20/09/2024 | 18:42 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Phán

Trọng Nghĩa
(Tạp chí Cộng sản, số 7-1981)
Phán

Phán, “phán truyện”, “phán bảo”, “phán xử”, “phán xét” là những từ ngày xưa dùng để chỉ ý kiến của vua chúa, của quan tòa, hoặc của các đấng bề trên ban ra, truyền xuống cho các bầy tôi, cho bàn dân thiên hạ. Trong đời sống của những người dân bình thường người ta ít dùng những từ đó. Nói cách khác, chỉ có vua quan, những kẻ có quyền, có thế, có thái độ kẻ cả mới hay phán và thích phán.

Nhưng gần đây trong chúng ta có một số người thích “phán”, và do đó mà từ “phán” xuất hiện với tần số tương đối cao. Nó được dùng với ý nghĩa châm biếm khá sâu sắc.

Xin nêu một ví dụ:

Có cán bộ phụ trách, với chức năng chỉ đạo trực tiếp của mình, đáng lẽ phải đưa ra những ý kiến chỉ đạo cụ thể, thiết thực, phải lăn lộn trong công tác thực tế, đi sâu nắm chắc vấn đề, tổ chức thực hiện bằng được các chỉ thị, nghị quyết của Đảng thì anh ta lại chỉ “phán” một cách rất chung chung. Dường như trách nhiệm của anh ta chỉ là “phán”; “phán” xong là anh ta hết trách nhiệm! Nhiều khi vì không nắm được vấn đề hoặc vì “lực bất tòng tâm” anh ta chỉ đưa ra được “mấy đường tơ” chung chung, vô bổ. Nhiều người đã rỉ tai nhau: “Nếu cứ “phán” suông như thế thì ai chả “phán” được”. Và cái câu “thủ trưởng “phán” mấy đường tơ” đã trở thành khá phổ biến ở một số cơ quan, đơn vị để giễu những cán bộ làm việc kiểu như vậy.

Cũng có những đồng chí khi nói thì hay, thì đúng. Chẳng hạn như: “Chúng ta phải gương mẫu trước quần chúng, phải miệng nói tay làm, phải sống cho trong sạch, không được tham ô, ăn cắp của công, phải giữ gìn kỷ luật của Đảng, phải đồng cam cộng khổ với quần chúng, phải...”. Đúng quá! Nhưng khổ một nỗi là bản thân người phát ra những lời vàng ngọc đó lại không làm đúng như lời mình nói, nhiều khi nói một đường làm một nẻo, thành thử những lời nói hay ho của họ chẳng có ý nghĩa gì, và người ta đánh giá “ông ấy chỉ “phán” là giỏi”.

Một số đồng chí khác không chín chắn, thận trọng khi phát ngôn. Là người “cầm cân nảy mực” ở đơn vị, trước một sự việc, một hiện tượng, nhất là những sự việc, hiện tượng mới và phức tạp, đáng lý phải xem xét cụ thể, tìm hiểu kỹ càng rồi hãy có ý kiến, đồng chí đó lại vội vã “phán” ngay. Có những việc hệ trọng như nhận xét cán bộ, đánh giá tình hình công tác... đồng chí đó cũng kết luận một cách vội vàng, thiếu sự cân nhắc, thận trọng cần thiết. Hoặc giả khi về nghiên cứu, xem xét thực tế ở một địa phương, vừa mới chân ướt chân ráo, chưa hiểu hết tình hình cụ thể ở đó thế nào “và có trường hợp cũng không phải là trách nhiệm của mình nữa”, đã vội đưa ra những ý kiến “quan trọng”, có khi rất “bạo phổi”. Nhiều người thường gọi những đồng chí này là những anh “phán ẩu”.

Như vậy, trước hết “phán” là một hiện tượng thường thấy ở một số cán bộ có chức có quyền. Tuy nó có những biểu hiện, những hình vẻ khác nhau nhưng chung quy đều là biểu hiện của thứ tư tưởng chủ quan, của thái độ bề trên, có khi pha lẫn cả sự non kém về kiến thức, trình độ hoặc về phương pháp tư tưởng. Cứ để ý quan sát mà xem, những người thích “phán” thường là những người thích đứng cao hơn người khác một cái đầu, thích tỏ ra ta đây là “cỡ này cỡ nọ”, thích lên giọng “dạy bảo” người khác. Họ thường nghĩ rằng ý kiến của mình bao giờ cũng là chân lý, là “khuôn vàng thước ngọc”, và lầm tưởng rằng do có chức có quyền, họ nói thế nào thì quần chúng và cấp dưới cũng phải nghe. 

Họ không nhớ rằng chính vì họ là người giữ cương vị phụ trách, cho nên mỗi lời phát ra của họ càng phải chín chắn, thận trọng. Nếu không chịu khó nghiên cứu, đi sâu vào thực tiễn, lắng nghe ý kiến quần chúng, tìm hiểu công việc kỹ càng, chỉ bằng vào những kiến thức và kinh nghiệm ít ỏi, cũ kỹ của mình để mà “phán” thì chẳng giải quyết được vấn đề, thậm chí còn gây ra những tác hại không nhỏ. 

Có khi chỉ vì một lời “phán” sai, một câu kết luận hồ đồ mà ảnh hưởng tới cả một phong trào, công việc trở thành rối rắm, cán bộ tốt bị hiểu thành xấu, việc đáng khen trở thành đáng chê, hoặc ngược lại. Ví dụ: đã có trường hợp trên cùng một cánh đồng, hôm qua anh cán bộ tỉnh về thăm bảo phải trồng đậu tương, hôm nay chị cán bộ huyện về bảo phải trồng khoai lang, hôm sau nữa một anh vụ trưởng ở Trung ương về lại bảo phải trồng thứ khác. Nhiều lời “phán” quá, không còn biết lối nào mà lần!

Đó là chưa kể đối với bản thân người “phán”, nếu cứ “phán” theo những kiểu như vậy thì uy tín của họ sẽ còn gì? Hoặc nếu lời nói không đi đôi với việc làm, nói một đường làm một nẻo thì họ còn thuyết phục được ai?

Nhưng đừng nghĩ rằng chỉ những người có chức có quyền mới “phán”. Trong thực tế còn có không ít những người tuy chẳng có chức tước gì nhưng cũng thích “phán” ra phết đấy. Trước những khó khăn, tiêu cực trong kinh tế và đời sống hiện nay họ cũng ra dáng “quan tòa”, tự xếp mình lên trên hoặc đứng ngoài cuộc để phán xét một cách rất chủ quan, tùy tiện. Họ chê bai hết việc này đến việc nọ, bắt bẻ hết lý này đến lẽ khác, dường như họ chẳng có trách nhiệm gì, trong khi trên thực tế chính bản thân họ cũng là một sức ỳ, là một trong những người làm sai, làm bậy. 

Thậm chí có người phủ nhận cả đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, nói năng lung tung, cứ như là trên đời này chỉ có một mình anh ta là sáng suốt, là tài giỏi; anh ta là trung tâm của lẽ phải, là cái rốn của chân lý (!). Nhiều khi chẳng hiểu biết tý gì anh ta cũng phán; mới nghe đồn hoặc mới biết phong thanh, chưa rõ thực hư thế nào đã “phán”; “phán” bừa bãi, vô trách nhiệm. Có khi vô tình tự biến mình thành cái loa phát ngôn, cái đài tiếp âm cho bọn chiến tranh tâm lý mà không biết.

Ấy thế mà những người như vậy cứ ngộ nhận rằng mình “phán” như vậy là có “dũng khí đấu tranh”! Họ không hiểu rằng đó chính là một biểu hiện của tính vô tổ chức, rất xa lạ với tinh thần xây dựng của những người có ý thức làm chủ.

Nói chung, những người “phán” vô tổ chức này là những người vừa kém tinh thần trách nhiệm, vừa mắc bệnh chủ quan khi phát ngôn. Họ nhìn nhận sự việc, đánh giá tình hình một cách phiến diện, đơn giản. Biết ít nhưng lại muốn tỏ ra thành thạo, chưa nắm hoặc nắm chưa đầy đủ vấn đề đã vội “phán”. “Phán” không kịp suy nghĩ, không cần biết có đúng sự thật hay không.

Tục ngữ ta có câu: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Có thể đó cũng là một tác phong cần thiết cho công tác của cán bộ, đảng viên chúng ta. Nó giúp cho chúng ta chín chắn hơn, thận trọng hơn và cũng thể hiện sự tôn trọng cần thiết của chúng ta đối với người khác.

Đương nhiên, ta không nhầm lẫn cho rằng mọi ý kiến nhận xét, phê bình, chỉ đạo kịp thời đều là vội vã, là đáng trách. Không, trong thực tế có rất nhiều đồng chí do hiểu biết rộng, từng trải nhiều, giàu kinh nghiệm, cho nên trước những vấn đề gay cấn, phức tạp, thường có được ngay những ý kiến sắc sảo, kịp thời, những quyết định dứt khoát và đúng đắn. Điều đó hoàn toàn là cần thiết. Chúng ta rất quý mến và trân trọng những cán bộ như thế, cách làm như thế.

Chúng ta cũng không máy móc nghĩ rằng chỉ những ai quen với lĩnh vực nào, làm giỏi việc nào mới có quyền được phát biểu ý kiến về những việc ấy. Trái lại, Đảng ta luôn luôn yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải nêu cao ý chí cách mạng, dũng khí đấu tranh, làm việc hết sức mình và phát biểu thẳng thắn những ý kiến xây dựng của mình, không quá “thận trọng” đến mức thu mình lại, không dám phê bình, đấu tranh.

Vấn đề quan trọng ở đây là khi đưa ra một ý kiến, một nhận xét, một lời khuyên... chúng ta cần xác định đầy đủ trách nhiệm của mình, và phải có phương pháp đúng. Tức là phải có nghiên cứu, có suy nghĩ, có cân nhắc thận trọng, nói đúng chỗ, đúng lúc: suy tính đầy đủ đến tác dụng, hiệu quả và hậu quả lời nói của mình, không “phán” vội và nhất là không “phán” bừa, “phán” ẩu. Cương vị càng cao trách nhiệm càng lớn lại càng phải thận trọng./.