20/05/2024 | 12:13 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024): Đặc sắc văn hóa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

THẢO TRANG
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024): Đặc sắc văn hóa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ Thuyết minh viên hướng dẫn du khách tham quan tại hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ_Ảnh: Thanh Hải
Khi bàn tới Chiến dịch Điện Biên Phủ, các học giả quan tâm tới nhiều vấn đề khác nhau. Nhưng chưa có nhiều nghiên cứu khai thác ở 2 khía cạnh: nhân nghĩa, tự phê bình và phê bình.

Đặc sắc văn hóa nhân nghĩa

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tinh thần nhân nghĩa của dân tộc và của Quân đội nhân dân Việt Nam đối với kẻ thù được thể hiện rất rõ. Trong bài viết “Người đại đội trưởng dẫn tù binh Pháp năm xưa”, tác giả Nguyễn Văn Triện kể về việc đối xử với tù binh rất nhân nghĩa.

Trước khi mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, đại đội của Nguyễn Thịnh nằm trong đội hình chiến đấu Đại đoàn 304 nhận được lệnh dừng tham gia chiến đấu, chuyển sang làm nhiệm vụ thu dung, quản lý tù, hàng binh và dẫn về phía sau. Ông và các đồng đội được huấn luyện, tập huấn điều lệnh, kỷ luật, quy chế quản lý tù binh và cả một số từ tiếng Pháp thông dụng. 

Sau khi mở màn chiến dịch, tù binh liên tục được đưa về ngồi đầy lán trại, bãi trống và bìa rừng. Lấy thông tin xong, Đại đội trưởng Nguyễn Thịnh chia tù binh thành nhiều giúp (tổ). Khi chiến dịch đang diễn ra ác liệt, Đại đội của Nguyễn Thịnh dẫn giải 500 tù binh từ Điện Biên về căn cứ Việt Bắc trên đường mòn nhỏ hẹp, quanh co, uốn khúc, đá tai mèo lởm chởm, dài 600km. 

Trên đường đi, nhiều lần cấp đồ ăn cho tù binh xong đến lượt bộ đội ta thì hết, hôm đó cán bộ, chiến sĩ phải ăn rau rừng, quả sung để qua bữa. Có lần do mâu thuẫn trong ăn uống, một bộ phận tù binh xảy ra xô xát, đánh lộn nhau. Đại đội trưởng Thịnh trực tiếp can thiệp mới yên. 

Sau đó, Đại đội trưởng Thịnh lấy khẩu phần ăn của mình đưa cho một tù binh bị thương và nói với người đó bằng tiếng Pháp “cố lên”. Cả bọn trố mắt nhìn người chỉ huy Việt Minh đầy thán phục.

Trong cuốn hồi ký: “J'étais médecin à Dien Bien Phu” (Tôi là thầy thuốc ở Điện Biên Phủ), Thiếu tá, bác sĩ quân y Pháp Paul Grauwin kể lại: “vài tên lính bị thương nhẹ vừa lần được từ cứ điểm Bêatơrixơ về, cặp mắt giương to đầy vẻ kinh hoàng. Một trung úy bị thương ở chân, gọi tôi, báo cáo: “tôi bị Việt Minh bắt làm tù binh 3 giờ. Rồi họ thả cho tôi về, bảo đưa cái thư này cho Đại tá De Castries”. Tôi liền báo cáo lên sở chỉ huy. Trong thư, Việt Minh định rõ địa điểm chính xác trong ngày hôm đó, để chúng ta có thể chuyển một số lính bị thương về. Lơ Đamany được lệnh đi thu nhận số đó. Khoảng giữa trưa, anh ta đội mũ kê-pi chỉnh tề, đeo băng chữ thập đỏ vào cánh tay trái, đi lên xe “gíp” tải thương đến chỗ quy định để nhận số lính bị thương do Việt Minh thả”.

Trong các trận chiến ở giai đoạn 2 của chiến dịch, nhiều lần quân ta gửi thư cho De Castries, quy định thời gian đưa máy bay trực thăng đến lấy xác binh sĩ và đưa thương binh về chăm sóc. Chỉ khi trực thăng đi, cuộc chiến mới lại tiếp tục.

Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta bắt được nữ y tá của Pháp làm tù binh. Cô này đã viết thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh xin ân xá. Thư của cô được chấp thuận, cô đã cùng với các bác sĩ Việt Nam chăm sóc cho số tù binh bị thương. Sau này khi được phóng thích, cô vô cùng vui mừng, cảm ơn chính sách khoan hồng của những người bạn Việt Nam.

Hòa bình, trong nhiều hồi ký, các bài viết của các sĩ quan Việt Nam đã tả chi tiết việc đối xử nhân đạo của ta với tù binh, đặc biệt là De Castries khi bị “nhốt” tại nhà sàn ở Na Hang, Tuyên Quang. Trước tình trạng sức khỏe không tốt của vị tướng thất trận, cán bộ hỏi cung của ta lấy gạo rang xay như cà phê để ông ta sử dụng, tránh phù thũng. Có cán bộ còn vào bản mua dứa tươi để đãi De Castries...

Khó có thể nói hết những việc làm, thái độ nhân nghĩa của Bộ đội Cụ Hồ đối với tù, hàng binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Việc Quân đội ta trao trả cho quân Pháp toàn bộ tù, hàng binh sau khi đã giúp họ chữa trị và ổn định tinh thần là minh chứng sinh động về một dân tộc yêu chuộng hòa bình, coi nhân nghĩa là văn hóa gốc và luôn “Lấy chí nhân để thay cường bạo”.

Mẫu mực về văn hóa tự phê bình và phê bình

Chuẩn bị giai đoạn hai của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Tổng Tư lệnh chiến dịch đề ra 3 nhiệm vụ, trong đó nhiệm vụ xây dựng trận địa tiến công và đào hào bao vây là quan trọng nhất. Bộ đội ta đã lao động cật lực, đỉnh điểm là 18 giờ/ngày. 

Khi các đường hào đã vươn dài hàng chục ki-lô-mét trên cánh đồng Mường Thanh thì địch dùng pháo binh và không quân bắn phá ác liệt, đưa quân ra những trận địa gần để san lấp và gài mìn, ngăn quân ta đào tiếp.

18 giờ ngày 30-3-1954, đợt tiến công thứ hai của chiến dịch bắt đầu. Tuy giành nhiều thắng lợi nhưng ta chưa hoàn toàn đánh chiếm được đồi A1 và C1 - 2 điểm cao có giá trị chiến thuật mà cả địch và ta đều cho là quan trọng nhất. 

Chiến dịch phải kéo dài, máy bay địch tăng cường đánh phá các tuyến đường tiếp tế vận chuyển của ta. Mùa mưa đến sớm khiến việc bảo đảm gạo, đạn gặp khó khăn nghiêm trọng. Cán bộ, chiến sĩ ta sống trong chiến hào gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ. Lúc này đã manh nha những biểu hiện tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, như ngại gian khổ, ngại thương vong, chủ quan khinh địch...

Để xốc lại tinh thần bộ đội, toàn mặt trận diễn ra đợt tự phê bình và phê bình, chống hữu khuynh. Sự kiện này được nhiều cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy kể lại trong các hồi ức chiến trường. 

Trong cuốn “Chiến sĩ Điện Biên kể chuyện”, Đại tá Hoàng Minh Phương - nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, nguyên trợ lý Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ - kể lại: Đảng ủy chiến dịch đã báo cáo lên Ban Thường vụ Trung ương (nay là Bộ Chính trị) và đề nghị cho mở ngay tại mặt trận một đợt đấu tranh tự phê bình và phê bình. 

Hạ tuần tháng 4-1954, Đảng ủy chiến dịch triệu tập cán bộ chủ chốt ở các đơn vị và cơ quan từ cấp trung đoàn trở lên về Sở chỉ huy tại Mường Phăng để họp.

Tại hội nghị này, sau khi lãnh đạo các đơn vị và cơ quan tự kiểm điểm ưu, khuyết điểm của mình, sang ngày thứ ba, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư Tổng Quân ủy kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch - đã kết luận. 

Ở phần nói về khuyết điểm, Đại tướng phê bình nghiêm khắc nhiều tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ. Cuối hội nghị, Chủ nhiệm Chính trị Lê Liêm phát biểu triển khai nhiệm vụ, yêu cầu các chỉ huy đại đoàn tự phê bình mình và cấp mình cho sâu sắc, thành khẩn, rồi mạnh dạn thẳng thắn phê bình đồng chí khác và cấp dưới, trên tinh thần thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau...

Đồng chí Nguyễn Dũng Chi - nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 - kể lại hồi ức: “anh An, Trung đoàn trưởng khi kiểm tra trận địa, buộc lòng cách chức Đại đội trưởng Hướng về tội để lính Pháp chiếm mất đầu giao thông hào mà đội trưởng không dám dẫn tiểu đội phản kích chiếm lại”. 

Trong cuốn: “Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ”, Thiếu tướng Lê Chưởng - nguyên Chính ủy Đại đoàn 304 - viết: “qua cuộc đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, cán bộ, chiến sĩ ta thấm nhuần sâu sắc tầm quan trọng của việc xây dựng công sự. Sau mấy đợt chiến đấu, mọi người đều thấy rất rõ rằng: địch mạnh hơn ta về pháo binh, xe tăng, máy bay, nhưng địch bị bao vây, phạm vi hoạt động ngày một bị thu hẹp lại... nếu ta biết lợi dụng công sự mà sát thương tiêu hao nhiều địch và “thắt cổ” địch bằng cách bóp chết việc tiếp tế bằng máy bay của chúng, từ đó là cách dồn địch vào chỗ vô cùng khốn quẫn”.

Sau này, Đại tá Hoàng Minh Phương đánh giá: “chỉ sau hơn một tuần lễ, toàn mặt trận như có một luồng sinh khí mới, một sức bật phi thường để vượt qua gian khổ hiểm nguy, tiến lên giành toàn thắng! Những tấm gương chiến đấu dũng cảm phi thường đã trở thành những hiện tượng bình thường và ngày càng phổ biến. Trong nhiều trận đánh, ở những giây phút hiểm nghèo, thường vang lên tiếng thét:

“Ai là đảng viên cộng sản! Hãy dũng cảm tiến lên!”.

“Ai là những người theo Đảng! Hãy dũng cảm tiến lên!”.

Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã được kết nạp Đảng ngay tại mặt trận. Chưa chiến dịch nào xuất hiện nhiều anh hùng, dũng sĩ, nhiều gương hy sinh cao cả như Chiến dịch Điện Biên Phủ!”.

Đại tá Hoàng Minh Phương kết luận: cuộc đấu tranh chống hữu khuynh tiêu cực trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là một cuộc tự phê bình và phê bình mẫu mực, một trong những cuộc đấu tranh tư tưởng nội bộ nghiêm túc nhất, có hiệu quả nhất trong lịch sử xây dựng và chiến đấu của quân đội ta./.

Chủ đề: Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
6 May 2024
Tản văn
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)
Dừng chân (06/04/2024 16:59:15)