25/04/2025 | 10:30 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Văn hóa sinh thái biển, đảo khu vực Đông Bắc Bộ trong bối cảnh hiện nay

Từ Thị Loan
GS, TS Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam; Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia
Khu vực Đông Bắc Bộ hiện nay đã và đang tồn tại một “tiểu vùng văn hóa biển, đảo” với những đặc trưng và biểu hiện văn hóa riêng. Trải qua quá trình lịch sử dài lâu sống trong môi trường biển, cộng đồng cư dân nơi đây tích lũy được một kho tàng tri thức phong phú về văn hóa sinh thái liên quan đến biển, đảo, đến nay vẫn vô cùng giá trị, cần được tiếp tục phát huy vai trò trong bối cảnh đương đại.


Hội đua thuyền truyền thống tại Lễ hội đình Trà Cổ, tỉnh Quảng Ninh năm 2022_Ảnh: TL

Đoán định thiên nhiên, xác định phương hướng

Là một trong những thành tố chính cấu thành nên văn hóa biển, đảo, văn hóa sinh thái biển, đảo trước hết là những tri thức về dự báo thời tiết, đoán định thiên nhiên. Để tồn tại trong môi trường đầy bất trắc, hiểm nguy, ngư dân phải thường xuyên “trông trời, trông đất, trông mây” để có cách ứng xử phù hợp. Qua quan sát Mặt trời, Mặt trăng, sao, mây, mưa, gió, sấm, chớp, con sóng, mặt nước..., họ có thể đoán định thời tiết và xác định phương hướng. Chẳng hạn, dựa theo Mặt trời, nhìn vào “mống” (cầu vồng), ráng, tua, “then cài”, có thể biết là biển sắp động. Dựa theo mây, biết sắp có bão hay mưa to. Dựa theo gió, biết sự biến chuyển của gió nồm và gió bấc, được đúc rút trong các câu tục ngữ như “sáng bấc vội, tối bấc dai”, “nồm to thì bấc lớn”... Dựa theo chớp, biết mức độ và chiều hướng của cơn mưa. Dựa vào nước biển và con sóng, biết biển sắp nổi sóng, sắp có mưa dông, có bão, hay biển sắp động. Nhìn trăng, sao, ngư dân cũng đoán được thời tiết “quầng đen thì nắng, quầng trắng thì mưa”, “sáng nguyệt, tối đất”...

Gắn bó với biển đảo, ngư dân biết nương nhờ, thích ứng với tự nhiên để sinh tồn. Theo đó, ngư dân đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý, tích luỹ các tri thức giúp xác định phương hướng. Chẳng hạn, “sóng đổ về đâu, bờ ở đó”; hay dựa vào chầu nước - nước dặc hay nước lên, chảy vào hay chảy ra; nhìn hướng gió - gió bấc là gió từ bờ thổi ra, gió nam/nồm là gió từ biển thổi vào; nhìn trăng sao, núi - “đi ra trông sao, đi vào trông núi”, hoặc “tháng 7 trông ra, tháng 3 trông vào”... Đó là những kinh nghiệm cực kỳ quá giá mà người ngư dân tích lũy được qua bao đời lăn lộn với biển, được trả giá bằng mồ hôi, xương máu, thậm chí là cả tính mạng mới có được.

Hỗ trợ khai thác, khắc phục sự cố

Quan trọng nhất là những tri thức phục vụ khai thác biển. Đó là những hiểu biết về quy luật, đặc tính của biển, cách nhận biết luồng cá, đặc điểm của ngư trường, tập tính từng loại cá, mùa vụ đánh bắt sao cho hiệu quả. Kinh nghiệm của ngư dân khu vực Đông Bắc Bộ cho biết, tháng 5 - 10 là mùa cá mòi; tháng 8 - 9 là mùa cá song, ngừ, mối; đánh cá tầng đáy là tháng 8 - 12; tháng 10 - 3 năm sau là mùa mực... Mùa rét cá hay đi sát đáy, trời đang mưa mà hửng nắng cá hay vào sát các cồn nước cạn. Mực nước kém, cá ăn nổi, mực nước thường, cá ăn chìm. Đánh mực nên đánh vào buổi chiều và ban đêm...

Để nhận biết luồng cá, ngư dân có kinh nghiệm quan sát mặt nước biển. Nếu có đám nước màu đỏ thẫm, hoặc xanh thẳm trôi theo dòng nước, chuyển động ngang hay dọc, đó chính là đám cá. Trên một vùng biển xanh nổi lên một đám nước đục, có thể chính là tăm cá. Cá tầng mặt hay cá “đi nổi” gồm cá mai, cá đối, cá nẹp, cá rích, cá sơn...; cá “đi chìm” là cá chim, cá sọc, cá nhụ, cá đé... Riêng cá nhụ đi chìm nhưng phải đánh lưới nổi. Vào bờ đẻ là cá thu, chim, nhụ, đối, tôm; còn các loại nhệch, cua, ghẹ là loại đẻ ở “khơi”...

Nhiều ngư dân dày dạn kinh nghiệm còn có tri thức riêng trong việc nhìn “mầy” đoán cá. Cá nhâm, cá viền, cá trích nếu đi với nhau sẽ tạo thành những đám mầy đen đỏ, còn cá nhâm khi đi theo đàn riêng sẽ tạo thành những đám mầy xanh. Cá thuồn lưng hơi tia tía, cá đối thường dựng mầy xanh, cá cộ thì lăn tăn như hạt mưa, cá mai thường nhẩy lách tách, cá sơn đi rào rào, cá sũ, cá phèn thì lên màu hồng. Mặt nước đang xanh trong mà thấy những đám màu đen là cá nục hoặc cá nhụ. Cá cơm đi nổi vừa đi vừa hớp nước, vừa nhào lên rộn cả mặt nước.

Đến nay, một số ngư dân thạo nghề vẫn có thể dùng tai để tìm/nghe đàn cá. Chỉ cần lặn sâu chừng nửa mét so với mặt nước biển là họ nghe được tiếng cá. Nếu lặn sâu quá sẽ không nghe được “hơi gió” hay “âm gió” cá phát ra khi bơi. Mỗi loại cá có một tiếng kêu riêng: cá sóc vàng kêu cụp cụp; cá ngao vàng kêu lục đục, lục đục; cá đù kêu “như tiếng mưa rơi trên mặt nước”; cá úc đi từng bầy nghe ú ú, khi mắc lưới thì kêu “út út”; cá bẹ khi dính lưới nghe như “roi cá đuối quất gió”; cá sủ đi đến đâu biết ngay đến đó vì thường đi theo đàn, với tiếng kêu “ù ộp”, “ù ộp” khá to.

Nhiều kinh nghiệm trong thả lưới cũng được ngư dân đúc kết như nên thả lưới lúc nước êm, không thả lúc nước cường hay thời tiết thay đổi, chuyển gió, lúc rạng đông. Khi thả lưới trên biển, phải chú ý tung lưới xuống thật đều, tung nhanh tay, không để lưới díu vào nhau; phải quan sát chiều nước chảy để thả lưới xuôi theo chiều nước, lợi dụng sức nước để nước tự rê lưới đi... Khi ốm đau giữa biển, họ còn biết cách khắc phục, xử lý bằng “thuốc” làm từ chính các loài hải sản, như nướng một loại ruột cá, hay ruột mực để ăn thì sẽ khỏi đau bụng. Qua đó, chia sẻ, cứu giúp nhau khi gặp sự cố ngoài khơi.

Tiếp tục giữ gìn, củng cố, phát huy

Việc hiểu được môi trường sống, mùa sinh sản, địa điểm trú ngụ, đặc tính của từng loại cá giúp ngư dân có được phương thức đánh bắt phù hợp nhất, cho năng suất và sản lượng cao. Mặt khác, trong quá trình sống gắn bó với biển, đảo, ngư dân khu vực Đông Bắc Bộ còn hình thành nên các sáng tạo văn hóa của riêng mình, đồng thời tích luỹ và lưu giữ những tri thức độc đáo ấy. Ngày nay, mặc dù khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, các trang thiết bị liên lạc, định vị, khả năng dự báo thời tiết ngày càng tốt hơn, nhưng những kinh nghiệm tích lũy bao đời của cha ông vẫn là cẩm nang quan trọng giúp ngư dân vững vàng đối mặt với những bất thường của thiên nhiên. Nhiều kinh nghiệm đi biển vẫn tiếp tục giúp ích cho người dân trong hoạt động sản xuất như các kiến thức về mùa vụ, tập tính di cư, sinh sản của các loài tôm. Các tri thức về tính con nước, xác định bờ, nhìn nước, nghe và ngửi mùi cá, đoán định thời tiết, nắm bắt sự biến động của thủy triều,... vẫn được tiếp tục duy trì. Do vậy, rất cần tiếp tục giữ gìn, củng cố, phát huy các giá trị của văn hóa sinh thái trong đời sống đương đại.

Tuy nhiên, mặc dù sở hữu nhiều tri thức quý báu về tận dụng và ứng phó với môi trường tự nhiên, nhiều ngư dân địa phương lại thiếu ý thức tôn trọng bảo vệ thiên nhiên. Phần lớn ngư dân còn đặt mục tiêu khai thác tối đa tự nhiên lên hàng đầu, đánh bắt tận diệt các loài tôm cá, dùng lưới mắt nhỏ đánh bắt theo kiểu “lọc nước”, khai thác vào mùa sinh sản; dùng kích điện để đánh cá; tàn phá các rạn san hô; khai thác cạn kiệt các nguồn lợi từ biển... Đó là sự phát triển hoàn toàn không bền vững, ảnh hưởng đến các thế hệ mai sau.

Hiện nay, cùng với Thủ đô Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng được xác định là tam giác phát triển kinh tế đầu tàu của khu vực phía Bắc, nhất là trong kinh tế biển gắn với khai thác du lịch tại di sản thế giới Vịnh Hạ Long, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà, phát triển kinh tế hàng hải, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển và các ngành kinh tế mới... Vì vậy, rất cần sự nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn không chỉ của người dân, mà của cả các cấp chính quyền về giá trị văn hóa biển, đảo của khu vực, nhằm tìm kiếm các giải pháp phù hợp và đồng bộ góp phần bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn vốn văn hóa to lớn này phục vụ cho phát triển bền vững./.

25 July 2023
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)