Khơi thông nguồn lực cho kỷ nguyên vươn mình
Lê Thanh BàiĐại tá, TS, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự

Mở ra kỷ nguyên độc lập tự chủ lâu dài cho dân tộc
Thời kỳ nước ta bị phong kiến phương Bắc đô hộ kéo dài hơn 1.000 năm, dân tộc ta đứng trước thử thách nghiêm trọng, trước sự tồn vong khi thế lực ngoại bang ra sức thực hiện âm mưu đồng hóa. Song, với tinh thần bền bỉ đấu tranh bảo vệ giống nòi, quyết tâm giành lại tự do, độc lập, dân tộc Việt Nam đã tiến hành hàng nghìn cuộc khởi nghĩa chống xâm lăng.
Khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Bà Triệu tiêu biểu cho khí phách dân tộc, cho ý chí quật cường, quyết tâm “giành lại giang san, cởi ách nô lệ”.
Khởi nghĩa Lý Bí thành công dẫn đến sự thành lập Nhà nước Vạn Xuân. Kháng chiến chống Lương (năm 545 - 550), chống Tùy (năm 602) cùng các cuộc khởi nghĩa lớn chống chính quyền đô hộ nhà Đường như khởi nghĩa của Lý Tự Tiên và Đinh Kiến (năm 687), của Mai Thúc Loan (năm 713 - 722), của Phùng Hưng (khoảng 766 - 791), của Dương Thanh (năm 819 - 820) và cuộc nổi dậy khôi phục chính quyền tự chủ của Khúc Thừa Dụ (năm 905),... là những cuộc đấu tranh tiêu biểu trong quá trình chống Bắc thuộc và chống đồng hóa của dân tộc ta.
Hai cuộc kháng chiến chống Nam Hán năm 931 và 938 do Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền lãnh đạo khẳng định quyết tâm giành, giữ độc lập, tự do của cả dân tộc để đi đến chiến thắng Bạch Đằng đánh tan quân Nam Hán vào cuối đông năm 938.
Chiến thắng ấy được ghi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta như một chiến công chói lọi, chấm dứt ách thống trị hơn 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra một kỷ nguyên độc lập và lâu dài cho dân tộc Việt Nam.
Chống ách đô hộ thực dân bước vào kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội
Bước sang thế kỷ XIX, các nước tư bản phương Tây, trong đó có Pháp, đã chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, ráo riết tìm kiếm thị trường, tiến hành chiến tranh xâm lược. Trong vòng xoáy lịch sử, tháng 9-1858, nước ta bị liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công vào Đà Nẵng.
Dân tộc Việt Nam phải đối đầu với kẻ thù xa lạ tới từ phương Tây, có ưu thế tuyệt đối về vũ khí và đang trên đà phát triển. Với Hiệp ước Harmand (năm 1883) và Hiệp ước Patenotre (năm 1884), nhà nước phong kiến độc lập Việt Nam sụp đổ hoàn toàn; thực dân Pháp nhanh chóng thôn tính nước ta, áp đặt ách đô hộ, sớm triển khai chương trình khai thác thuộc địa.
Trước sức kháng cự quyết liệt của dân tộc Việt Nam, thực dân Pháp đã không thực hiện được mưu đồ. Khắp từ Nam chí Bắc, trên cơ sở một tinh thần yêu nước mạnh mẽ, phong trào chống Pháp phát triển khắp mọi miền, từ đồng bằng lên miền núi, từ biển cả đến cao nguyên; khi mạnh, khi yếu nhưng không bao giờ tắt hẳn.
Đó là cuộc chiến đấu của những nghĩa binh “áo vải”, “tầm vông” chống lại “đại bác”, “tàu sắt”, “tàu đồng” của thực dân Pháp. Những cuộc khởi nghĩa từ Nam đến Bắc, từ đồng bằng đến cao nguyên với các thủ lĩnh kiên cường như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, N’TrangLơng, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám,... viết nên những trang sử vẻ vang, khẳng định tinh thần quật cường của toàn thể dân tộc Việt Nam chống lại ách đô hộ, quyết giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Giai đoạn lịch sử đặc biệt này ghi dấu ấn điển hình về tinh thần dân tộc cao cả của nhân dân Việt Nam trước nạn xâm lược ngoại bang với biết bao tấm gương oanh liệt, với quyết tâm hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, như Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học, Lý Tự Trọng...
Tinh thần quyết tâm chiến đấu, chấp nhận hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc, càng được nhân lên khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và nắm quyền lãnh đạo. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, trong vòng 15 năm (1930 - 1945), cách mạng Việt Nam trải qua các phong trào đấu tranh (1930 - 1931), phong trào dân chủ (1936 - 1939), phong trào cứu nước (1939 - 1945) - là những cuộc ra quân rầm rộ, thể hiện sức mạnh của một dân tộc khát khao độc lập, tự do, có được đường lối lãnh đạo đúng đắn.
Dù kẻ thù thẳng tay đàn áp, ra sức khủng bố, phải chịu nhiều tổn thất, hy sinh, nhưng nhân dân ta đã đấu tranh anh dũng kiên cường đưa cách mạng đi đến thành công bằng thắng lợi rực rỡ của cuộc Tổng khởi nghĩa trên toàn quốc vào mùa thu năm 1945.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Tiến hành chiến tranh cách mạng thành công, bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội
Vừa giành được độc lập, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại phải đối đầu với họa xâm lăng của thực dân Pháp, đối diện với sự bao vây của chủ nghĩa đế quốc, đứng trước tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”.
Vừa chống thù trong, nhân dân Việt Nam lại phải chống giặc ngoài, khi quân của Trung Hoa dân quốc tàn phá miền Bắc hòng lật đổ chính quyền cách mạng, trong khi quân Pháp xâm lược miền Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tích cực chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, vượt qua gian khổ, hy sinh, vừa chiến đấu vừa xây dựng, củng cố lực lượng, giành thắng lợi từng bước tiến tới giành thắng lợi ở trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ năm 1954.
Đế quốc thực dân lại âm mưu chia cắt đất nước lâu dài, buộc dân tộc ta phải tiến hành cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, nhân dân ta phải đối đầu với kẻ thù có tiềm lực kinh tế và quân sự, có quân đội thiện chiến, hiện đại hàng đầu thế giới. Nhiều nước trên thế giới cũng tỏ ra e ngại khi chúng ta lựa chọn phương pháp đấu tranh.
Với ý chí, khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, nhân dân ta kết thành một khối, tin tưởng mãnh liệt vào ngày thống nhất non sông. Vượt qua khó khăn của những ngày đầu giữ gìn lực lượng, cách mạng miền Nam làm nên cao trào Đồng Khởi (năm 1960), đánh bại những chiến thuật tân kỳ, những chiến lược chiến tranh đầy tham vọng để tiến tới làm nên cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, đồng loạt tấn công vào các đô thị ở miền Nam, khiến kẻ thù choáng váng, nhụt ý chí xâm lược, tạo nên bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ đó tiến tới cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đó là thắng lợi bằng sức mạnh “cả nước cùng ra trận”, huy động tiềm năng to lớn của cả dân tộc cho cuộc đấu tranh lâu dài, gian khó, nhưng đầy vinh quang, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Gặt hái thành tựu của công cuộc đổi mới để bước vào kỷ nguyên vươn mình
Từ một nước nghèo, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, khủng hoảng kinh tế - xã hội diễn ra gay gắt, tỷ lệ lạm phát có lúc lên đến 774,7%, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, thiếu lương thực triền miên, 3/4 dân số sống ở mức nghèo khổ; sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, toàn diện trên các lĩnh vực, vươn lên thành nước thu nhập trung bình, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 35 trên thế giới, đứng thứ 5 trong ASEAN.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 354 tỷ USD, Việt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người đạt gần 4.300 USD, gần gấp 58 lần sau 3 thập niên, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 58% (theo chuẩn cũ) năm 1993 xuống còn 2,93% (theo chuẩn nghèo đa chiều với tiêu chí cao hơn trước) năm 2023.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, duy trì tăng trưởng kinh tế khá cao so với khu vực và thế giới. Năng suất lao động liên tục tăng, giai đoạn 2016 - 2020 tăng 6,05%, giai đoạn 2021 - 2023 tăng 8,94%; tăng trưởng dựa nhiều hơn vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Trong 14 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, năm 2024 đã tăng 4 bậc so với năm trước.
Từ năm 2000, Việt Nam đã phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 17 lần, an sinh xã hội luôn được cải thiện; đời sống văn hóa cũng được nâng lên đáng kể, sinh hoạt văn hóa phát triển phong phú, đa dạng.
Liên hợp quốc công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu thiên niên kỷ, nằm trong nhóm phát triển con người cao. Năm 2022, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,726, tăng 50% so với năm 1990, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển.
Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, ngày càng hoàn thiện, phát huy vai trò, hiệu lực, hiệu quả. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tạo ra được sự chuyển biến rất tích cực, kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn hơn giữa “xây” và “chống.
Quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc được giữ vững, quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, đưa “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau gần 40 năm đổi mới đất nước khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo, là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta; là nền tảng và là điều kiện quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, bước vào xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc; vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội bằng nguồn lực sức mạnh đoàn kết, sáng tạo, ý chí vươn lên của dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Và đó cũng chính là nguồn lực cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.









Các bài cũ hơn


