02/01/2025 | 20:24 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tỉnh Quảng Ninh: Vốn hóa tài nguyên văn hóa trở thành động lực phát triển

Mai Linh
Tỉnh Quảng Ninh: Vốn hóa tài nguyên văn hóa trở thành động lực phát triển Một góc Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới_Ảnh: M.L
Xác định di sản văn hóa là nguồn tài nguyên phục vụ phát triển bền vững, động lực phát triển kinh tế của tỉnh; những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Trong đó, dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

Di sản văn hóa là động lực phát triển

Là địa phương giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, một trong những tỉnh có kho di sản văn hoá lâu đời, phong phú và đa dạng với 630 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, có Vịnh Hạ Long - 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, 3 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới... Với hơn 600 di sản vật thể, 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương sở hữu nhiều di sản nhất cả nước.

Không chỉ có số lượng di sản lớn mà hơn hết, tỉnh là một trong những địa phương có nhiều di sản lớn (quần thể di tích) chứa đựng nhiều giá trị vật chất và tinh thần tiêu biểu, phản ánh lịch sử, văn hóa của dân tộc, như Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, Quần thể di tích danh thắng Yên Tử, Khu di tích Bạch Đằng, Di tích Cửa Ông - Cặp Tiên, Di tích thương cảng Vân Đồn…, loại hình di tích phong phú, bao gồm: di tích danh thắng, di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, di tích cách mạng…

Ngoài ra, tỉnh còn có hệ thống trên 70 lễ hội, nghi lễ truyền thống diễn ra thường niên gắn với các di tích, khu di tích, tạo nên đời sống tinh thần hết sức phong phú, đa dạng và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các địa phương, giải quyết hài hòa yêu cầu bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Có thể nói, tỉnh Quảng Ninh sở hữu kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Giá trị di sản là sự kết tinh các giá trị tinh thần và vật chất trong suốt chiều dài lịch sử, là nguồn tài nguyên quan trọng và bền vững của tỉnh.

Di sản văn hóa là nguồn tài nguyên quan trọng mang tính nền tảng để xây dựng và phát triển con người Quảng Ninh có bản sắc và bản lĩnh, đủ sức xây dựng, phát triển và hội nhập với thế giới.

Do vậy, giá trị di sản trước hết là nguồn lực để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tạo lập giá trị tinh thần, xây dựng và phát triển con người, từ đó tạo dựng giá trị vật chất và những giá trị xung quanh nó. Di sản văn hóa cũng là nguồn tài nguyên, động lực quan trọng cho phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh Quảng Ninh.

Di tích, danh thắng và các giá trị tinh thần của văn hóa, con người Quảng Ninh tạo nên sức hút đối với khách du lịch tìm hiểu và khám phá. Bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di sản là động lực để tỉnh Quảng Ninh đạt được mục tiêu “phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh”.

Cảnh quan thiên nhiên, di sản và danh thắng là nhân tố quan trọng hàng đầu thu hút khách du lịch của tỉnh Quảng Ninh, là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế du lịch, dịch vụ phát triển.

Theo thống kê, hiện có khoảng 120 di tích, di sản nằm trong các tour, tuyến du lịch cố định của tỉnh, trong đó có những di tích được các đơn vị lữ hành lựa chọn để thiết kế nhiều sản phẩm riêng, trọn gói để đưa vào khai thác.

Nguồn thu từ ngành du lịch và dịch vụ thương mại nói chung, từ các di sản nói riêng đã đóng góp đáng kể vào tổng GDP của tỉnh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh”, phát triển du lịch - dịch vụ và thương mại trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tiêu biểu là đóng góp của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long với số lượng khách tham quan du lịch ngày càng tăng. Nếu như cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, khách du lịch chủ yếu là công nhân viên nghỉ dưỡng và các chuyên gia nước ngoài, số lượng không đáng kể, thì giai đoạn 2010 - 2024, Vịnh Hạ Long đã đón hơn 40 triệu lượt khách, trong đó khách Việt Nam đạt gần 17,1 triệu lượt, khách nước ngoài đạt trên 23 triệu lượt; phí tham quan vịnh thu đạt hơn 8.000 tỷ đồng.

Năm 2023, Quảng Ninh đã thu hút khách du lịch ước đạt 15,5 triệu lượt, trong đó có 2 triệu lượt du khách quốc tế, doanh thu du lịch ước đạt 33.480 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2024, ước đạt 15.639.000 lượt khách du lịch, bằng 120% cùng kỳ 2023, đạt 104% kế hoạch.

Khách lưu trú 9 tháng năm 2024 ước đạt 5.929.152 lượt (bằng 139% cùng kỳ 2023). Khách lưu trú quốc tế 9 tháng ước đạt 1.341.545 lượt (bằng 185% cùng kỳ 2023). Tổng thu 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 36.856 tỷ đồng. Sự phát triển của du lịch góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững, phát huy ngày càng tốt hơn các tiềm năng thế mạnh của tỉnh.Bảo tồn để phát triển

Để khai thách bền vững nguồn tài nguyên văn hóa, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh ban hành và triển khai các đề án liên quan đến bảo tồn, gìn giữ di sản văn hoá như: Đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020 – 2030”, Đề án “Quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, Đề án “Quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”...

Nghiên cứu xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên bố trí nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội các xã vùng cao huyện Ba Chẽ, khu vực Đồng Sơn, Kỳ Thượng (thành phố Hạ Long), bảo đảm tính kết nối liên thông theo hướng khai thác, phát huy tối đa giá trị bản sắc văn hóa của các xã vùng cao vào phát triển du lịch nhằm chuyển đổi cơ cấu lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững cho các địa phương lân cận.

Công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào các dân tộc thiểu số từ văn học, văn nghệ, trò chơi dân gian, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống,... được tỉnh quan tâm.

Nhiều lễ hội văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng đang ngày càng được tổ chức hướng đến là một sản phẩm du lịch như các ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ ở các huyện Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ.

Mấy năm gần đây, các lễ hội văn hóa của dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực (huyện Tiên Yên), ngày hội văn hóa dân tộc Dao, Tày ở huyện Bình Liêu, ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc được duy trì tổ chức, chú trọng nhiều đến khai thác du lịch...

Trong giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Quảng Ninh thí điểm xây dựng 4 làng dân tộc thiểu số tại 3 địa phương: Bình Liêu, Vân Đồn và Móng Cái, gồm: làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái; làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu; làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn; làng người Sán Chỉ (Sán Chay) thôn Lục Ngù, xã Húc Động, huyện Bình Liêu nhằm xây dựng mô hình tổ chức cộng đồng dân cư thôn/làng với không gian và sinh hoạt hằng ngày mang sắc thái văn hóa đặc trưng của một dân tộc thiểu số (Tày, Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ).

Cùng với việc quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hệ thống thiết chế văn hóa cũng được tỉnh quan tâm đầu tư, phát triển, hiện đại hóa. Với quan điểm xuyên suốt “phát triển văn hóa, xã hội tương xứng với phát triển kinh tế...”, xác định hệ thống thiết chế văn hóa có vai trò hết sức quan trọng, không thể thiếu trong đời sống văn hóa của nhân dân, nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, đồng thời là diện mạo văn hóa của địa phương; trong suốt gần 40 năm đổi mới, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đầu tư, phát triển và hiện đại hóa hệ thống thiết chế văn hóa.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong tỉnh cơ bản đã và đang dần được hoàn thiện về số lượng cũng như chất lượng hoạt động.

Với mục tiêu khai thác bền vững nguồn tài nguyên văn hóa, biến văn hóa thành động lực phát triển, tỉnh Quảng Ninh tập trung các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các thiết chế văn hóa, thể thao, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản./.

28 December 2024
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)