28/04/2025 | 21:39 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Văn hóa - nguồn lực nội sinh quan trọng trong hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước

Vũ Thị Phương Hậu
PGS,TS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Thực tiễn phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới đã khẳng định vị thế quan trọng của văn hóa trong chiến lược phát triển quốc gia. Không chỉ giới hạn tầm vóc của mình trong chiều sâu những phẩm giá tinh thần, văn hóa còn là nguồn lực nội sinh, động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Đất nước sẽ không thể phát triển nhanh và bền vững, không thể hiện thực hóa được khát vọng hùng cường nếu không phát huy được chính nội lực của quốc gia. Mà nội lực quan trọng nhất của mỗi một quốc gia chính là con người, là văn hóa của quốc gia đó.

Thiếu nữ đồng bào dân tộc Thái trong trang phục truyền thống_Ảnh: baodantoc.vn

Trong thời kỳ đổi mới, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò của văn hóa trong phát triển đã được làm sáng tỏ, trở thành những định hướng chính trị quan trọng để xây dựng, phát triển văn hóa dân tộc nói riêng, phát triển nhanh và bền vững đất nước nói chung. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên nêu yêu cầu phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, đồng thời xác định giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam là nguồn lực nội sinh quan trọng góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp quốc gia: “phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”(1). Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được xác định vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là khâu đột phá có ý nghĩa chiến lược để đẩy mạnh quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời gian tới.

Trực tiếp tham gia vào quá trình ổn định, phát triển đất nước

35 năm đổi mới đất nước cho thấy, không chỉ là những giá trị tinh thần cổ vũ cho các kế hoạch phát triển, văn hóa đã hiện diện và thẩm thấu vào các hoạt động của đời sống xã hội, trực tiếp tham gia vào quá trình ổn định, phát triển của các lĩnh vực, từ kinh tế đến chính trị, xã hội.

Đối với văn hóa trong chính trị, đó là việc xác lập, thực hành các giá trị văn hóa (chân, thiện, mỹ) trong bộ máy tổ chức và hoạt động chính trị, đặc biệt là trong hoạt động lãnh đạo, quản lý. Thể hiện trước hết ở cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng cầm quyền, văn hóa trong chính trị còn biểu hiện tập trung ở việc xây dựng tư tưởng đạo đức, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh trong các tổ chức Đảng, Nhà nước, trong các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Hơn nữa, xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm các nghị quyết, quy định, quy chế, chỉ thị của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; về phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Trong thời gian qua, Trung ương đã ban hành nhiều văn bản góp phần cụ thể hóa chủ trương xây dựng văn hóa trong chính trị. Chính phủ chủ động hơn trong xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động phục vụ nhân dân. Việc xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ, quy chế văn hóa công sở, cải cách thủ tục hành chính, đề án văn hóa công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước,... chính là những khía cạnh cụ thể của văn hóa trong chính trị. Bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên. Chuẩn mực văn hóa chính trị từng bước được hình thành.

Đối với văn hóa trong kinh tế, đó là quá trình xây dựng, thực hành các giá trị văn hóa trong tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh tế nhằm nâng cao tính sáng tạo, tính nhân văn trong kinh tế, khắc phục những mặt trái do kinh tế thị trường tạo ra. Văn hóa trong kinh tế được biểu hiện ở tư duy chiến lược về phát triển kinh tế quốc gia, về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo; thể hiện trong đường lối phát triển kinh tế, trong văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân và sự tham gia của người dân vào hoạt động kinh tế(2). Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định lấy ngày 10-11 hằng năm là Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, ngày 13-10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam và phát động Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Hội Văn hóa doanh nghiệp ra đời và được thành lập ở 63 tỉnh, thành phố. Nhận thức về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân từng bước định hình ở một số đơn vị kinh tế và phát huy tác dụng. Nhiều doanh nghiệp trong xây dựng chiến lược phát triển đã đưa ra triết lý kinh doanh, giá trị văn hóa cốt lõi, quy tắc văn hóa ứng xử, quy chế văn hóa doanh nghiệp, bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển bền vững, quan tâm hơn đến quyền lợi vật chất và tinh thần của người lao động. Nhiều hoạt động tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu có đức, có tài đóng góp phát triển kinh tế - xã hội đất nước, địa phương được tổ chức. Điều này đã khích lệ, cổ vũ các doanh nghiệp, doanh nhân tích cực sản xuất, kinh doanh, chấp hành tốt chính sách pháp luật, tham gia các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng.

Lễ hội Tịch điền ở làng Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam - nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng giàu tính nhân văn, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong việc khai phá, mở mang ruộng đồng_Ảnh: dantri.com.vn

Khơi dậy ý chí, sức mạnh của con người Việt Nam

Văn hóa với tư cách là hệ giá trị đã thẩm thấu vào các hoạt động xã hội, gia tăng sự cố kết cộng đồng, khơi dậy ý chí, sức mạnh của con người Việt Nam. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khơi dậy được nhiều giá trị nhân văn trong cộng đồng, có ảnh hưởng lan tỏa rộng khắp đến đời sống văn hóa của cả nước, được mọi tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc tham gia vào phong trào xã hội rộng lớn này góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng tỷ lệ hộ khá, giàu theo tiêu chí mới. Tổng kết 20 năm thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cho thấy, đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang có chuyển biến tích cực, nhiều tấm gương người tốt, việc tốt được tôn vinh và nhân rộng...

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều tấm gương người tốt việc tốt, nhiều giá trị văn hóa đạo đức mới gắn kết cộng đồng. Đội ngũ y bác sĩ, các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang cùng đông đảo cán bộ, nhân dân không quản hiểm nguy xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Chủ nghĩa anh hùng được thắp sáng ở những con người bình dị. Hơn bao giờ hết, trong hoàn cảnh khó khăn, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, bao dung, “lá lành đùm lá rách” được khơi dậy, biến thành sức mạnh vật chất to lớn. Ngay khi Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ cho quỹ vaccine, quỹ phòng, chống COVID-19, đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài lập tức hưởng ứng nhiệt thành, không tiếc công sức, tiền của chung tay khắc phục khủng hoảng do dịch bệnh gây ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, việc phát huy sức mạnh mềm của văn hóa đối với sự phát triển đất nước còn bộc lộ nhiều hạn chế. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thẳng thắn chỉ rõ: “văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần”(3). Do đó, việc phát huy vai trò của văn hóa đối với sự phát triển chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Sự đóng góp của văn hóa đối với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội cũng chỉ giới hạn trong những phạm vi nhất định. Những giá trị văn hóa chưa thực sự thẩm thấu và điều tiết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tính chất vượt trước, “soi đường” của văn hóa cho phát triển chưa rõ nét.

Đứng trước yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, giai đoạn chứa đựng nhiều dấu mốc lịch sử trọng đại, giai đoạn cả nước tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với nhiều quan điểm, chủ trương lớn, mang tính đột phá để đưa đất nước ngày càng phát triển, trong bối cảnh quốc tế vừa có những thời cơ, vừa có những thách thức, vấn đề phát triển văn hóa cần phải được chú trọng cả về tầm nhìn, về ưu tiên đầu tư các nguồn lực để xứng đáng với vai trò, vị trí và tầm quan trọng của lĩnh vực này. Có như vậy mới khơi dậy được sức mạnh của văn hóa, đóng góp vào sức mạnh tổng hợp quốc gia để phát triển đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc./.

5 August 2023
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)