Cẩm nang hiện đại ở đâu?
DƯ HỒNG QUẢNGThời Tam Quốc bên Trung Quốc, thắng thua thành bại do sử dụng người tài. Ở nước Ngô, sau Chu Du chết còn có Tử Kính, sau Tử Kính có Lã Mông, sau Lã Mông có Lục Tốn.
Ở nước Ngụy, Quách Gia chết còn Tuân Úc, sau Tuân Úc có Tư Mã Ý, đều là những bậc kỳ tài trăm năm hiếm gặp. Còn nước Thục, sau khi Khổng Minh qua đời, sự nghiệp do Lưu Bị trải bao vất vả, gian nan gây dựng cũng nhanh chóng sụp đổ.
Tướng quân tại ngoại, lệnh vua có thể không nghe, đó chính là cơ chế phân cấp, phân quyền để phát huy tư duy sáng tạo và bản lĩnh quyết đoán của những người chịu trách nhiệm thực thi trực tiếp.
Tư Mã Ý nhanh tay bắt Mạnh Đạt làm phản rồi sau đó mới bẩm báo Ngụy Vương. Đó là tài mưu lược và bản lĩnh quyết đoán của Tư Mã Ý.
Ông ta tính rằng nếu bẩm báo theo đúng quy trình, đi đi về về xin được phép thì bờ cõi nước Ngụy đã mất vì Mạnh Đạt làm phản. Nhưng với tướng của Lưu Bị lại khác.
Triệu Vân là tướng quân xuất sắc nhất của Lưu Bị, nhưng gặp tình huống khó khăn ở Đông Ngô, đều phải mở cẩm nang của Khổng Minh xem chỉ dẫn. Nếu không có cẩm nang, không thể làm gì. Đó chính là cơ chế thụ động tuyệt đối.
Nước ta năm 2022, riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trả lời 602 văn bản xin ý kiến của Thành phố Hồ Chí Minh về các nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của Thành phố. Như vậy bình quân mỗi ngày, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trả lời Thành phố Hồ Chí Minh 2 văn bản.
Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước còn khó tự quyết như vậy, cho nên hơn 60 tỉnh, thành phố nữa đều có văn bản hỏi các bộ, ngành Trung ương, số lượng văn bản hỏi không biết bao nhiêu mà kể.
Chẳng lẽ các bộ, ngành Trung ương phải tuyển dụng toàn những người tài như Khổng Minh, mỗi năm xuất bản hàng nghìn cẩm nang giống như của Khổng Minh thì mới đáp ứng yêu cầu của các địa phương?
Phải chăng cơ chế vận hành của chúng ta đang có điểm nghẽn? Thảo luận tổ tại kỳ họp Quốc hội gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ví dụ, một bà mẹ sinh con, lấy giấy chứng sinh trạm y tế cấp, rồi mang giấy đó sang công an lấy số định danh, rồi sang tư pháp lấy giấy khai sinh, có giấy khai sinh lại quay trở về công an làm hộ khẩu, rồi sang y tế làm bảo hiểm...
Tại sao không để ở ngay tại trạm y tế đó cho phép người mẹ 1 - 2 ngày hoàn thành tất cả các thủ tục và khi người ta bế con về là đầy đủ giấy tờ?
Nếu phân cấp cho trạm y tế làm 1 - 2 ngày hoàn thành tất cả các thủ tục thì thật tốt cho dân. Một tờ giấy khai sinh thôi mà 5 - 6 cơ quan phải tham gia quyết đáp, dân mất cả tuần đến 10 ngày chạy chỗ này xin chỗ kia, thật là khó chấp nhận.
Gia đình người mẹ sinh con chẳng sung sướng gì khi phải chạy vạy 5 - 6 cơ quan để có tờ giấy khai sinh. Các địa phương chẳng thích thú gì khi việc thuộc thẩm quyền của mình mà cứ phải làm văn bản hỏi các bộ, ngành Trung ương.
Vì sao các sở, ngành của Thành phố Hồ Chí Minh phải hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiều như vậy, rõ ràng cơ chế vận hành có vấn đề. Rất cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, như lời Tổng Bí thư Tô Lâm.
Phân cấp hiểu một cách đơn giản là cấp nào, cơ quan nào làm tốt hơn thì giao cho nơi đó. Năm 2018, ông Joel Bruneau - Thị trưởng thành phố Caen, Cộng hòa Pháp - thăm và làm việc tại tỉnh Phú Thọ.
Ông J. Bruneau cho biết ở Pháp, các chức năng, nhiệm vụ được giao cho chính quyền địa phương cấp nào làm tốt nhất. Nếu cấp xã làm tốt thì giao cho xã. Hội đồng xã toàn quyền tự quyết định cách thức giải quyết các công việc của địa phương.
Cộng hòa Pháp thực hiện cơ chế phân quyền mạnh cho chính quyền địa phương. Trung ương chỉ quy định các cấp chính quyền địa phương không được làm những gì, còn lại thì đều được làm.
Do đó, chính quyền địa phương ở Pháp có tính tự quản cao, chủ động và linh hoạt trong thực thi công vụ, không phải xin phép quá nhiều.
Nhớ thời bao cấp ở nước ta, ban quản trị hợp tác xã nông nghiệp quyết tất tần tật, quyết cả gõ kẻng báo giờ đi làm, giờ về. Cuốc vừa vung lên, nghe tiếng kẻng, người dân đặt ngay xuống, không cuốc nữa, kéo nhau về.
“Ông khoán hộ” Kim Ngọc (1917 - 1979) giao quyền tự chủ cho hộ dân, người dân tự sắp xếp thời gian, nắng to thì đi làm sớm, người khỏe trâu khỏe, xong sớm về sớm. Lênin nói hãy để người nông dân tư duy trên luống cày của họ. Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đã hiện thực hóa sinh động lời dạy của Lênin trên đồng đất Vĩnh Phú.
Bài học gần 40 năm đổi mới từ nông nghiệp vẫn còn rất thời sự, nó khuyến khích, thúc đẩy nước ta tiến hành công cuộc đổi mới lần thứ hai. Để giải phóng sức sản xuất, nhất định phải dỡ bỏ các điểm nghẽn./.