20/09/2024 | 18:57 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Đổi mới sâu sắc để tiếp tục tiến lên

***
(Tạp chí Cộng sản, số 7-1991)
Đổi mới sâu sắc để tiếp tục tiến lên Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - phát biểu tại Đại hội XIII của Đảng, ngày 26-1-2021_Ảnh: TTXVN

Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã đạt kết quả tốt đẹp.

Tiến hành trong hoàn cảnh quốc tế và trong nước có những diễn biến phức tạp, Đại hội VII được chuẩn bị công phu và làm việc nghiêm túc. Với 1176 đại biểu đại diện cho trí tuệ của hơn 2 triệu đảng viên, tiếp thu những ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của các tập thể và cá nhân ở trong đảng và trong nhân dân, Đại hội đã thảo luận dân chủ và quyết định những vấn đề trọng đại có quan hệ đến sự nghiệp toàn đảng và tiền đề phát triển của dân tộc.

Đại hội đã nhất trí cao thông qua các văn kiện: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, Báo cáo chính trị, Báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng, Điều lệ Đảng (sửa đổi); bầu ra cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng. Ban chấp hành trung ương (khóa VII) gồm 146 đồng chí do đồng chí Đỗ Mười làm Tổng bí thư, thật sự tiêu biểu cho phẩm chất và trí tuệ của toàn Đảng, phản ánh sự chuyển tiếp lớn có tính liên tục và kế thừa trong các thế hệ cán bộ lãnh đạo.

Kết quả của Đại hội thể hiện bước trưởng thành mới về chính trị, ý thức trách nhiệm cao, tinh thần đoàn kết thống nhất của Đảng ta. Đó là cơ sở quan trọng, là điều kiện quyết định bảo đảm cho toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục tiến lên trên con đường đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong những điều kiện vô vàn khó khăn nhưng đầy triển vọng.

*

Có thể nói, âm hưởng chủ đạo, tư tưởng xuyên suốt các văn kiện của Đại hội là sự khẳng định chúng ta tiếp tục thực hiện đổi mới, đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam. Nếu Đại hội VI là Đại hội khởi xướng công cuộc đổi mới với những nét phác thảo cơ bản ban đầu, thì Đại hội VII là Đại hội tiếp tục bổ sung, phát triển và hoàn thiện thêm đường lối đổi mới, bước đầu hình thành một hệ thống các quan điểm chỉ đạo công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nước ta. 

Các quan điểm đó là kết quả nghiên cứu và tổng kết thực tiễn nghiêm túc, đánh dấu sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy lý luận, đồng thời thể hiện tính nguyên tắc, bản lĩnh chính trị kiên định của Đảng ta. Chúng ta tiến hành đổi mới trong định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới là vì chủ nghĩa xã hội, đổi mới để xây dựng tốt hơn chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng là chủ nghĩa xã hội được nhận thức lại một cách đúng đắn, sáng tạo, đã loại trừ chủ nghĩa giáo điều, và có hình thức, bước đi hợp quy luật và thực tế của Việt Nam. Đương nhiên, hệ thống các quan điểm đó sẽ còn được bổ sung, phát triển, sửa đổi trong quá trình vận động và phát triển của cách mạng. Thực tế không có một nguyên lý nào ra đời là đúng ngay, hoàn chỉnh ngay. Nhận thức, tiếp cận chân lý luôn luôn là một quá trình.

Toàn Đảng, toàn dân ta quyết tâm đi lên chủ nghĩa xã hội dù biết rằng trước mắt phải vượt qua muôn vàn gian khổ khó khăn, bởi vì chỉ có chủ nghĩa xã hội mới thật sự mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, giải phóng con người khỏi mọi sự bóc lột, áp bức, bất công. Chúng ta không chủ quan ảo tưởng, và cũng không nghĩ đơn giản về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội kiểu xơ cứng, ấu trĩ như trước đây. Nhưng thực tế cũng mách bảo chúng ta không thể mơ hồ, tùy tiện thay đổi con đường và hướng đi mà Đảng ta, nhân dân ta đã tốn bao công lao xương máu mới xác định được. 

Đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn khoa học, có sự suy nghĩ cân nhắc, phản ánh ý chí và tình cảm thiêng liêng của nhân dân ta, và đã được thử thách trong cuộc sống. Chập chờn và dao động về hướng đi lúc này là cực kỳ nguy hiểm. Không phải ngẫu nhiên mà các thế lực thù địch ngày đêm theo dõi mọi động thái ở nước ta, ráo riết làm tất cả những gì họ có thể làm được để ép chúng ta thay đổi hướng đi, thực chất là từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa, hòa nhập vào thế giới tư bản.

Vậy quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta như thế nào?

Đại hội VII của Đảng đã khẳng định những vấn đề rất quan trọng. Trong đó đáng chú ý là:

Về kinh tế: Chúng ta dứt khoát chuyển sang phát triển một nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, trong đó kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và mở rộng các hình thức sở hữu hỗn hợp và đan kết với nhau, hình thành các tổ chức kinh tế đa dạng, tự chủ và liên kết, hợp tác và cạnh tranh.

Xóa bỏ triệt để cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, hình thành cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác; thực hiện giao lưu kinh tế thông suốt trong cả nước, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.

Về xã hội: Phát huy nhân tố con người, bảo đảm và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi thành viên trong xã hội, thực hiện công bằng xã hội, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân, kết hợp lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể và cộng đồng xã hội. Nhà nước tạo môi trường và điều kiện cho mọi người làm việc, ăn, ở, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, chữa bệnh và nâng cao thể chất. Chăm lo đời sống những người có công với nước, những người già cả, neo đơn, tàn tật, mất sức lao động, trẻ mồ côi. Phát triển các sự nghiệp và phúc lợi công cộng.

Về văn hóa: Xây dựng một nền văn hóa mới, gìn giữ được bản sắc, kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại; xây dựng một xã hội dân chủ, nhân đạo, văn minh vì lợi ích chân chính và phẩm giả con người. Bồi dưỡng nâng cao tâm hồn Việt Nam, hình thành con người mới Việt Nam.

Về thể chế chính trị: Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, xây dựng nhà nước của dân, vì dân và do dân, lấy liên minh công nhân - nông dân - trí thức làm nền tảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Dân chủ xã hội chủ nghĩa khác dân chủ tư sản ở chỗ: đó là dân chủ của đại đa số nhân dân, gắn liền với công bằng xã hội, chống áp bức, bất công; dân chủ được thực hiện trong thực tế trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; dân chủ được thể chế hóa bằng pháp luật và được pháp luật bảo đảm.

Về đối ngoại: Thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác và hữu nghị với tất cả các nước, trung thành với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa, với tất cả các lực lượng đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước, chúng ta luôn luôn nâng cao cảnh giác, củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc và các thành quả cách mạng. Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, coi đó là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ, quyện lẫn vào nhau trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng ở tất cả các giai đoạn.

Quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh nước ta vốn là một nước thuộc địa, nửa phong kiến, lực lượng sản xuất rất thấp, lại trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả rất nặng nề; tình hình thế giới biến động phức tạp, các thế lực thù địch đang tìm mọi cách phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và độc lập dân tộc của nhân dân ta, chúng ta càng không thể nóng vội, bất chấp quy luật. Trái lại, phải có bước đi và phương pháp thích hợp.

Trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ, toàn đảng toàn dân ta cố gắng thông qua đổi mới toàn diện để tạo ra sự ổn định vững chắc về các mặt, chuẩn bị điều kiện phát triển nhanh ở các chặng sau. Đất nước giàu tiềm năng với một nhân dân thông minh và anh hùng nhất định không cam chịu nghèo nàn và lạc hậu.

Năm năm trước mắt (1991 - 1995) là thời gian có nhiều thử thách rất to lớn. Đại hội VII của Đảng đã xác định yêu cầu: Chúng ta phải nỗ lực phấn đấu để sớm ổn định và phát triển kinh tế xã hội, ổn định chính trị, đẩy lùi tiêu cực và bất công xã hội, đưa nước ta cơ bản ra khỏi tình trạng khủng hoảng.

Hai năm 1991 - 1992 là hai năm bản lề, đóng vai trò quyết định trong việc chuyển nền kinh tế thích ứng với tình hình mới của thế giới, giữ vững và phát huy những thành tựu đổi mới. Phải tập trung giải quyết có kết quả một số vấn đề cấp bách nhất về kinh tế xã hội, như: bảo đảm đủ vật tư (xăng dầu, phân bón, sắt thép, xi măng, bông...) cho sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi về vốn (tài chính, tiền tệ...), thị trường, giá cả, chống lạm phát; điều hòa và cân đối lương thực, tạo thêm việc làm, giải quyết đời sống cho những đối tượng đang gặp khó khăn; cải cách chế độ tiền lương gắn với việc sắp xếp hợp lý tổ chức và biên chế; khắc phục tình trạng xuống cấp của giáo dục, y tế; đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng và buôn lậu; giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội...

Biện pháp cơ bản để thực hiện các nhiệm vụ nói trên là: tăng cường khối đoàn kết toàn dân, động viên lực lượng của mọi tầng lớp nhân dân nâng cao ý chí tự lực tự cường, phát huy lòng yêu nước và tự hào dân tộc, cần kiệm xây dựng và bảo vệ đất nước. Kết hợp động lực kinh tế với động lực tinh thần, thực hiện hài hòa các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, tạo ra phong trào hành động cách mạng của quần chúng.

Vấn đề có ý nghĩa then chốt là phải chỉnh đốn, đổi mới Đảng, khắc phục có hiệu quả các hiện tượng tiêu cực và các mặt yếu kém, khôi phục và nâng cao uy tín của Đảng trong nhân dân, làm cho Đảng thật sự là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, tập trung làm tốt việc hoàn chỉnh, cụ thể hóa các quan điểm của Đảng, phát triển và quán triệt các Nghị quyết Đại hội VII, lý giải những vấn đề mới mà cuộc sống đặt ra; lãnh đạo làm chuyển biến mạnh mẽ công tác tổ chức, cán bộ, tạo ra sự chuyển biến có ý nghĩa cách mạng về tổ chức và cán bộ ở các cấp; làm trong sạch và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong đảng.

Tiếp tục cải cách bộ máy nhà nước, làm cho bộ máy nhà nước gọn nhẹ, hoạt động có hiệu lực, phù hợp với yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý. Chú trọng quản lý xã hội bằng pháp luật, có sự phân công, phân cấp rành mạch, không lẫn lộn chức năng quản lý nhà nước với chức năng quản lý sản xuất kinh doanh. Kiên quyết sắp xếp lại tổ chức và tinh giản biên chế các cơ quan hành chính, sự nghiệp. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cần được đổi mới về tổ chức và hoạt động để thực sự góp phần thực hiện dân chủ và đổi mới xã hội, chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, tham gia các công việc quản lý nhà nước, giữ vững và tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

*

Với những kết quả đã đạt được, rõ ràng Đại hội VII là Đại hội của trí tuệ và niềm tin, Đại hội tiếp tục sự nghiệp đổi mới, Đại hội dân chủ, kỷ cương, đoàn kết.

Hãy dấy lên trong cả nước một phong trào thi đua rộng lớn phấn đấu thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội VII của Đảng.

Trước mắt chúng ta còn nhiều khó khăn trở ngại, song cũng có những thuận lợi mới. Được cổ vũ bởi những kết quả của Đại hội VII, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta càng phấn khởi, tin tưởng, thấy rõ trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xóa bỏ nghèo nàn lạc hậu, làm cho dân giàu nước mạnh, từng bước vươn lên sánh vai với các dân tộc văn minh trên thế giới. Tương lai của nước nhà đang trông chờ và đòi hỏi sự nỗ lực to lớn của các thế hệ hôm nay.

Những người cộng sản Việt Nam cùng với toàn thể nhân dân yêu quý của mình, đồng tâm nhất trí, đoàn kết một lòng, nhất định sẽ thực hiện được phương hướng và nhiệm vụ đã đề ra, đưa đất nước vượt qua mọi thử thách, đi dần vào thế ổn định và phát triển ngày càng vững chắc./.