Tỉnh Hà Giang: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc
Biện LuânHà Giang là tỉnh biên giới cực Bắc Tổ quốc, địa hình đồi núi, thiếu đất sản xuất, thiếu nước, giao thông chưa đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển chậm hơn so với các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc.
Nhưng đổi lại, Hà Giang là địa phương có 19 dân tộc sinh sống, trong đó trên 85% là đồng bào dân tộc thiểu số với nền văn hóa truyền thống đa dạng và đặc sắc, tạo nên bức tranh văn hóa Hà Giang hài hoà, thống nhất, nhưng có những nét khác biệt riêng.
Hà Giang cũng được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan hùng vĩ, độc đáo, đặc biệt là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì.
Với mục tiêu biến khó khăn thành cơ hội phát triển, giúp người dân tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững, Hà Giang đã phát huy tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với nhiều chủ trương, chính sách và cách làm hiệu quả.
Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% số di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được phục dựng, bảo tồn gắn với phát triển kinh tế du lịch; 100% số di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã xếp hạng các cấp được quy hoạch, tu bổ, phục hồi gắn với phát triển du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng.
Nghị quyết số 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục khẳng định: phát triển du lịch là khâu đột phá trong phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường sinh thái.
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, các cấp, ngành đã nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ, đặc biệt là nâng tầm giá trị văn hóa truyền thống thông qua nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.
Lựa chọn việc sử dụng di sản văn hóa trong phát triển du lịch bảo đảm phù hợp với thực tiễn địa phương; tổ chức các hoạt động lớn như ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, liên hoan ca múa nhạc và trích đoạn lễ hội dân gian, triển lãm di sản văn hóa dân tộc gắn với thực hiện tốt công tác giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của từng dân tộc với du khách trong và ngoài tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có 61 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh; 370 di sản văn hóa phi vật thể được khảo sát, nhận diện, trong đó 22 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Di sản văn hóa thực hành then Tày, Nùng, Thái của 11 tỉnh, thành, trong đó có Hà Giang được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn với những giá trị to lớn về địa chất, văn hóa xuất sắc vượt qua 3 kỳ tái đánh giá.
Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số về kiến trúc, trang phục, hoạt động sản xuất, ẩm thực, ứng xử cộng đồng, văn nghệ dân gian, làng nghề, lễ hội,... được bảo tồn và phát huy.
Toàn tỉnh xây dựng được 16 làng văn hóa du lịch cộng đồng các dân tộc Mông, Dao, Tày, Lô Lô, Giáy, La Chí, Bố Y, trong đó có 2 làng văn hóa du lịch đạt chuẩn OCOP, làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ đạt chuẩn ASEAN. Hmong Village vinh dự nhận danh hiệu Doanh nghiệp văn hóa tiêu biểu thời kỳ hội nhập năm 2024.
Nhiều lễ hội truyền thống được phục dựng, tổ chức quy mô cấp tỉnh, từng bước trở thành thương hiệu du lịch của tỉnh Hà Giang như: lễ hội khèn Mông, lễ hội chợ phong lưu Khâu Vai, lễ hội nhảy lửa, lễ hội hoa tam giác mạch, lễ hội ruộng bậc thang; có 15 lễ hội được tổ chức quy mô cấp huyện và 58 lễ hội quy mô cấp xã thu hút hàng triệu lượt người tham gia, tìm hiểu, trải nghiệm mỗi năm.
Các lễ hội là dịp để du khách trong và ngoài nước cùng tham gia vào các hoạt động, giao lưu về văn hóa với người dân bản địa, tạo nên một sản phẩm du lịch vô cùng đặc sắc và hấp dẫn.
Trong 8 tháng đầu năm năm 2024, tỉnh Hà Giang đón trên,2 triệu lượt du khách, đặc biệt là hàng trăm nghìn lượt du khách đến từ hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 5.300 tỷ đồng, tạo ra trên 12.000 việc làm, trong đó có 6.000 việc làm trực tiếp; thu nhập bình quân của các hộ làm dịch vụ du lịch đạt 50 - 70 triệu đồng/năm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đặc biệt, việc kết hợp phát triển làng nghề truyền thống với phát triển du lịch được các địa phương đặc biệt quan tâm, qua đó vừa hỗ trợ khôi phục các làng nghề truyền thống, vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh.
Việc đưa các giá trị văn hóa truyền thống trở thành sản phẩm du lịch góp phần bảo tồn và phát huy tích cực các giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang. Đồng thời, khơi dậy ý thức tự hào và bảo vệ các giá trị văn hóa đó trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ; nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội được nâng lên.
Với những di sản tự nhiên, văn hóa độc đáo và cách làm du lịch hấp dẫn, tạo cho du khách những trải nghiệm, khám phá thích thú, Hà Giang nhiều lần nằm trong danh sách những điểm đến lý tưởng được các tạp chí du lịch và tổ chức du lịch uy tín trên thế giới bình chọn.
Trong đó, năm 2023, Hà Giang được Tổ chức Du lịch thế giới (WTA) trao giải thưởng “Điểm đến mới nổi hàng đầu châu Á” và mới đây nhất, tháng 9-2024, Hà Giang tiếp tục được tổ chức này vinh danh với danh hiệu “Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á năm 2024”.
Đây là những hạng mục quan trọng trong hệ thống các giải thưởng của WTA, được ví như “Giải Oscar của ngành du lịch thế giới”, khẳng định hướng đi đúng đắn, phù hợp của Hà Giang trong phát triển kinh tế du lịch./.