phối hợp tổ chức đối thoại, tiếp xúc, gặp gỡ đoàn viên, người lao động và cán bộ công đoàn ít nhất 2 cuộc. - Ít nhất 83% số doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được công đoàn thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật. - Thỏa ước lao động tập thể bao phủ ít nhất 85% tổng số người lao động tại các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn trong toàn hệ thống. - Ít nhất 50% thỏa ước lao động tập thể do tổ chức công đoàn ký kết hoặc tham gia ký kết được xếp loại chất lượng đạt loại B trở lên. - Mỗi liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có từ 80.000 đoàn viên trở lên ký kết ít nhất 1 bản thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia (nhóm doanh nghiệp). - Phấn đấu 100% số cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở được giao làm công tác đối thoại, thương lượng tập thể, 100% số chủ tịch công đoàn cơ sở doanh nghiệp, đơn vị được tập huấn về kiến thức và kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể. |