Quốc hội cần đứng trên “mảnh đất thực tiễn Việt Nam” trong công cuộc cải cách thể chế - Kỳ 1: Giàu nghèo tại thể chế
NGÔ TÚ NGÂN* - VŨ VĂN HUÂN*** Luật sư, làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh - ** Viện Nghiên cứu lập pháp
Tại sao các quốc gia thất bại?
“Tại sao các quốc gia thất bại: “thể chế, thể chế và thể chế”. Câu hỏi đồng thời cũng là câu trả lời cho tựa đề của cuốn sách Tại sao các quốc gia thất bại (Why Nations Fail) của Daron Acemoglu và James Robinson - là 2 trong 3 tác giả của giải Nobel kinh tế năm 2024 về những đóng góp trong công trình nghiên cứu để chỉ ra căn nguyên của sự cách biệt giàu, nghèo giữa các quốc gia.
Trong tác phẩm này, các tác giả chỉ ra rằng, một quốc gia thành công hay thất bại về mặt kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào thể chế. Đây cũng là lời giải cho câu hỏi “tại sao 20% quốc gia giàu nhất thế giới ngày nay có tài sản gấp khoảng 30 lần nhóm 20% các quốc gia nghèo nhất. Hơn nữa, khoảng cách thu nhập giữa họ là bền vững”.
Qua gần 40 năm đổi mới, “mảnh đất thực tiễn Việt Nam” đã chứng minh rằng, năng lực phát triển kinh tế - xã hội phụ thuộc vào bản chất và nội dung các mối quan hệ giữa Nhà nước - kinh tế - xã hội. Có thể nói, thể chế nào thì có xã hội ấy. Thể chế như thế nào thì quốc gia như thế ấy.
Nhìn rộng ra, các quốc gia thành công thường theo thể chế “dung hợp”, mang tính dung nạp, trao quyền, tạo điều kiện tiếp cận, phân bổ phúc lợi cho phần đông dân chúng. Ngược lại, các quốc gia thất bại, kém phát triển thường gắn liền với các thể chế cấm đoán, nặng về khai thác. Như vậy, sức mạnh của thể chế quyết định vận mệnh thành bại của một quốc gia.
Nhận định được tầm quan trọng của thể chế trong việc phát triển đất nước, trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu và bước tiến đáng kể trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, vẫn có 3 điểm nghẽn lớn, trong đó “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn” cần phải được giải quyết kịp thời.
Tổng Bí thư đã nêu ra vấn đề quan trọng nhất cần giải quyết, đó chính là thể chế - “điễm nghẽn của điểm nghẽn”. Giải quyết vấn đề này là cần kíp, thiết thực, chiến lược để đưa đất nước phát triển trong bối cảnh mới, khi tình hình quốc tế, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột vũ trang trên thế giới, dịch bệnh và thiên tai gia tăng.
Bên cạnh đó, khoa học - công nghệ có những bước tiến nhảy vọt làm thay đổi cục diện kinh tế - xã hội. Ngoài ra, quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự hợp tác cũng như cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia tạo ra thời cơ và thách thức to lớn mà đất nước phải đối mặt.
Việt Nam cần làm gì để giải quyết “điểm nghẽn của điểm nghẽn”?
Theo Từ điển Luật học, thể chế là “những quy định, luật lệ của một chế độ xã hội buộc mọi người phải tuân theo”. Thể chế cũng có thể được hiểu là tổng thể các quy định xác lập nên “luật chơi” trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thể chế là “quy định, luật lệ”, vậy cải cách thể chế không thể nào không cải cách “quy định, luật lệ”. Nói cách khác, khâu đột phá cải cách thể chế là hoạt động lập pháp. Lập pháp là một chức năng chính và quan trọng của Quốc hội. Vì vậy, việc cải cách thể chế trước hết phải gắn liền với việc cải cách chức năng lập pháp của Quốc hội và việc này không được rời xa hiện thực tình hình quốc gia.
Câu hỏi lớn đang đặt ra là, làm sao để các đạo luật do Quốc hội ban hành phải xuất phát từ việc nghiên cứu thực tiễn, phản ánh đúng thực tiễn để trở lại thực tiễn có “sức sống” dài lâu? Chỉ khi nhìn vào thực tiễn mới thấy được tồn tại, hạn chế, rào cản, gánh nặng để từ đó xem xét và thay đổi, từ đó yêu cầu đặt ra là pháp luật “phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài” (theo luật gia người Pháp René Demogue), khắc phục những hạn chế hiện tại. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần thực hiện tốt hơn vai trò là cơ quan giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh...
Mục đích của việc cải cách trên chính là nhằm cải thiện các mối quan hệ giữa Nhà nước và xã hội, nhằm tạo điều kiện cho nền kinh tế hoạt động có hiệu quả, để nó trở thành tiền đề phát triển của bản thân nền kinh tế, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước và sự vận hành của các cấu trúc xã hội trong một thể thống nhất, tiến bộ và hiệu quả.
Nhìn việc cải cách thể chế từ chức năng của Quốc hội cho thấy, Quốc hội cần đổi mới công tác lập pháp, cũng như giám sát việc tuân theo Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Bên cạnh đó, vai trò giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cơ quan thường trực của Quôc hội - cũng cần được đề cao.
Cải cách hoạt động lập pháp là điểm chính yếu và trước hết của công cuộc cải cách thể chế. Lập pháp luôn là vấn đề quan trọng của mỗi quốc gia và cũng là một trong những chức năng chính của Quốc hội. Hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ và ổn định sẽ tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, môi trường pháp lý lành mạnh, thu hút mọi nguồn lực trong nước, đầu tư nước ngoài.
Đây là điều vô cùng quan trọng để phát triển đất nước trong thời kỳ có nhiều biến đổi buộc Việt Nam cần phát triển nội lực, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch, có khả năng triển khai mạnh mẽ, triệt để nhằm đảm bảo hệ thống pháp luật phù hợp với tình hình thực tế.
Thời gian qua, Quốc hội đã nỗ lực đổi mới trong hoạt động lập pháp. Tuy nhiên, sau gần 40 năm đổi mới, một số vấn đề trong tư duy lập pháp cần được thay đổi để phù hợp tình hình mới, những hạn chế cần được giải quyết, những vấn đề cần nhìn nhận tháo gỡ.
Do đó, việc tiếp tục đổi mới tư duy và kỹ thuật lập pháp phù hợp với kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là điều cần kíp phải triển khai nhanh chóng.
Nhìn lại dấu ấn của Quốc hội trong quá trình lập pháp, trong những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, thành tựu của hoạt động lập pháp thời kỳ này đã tháo gỡ một nút thắt thể chế, đó là tạo ra khuôn khổ pháp lý cho kinh tế - xã hội phát triển.
Hàng loạt đạo luật ra đời, đặc biệt là các đạo luật thúc đẩy dân doanh, cởi trói thị trường, khơi thông điểm nghẽn, phá bỏ rào cản, hạn chế đối với nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Lập pháp thời kỳ này đã thực tiễn hóa phương châm đưa ra tại Hội nghị Trung ương 6 khóa IV (tháng 8-1979), với chủ trương bằng mọi cách “làm cho sản xuất bung ra”.
Kết quả của lần cải cách thể chế này đã giúp đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng và kéo dài hơn 15 năm, tạo được tiền đề cần thiết để chuyển sang một thời kỳ phát triển mới: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Năm 1995, việc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ là một điểm sáng trong công tác tháo gỡ rào cản phát triển kinh tế - xã hội. Các đạo luật quan trọng ra đời như Bộ luật Dân sự, các hiệp định tự do thế hệ mới cũng tiếp nối nhằm phù hợp với tình hình phát triển mới để thu hút đầu tư, phát triển dân doanh.
Tiếp theo là giai đoạn Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tính đến tháng 9-2006, Quốc hội khóa XI (2002 - 2007) đã 5 lần điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, bổ sung các dự án luật, pháp lệnh phục vụ trực tiếp quá trình đàm phán gia nhập WTO.
Đến tháng 10-2006, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành hơn 60 luật, pháp lệnh phục vụ trực tiếp quá trình đàm phán gia nhập WTO. Nhiều văn bản pháp luật quan trọng về bảo đảm sự bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trong đầu tư, kinh doanh, phù hợp các quy định của WTO và thông lệ thương mại quốc tế như Luật Cạnh tranh, Ðầu tư, Thương mại, Pháp lệnh đối xử tối huệ quốc, đối xử quốc gia, chống bán phá giá, chống trợ cấp cũng đã được ban hành...
Nhận thấy hoạt động lập pháp là một chức năng quan trọng và việc thực hiện tốt chức năng này tạo ra tác động mạnh mẽ, mang tính hệ thống, là mở ra một cánh cửa bắt đầu của cả một thời kỳ mới của dân tộc. Nội dung bắt đầu từ hình thức, muốn một đạo luật tốt thì cần phải có “công nghệ” làm luật tốt. Công nghệ làm luật chính là quy trình, thủ tục để xây dựng pháp luật...
Trên mảnh đất lập pháp của mình, Quốc hội đã để lại những dấu ấn tiên phong, cải tổ và hoàn thiện. Đồng thời, Quốc hội nhận thức được tầm quan trọng của chức năng được nhân dân trao gửi nên đã nỗ lực cải thiện không ngừng chất lượng lập pháp, đã đáp ứng được nhu cầu phát triển qua từng thời kỳ.
Tuy nhiên hiện nay, đứng trước thực tế biến động khó lường, trước sự thay đổi nhanh chóng của bối cảnh kinh tế - xã hội, cục diện toàn thế giới và những vấn đề khó khăn, cần giải quyết của đất nước, Quốc hội một lần nữa đứng trước những thách thức lịch sử cần phải thích ứng, thay đổi, chuyển mình như đã từng làm trong suốt quá trình đồng hành cùng dân tộc.
Tại phòng họp Diên Hồng, bao nhiêu đạo luật, quyết sách được thông qua, quyền và chức năng của Quốc hội được thực hiện, tác động đến đời sống của nhân dân, xây dựng và phát triển đất nước qua nhiều thách thức.
Nó nhắc chúng ta về tinh thần của Hội nghị Diên Hồng lịch sử, tại đó, tinh thần dân tộc và khí thế đồng lòng được đề cao. Diên Hồng không chỉ là một cái tên, một địa điểm, một căn phòng, nó chính là tinh thần, là khí thế, là dấu ấn, là nơi làm ra lịch sử của dân tộc.
Quốc hội sẽ không ngần ngại nhìn nhận vấn đề còn hạn chế trong khi thực hiện các chức năng của mình để có thể thay đổi, làm mới, để một lần nữa lập nên dấu ấn lập pháp mới, mở ra một thời kỳ mới cho cả đất nước tiến vào kỷ nguyên của kiến tạo sự thịnh vượng vững bền./.
Kỳ 2: Cải cách lập pháp, dấu ấn Diên Hồng