21/11/2024 | 14:48 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Huyện Ứng Hòa (thành phố Hà Nội): Phát triển công nghiệp văn hóa - tiềm năng và những định hướng

Lê Tuấn Vinh - Trần Thị Anh Trúc
TS, Phó Trưởng Khoa Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị khu vực I -ThS, Khoa Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị khu vực I
Huyện Ứng Hòa (thành phố Hà Nội): Phát triển công nghiệp văn hóa - tiềm năng và những định hướng Du khách thăm quan làng sản xuất hương tại xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa (thành phố Hà Nội)_Ảnh: kinhtedothi.vn
Phát triển công nghiệp văn hóa ở huyện Ứng Hòa (thành phố Hà Nội) là một định hướng quan trọng và phù hợp, vừa quán triệt các nghị quyết của Trung ương và thành phố, vừa khai thác tốt những tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương.

Nhiều tiềm năng lớn

Ứng Hòa là vùng đất cổ, với nhiều di tích, dấu ấn và truyền thống mang đậm nét văn hóa cổ xưa. Nơi đây có nhiều tiềm năng cho phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Một là, vốn văn hóa truyền thống của quê hương với sự phong phú về loại hình, tính độc đáo, hấp dẫn về nội dung. Số lượng di tích lịch sử, di tích văn hóa cách mạng, toàn huyện có 433 di tích trong đó có 68 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 105 di tích được xếp hạng cấp thành phố. 

Hầu hết các di tích xếp hạng cấp quốc gia đều là những di tích lịch sử, văn hóa có từ lâu đời với kiến trúc cổ kính, nổi bật như: Đình Hoàng Xá, thị trấn Vân Đình (xếp hạng di tích quốc gia năm 1962); Chùa Trần Đăng, xã Hoa Sơn (xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1988), Đền Hữu Vĩnh, xã Hồng Quang (xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1991)... 

Bên cạnh đó, Ứng Hòa còn nổi tiếng với các di tích: An toàn khu xứ ủy Bắc Kỳ; Bảo tàng và Tượng đài Khu Cháy; Bảo tàng quê hương chiếc gậy Trường Sơn... 

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 63 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 50 lễ hội, 8 nghề thủ công, 3 tập quán xã hội và 2 tri thức dân gian.

Địa phương có 21/21 làng nghề hoạt động có hiệu quả, nổi bật là làng nghề sản xuất tăm hương (xã Quảng Phú Cầu), may áo dài (xã Hòa Lâm), làm giày da (xã Minh Đức), làm đàn (xã Đông Lỗ)... 

Các cơ sở này góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và quảng bá sản phẩm thế mạnh của địa phương trên thị trường trong và ngoài nước.

Toàn huyện có 70 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 13 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 57 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Hai là, nguồn lực con người (đặc biệt là đội ngũ thế hệ trẻ) có tài năng và nhiều tiềm năng sáng tạo. Ứng Hòa là vùng đất văn hiến, có truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng. 

Nơi đây cũng là quê hương của nhiều nhân sĩ trí thức, anh hùng hào kiệt, chí sĩ cách mạng. Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, nhân dân Ứng Hòa vừa phải chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, vừa phải lao động sản xuất để xây dựng và phát triển quê hương. 

Hiện nay, những giá trị tài năng và nhiều tiềm năng sáng tạo của người dân Ứng Hòa tiếp tục được phát triển.

Ba là, sự đa dạng và tiềm năng to lớn từ thị trường trong nước. Đời sống vật chất của người dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu hưởng thụ về mặt tinh thần ngày càng phong phú, đa dạng, nâng cao hơn. 

Đây chính là động lực to lớn thúc đẩy ngành công nghiệp văn hoá phát triển, tạo ra những sản phẩm và dịch vụ văn hóa đa cấp độ và loại hình, kịp thời phục vụ nhu cầu chính đáng của nhân dân.

Bốn là, từ định hướng, quy hoạch phát triển của đất nước và Thủ đô. Trong định hướng Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Ứng Hòa nằm trong quy hoạch trục không gian phát triển phía Nam kết nối không gian sinh thái với cụm du lịch tâm linh tại huyện Mỹ Đức và tỉnh Hà Nam; nằm trên trục văn hóa Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính; kết nối di sản Thăng Long - Hoa Lư gắn với di tích Hương Sơn - Tam Chúc.

Năm là, sự đổi mới trong nhận thức và hành động của cấp quản lý ở địa phương. Trong định hướng phát triển chung của địa phương, Đảng bộ, chính quyền huyện Ứng Hòa luôn chú trọng khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế của quê hương, đặc biệt là các giá trị văn hóa truyền thống để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, từng bước nâng cao những đóng góp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Mục tiêu chung nhằm từng bước phát triển công nghiệp văn hóa của huyện cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, dần trở thành ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân, thúc đẩy phát triển du lịch.

Một số định hướng chính

Từ góc nhìn nghiên cứu, có một số định hướng tham khảo nhằm khơi nguồn giá trị văn hóa truyền thống quê hương, phát huy các tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa tại huyện Ứng Hòa.

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức lưu giữ, khơi nguồn, phát huy các giá trị văn hóa của quê hương. Văn hóa truyền thống quê hương chính là nguồn sức mạnh nội sinh, là điểm tựa quan trọng cho sự phát triển, vươn lên của huyện Ứng Hòa trong lịch sử, hiện tại và tương lai. 

Tự hào với các di sản văn hóa mà nhiều thế cha ông đã chắt lọc và trao truyền đặt ra trách nhiệm và ý thức với đối với toàn hệ thống chính trị, với mỗi xã/thị trấn và mỗi người dân, trực tiếp là vai trò lãnh đạo của Đảng bộ huyện.

Thứ hai, cần nhìn nhận xu thế phát triển chung của đất nước, của thành phố và các địa phương lân cận. Từ đó có tâm thế chủ động và sớm chuẩn bị những biện pháp, cách thức để khơi nguồn. 

Nhận thức các thế mạnh của địa phương là điều quan trọng, nhưng nhận diện các yếu tố thách thức tác động cũng là điều cần thiết. Ứng Hòa trong lịch sử và hiện tại luôn nằm ở vị trí giao thương và kết nối mạnh mẽ, ở trong khu vực địa lý sẽ có nhiều thay đổi trong tương lai. 

Quá trình đô thị hóa, sự chuyển dịch kinh tế, sự phát triển của khoa học công nghệ mà trực tiếp là chuyển đổi số, những biến động trong đời sống và lối sống người dân, những ảnh hưởng của hội nhập,... đều là những vấn đề tác động trực tiếp tới quá trình khơi nguồn các giá trị văn hóa để khơi dậy khát vọng phát triển quê hương.

Thứ ba, cần nhìn nhận văn hóa của quê hương Ứng Hòa nằm trong nhiều không gian văn hóa đan xen. Đó là văn hóa xứ Đoài, văn hóa đồng bằng Bắc Bộ, văn hóa của không gian miền núi. 

Điều này đặt ra yêu cầu về tính kết nối, liên kết vùng, trực tiếp là với các địa phương lân cận trong quá trình phát triển ngành công nghiệp văn hóa địa phương.

Thứ tư, tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế và phù hợp với đặc thù của huyện, như du lịch văn hóa, du lịch nông thôn, du lịch làng nghề, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực...

Thứ năm, chú trọng phát triển, đa dạng các nguồn lực phục vụ mục tiêu khơi nguồn các giá trị văn hóa xứ Đoài trên quê hương. 

Bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, của thành phố và của địa phương, cần khuyến khích sự tham gia của nhiều nguồn lực xã hội trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu quản lý. 

Để làm được điều này, cần nhanh chóng nghiên cứu và xây dựng kế hoạch để kêu gọi, thu hút các cá nhân, đơn vị đầu tư phục dựng đời sống văn hóa xứ Đoài trên quê hương, vừa nhằm mục đích văn hóa, vừa đem lại giá trị kinh tế./.

10 November 2024
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)