Nâng cao phẩm chất cách mạng và năng lực của cán bộ
Trọng Nguyễn(Tạp chí Cộng sản, số 8-1975)
Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của Đảng đã nêu rõ: “Xuất phát từ tính chất cách mạng của Đảng và bản chất của Nhà nước chuyên chính vô sản, phải xây dựng một đội ngũ cán bộ của Đảng và Nhà nước, xét về tính giai cấp, là của giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với chủ nghĩa xã hội, có năng lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng, bảo đảm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và phát huy sức mạnh của Nhà nước chuyên chính vô sản”. Muốn có được một đội ngũ như vậy, mỗi cán bộ “phải có phẩm chất cách mạng và phải có năng lực, thể hiện ở kết quả hoàn thành nhiệm vụ...”.
Phẩm chất cách mạng là một khái niệm có nội dung khá rộng. Theo cách hiểu thông thường, nói đến phẩm chất cách mạng của một cán bộ là nói đến các mặt lập trường tư tưởng, ý thức tư tưởng, đạo đức tác phong của người cán bộ đó. Khi xem xét mặt mạnh, mặt yếu về phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên, người ta thường chú ý xét xem về mặt lập trường tư tưởng, ý thức tư tưởng, về đạo đức, về thái độ đối với công tác, về quan hệ với những người chung quanh, về phong cách làm việc và phong cách sống, v.v... của người cán bộ, đảng viên đó có những biểu hiện gì tốt hoặc chưa tốt.
Cho nên hiểu đúng nội dung của phẩm chất cách mạng không phải là việc đơn giản. Những cách hiểu sai tất nhiên sẽ dẫn tới những lệch lạc trong việc tự bồi dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, cũng như trong việc đánh giá cán bộ, đảng viên.
Là những người mác xít, chúng ta hiểu rằng sự tu dưỡng về phẩm chất, đạo đức cách mạng phải nhằm phục vụ sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Lê-nin đã từng dạy: “... đạo đức của chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào lợi ích đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản. Đạo đức của chúng ta là từ những lợi ích đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản mà ra...”[1].
Như chúng ta biết, mỗi cán bộ, đảng viên, bất cứ ở cương vị nào, đều có nghĩa vụ phải hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Không thể coi là một cán bộ, đảng viên có phẩm chất, đạo đức tốt khi người cán bộ, đảng viên đó không có tinh thần trách nhiệm đầy đủ đối với công việc của mình. Cũng không thể quan niệm một cán bộ, đảng viên có phẩm chất, đạo đức tốt mà lại không nghiêm túc chấp hành đường lối, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chế độ, thể lệ, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, nói đến phẩm chất, đạo đức cách mạng, đối với cán bộ, đảng viên, trước hết là nói đến những đức tính cần thiết cho việc hoàn thành những nhiệm vụ chính trị được giao phó.
Chúng ta không phủ nhận rằng, đối với cán bộ, đảng viên, những phẩm chất trong sinh hoạt hàng ngày của con người cũng rất cần thiết. Vinh dự và trách nhiệm cao quý của cán bộ, đảng viên đòi hỏi chúng ta phải nêu gương sáng cho quần chúng ngay cả trong sinh hoạt bình thường, nghĩa là đòi hỏi chúng ta phải sống giản dị, khiêm tốn, lành mạnh cả trong đời sống hàng ngày. Nhưng khi nói đến phẩm chất, đạo đức cách mạng, điều trước hết, điều chủ yếu phải nói đến vẫn là những phẩm chất, đạo đức bảo đảm cho việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Đảng ta là đội tiên phong có tổ chức và là tổ chức cao nhất của giai cấp công nhân Việt Nam. Sứ mệnh lịch sử của Đảng ta rất lớn. Đảng viên chúng ta là những người tự nguyện đứng trong đội ngũ chiến đấu của Đảng; chúng ta tu dưỡng, nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng là để chiến đấu tốt hơn. Vì vậy, nếu hiểu khái niệm phẩm chất, đạo đức mà chỉ bó hẹp trong phạm vi những đức tính trong sinh hoạt bình thường của con người, hoặc lấy đó làm mặt chủ yếu, là không đúng.
Trong thực tiễn, có nơi chưa phân biệt được điều đó một cách đúng đắn, cho nên có tình trạng làm ngơ đối với những cán bộ, đảng viên không làm tròn chức trách được giao, thậm chí có thái độ xuê xoa cả với những cán bộ, đảng viên làm trái đường lối, chính sách của Đảng, trong khi đó chỉ chú ý một chiều đến những thiếu sót của cán bộ, đảng viên trong sinh hoạt.
Phẩm chất, đạo đức cách mạng là một phạm trù có tính lịch sử cụ thể. Khi cơ sở kinh tế đã thay đổi thì kiến trúc thượng tầng, trong đó có những quan điểm về phẩm chất đạo đức, phụ thuộc chặt chẽ vào cơ sở, cũng sẽ thay đổi theo. Không thể nói đến phẩm chất, đạo đức cách mạng một cách chung chung, xa rời thực tế xã hội, xa rời thực tế lịch sử, xa rời những nhiệm vụ của cách mạng trong từng giai đoạn.
Tất nhiên, chúng ta nhận rằng khi nói đến phẩm chất, đạo đức cách mạng, có những cái chung, những cái cơ bản luôn luôn phải nhắc tới, bởi vì thiếu những cái đó là thiếu những tiêu chuẩn cần thiết hàng đầu của người cách mạng. Chẳng hạn, tinh thần triệt để cách mạng, lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, tinh thần dũng cảm trong đấu tranh, sự liên hệ mật thiết với quần chúng, tính tổ chức và tính kỷ luật, đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, v.v..., đó là những nét cơ bản của phẩm chất cách mạng trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, mỗi cán bộ, đảng viên đều không thể thiếu được.
Song, với cách nhìn sự vật và xã hội trong quá trình phát triển của nó, chúng ta lại thấy rằng, cách mạng càng tiến lên càng đặt ra những yêu cầu mới cao hơn về phẩm chất, đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên.
Trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ, khi mũi nhọn của cuộc đấu tranh nhằm vào những mục tiêu cơ bản là giành độc lập dân tộc thì những yêu cầu chủ yếu về phẩm chất đối với cán bộ, đảng viên là tinh thần kiên quyết đấu tranh chống đế quốc và phong kiến, sẵn sàng xả thân vì cách mạng, là thái độ kiên trung bất khuất trước mọi sự đe dọa, mua chuộc của kẻ thù, là ý thức không sợ khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng tiến công kẻ thù, giành thắng lợi từng bước cho cách mạng, là sự thông cảm sâu sắc với quần chúng, kiên trì gần gũi quần chúng, tuyên truyền, giác ngộ, tổ chức quần chúng, v.v... Khi cách mạng đã chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, những yêu cầu nói trên về mặt phẩm chất, đạo đức là tất nhiên vẫn rất cần thiết, bởi vì, có những đức tính ấy, cán bộ, đảng viên mới giữ vững và phát huy được ý chí đấu tranh kiên cường, tinh thần cách mạng triệt để. Song, nội dung của phẩm chất, đạo đức cách mạng không chỉ dừng lại ở đó, mà còn mở rộng hơn, nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.
Lòng trung thành với Đảng, với cách mạng, không chỉ biểu hiện ở tinh thần chiến đấu quên mình, ở ý chí sẵn sàng tiến công kẻ thù mà còn biểu hiện ở ý chí vươn lên chấp hành một cách tốt nhất và động viên mọi người chấp hành một cách tốt nhất mọi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm đẩy mạnh mọi mặt của công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ý thức tổ chức, kỷ luật, trong điều kiện Đảng đã trở thành Đảng lãnh đạo chính quyền, lại càng phải được đề cao vì nhiều đồng chí được nhân dân giao cho những nhiệm vụ quan trọng, “nếu không có sự ràng buộc hết sức chặt chẽ về tổ chức, kỷ luật, và cả pháp luật nữa, nếu không nghiêm khắc tự đặt mình trong sự ràng buộc đó, người ta rất dễ làm những chuyện sai trái tổn hại đến lợi ích nhân dân”[2].
Ý thức liên hệ mật thiết với quần chúng không chỉ biểu hiện ở sự thông cảm, gần gũi quần chúng, tuyên truyền, giáo dục, tổ chức quần chúng mà còn biểu hiện ở thái độ tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng nhằm phát triển và củng cố vững chắc nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Hơn nữa, trong xã hội chủ nghĩa, ý thức làm chủ tập thể là một biểu hiện quan trọng về phẩm chất, đạo đức đối với mọi người công dân, trước hết là đối với cán bộ, đảng viên. Ý thức làm chủ tập thể đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên phải nâng cao tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa, nâng cao lòng trung thực kiên quyết bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai, nhạy cảm với cái mới, không ngừng học tập để vươn lên làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân và ngày càng phát huy tác dụng trong công tác lãnh đạo.
Một số ví dụ kể trên chứng tỏ rằng, phẩm chất, đạo đức cách mạng có tính lịch sử cụ thể, gắn liền với sự phát triển tiến lên của cách mạng. Vì vậy, việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng là cần thiết đối với mọi cán bộ, đảng viên, bất cứ ở cương vị công tác nào, kể cả đối với những đồng chí đã có quá trình công tác lâu dài, đã qua nhiều thử thách trong hoạt động cách mạng.
Thực tế đã chứng minh rằng việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên phải được tiến hành bằng nhiều hình thức, như thông qua các đợt học tập, các đợt sinh hoạt chính trị, thông qua việc đọc sách, báo, việc đi nghiên cứu thực tế, v.v... Nhưng, điều có tầm quan trọng hàng đầu là phải tiến hành việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng thông qua các hoạt động thực tiễn trong đấu tranh cách mạng. Từ những vấn đề nảy sinh trong công tác cụ thể của mình, người cán bộ, đảng viên mới thấy được hết chỗ mạnh, chỗ yếu của mình về phẩm chất, đạo đức để xác định đúng phương hướng rèn luyện. Mặt khác, có thông qua hoạt động thực tiễn của cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng mới đánh giá đúng mặt mạnh, mặt yếu của từng người để có kế hoạch giúp đỡ, bồi dưỡng thật sát đúng. Và có thông qua hoạt động thực tiễn thì những kết quả trong việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên mới phát huy được tác dụng tích cực.
Nhìn lại Đảng ta, số đông cán bộ, đảng viên ta có những phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cách mạng. Chính nhờ vậy, trong mọi lĩnh vực của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như trên mọi mặt trận của cuộc chiến đấu thần thánh giải phóng dân tộc, cán bộ, đảng viên ta là những người tiên phong, đứng mũi chịu sào. Cũng chính nhờ vậy, và bằng mọi công tác tuyên truyền, giáo dục, bằng cách phát huy tác dụng gương mẫu, v.v... đội ngũ chúng ta đã làm nảy nở hàng loạt con người mới từ trong quần chúng nhân dân.
Tuy nhiên, phải nhận rằng trong Đảng ta cũng có một số ít cán bộ, đảng viên đã phạm những khuyết điểm, sai lầm, thậm chí sa sút về mặt phẩm chất cách mạng.
Nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi cán bộ, đảng viên chúng ta phải nâng cao hơn nữa đạo đức, phẩm chất cách mạng. Nghị quyết của Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của Đảng đã chỉ rõ: “trong tình hình hiện nay, phải ra sức bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên theo hướng sau đây:
- Nâng cao ý chí cách mạng, tự lực tự cường, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, kỷ luật; chống thái độ thụ động, ỷ lại, sợ khó, sợ trách nhiệm, chấp hành không nghiêm nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
- Nâng cao tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa, quý trọng và bảo vệ của công; ngăn ngừa và tẩy trừ đầu óc đặc quyền đặc lợi, chống mọi hành động xâm phạm tài sản của Nhà nước và của tập thể.
- Nâng cao ý thức tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng, luôn luôn gần gũi quần chúng; chống quan liêu, độc đoán, chuyên quyền.
- Nâng cao lòng trung thực, ý thức bảo vệ chân lý, ủng hộ những thái độ và hành động tích cực; chống dối trá, báo cáo sai sự thật, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, luồn cúi, nịnh hót, chống thái độ trả thù những người đấu tranh thẳng thắn.
- Nâng cao ý thức bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, tình thương yêu đồng chí, tinh thần tự phê bình và phê bình; chống chia rẽ bè phái, đầu óc cục bộ địa phương, kèn cựa địa vị, nể nang, xuê xoa hoặc đấu tranh vô nguyên tắc.
- Nâng cao tinh thần ham học, ra sức trau dồi những kiến thức mới; chống thói lười học tập, lười suy nghĩ”.
Phương hướng nói trên đã chỉ ra cho cán bộ, đảng viên chúng ta những nội dung cần bồi dưỡng về phẩm chất, đạo đức cách mạng phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng và tình hình đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay. Rèn luyện theo phương hướng đó, và chỉ có rèn luyện theo phương hướng đó, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng mới có phẩm chất cách mạng đúng với ý nghĩa tích cực của nó và mới đáp ứng được yêu cầu của cuộc đấu tranh cách mạng đang diễn ra trước mắt.
*
Cuộc đời của người cán bộ là cuộc đời chiến đấu, hạnh phúc lớn nhất của người cán bộ là ở chỗ hoàn thành một cách tốt nhất những nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó. Nói một cách khác, người cán bộ phải biết đấu tranh, biết tổ chức, biết vạch đường chỉ lối cho quần chúng và cùng quần chúng phấn đấu tiến lên, chứ không phải chỉ biết tu dưỡng để được tiếng là người tốt. Có phẩm chất cách mạng là để hành động cách mạng. Cách mạng là sự nghiệp có tính khoa học vì nó tuân thủ một cách nghiêm túc những quy luật phát triển của sự vật, của xã hội. Mỗi hành động cách mạng, do đó, phải là kết quả của nhận thức đúng, và phải theo phương pháp đúng. Muốn hành động đúng, mà chỉ có phẩm chất cách mạng thì chưa đủ, mà còn phải có năng lực. Hồ Chủ tịch đã từng lấy hình ảnh ông bụt trong chùa, không làm hại và cũng chẳng làm lợi gì cho ai, để ví những cán bộ chỉ tốt một cách chung chung mà thiếu năng lực hoạt động.
Trong chúng ta, có người còn nghĩ rằng đã có phẩm chất cách mạng, có nhiệt tình thì nhất định sẽ làm được mọi việc. Theo họ, phẩm chất cách mạng là vạn năng, cứ có phẩm chất, có đạo đức thì đặt vào cương vị nào, giao cho nhiệm vụ gì cũng sẽ làm được tốt. Nghĩ như vậy không đúng. Phẩm chất cách mạng không thể là yếu tố độc nhất, quyết định sự thành công trong nhiệm vụ công tác của từng cán bộ. Có lòng trung thành, có nhiệt tình cách mạng, nhưng trình độ kém, nhận thức sai, cách mạng làm sai thì không khỏi va vấp, thậm chí có khi phạm sai lầm nghiêm trọng, gây tác hại lớn một cách không tự giác, và từ đó khiến cho nhiệt tình bị sút kém.
Cũng không phải hễ cứ có phẩm chất cách mạng thì sẽ có năng lực, vì phẩm chất, đạo đức cách mạng chủ yếu là kết quả của sự tu dưỡng về mặt tư tưởng, đạo đức; có trình độ, năng lực lại chủ yếu là kết quả của việc học tập, nghiên cứu, của việc tích lũy kinh nghiệm trong quá trình đấu tranh cách mạng, và kết quả đó còn tùy thuộc một phần ở sức thu nhận của từng người. Nói rộng hơn, chủ nghĩa xã hội, như chúng ta biết, là một khoa học; sự hiểu biết càng cao trong lĩnh vực khoa học càng giúp chúng ta tiếp cận với những chân lý của chủ nghĩa xã hội để càng nâng cao thêm trình độ giác ngộ, không những bằng tình cảm mà bằng cả lý trí. Do đó, có thể nói, chỉ khi nào chúng ta có một trình độ nhận thức, trình độ hiểu biết nhất định thì mới thật sự nâng cao được phẩm chất, đạo đức cách mạng với ý nghĩa đầy đủ và sâu sắc của khái niệm ấy.
Giữa phẩm chất cách mạng và năng lực có mối liên hệ khăng khít. Có phẩm chất cách mạng, hay nói một cách khác, có nhiệt tình cách mạng, có lòng trung thành với Đảng, với giai cấp, với Tổ quốc, có ý thức rèn luyện thì sẽ có tinh thần say mê, cần cù trong sản xuất, trong công tác, trong học tập và do đó sẽ sớm trang bị cho mình những kiến thức, những kinh nghiệm cần thiết. Thiên tài là kết quả của cả một quá trình rèn luyện. Trong đội ngũ chúng ta, không ít đồng chí khi bước vào hoạt động cách mạng, vốn hiểu biết về năng lực chưa có mấy, nhưng nhờ một lòng một dạ phục vụ cách mạng, khiêm tốn và kiên trì học tập cho nên đã sớm trang bị cho mình kinh nghiệm và năng lực cần thiết để làm tốt công tác.
Không phải cứ có trình độ, năng lực là có phẩm chất cách mạng. Người có kiến thức, có năng lực nhưng thiếu ý thức giác ngộ cách mạng, không có nhân sinh quan đúng đắn, chỉ biết đến mình, chỉ nghĩ đến mình, luôn luôn vướng mắc vì chủ nghĩa cá nhân thì khó lòng có những đóng góp xứng đáng cho tập thể, cho xã hội, thậm chí có thể còn gây ra những tổn hại cho cách mạng. Chỉ có không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất cách mạng, cán bộ, đảng viên chúng ta mới có thể phục vụ sự nghiệp cách mạng một cách tốt nhất với trình độ, năng lực của mình.
Theo quan điểm chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chúng ta hiểu rằng phẩm chất cách mạng chỉ được nhân lên và chỉ đưa lại tác dụng tích cực trong công tác, khi bên cạnh phẩm chất, người cán bộ còn có năng lực cần thiết. Lê-nin, người thầy thiên tài của cách mạng thế giới, đã nhiều lần phê phán những ai cho rằng chỉ có nhiệt tình cách mạng cũng đủ để làm cách mạng. Lê-nin cũng đã từng nhiều lần kêu gọi những người cách mạng ở nước Nga phải không ngừng học tập. Người khẳng định: “Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản sau khi đã làm giàu trí nhớ của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng tri thức mà nhân loại đã tạo ra”[3]. Cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc cách mạng vĩ đại nhất, sâu sắc nhất, triệt để nhất trong lịch sử. Chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội tiêu biểu cho những gì văn minh nhất, tiến bộ nhất của loài người, vì vậy, những con người xây dựng chủ nghĩa xã hội không thể non kém về mặt hiểu biết.
Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, chúng ta chưa qua trường học của đại công nghiệp, cho nên có rất nhiều bỡ ngỡ khi bắt tay vào quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế theo hướng sản xuất lớn. Hàng ngày, trong cuộc sống, trong công tác, bên cạnh những mặt tốt và là những mặt cơ bản của xã hội ta, chúng ta gặp không ít những điều chưa vừa ý. Nơi này hoặc nơi khác, lúc này hoặc lúc khác còn có những mặt non kém, những vụng về trái với bản chất của chủ nghĩa xã hội.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng đó là trình độ của cán bộ ta, đặc biệt là trình độ tổ chức và quản lý, còn những mặt non yếu chưa tương xứng với yêu cầu của nhiệm vụ tổ chức và quản lý xã hội mới, xã hội chủ nghĩa. Cách mạng càng tiến lên, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội càng phát triển thì những mặt non yếu nói trên càng bộc lộ rõ hơn. Cho nên, hiện nay đi đôi với việc tu dưỡng rèn luyện và phẩm chất, đạo đức cách mạng, sự tu dưỡng, rèn luyện về mặt trình độ, năng lực công tác trở nên hết sức cấp bách, và là mặt đặc biệt quan trọng trong nội dung tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên chúng ta. Chính vì vậy mà Nghị quyết của Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của Đảng đã nêu rõ: “Nhanh chóng nâng cao trình độ lý luận Mác -
Lê-nin, kiến thức về kinh tế, về tổ chức, quản lý và về khoa học, kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo cao cấp và trung cấp, để cán bộ có khả năng tham gia xây dựng đường lối, chính sách và có cơ sở khoa học để hiểu sâu và thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng”.
Năng lực là biểu hiện tổng hợp của trình độ nhận thức, của vốn hiểu biết về các mặt, của vốn kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình công tác, v.v... Do mỗi cán bộ có những cương vị công tác khác nhau, chiến đấu ở những lĩnh vực khác nhau, cho nên yêu cầu về năng lực đối với từng cán bộ cũng có những điểm khác nhau. Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác cán bộ trong giai đoạn mới đã nêu rõ: “Cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cấp, các ngành phải là những người được rèn luyện và trưởng thành từ trong phong trào cách mạng của quần chúng, đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, thấm nhuần đường lối, chính sách của Đảng, có kiến thức khoa học lãnh đạo toàn diện. Các cán bộ khác thì tùy vị trí, chức năng mà đòi hỏi điều kiện khác nhau, điều cơ bản là phải chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách và nghị quyết của Đảng và Nhà nước, phải thành thạo chuyên môn, có năng lực tổ chức và quản lý... Cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo và nghiên cứu ở trung ương phải có năng lực tổng kết công tác, có năng lực nghiên cứu xây dựng đường lối, chính sách. Cán bộ cơ sở thì phải hiểu rõ đường lối, chính sách, có năng lực tổ chức, lãnh đạo quần chúng thực hiện các nghị quyết của cấp trên, v.v... Cán bộ khoa học, kỹ thuật phải đi sâu vào chuyên môn, không ngừng nâng cao trình độ kiến thức về khoa học cơ bản và kỹ năng thực hành”.
Muốn nâng cao trình độ và năng lực công tác, không có con đường nào khác là mỗi chúng ta, toàn bộ đội ngũ chúng ta phải học tập, học tập nữa, học tập mãi. Nghị quyết của Trung ương Đảng đã chỉ rõ: “Học tập, nâng cao trình độ hiểu biết và năng lực để hoàn thành nhiệm vụ là nghĩa vụ công dân, là nhiệm vụ đảng viên, là nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của người cộng sản”. Mỗi cán bộ, đảng viên, dù ở cương vị công tác nào dù chiến đấu ở lĩnh vực nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, đều phải khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực kiên trì học tập với mục đích cụ thể và cao quý là nắm bằng được những kiến thức cần thiết để hoàn thành một cách tốt nhất công tác được giao. Không lúc nào bằng lúc này, thái độ chủ quan, thỏa mãn, sự lười biếng, ngại khó trong học tập cần được phê phán hết sức nghiêm khắc. Ngại khó, lười học tập là tự mình chặn đứng sự tiến bộ của mình, sớm muộn sẽ làm cho mình bất lực trước cuộc sống, thậm chí có thể trở thành lạc hậu, thoái hóa.
Về phương pháp học tập, đồng chí Lê Duẩn đã từng chỉ rõ: “Kết hợp việc học trong sách với học trong cuộc sống, trong công tác, trong kinh nghiệm tập thể, kinh nghiệm của đơn vị mình và kinh nghiệm của đơn vị bạn, kinh nghiệm người lãnh đạo và kinh nghiệm của quần chúng, kinh nghiệm nước ta và kinh nghiệm các nước, kinh nghiệm thành công và cả kinh nghiệm thất bại. Lý luận luôn luôn liên hệ với thực tiễn, thực tiễn luôn luôn được soi sáng bằng lý luận, đầu óc luôn luôn làm việc, suy nghĩ gắn chặt với hành động, đó là phong cách học tập của chúng ta”[4].
Như chúng ta đều biết, việc học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin là cần thiết đối với mọi cán bộ. Dù là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý hay cán bộ khoa học kỹ thuật đều phải học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vì có nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê-nin mới có thế giới quan và nhân sinh quan đúng đắn, mới có những hiểu biết cần thiết về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, mới có phương hướng suy nghĩ và hành động đúng. Trung ương Đảng đã định rõ mục tiêu, yêu cầu của việc học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin cho cán bộ, từ nay đến năm 1980 như sau: đại bộ phận cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý cao cấp và trung cấp phải học xong chương trình lý luận cao cấp; đại bộ phận cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý sơ cấp phải học xong chương trình lý luận trung cấp; tất cả cán bộ cơ sở học xong chương trình sơ cấp và một bộ phận học chương trình trung cấp.
Đi đôi với việc học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mỗi cán bộ tùy cương vị công tác, tùy nhiệm vụ được giao cần nhanh chóng trang bị cho mình những kiến thức về quản lý kinh tế, về chuyên môn, kỹ thuật tương xứng.
*
Có thể nói phẩm chất cách mạng và năng lực là hai thuộc tính và cũng là hai yêu cầu cơ bản của người cán bộ. Đã là cán bộ của Đảng, của Nhà nước thì không thể thiếu, không thể yếu một mặt nào, về phẩm chất cách mạng cũng như về năng lực công tác. Hai mặt đó tác động lẫn nhau, thống nhất với nhau, tạo thành chất lượng của người cán bộ. Vì vậy, mỗi cán bộ, trong quá trình công tác, học tập và rèn luyện, cần kết hợp chặt chẽ việc nâng cao phẩm chất cách mạng với việc nâng cao năng lực công tác. Tất cả sự nỗ lực đó phải được thể hiện một cách cụ thể ở việc làm và ở kết quả công tác của mình./.
[1] Lê-nin: Tuyển tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1960, quyển II, phần II, trang 445.
[2] Lê Duẩn: Mấy vấn đề về cán bộ và về tổ chức trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Tạp chí Học tập, số tháng 3-1973, trang 38.
[3] Lê-nin: Tuyển tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1960, quyển II, phần II, trang 441.
[4] Lê Duẩn: Mấy vấn đề về cán bộ và về tổ chức trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Tạp chí Học tập, số tháng 3-1973, trang 36.