Người Quảng Ninh hào sảng
Phạm Học
Hào sảng ngấm vào máu
Hào sảng được hiểu là sự bao dung, sự hào phóng trong cách đối đãi với người khác. Hào sảng cũng chính là sự buông bỏ thâm sâu để mang những gì đó tốt đẹp dành cho con người vì mục đích chung. Đặc biệt, càng trong khó khăn thách thức, người Quảng Ninh càng tỏa sáng nét hào sảng, nhiệt thành, không vị kỷ.
Cuốn “Đại Nam nhất thống chí” chép về Quảng Ninh xưa như sau: “đất, nhận thế núi làm thành, dựa chỗ cao mà giữ hiểm, có núi để tựa, có biển vòng quanh, địa thế xa lánh mà hiểm yếu, trong thì giữ vững cương vực, ngoài thì khống chế đất Thanh. Núi cao có Lôi Âm, sông lớn có Bạch Đằng, 22 cửa biển, hơn 10 đồn ải, hải đảo quanh co, sông bến khuất khúc, cũng là nơi then chốt ở ven biển”.
Như vậy, từ xưa, Quảng Ninh đã là nơi đất trọng yếu, có địa hình đặc biệt, giữ vai trò to lớn trong việc gìn giữ biên cương. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận định: “Quảng Ninh được coi như một Việt Nam thu nhỏ”. Đây là vùng đất có nhiều loại địa hình khác nhau: đồi núi, khu vực trung du, đồng bằng ven biển và khu vực vùng biển, hải đảo.
Sống ở vùng đất có địa hình phức tạp thưa dân lại bị giặc giã hoành hành, con người Quảng Ninh xưa luôn phải căng mình để tồn tại và phát triển. Theo PGS, TS. Nguyễn Toàn Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - Quảng Ninh là vùng đất biên cương cửa ải, thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa hoang sơ nhưng cũng nhiều nguy cơ. Cho nên, con người muốn sinh tồn được thì phải có bản lĩnh.
Thực tế, người Quảng Ninh xưa muốn vượt biển phải có dũng khí, không sợ hãi sóng to gió lớn. Vượt núi cũng phải gan góc, có gặp thú lớn cũng không sợ hãi. Quảng Ninh đâu cũng núi cao, vực thẳm, biển rộng, sông dài. Như thế, thiên nhiên đã là một “bà mẹ vĩ đại” dạy con người, hun đúc để tạo nên khí chất con người Quảng Ninh, những con người hào sảng, ăn sóng nói gió.
Là miền biên viễn, rừng núi hiểm trở, cơ sở hạ tầng kém phát triển, đi lại khó khăn, có thời gian lại là địa điểm để đày ải, phát vãng tù nhân, cuộc sống nơi đây thực sự là nơi thử thách sức mạnh và tinh thần con người. Mặt khác, Quảng Ninh cũng là điểm đến lý tưởng cho những người dân có lối sống phóng khoáng.
Cuộc sống nơi núi non hiểm trở, biển đảo khuất khúc, thường bị thiên tai, thổ phỉ, hải phỉ cướp bóc, lại kiếm sống bằng những nghề nặng nhọc đã tôi luyện cho người Quảng Ninh những đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, kiên cường, mưu trí, mạnh mẽ, thẳng thắn, tác phong dứt khoát và thuần phác.
Sách “Đại Nam nhất thống chí” vắn tắt về người Quảng Yên (gồm cả Quảng Ninh ngày nay): “tục ưa mạnh tợn..., dân làm nghề đánh chài, đi buôn, mối lợi nhờ núi, biển”. Người vùng biển ăn to, nói lớn thành phong cách sống. Đại Nam Nhất thống chí gọi là “ưa mạnh tợn”, ngày nay hiểu là hào sảng.
Khí chất hào sảng là sản phẩm môi trường sống, là kết quả tương tác với thế giới tự nhiên. Cũng theo PGS, TS. Nguyễn Toàn Thắng, người Quảng Ninh hào sảng để mở lòng đón nhận tinh hoa, đón nhận bạn bè bốn phương, sẵn sàng kết giao anh em. Điều đó khiến Quảng Ninh hội tụ tinh hoa trăm miền.
Cũng bởi sống ở vùng rộng lớn, biển rộng, núi non nhiều nên phải nói to mới nghe thấy. Từ việc gọi nhau to nên ngư dân sáng tạo ra các điệu hò. Cũng do quen nói to nên âm vực của họ rộng hơn. Dễ hiểu vì sao Quảng Ninh sản sinh ra nhiều làn điệu dân ca và sau này có nhiều ca sĩ nổi tiếng.
Người An Bang (Quảng Ninh nay) tuy xuất thân từ nhiều dân tộc, làm nhiều nghề khác nhau nhưng vẫn có những đặc điểm chung: sự mạnh mẽ, đơn giản, thực tế biết tận dụng những điều kiện thiên nhiên để mưu sinh. Vua Lê Thánh Tông trong bài “An Bang phong thổ” đã nhận xét khái quát: “ngư diêm như thổ, người xu lợi” (cá muối nhiều như đất, người dân chạy theo nguồn lợi).
Khí chất của người Quảng Ninh xưa tuy mạnh mẽ, dứt khoát nhưng không phải có tính một chiều. Mạnh mẽ đấy, vẫn e sợ, vẫn phải kiêng khem. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, người ở châu Tiên Yên, “người Nùng, người Thổ (Tày) ở lẫn lộn, đầu năm nếu ai chưa động thổ thì đi đêm không dám cầm đuốc, gặp mưa không dám đội nón”. Ở huyện Hoành Bồ vào ngày cưới, “nhà gái đưa dâu ra cửa, con trai đi trước, con gái đi sau; khi hôn lễ đã thành, hai họ cùng nhau hát xướng, tặng nhau bằng tiền”.
Ở biển, vẫn là điệu hò nhưng cất hát trên Vịnh Hạ Long vang vọng, ngân dài, ẩn giấu lời tỏ tình ý nhị, đằm thắm. Hò biển Quảng Ninh không có những âm điệu mạnh mẽ, dữ dội kiểu “Hố lên” như vùng biển miền Trung. Câu hò Hạ Long mênh mang da diết.
Sau này, khi đội ngũ công nhân mỏ ra đời, cái khí chất mạnh mẽ thể hiện rõ ở hình ảnh trai Cẩm Phả. Nhưng bên cạnh cái vạm vỡ mạnh mẽ đó vẫn có hình ảnh mềm mại dịu dàng của gái Hòn Gai nên mới có câu “Gái Hòn - trai Cẩm”. Con gái Hòn Gai dịu dàng, đoan trang, kiểu “công, dung, ngôn, hạnh”, rất đảm đang trong chuyện nội trợ...
Đoàn kết từ trong gốc rễ
Không phải chờ đến khi đội ngũ công nhân mỏ phát triển mạnh mẽ, người ta mới biết đến 2 chữ “đồng tâm”. Thực ra truyền thống đoàn kết có gốc rễ từ trong lịch sử.
Người Quảng Ninh muốn vượt biển, phá núi và sau này là đào than mà không có bạn hữu, không liên kết cộng đồng thì không thể làm được. Sách Đại Nam nhất thống chí viết: “đất đều chua mặn, dân làm nghề đánh chài, đi buôn, mối lợi nhờ núi biển, hàng hoá thông Bắc - Nam. Ở biển nhiều phù sa, ít ruộng lúa, có người vào rừng đốn củi, có người ra biển đánh cá”.
Chính từ cuộc sống vất vả chấp nhận mưa nắng để sinh tồn đã tạo ra tính cộng đồng rất cao. Tại các xóm chài, hay bản làng miền núi, nhân dân đều tương trợ nhau. Mỗi khi gia đình nào có việc thì những gia đình xung quanh kéo nhau đến giúp đỡ. Ngư dân Hạ Long xưa suốt đời lênh đênh trên biển, quê hương họ hàng không rõ. Mỗi con thuyền là một ngôi nhà tách biệt. Lời ca tiếng hát kéo họ xích lại gần nhau cộng cư với nhau, việc lớn việc nhỏ đều là việc chung của xóm chài.
Và hơn hết, với lòng yêu quê hương đất nước thiết tha, người Quảng Ninh luôn đoàn kết chiến đấu, hình thành thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc. Những cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng với sự tham gia của nữ tướng Lê Chân ở Đông Triều, bà hàng nước trong chiến thắng Bạch Đằng, khởi nghĩa của Hoàng Cần (Tiên Yên), cuộc tổng bãi công năm 1936, Chiến thắng trận đầu năm 1964, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979,... cho thấy, người làm tướng mỗi khi huy động sức mạnh của toàn dân ở Quảng Ninh đều dễ dàng.
Truyền thống đoàn kết của người Quảng Ninh đã bén rễ với văn hoá công nhân. Từ đồng bằng Bắc Bộ, hàng nghìn nông dân ra mỏ làm phu. Phu mỏ mang theo gia đình, vợ con và mang theo cả nét văn hoá đặc trưng quê hương mình hội tụ thành văn hoá Quảng Ninh. Dù khác nhau về ăn mặc, giọng nói, tính cách nhưng khi ra mỏ, cùng sống trong những lán thợ, cùng chịu những áp bức, bóc lột như nhau nên họ chia sẻ, đoàn kết, gắn bó với nhau. Tinh thần ấy đã được thử lửa qua cuộc tổng đình công với thắng lợi quan trọng là thợ mỏ đã nhận ra một giá trị tinh thần to lớn: “Kỷ luật và đồng tâm”.
Nhân hậu, nhân ái, nhân tình
Người Quảng Ninh không chỉ nổi bật với tinh thần đoàn kết, mà còn trọng tình, trọng nghĩa. Truyền thống này thể hiện ở chữ hiếu với cha mẹ, ông bà, tôn sư trọng đạo, tôn vinh các bậc tiền bối có công khai khẩn mở mang quê hương.
Sách “Đại Nam nhất thống chí” viết: “ở xã Vị Dương, Yên Hưng lễ tiết tế tự đại để giống nhau. Nhà nào còn cha mẹ thì hàng năm cứ các tháng giêng, hai, ba, bốn, sáu chọn ngày tốt lành, đều làm cỗ bàn kính dâng, lại kính biếu thầy học; ở châu Vạn Ninh (Móng Cái), người Thanh, người Nùng ở lẫn lộn, tiết Nguyên đán đốt pháo, đêm trừ tịch thắp đèn, tiết Thanh minh tảo mộ, tiết Đông chí tế thần, tiết Đoan dương đặt tiệc rượu tế tiên tổ, lại đua thuyền, hát xướng, cầu thần, tiết Trung thu thì làm bánh mặt trăng để thưởng nguyệt…”.
Quảng Ninh cũng là miền đất có nhiều lễ hội dân gian mang tính xã hội và tính nhân văn cao, là thông điệp nối kết quá khứ và hiện tại. Các lễ hội có phần nghi lễ nghiêm trang, phần hội phóng khoáng, vui vẻ giúp con người gắn kết lại với nhau.
Sống ở vùng đất sau lưng là núi cao, trước mặt là biển rộng, người Quảng Ninh luôn khát khao tự do hôn nhân. Khát khao ấy được gửi gắm trong những bức chạm khắc ở đình Phong Cốc (thị xã Quảng Yên), trong phong tục những cặp đôi yêu nhau mà không lấy được nhau mỗi năm có một ngày vào tháng ba được tự do hát giao duyên của người Sán Chỉ. Hay như trong lời hát chèo đường, hát đám cưới trên Vịnh Hạ Long…
Trong cuộc tổng đình công năm 1936, hàng vạn thợ mỏ đã nhất tâm đứng lên cũng vì yêu thương nhau. Ngày nay, dưới hầm sâu, người thợ mỏ sẵn sàng lao vào hiểm nguy để cứu nhau bất chấp tính mạng của mình.
Nguồn lực nội sinh, sức mạnh để phát triển bền vững
Nền văn hoá đa dạng, phong phú và giàu truyền thống được nhiều thế hệ Quảng Ninh tích luỹ, hội tụ và hoàn thiện trên cơ sở sự kết hợp giữa văn hoá biển hào sảng, lành mạnh, thân thiện với văn hoá công nhân mỏ mang những giá trị mới, sáng tạo, văn minh và văn hóa các dân tộc đặc sắc.
Theo GS, TS. Nguyễn Văn Kim - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) - có 4 đặc trưng tiêu biểu của con người Quảng Ninh là chất hào hiệp, hào sảng, chất biển sâu đậm trong máu thịt, tính cách người Quảng Ninh; chất khoan dung, năng động và sáng tạo trong văn hóa Quảng Ninh; chất kiên cường, bản lĩnh, cách mạng trong lối sống phẩm chất của các thế hệ công nhân Vùng mỏ; chất trí tuệ, giàu năng lực, phân tích và tư duy thực tiễn, giàu khát vọng vươn lên.
Truyền thống lao động sản xuất cần cù, chăm chỉ, sáng tạo, khí chất mạnh mẽ cũng là một phẩm chất ưu trội của người Quảng Ninh được phát huy qua nhiều thế hệ. Dù trên đồng ruộng, nương rẫy hay chài lưới xa khơi hoặc miệt mài dưới hầm sâu, người Quảng Ninh đều lao động hết mình. Những năm tháng chiến tranh, Quảng Ninh bị tàn phá, kiệt quệ, thậm chí, một thời gian phải trông chờ vào sự trợ giúp từ Trung ương nhưng con người nơi đây đã anh dũng đứng lên vừa sản xuất vừa chiến đấu.
Người Quảng Ninh sẵn sàng đối đầu với những thách thức để chuyển đổi và phát triển bền vững. Quảng Ninh không chấp nhận hình ảnh khói bụi của than mà chủ động chuyển từ “nâu” sang “xanh”, dần thoát khỏi sự lệ thuộc vào những tài nguyên không thể tái tạo. Quảng Ninh dứt khoát xoá bỏ lối tư duy quản trị hành chính cũ, chuyển từ quản lý sang phục vụ...
Đặc trưng văn hoá, con người Quảng Ninh là di sản quý, là yếu tố cốt lõi để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đây cũng chính là cơ sở để ngày 9-3-2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU “Về xây dựng, phát triển văn hoá, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” với mục tiêu là xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng: “năng động - sáng tạo - hào sảng - lành mạnh - văn minh - thân thiện”.
Và sau đó là Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30-10-2023, về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững...
Biến di sản văn hoá thành tài sản du lịch, Quảng Ninh rất tích cực khơi dậy những giá trị văn hóa các dân tộc, thí điểm xây dựng 4 làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi, giai đoạn 2023 - 2025. Đó là làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (thành phố Móng Cái), làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn và làng người Sán Chỉ ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động (huyện Bình Liêu), làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân (huyện Vân Đồn).
Hoạt động bảo tồn di sản văn hóa đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển, góp phần xây dựng văn hóa, con người Quảng Ninh thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực và nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững./.









Các bài cũ hơn


