26/04/2025 | 07:52 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Văn du ký về Đền Hùng Vương nửa đầu thế kỷ XX

La Nguyễn Hữu Sơn
(Tiếp theo và hết)
Văn du ký về Đền Hùng Vương nửa đầu thế kỷ XX Lễ hội Đền Hùng xưa_Ảnh: TL

Trên đường đi, Lê Thọ Xuân mô tả chi tiết cảnh quan vùng đất cổ kể từ khi vượt cầu Pont Doumer (Long Biên), qua Cổ Loa, Phủ Lỗ, Vệ Linh (Sóc Sơn), tới Vĩnh Yên, Bạch Hạc và hào hứng khơi gợi những cảm xúc mới lạ: “Các bạn sao chưa cất nón đi? Các bạn có biết đây là đâu không? Đây là chốn cũ Phong Châu, chỗ đóng đô của các vua Hùng. Nhiều sách chép, kinh đô vua Hùng ở ngay chỗ trại lính Việt Trì đó.

Các bạn chắc đã nhớ câu “Hùng Vương đô ở Châu Phong” và câu “Bà Trưng quê ở Châu Phong”, rồi chớ? Các bạn không cất nón là có lỗi với tiền nhân mà tôi cũng có lỗi là không nhắc các bạn. Hùng Vương đô ở Châu Phong, ấy nơi Bạch Hạc họp dòng Thao giang, chính là đây rồi (...).

Hẳn cũng như tôi và anh em cùng đi với tôi lần đầu, vừa thấy núi đó là các bạn đã chỉ, đã bảo, đã mừng, đã reo, như đi xa lâu năm trở về, vừa thấy khóm tre xanh xóm mình là trong dạ xôn xao, khoan khoái, thơ thới, phớn phở, muốn ca hát, muốn nhảy múa, muốn...

Các bạn ơi, ta cảm thấy sung sướng không thể tả ra được! Mà tả làm sao được?... Phải rồi, sổ sang bên tả. Chẳng ai bảo ai mà các bạn đã móc khăn ra chùi mặt, lau cổ lau tay cho sạch sẽ, vuốt tóc cho thẳng tưng; nét mặt ai cũng vui tươi và có vẻ hăng hái lạ! Ừ, các bạn hăng hái về sự trèo núi hẳn, thì xuống xe để cùng nhau ăn uống rồi sẽ đăng sơn.

Nhớ xách theo vài chai nước uống. Lấy cái ca (quart) nữa chớ... Hừ, tiến lên? Trên đồi bên tả đó có nhà Hội đồng để người ta nhòm mà bàn việc về lăng miếu, cửa đóng kín mít và không có ai ở. Quanh qua tay mặt, cửa Tam quan đẹp quá, có bốn chữ to “Cao Sơn Cảnh Hàng” (tỏ ý ngưỡng mộ vua Hùng). Không được quên là cửa Tam quan của một bà từ thiện ở Hà Nội đã cúng 200 đồng mà dựng lên để tỏ lòng kính nhớ tổ tiên.

Đường đi, khúc nào gồ ghề khấp khểnh đã có làm sẵn từng cấp. Hết đoạn có xây bậc đá thì đến khúc lài lài dễ đi. Rồi hết khúc lài lài lại đến bậc đá... Cứ thế mà tiến lên mãi. Bước nôn quá bạn nghe cũng mỏi chớ. Chà, chỗ nầy thật mát, bạn ngồi nghỉ chơn, để tôi lên trước coi gần tới chưa... A, tới rồi, lên, lên mau. Đó, thấy chưa? Quanh qua quanh lại, rồi quanh lại nữa là tới”[1]...

Bao nhiêu nhọc mệt tan biến sau những bước chân mở về phía trước đón nhận những cảnh đẹp, những dấu tích xa xưa và hòa hợp cùng đất trời: “Cố lên. Đường êm ả dễ đi quá, các bạn nhỉ?

Tới rồi, đây là nhà bia, ngồi nghỉ, gió mát quá, khỏe quá. Bia có cả chữ quốc ngữ, bạn đọc đi. Đọc rồi à? Coi kia, bạn đã lấy làm lạ, sao đền thờ lại u trệ tệ! Ừ, hai ngôi chùa cổ đấy; phía trước có hai cái tháp ba tầng, trước nữa, ngang nhà bia này, bạn có thấy gác chuông cũ kỹ đó không? Bên gác lại có tường gạch nữa chứ; ngồi nhìn trước xem sau, bạn mến gì hơn cả?

Chắc bạn cũng như tôi là mến cội thông già đương đứng giữa trời mà reo đó, tôi trèo lên chỏm đá cheo leo, bạn vịn giùm đặng tôi chụp hình cây thông (...). Các bạn sao còn núc ních ở đó? Mau lên! Cha, đẹp quá. Thật là thủy tú sơn kỳ! Ngồi đây mà ngắm cảnh, mới biết thợ trời riêng để thưởng ta. Uống nước đi, rồi ta lại lên nữa! Mau lên, các bạn.

Ối chà. Ngã Ba Hạc mênh mông bát ngát nó đẹp làm sao, lại thêm tả thanh long Tam Đảo trùng trùng, hữu bạch hổ Tản Viên vọi vọi. Dẫu ông thầy địa lý nào cũng phải nhận như bọn mình là “Phong thủy trời Nam, đây đẹp nhứt”...

Khác với những cuộc du ngoạn thông thường, chuyến đi này lại là hành hương về đất tổ khiến lòng người man mác mà nhớ đến chuyện xa chuyện gần, nhớ đến áng thơ tô điểm cho miền đất thiêng: “Đi núi có gì bằng kiếm chuyện mà nói cho quên mệt, phải không các bạn? Này ngước lên xem: kìa lăng, nọ miếu rõ ràng, thấy chưa? Sướng, coi ai cũng có vẻ thỏa thích cả. Nhưng còn hơi xa xa đấy, các bạn ạ, từ chân núi lên đến đền Thượng, trừ những khúc lòi ra, chúng ta phải “lên gối” ngót bốn trăm lần, nghĩa là phải bước ngót 400 bậc, còn hơi xa, vậy các bạn cùng tôi vừa đi vừa đọ bài này của ông cử Vũ Khắc Tiệp trong Nét mực giang hồ xuất bản năm 1923. Ta đọc cho vui, đọc cho nhớ, đọc cho vang trời, đọc cho dậy núi!

Lên Đền Hùng:

Từng từng dạo bước lên non,

Nhìn xem miếu mạo nghiêm tôn khác thường.

Rằng đây là miếu Hùng Vương?

Ấy là thủy tổ Nam phương nước nhà?

Kể từ gây dựng quan hà,

Đó là Bạch Hạc nước là Văn Lang.

Nối truyền một mối Hồng Bàng,

Sử xanh ghi chép rõ ràng còn đây.

Bốn ngàn năm lẻ tới nay,

Con con cháu cháu mỗi ngày thêm đông.

Đều là khí huyết Lạc Hồng,

Khắp Trung, Nam, Bắc, cùng chung máu đào!...

Đọc lại câu chót một lần nữa:

Khắp Trung, Nam, Bắc cùng chung máu đào!”...

Từ đây, Lê Thọ Xuân trực diện ghi chép lại chi tiết cảnh đền cùng những câu đối chữ Hán và Nôm: “Đây là đền Thượng rồi. Đền nguy nga tráng lệ, xung quanh có cây cao bóng mát làm tăng phần sum nghiêm bốn chữ Hán mà các bạn thấy ở mặt tiền đền là “Nam Việt Triệu Tổ”. 

Ai là Tịch Đàm (người nước Tấn quên lịch sử tổ tiên nên bị chê) hãy coi chừng hai ông tướng giữ thanh long đao đứng hai bên đó. Mà trong chúng ta, đâu lại có kẻ như anh chàng vong tổ ấy...

Bước lên tam cấp sạch sẽ mà sao gian giữa có tấm hoành lớn đề “Hùng Vương miếu”. Ông từ không có ở đây. Cửa đóng kỹ. Nhưng nhờ cửa “thượng song hạ bản”, ta dòm vào thấy rõ cả. Cũng được, chúng ta đứng xếp hàng trước bàn giữa, khấu đầu mà tỏ lòng thành kính... 

Sách chép: Bài vị trên bàn giữa có đề “Khai quốc hồng đồ đột ngột cao sơn. Cổ Việt Hùng thị thập bát thế Thánh vương”, còn cách thờ các bạn thấy cũng như các đình đền khác. Câu đối nhiều quá, tôi đọc bạn nghe câu chữ Hán này: “Tứ thiên niên Hồng Lạc, sơn hà tương truyền tổ quốc; Nhị thập triệu Long Tiên miên duệ cộng ngưỡng thần linh”.

Còn đây là câu chữ Nôm: “Vật đổi sao dời, phúc tổ vẫn lưu nền cổ tích; Nước nguồn cây cội, đạo người nên nhớ mộ Hùng Vương”... 

Bạn ơi, lần trước, tôi người Bến Tre, đến đây với anh Nguyễn Xuân Sâm người Hải Phòng và anh Ngô Lê Tố người Quy Nhơn, chúng tôi đồng đọc lớn câu đối này: “Con cháu ba kỳ thăm mộ tổ; Non sông muôn thuở rạng nòi tiên”... Bạn mãn ưa nhìn mấy câu sơn son thếp vàng đẹp đẽ, không chịu để ý đến đôi đối gỗ cũ này, các bạn coi bút pháp mới thần tình làm sao, mà văn cũng đặc biệt nữa:

- Vấn lai dĩ sự tu vi nữ

- Tế nhận như đồ dục mệnh thi

Đôi nầy, nhà khảo cổ đã cho là của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm viết, cách nay trên trăm rưỡi năm. Bên tả đây có hồ đựng nước mưa, nhưng các bạn đừng uống, hồ không nắp đậy, không được sạch, luôn dịp nhắc tới các bạn là ngày giỗ tổ nhằm ngày mười một tháng ba ta. 

Xem xong rồi đấy chớ? Kìa, bên hữu đền Thượng có cửa ra lăng đó, ta đưa nhau ra yết lăng, trên mặt tiền có ba chữ “Hùng Vương lăng” to nhỉ, xung quanh có rào thấp bằng gạch”...

Cho đến đoạn kết, Lê Thọ Xuân thêm một lần nhấn mạnh những dấu ấn lịch sử và niềm ngưỡng mộ in đậm sắc màu tâm linh: “Dưới mái ngói cong vòng, có ngôi mộ đẹp, mộ bia bằng đá đề: “Sắc kiến Hùng Vương lăng, Tự Đức nhị thập thất niên”, còn trên vách có bản sơn son đề hai chữ vàng “Biểu chánh”. 

Bạn đã bằng lòng lắm rồi đấy chớ! Thôi thì xuống, mình coi theo đường mòn trên phía Việt Trì mà xuống. Vững vàng nhé? Đường bên đây nhỏ và không có bậc đá như đường hồi nãy, nó khúc khuỷu quanh co, kìm chân đừng cho trợt. Bận lên thì lâu, chớ bận xuống chạy đùa khỏe lắm, mau lắm, gần tới chân núi rồi.

Ngừng lại đã, đây là đền Hạ, tục gọi là đền Giếng. Trước đền có ao sen nhỏ. Cái ống khóa, khóa cửa to quá, đền thờ hai bà chúa con của vua Hùng Vương thứ 18: Tiên Dung công chúa, vợ của Chử Đồng Tử và Ngọc Hoa công chúa, vợ của thần Tản Viên mà ta quen gọi là Sơn Tinh (trong truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh). 

Trong đền không có gì lạ, chỉ có trước bàn thờ mạch nước chảy ra thành giếng, nước trong và mát. Người đến lễ, xin nước để uống trừ bịnh, chúng ta ai cũng mạnh mẽ sởn sơ, có bịnh hoạn gì mà phải vào xin nước thánh? Tới chỗ xe đậu rồi. Các bạn một lần nữa, các bạn hãy cùng tôi quay mặt về Hùng Sơn, cúi đầu chào quốc tổ”...

                                                                            ***

Lại đã đến ngày Giỗ tổ Hùng Vương. So với chuyến về nguồn của thế hệ cha ông 100 năm về trước, đường lên Đền Hùng đã rộng mở, thuận lợi lắm rồi. Chỉ có cảnh sắc miền trung du ngày xuân, vẻ kỳ vĩ, thâm nghiêm của khu đền vẫn mãi là nguồn sáng tâm linh cho người dân đất Việt bốn phương tìm về chiêm bái./.


[1] Lê Thọ Xuân: Đi viếng đền Hùng, Đại Việt tập chí, số 90, ra ngày 8-4-1943. Đoạn dẫn sau đều theo tài liệu này.



10 May 2024
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)