28/04/2025 | 21:37 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

“Đồng chí ấy luôn sống và làm việc vì Đảng”

Đỗ Thị Mỹ An
“Đồng chí ấy luôn sống và làm việc vì Đảng” Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp_Ảnh: Tư liệu TTXVN
Đó là lời nhận định của đồng chí Hải An (Lê Hồng Phong) về Nguyễn Ái Quốc năm 1935, khi Người phải đối mặt với sự nghi kỵ từ chính những người đồng chí của mình. Đó không chỉ là lời khẳng định cho một thời kỳ hoạt động cách mạng đầy khó khăn 1934 - 1938, mà còn là lời khẳng định cho cả cuộc đời của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: một con người luôn sống và làm việc vì Đảng.

Bản kết luận của Ủy ban điều tra “vấn đề Nguyễn Ái Quốc”

Ngày 6-6-1931, chính quyền thực dân Pháp phối hợp với chính quyền Anh tại Hồng Kông bắt giữ Nguyễn Ái Quốc (khi đó mang tên là Tống Văn Sơ). Sự nỗ lực tìm kiếm, vây bắt suốt hơn 12 năm của chính quyền Pháp (1919 - 1931) thực sự có kết quả. 

Ngay lập tức, chính quyền thực dân Pháp đã nuôi ý đồ “muốn thấy người lãnh đạo hoạt động tuyên truyền Bôn-sê-vích này biến khỏi sân khấu chính trị Xô Viết”[1] một cách êm đẹp, bằng cách đề nghị chính quyền Anh dẫn độ Nguyễn Ái Quốc về Đông Dương để thực hiện bản tử hình đã được Toàn án Nam triều tuyên bố trong Bản án số 115, ngày 10-10-1929.

Tuy nhiên, trên thực tế, kế hoạch này vấp phải một số khó khăn về mặt luật pháp Anh, phong trào đấu tranh mạnh mẽ đòi thả tự do cho Nguyễn Ái Quốc - Tống Văn Sơ từ các tổ chức, cá nhân trên khắp thế giới cũng như trí tuệ và bản lĩnh sắc sảo của Nguyễn Ái Quốc. 

Vì vậy, dù không mong muốn nhưng chính quyền Hồng Kông buộc phải đưa Nguyễn Ái Quốc ra xét xử công khai. Sau 9 phiên tòa căng thẳng và một thời gian dài chờ quyết định cuối cùng của Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh, Nguyễn Ái Quốc được trả tự do. 

Nhờ sự giúp đỡ tận tình của gia đình Luật sư Francis Henry Loseby cùng những người bạn quốc tế như Paul Vaillant Couturier, Tống Khánh Linh..., Nguyễn Ái Quốc đã tới được Mát-xcơ-va, trở lại “đại gia đình công nông” sau “ba năm lưu lạc linh đinh”[2].

Tuy nhiên, việc Nguyễn Ái Quốc thoát khỏi nhà tù Hồng Kông cũng như mạng lưới mật thám dày đặc của chính quyền thực dân một cách “ngoạn mục” đã gây nên những thắc mắc cho nhiều cán bộ trong Quốc tế Cộng sản, mặc dù chính trong số đó có cả những đồng chí đã nỗ lực tác động để giải cứu Người. 

Vì vậy, một loạt dấu hỏi xung quanh vụ án Nguyễn Ái Quốc tại Hồng Kông đã được đặt ra: vì sao mức án dành cho Nguyễn Ái Quốc lại nhẹ như vậy? Bằng con đường nào mà Nguyễn Ái Quốc thoát được mạng lưới mật thám để đến được Liên Xô?... 

Trong nội bộ Quốc tế Cộng sản có nhiều sự trao đổi qua lại về vấn đề này, như báo cáo đề ngày 29-6-1935 của Vera Vaxilieva - Trưởng phòng Đông Dương của Ban Phương Đông quốc tế Cộng sản - đã viết: “tháng 6-1934, Nguyễn Ái Quốc đến Mát-xcơ-va. Qua lời kể của đồng chí (Nguyễn Ái Quốc) thì khó xác định được tại sao đồng chí lại dễ dàng ra khỏi nhà tù và thoát khỏi tay cảnh sát Pháp... Đồng chí nói rằng chuyến đi này được tiến hành nhờ sự giúp đỡ của Vaillant Couturier trong thời gian ở Trung Quốc. Tôi (Trưởng phòng Đông Dương của Quốc tế Cộng sản) nghĩ rằng tất cả những việc này cần phải được kiểm chứng một cách thận trọng”[3]

Nghi ngờ và hiểu lầm dai dẳng đến nỗi tại Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản diễn ra vào tháng 7-1935, mặc dù đang ở Mát-xcơ-va nhưng Nguyễn Ái Quốc không được cử làm đại biểu chính thức dự Đại hội, mà chỉ được tham dự với tư cách đại biểu tư vấn. 

Mặc dù vậy, Người vẫn tận tình giúp đỡ, chỉ bảo, truyền đạt những kiến thức lý luận và thực tiễn cho các cán bộ, đảng viên của Đông Dương cũng như các nước khác trong khu vực. Sự giúp đỡ có hiệu quả và sự làm việc nỗ lực của Người đã góp phần không nhỏ vào thành công của đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương. 

Sau đó, Người tổ chức chu đáo chuyến trở về Việt Nam của các đại biểu Đông Dương, mang theo tinh thần và nghị quyết mới của Quốc tế Cộng sản cho phong trào cách mạng thế giới và cách mạng Đông Dương trong giai đoạn lịch sử mới.

Trong bối cảnh đó, khi đánh giá về những việc làm và tinh thần của Nguyễn Ái Quốc, trong bản nhận định về Nguyễn Ái Quốc ngày 3-8-1935, đồng chí Lê Hồng Phong khi đó là Ủy viên Ban Chấp hành của Quốc tế Cộng sản đã khẳng định: “tôi biết rằng đồng chí Quốc rất tích cực trong hoạt động cách mạng và các vấn đề sự nghiệp của Đảng luôn được đồng chí đặt cao hơn cuộc sống cá nhân. Có thể nói rằng đồng chí ấy luôn sống và làm việc vì Đảng”.

Để giải quyết dứt điểm những tồn nghi xung quanh Nguyễn Ái Quốc, tháng 2-1936, Quốc tế Cộng sản thành lập một ủy ban để điều tra “Vấn đề Nguyễn Ái Quốc”, gồm 3 đồng chí: Côn-xin-na, Hải An (Lê Hồng Phong) và Krapxki. Sau thời gian tiến hành điều tra, ngày 19-2-1936, ủy ban điều tra có kết luận: Ban Thẩm tra không tìm ra chứng cứ nghi ngờ nào về sự trung thành chính trị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Hồ sơ vụ việc về Nguyễn Ái Quốc được hủy bỏ.

Trước sự biến đổi nhanh chóng của bối cảnh thế giới, Nguyễn Ái Quốc khao khát được “trở về nước, đi vào quần chúng, tổ chức đoàn kết nhân dân, huấn luyện nhân dân, đưa nhân dân ra đấu tranh giành độc lập, tự do”. Tuy nhiên, nguyện vọng ấy chưa được đáp ứng. 

Dù rất phiền lòng nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn nghiêm chỉnh chấp hành theo quyết định của cấp trên, kiên trì chờ đợi và hy vọng. Nhưng không thể ngồi yên chờ đợi khi thời cơ đang ngày một đến gần, ngày 6-6-1938, Nguyễn Ái Quốc gửi thư cho một đồng chí trong Quốc tế Cộng sản. Trong thư, Người bộc bạnh về tình trạng không hoạt động của mình trong 8 năm qua và đề nghị “đồng chí hãy phân tôi đi đâu đó. Hoặc là giữ tôi ở lại đây. Hãy giao cho tôi làm một việc gì mà theo đồng chí là có ích... Đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động”. 

Bức thư là sự bùng nổ của những dồn nén mà Nguyễn Ái Quốc đã phải chịu đựng trong nhiều năm về việc phải “sống ở bên cạnh, ở bên ngoài Đảng”[4]. Sau đó, nguyện vọng của Người được phê duyệt. Tháng 10-1938, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô, đi về phương Đông, gần hơn với Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Với sự tin tưởng của các đồng chí Việt Nam, sự ủng hộ của một số đồng chí quốc tế, trong hoàn cảnh khó khăn, Nguyễn Ái Quốc vẫn kiên trì, chấp hành mọi chỉ thị của cấp trên, không tranh cãi, không lôi kéo người ủng hộ, tiếp tục củng cố mối quan hệ với Quốc tế Cộng sản, “bình thản tiếp nhận sự chỉ trích trong mối quan hệ của mình, luôn nhất trí với sự phê bình này” và đặc biệt vẫn luôn cống hiến hết sức mình cho phong trào cách mạng của Việt Nam nói riêng, phong trào cách mạng thế giới nói chung. 

Giai đoạn 1934 - 1938 như một dấu lặng trong cuộc đời đầy sóng gió của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, nhưng chính những sóng gió đó đã góp phần trui rèn thêm bản lĩnh, nhân cách của nhà lãnh đạo thiên tài.

Và một cuộc đời luôn sống và làm việc vì Đảng

Ngay từ rất sớm, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận thức được chân lý: cách mạng muốn thắng lợi “trước hết phải có đảng cách mệnh”. Vì vậy, ngay sau đó Người thực hiện nhiều công việc nhằm chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập một chính đảng của Việt Nam. 

Ngày 3-2-1930, bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam, mở ra bước ngoặt trọng đại cho cách mạng Việt Nam.

Từ đây, dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, thậm chí có những thời điểm bị tù đầy, đe dọa tới tính mạng, song Nguyễn Ái Quốc vẫn một lòng kiên trì xây dựng và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam về mọi mặt, từ tư tưởng, chính trị, tổ chức, đạo đức đến phương thức lãnh đạo, để Đảng có thêm sức mạnh lãnh đạo toàn quân, toàn dân thực hiện mục đích “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”. 

Đến khi vĩnh biệt thế giới này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh không có tài sản gì để lại, chỉ để lại “muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Và trong bản “Di chúc” lịch sử để lại cho muôn đời sau, lời căn dặn đầu tiên của Người vẫn là “trước hết nói về Đảng”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự trở thành đội tiền phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam; đã phát huy bản lĩnh và trí tuệ của mình, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. 

Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước do nhân dân làm chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, xây dựng hậu phương lớn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. 

Đó là thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thực hiện “Di chúc” của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam kiên cường chèo lái con thuyền Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách để giờ đây “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Cũng vào những ngày mùa xuân của 95 năm về trước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mở ra một trang sử mới cho dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, khi đất nước từng bước “bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu”, chúng ta càng thấy rõ hơn công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện thân trọn vẹn, mẫu mực nhất hình ảnh của một con người cách mạng suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Có được những thành tựu đó, Đảng ta, nhân dân ta luôn khắc ghi, nhung nhớ, chúng ta có một đảng viên, một lãnh tụ, mà ở bất cứ hoàn cảnh nào, “Đồng chí ấy luôn sống và làm việc vì Đảng”./.

[1] Điện số 696-CAI của Bộ trưởng Bộ Thuộc địa gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ngày 10-6-1931.

[2] T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 55.

[3] Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, t. 2, tr. 56.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t. 3, tr. 117.

8 February 2025
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)