21/06/2025 | 05:09 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Nhân 90 năm phong trào Thơ mới Việt Nam

Nguyễn Hữu Sơn
PGS,TS, Viện Văn học
Việc nhận diện khái lược biên niên sử phong trào Thơ mới đưa đến một cái nhìn hệ thống, toàn cảnh theo tiến trình thời gian về tất cả các vấn đề sự kiện, hiện tượng tác giả, tác phẩm, nội dung và hình thức thể loại, góp phần đánh giá đầy đủ hơn giá trị và đặc điểm của một thời đại thi ca.

Cuốn sách “Thi nhân Việt Nam” của Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2012_Ảnh: TLPhong trào Thơ mới Việt Nam phát triển trọn vẹn trong 14 năm (1932 - 1945) ghi nhận một thời đại thi ca gắn với quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc, kết quả của cuộc tiếp xúc văn hóa Đông - Tây và nằm trong tiến trình đổi mới, phát triển của cả nền thơ phương Đông...

  Trước hết, điểm danh về đội ngũ tác giả, không kể 2 bậc tiên chỉ Phan Khôi (1887 - 1959) và Tản Đà (1889 - 1939), căn cứ theo danh sách được Hoài Thanh - Hoài Chân ghi nhận trong Thi nhân Việt Nam, có thể thấy tất cả đều sinh vào đầu thế kỷ XX, không ai vượt quá 30 tuổi; sớm nhất có Đông Hồ (1906 - 1969), Nam Trân (1907 - 1967), Thế Lữ (1907 - 1989)...; trẻ nhất có Phạm Hầu (1920 - 1944), Chế Lan Viên (1920 - 1989), Anh Thơ (1921 - 2005), Tế Hanh (1921 - 2009)... Sau này, hầu hết các tác giả đều tham gia cách mạng và trở thành những đại biểu xuất sắc của nền thơ xã hội chủ nghĩa (Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Anh Thơ, Tế Hanh...). Nhiều người trở thành nhà thơ chiến sĩ và hy sinh vào những giai đoạn khác nhau của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc: Phạm Hầu, Nguyễn Đình Thư (1917 - ?), Thâm Tâm (1917 - 1950)...

  Trên thực tế, sau bước khởi động thiên bằng các cuộc luận chiến, tranh luận, nhận đường thời kỳ 1932 - 1933 diễn ra sôi nổi ở Sài Gòn, phong trào Thơ mới đã chuyển vùng và cơ bản phát triển, đơm hoa kết trái ở Hà Nội. Cần ghi nhận Phan Khôi với bài viết Một lối “thơ mới” trình chánh giữa làng thơ xuất hiện lần đầu tiên trên báo Đông Tây ở Hà Nội(1), ngay sau đó in lại trên báo Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn và bị kiểm duyệt cắt bỏ một số câu, chữ(2)... Có một điều lạ rằng hầu như không có tác giả Thơ mới nào quê gốc ở trung tâm văn hóa Hà Nội (và cả Sài Gòn). Theo thời gian, Hà Nội đã thực sự trở thành tâm điểm của phong trào Thơ mới, nơi xuất hiện các tổ chức văn đoàn và cơ quan ngôn luận trọng yếu, nơi vẫy gọi, hội tụ, nảy nở nhiều tài danh thi ca, nơi người thơ bốn phương nhập cuộc và “Hà Nội hóa” thành thi sĩ tầm vóc kinh kỳ, nơi tập hợp được đội ngũ thi nhân đông đảo và xuất bản hầu hết các tập thơ trong nước, nơi đón nhận và đủ năng lực thẩm bình, vinh danh tài năng thi ca khắp trong Nam ngoài Bắc; và rồi đến lượt mình, nguồn sáng Thơ mới Hà Nội tiếp tục lan tỏa, rộng mở, ảnh hưởng, kích thích, nâng tầm phong trào Thơ mới bốn phương đất nước lên những tầm cao mới trong quá trình phát triển, hiện đại hóa nền thơ dân tộc, bắt nhịp với nền thơ khu vực và thế giới thời kỳ mở rộng giao lưu, hội nhập nửa đầu thế kỷ XX.

  Vào giai đoạn khởi đầu phong trào Thơ mới đã diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai xu thế mới và cũ, hiện đại và cổ điển, tân tiến và truyền thống, mở đường và thủ cựu. Tại Sài Gòn xuất hiện nhiều cuộc trao đổi, tranh luận, đăng đàn diễn thuyết cả ở hội quán và diễn đàn báo chí, chủ yếu trên báo Phụ nữ tân văn giữa nữ sĩ Nguyễn Thị Kiêm và ông Nguyễn Văn Hanh. Đặc biệt về sáng tác còn sử dụng nhiều thơ Đường luật (Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Bích Khê...) cùng nội dung lối thơ mới in đậm tính xã hội, tinh thần vô sản, vị nhân sinh, tranh đấu giàu nghèo, hình ảnh nhân vật người nông dân, người tiều phu, người thợ mỏ, người thất nghiệp (Nguyễn Thị Manh Manh, Hồ Văn Hảo, Lưu Kỳ Linh, Tịnh Sơn...). Khá tiếc rằng dòng thơ vô sản và mầm mống tinh thần cách mạng này còn chưa được chú ý đúng mức, đặc biệt với trường hợp thơ Tố Hữu(3) đã được phổ biến từ những năm 1938 - 1939(4). Đặt trong tình hình chung, hiện tượng dung hòa mới - cũ còn thể hiện đậm nét trên báo Công luận (1916/1932 - 1939) với vai trò chủ công của nhà Hán học Vân Hạc Lê Văn Hòe (1911 - 1968) trong việc tăng cường duy trì, phổ biến thơ Đường luật truyền thống, thậm chí nghi ngại, ngờ vực, dè dặt trước Thơ mới... Khác biệt hơn, tại Hà Nội, châu tuần quanh Tự lực văn đoàn, báo Phong hóa, Ngày nay (1932 - 1940) và trụ cột Nhà xuất bản Đời Nay (1934 - 1945) đã tạo lập và khẳng định dòng chủ lưu phong trào Thơ mới. Tinh thần đổi mới mạnh mẽ đến mức ngay cả một số tác giả khơi nguồn Thơ mới, vừa vang danh ngay trong thập niên trước (Tản Đà, Trần Tuấn Khải) đã từng bước bị đẩy lùi về quá khứ, bị xem là “chưa mới”. Quan trọng hơn, một thế hệ các tác giả Thơ mới đã xuất hiện, vượt lên chiếm lĩnh thi đàn và công chúng độc giả. Qua 3 năm, bình giả Hà Nhân (Trần Thiêm Thới) thực hiện cuộc sơ kết, nhấn mạnh vị thế Phan Khôi, Manh Manh, đặc biệt đánh giá cao thành công ở tập Mấy vần thơ của Thế Lữ và khái quát, nhấn mạnh: “muốn vượt khỏi khuôn khổ cũ, thơ mới phải có những tính cách mới: không giữ theo niêm luật cũ; phải có ý tưởng, tình cảm mới. Hoặc muốn cho sự biến đổi không quá bạo động thì ít ra, nó cũng phải theo điều lệ riêng: diễn những ý tưởng, tình cảm cũ bằng cái hình thức mới; đựng những ý tưởng, tình cảm mới trong các lề lối cũ”(5)...

  Bước sang giai đoạn chín tới, toàn thắng, hưng thịnh của phong trào Thơ mới (1935 - 1940) là sự nở rộ các thi đàn, văn đoàn, trào lưu, nhóm phái văn học (Tự lực Văn đoàn, Hà Tiên tứ tuyệt, Hoàng Mai thi xã, Bảo Ngọc Văn đoàn, Thái Dương Văn đoàn, thi xã Dạ Lan hương, Trường thơ Loạn, Nhóm thơ Bình Định, Sông Hương, Sông Thương...) và định hình đội ngũ tác giả xuất sắc làm nên linh hồn một thời đại thi ca (Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Chế Lan Viên, Huy Cận, Tế Hanh...). Theo Hoài Thanh - Hoài Chân, đây cũng là giai đoạn mà nền Thơ mới Việt Nam phát triển gia tốc, định hình đầy đủ các thi phái, phong cách, xu hướng, trường thơ, dòng thơ, cá tính thơ với những ảnh hưởng thơ Pháp và phương Tây, thơ Đường và truyền thống cổ điển, từ đó đặc biệt đánh giá cao dòng thơ dân tộc “có tính cách Việt Nam rõ rệt”, “Việt Nam thời mới”, “cuộc đời mới”, “vẻ mộc mạc của những câu hát đồng quê”, “Các nhà thơ về dòng này thường có lời thơ bình dị. Họ ít ảnh hưởng lẫn nhau và cũng ít có ảnh hưởng đối với thi ca cận đại. Thi phẩm của họ có tính cách vĩnh viễn nhiều hơn tính cách một thời. Và họ nương vào thanh thế phương Tây cũng ít”(6), với đại diện tiêu biểu là những Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Phan Văn Dật, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Bính, Nguyễn Đình Thư, Vũ Hoàng Chương...

  Vào giai đoạn cuối 1940 -1945, các dòng thơ biến động với các thi đoàn, hội thơ, nhóm thơ Xuân Thu Nhã tập, Cống Trắng, Đốc Vàng Thượng, Sài Gòn, Tây Đô, Thành Tây, Phong Thạnh... Đây cũng là chặng đường có sự chuyển hóa, phân hóa trong đội ngũ, quan điểm, cảm hứng sáng tác cũng như tâm thế tiếp nhận. Nổi bật là những cuộc “đấu chữ”, tranh luận quyết liệt giữa Chế Lan Viên và Trương Tửu về quan niệm thơ ca; Kiều Thanh Quế, Lê Huy Vân, Diệu Anh Đinh Gia Trinh, Trúc Hà Trần Thiêm Thới cùng trao đổi với nhóm Xuân Thu Nhã tập và bộ sách tổng thành Thi nhân Việt Nam; đặc biệt việc Quách Tấn đưa ra tòa “vụ kiện trích thơ” sách Hàn Mặc Tử (Trần Thanh Mại, 1942) dẫn đến cuộc luận chiến nối dài trên các báo tiếng Việt và Pháp (Tràng An báo, Dân báo, Thanh nghị, Battle Annamitte...), lôi cuốn vào đây các cây bút Trần Thanh Mại, Bùi Tuân, Kiều Thanh Quế, Hoài Thanh, Trương Chính, Bửu Đồng, Nguyễn Tiến Lãng với một bên là Quách Tấn và phần thắng cuối cùng do Tòa án phân xử thuộc về Trần Thanh Mại... Đặt trong xu thế vận động chung có thể thấy, hình thức thơ ca phát triển mạnh với kịch thơ đề cao tinh thần yêu nước và đề tài lịch sử của Phan Khắc Khoan: Trần Can (1940), Lý Chiêu Hoàng, Phạm Thái (1942), Quỳnh Như (1944), Lá cờ, Máu anh nhi, Gương phụ nữ, Mầm tin (đều viết năm 1945); Thế Lữ có Trầm Hương đình, Mã Ngôi Pha (1942); Lê Huyền Linh có Viễn khách (1942); và có Bóng giai nhân (1942); có Vân muội, Trương Chi, Hồng Điệp (1944); có Quán biên thùy (1943), Người mù dạo trúc (1944); Lưu Quang Thuận có Lê Lai đổi áo, Lữ Gia (1943), Người Hoa Lư (1945); có Đêm Lam Sơn, Trưng Vương khởi nghĩa (1943), Hội nghị Diên Hồng, Lam Sơn họp mặt (1944)..., có ý nghĩa dự báo cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và cách mạng tháng Tám 1945...

  Nhận diện phong trào Thơ mới từ góc độ biên niên sử, Hoài Thanh - Hoài Chân xác định “một thời đại trong thi ca” ta bằng cả thế kỷ xứ người xét từ một chi lưu: “từ Xuân Diệu, Huy Cận, thơ Việt Nam đã có tính cách của thơ Pháp lối tượng trưng... Riêng về dòng này, thơ Việt đã diễn lại trong mười năm cái cái lịch sử một trăm năm của thơ Pháp, từ lãng mạn đến Thi Sơn, tượng trưng và những nhà thơ sau tượng trưng”, đồng thời xác quyết niềm tin và sự kỳ vọng vào bản lĩnh nhà thơ gắn với cội rễ tinh thần nền văn hóa và mạch nguồn thi ca dân tộc: “chưa bao giờ như bây giờ, họ hiểu câu nói can đảm của ông chủ báo Nam phong: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”. Chưa bao giờ, họ cảm thấy tinh thần nòi giống cũng như các thể thơ xưa chỉ biến thiên chứ không sao tiêu diệt. Chưa bao giờ như bây giờ, họ thấy cần phải tìm về dĩ vãng để vin vào những gì bất diệt đủ bảo đảm cho ngày mai”(7). Điều này xác nhận tính quy luật của một nền thơ cũng như sự phát triển của bất cứ nền văn hóa, văn học, nghệ thuật nào cũng cần dựa trên căn tính dân tộc, truyền thống dân tộc và thực tiễn đặt ra cho cả dân tộc, đất nước, thời đại.

  Đương nhiên công việc đánh giá toàn cảnh bức tranh lịch sử phong trào Việt Nam đòi hỏi phải tìm trở lại những tài liệu nguyên gốc, những tiếng nói ban đầu, trực cảm, trực giác, thực sự là của “thời Thơ mới bàn về Thơ mới”, trong sinh quyển phong trào Thơ mới; bao gồm tất cả các sự kiện, hiện tượng liên quan đến tác giả, tác phẩm thi ca; những ý kiến đề xuất, tựa, bạt, quảng bá, tiếp nhận; những cuộc luận chiến, đấu tranh nảy lửa giữa nhiều người và nhiều phái về quan niệm thơ mới - cũ; những bài đọc sách, điểm sách, đăng đàn diễn thuyết, luận bình các tập thơ; những bước tổng kết qua từng năm, từng chặng đường và cả chuyên khảo về từng tác giả, tác phẩm, trào lưu, vùng miền; những nhận định về mối quan hệ thi ca Đông - Tây, truyền thống và hiện đại; những lý giải về các sắc thái nội dung và hình thức thể loại; sự phân tích các hình thức tiếp nhận hay khảo sát chuyên sâu một số đặc điểm giọng điệu nghệ thuật Thơ mới Việt Nam đương thời và cả những so sánh trong tương quan khu vực Đông Á, châu Á và thế giới.../.

---

(1 ) Phan Khôi: Một lối “thơ mới” trình chánh giữa làng thơ, Đông Tây (Tập văn Mùa Xuân), Hà Nội, tháng 2-1932, tr. 6 - 7.

(2) Phan Khôi: Một lối “thơ mới” trình chánh giữa làng thơ, Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 122, ra ngày 10-3-1932, tr.15 - 16.

(3) Phác Căn: Một khuynh hướng mới trong làng thơ, Dân chúng (Cơ quan của lao động và dân chúng Đông Dương), Sài Gòn, số 13, ra ngày 13-9-1938... Viện Bảo tàng cách mạng Việt Nam tuyển in trong Báo Dân chúng 1938 - 1939, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2000, tr. 319 - 322.

(4) Nguyễn Hữu Sơn: Tiếp nhận thơ Tố Hữu thời kỳ trước 1945, Nghiên cứu Văn học, số 10-2020, tr. 11 - 18.

(5) Hà Nhân: Phong trào thi ca mới: Khuynh hướng - hiện trạng - đặc sắc - khuyết điểm, Sống, Sài Gòn, số 28, ra ngày 7-9-1935, tr. 16 - 17.

(6) Hoài Thanh - Hoài Chân (1989): Một thời đại trong thi ca, trong sách Thi nhân Việt Nam. Tái bản, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr. 41.

(7) Hoài Thanh - Hoài Chân (1989): Một thời đại trong thi ca, trong sách Thi nhân Việt Nam, tái bản, Sđd, tr. 37, 55.

21 August 2023
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)