Hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng: Ẩn chứa bao điều kỳ thú
Giang Lam
Gần 30 năm qua, kể từ khi đưa các hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng vào khai thác du lịch đến nay đã có hàng chục triệu lượt du khách tham quan sự kỳ vĩ và độc đáo của thạch nhũ. Nhưng có rất ít du khách được nhìn thấy những điều kỳ lạ, kỳ thú trong hang động...
Ta thử tìm đến với những điều kỳ thú này qua thông tin và ảnh của các chuyên gia Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, các chuyên gia hang động Việt Nam và Công ty TNHH Chua Me Đất (Oxalis).
Khu vực núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng và hệ thống hang động ở đây là sản phẩm của lịch sử phát triển địa chất bắt đầu từ kỷ Ordovic cách 435 triệu năm. Các hang động được khởi đầu từ kỷ Devon cách đây 410 triệu năm cho đến kỷ Pecmi cách đây 250 triệu năm.
Theo thông tin từ ông Howard Limbert - chuyên gia hang động của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh - năm 1990, hệ thống hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng chính thức được thám hiểm, do Hội Nghiên cứu hang động Anh quốc và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện, bắt đầu từ động Phong Nha và hang Tối, với 7.950m hang động được khám phá.
Kể từ đó, Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh tiếp bước cùng các tổ chức khác và các trường đại học của Việt Nam tổ chức nhiều đợt tìm kiếm, khám phá hang động. Đến nay, đã phát hiện 425 hang động, đo vẽ được ở 389 hang động với tổng chiều dài 243km. Hơn 50 hang động đã đưa vào khai thác du khách và hơn 40 hang động có tiềm năng du lịch được khảo sát.
Hệ thống hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng được phân thành 3 kiểu: loại ướt đang hoạt động, loại hoạt động theo mùa và loại khô ngưng hoạt động. Thạch nhũ được phân ra 4 loại: thạch nhũ dạng mái và thác đá, thạch nhũ dạng phân tán, thạch nhũ kiến tạo và thạch nhũ do khoáng chất tích lắng...
Nhưng điều chúng ta nóng lòng muốn biết nhất, đó là có gì kỳ thú trong các hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng, ngoài thạch nhũ?
Cách đây độ 5 năm, Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đã phát hiện một chum sành mắc kẹt trên vách đá trong động Phong Nha. Điều này làm dấy lên nhiều đồn đại khá “nhạy cảm”, như là chum của Vua Hàm Nghi cất giấu vàng, chum cổ của người Chăm, chum thời kỳ Sa Huỳnh...
Vì sao lại có chiếc chum này trong động Phong Nha và nằm cách cửa động đến hơn 660m? Ông Trần Anh Tuấn - cựu Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình - cho biết là sau khi nghiên cứu, đối chiếu thì chum này do người ta đưa vào sử dụng, sau đó bỏ quên và bị nước lũ của sông ngầm trong động cuốn trôi vào động.
Bên trong chum không có gì ngoài bùn đất phù sa. Ban đầu có nghi vấn là một mộ vò, nhưng không phải. Sau đó được khẳng định là chum không phải kiểu của người Chăm, không thể có vào thời kỳ Sa Huỳnh, lại càng không phải là chum chứa vàng của Vua Hàm Nghi trong thời kỳ vua bôn tẩu từ Kinh đô Huế ra đất Quảng Bình, Hà Tĩnh để chống Pháp!
Trong động Phong Nha, có một đoạn vách đá có 97 ký tự Chăm. Những ký tự này đã trải qua gần 130 năm phát hiện và cố công giải nghĩa, nhưng đến nay vẫn khiến các nhà ngôn ngữ, các nhà khoa học xã hội Việt Nam, cũng như nước ngoài phải bóp trán đau đầu, vì không giải nghĩa được...
Ngược dòng lịch sử, theo nhiều nguồn tài liệu được ghi chép và trích dẫn, năm 1899 nhà truyền đạo người Pháp Léopold Cadière (L.C) đến Quảng Bình. Ông đã vào sâu hơn 600m trong động Phong Nha khảo sát. Tại điểm cuối chuyến đi, ông phát hiện 97 ký tự này...
Tháng 12-1899, L.C viết thư gửi Giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ (École Francaise d’Extrême-Orient, Pháp) là Louis Finot, báo tin về phát hiện quý báu trong động Phong Nha: “những gì còn lại đều rất quý giá đối với sử học. Giữ nó là giúp ích không ít cho khoa học”. Chính từ phát hiện này của L.C, khu vực hang có ký tự mới được đặt tên là Bi Ký như đang gọi ngày nay.
Từ năm 1924, có thêm nhiều nhà thám hiểm và học giả người Pháp, Anh như Barton, Antonie, M. Bouffie, Pavi, Golonbew, Finot,... lần lượt đến động Phong Nha. Riêng với 97 ký tự viết trên vách đá trong động Phong Nha, ngay từ chuyến khảo sát thời đó, ông Pavi cũng cho rằng rất khó đọc.
Cuối cùng, ông Pavi chỉ nhận ra được mấy chữ, và ông cho rằng đó là “capimala”. Năm 1995, đoàn công tác hỗn hợp do Giáo sư Trần Quốc Vượng có vào động nghiên cứu 97 ký tự chữ này. Giáo sư Trần Quốc Vượng cho biết nếu đó đúng là chữ “capimala” thì xác định có tính chất Phật giáo, là tên của một vị La Hán, tổ thứ 13.
Tháng 7-2015, nhóm chuyên gia về ngôn ngữ học của Trường Viễn Đông Bác Cổ lên chương trình nghiên cứu các ký tự văn bia của người Chăm ở hang Bi Ký. Bước đầu, Giáo sư Arlo Griffiths khẳng định là chữ viết của người Chăm vào những năm đầu thế kỷ XI.
Đây cũng là lần đầu tiên, ký tự trong hang Bi Ký được xác định niên đại với số liệu cụ thể nhất. Họ cam kết sẽ chuyển giao kết quả nghiên cứu cho Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, nhằm mục đích giới thiệu cho du khách biết có một nền văn hóa nằm sâu trong động Phong Nha.
Nhưng đến nay, nhóm của Giáo sư Arlo Griffiths vẫn chưa đưa cho Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng kết quả nào. Một điều ít người biết là trong động Phong Nha không chỉ có 97 ký tự này, mà phía sau vách đá này còn rất nhiều hàng ký tự khác nữa được viết.
Cách đây vài năm, có thêm một phát hiện mới trong động Phong Nha. Đó là tình cờ có người thấy một cột chữ dạng tượng hình trong hang Bi Ký. Do hàng chữ nằm ngay giữa kẹt hẹp của 2 cột nhũ, nên dù hàng triệu lượt du khách đã qua lại nhưng không ai thấy được.
Ông Trương Quang Phúc (Câu lạc bộ Hán - Nôm Quảng Bình) cho biết, đó là chữ Hán cổ. Ông Phúc dịch như sau: “Phong Nha lĩnh động tụ vi phong”, nghĩa là: “Khí thiêng hội tụ lại ở núi động Phong Nha tươi đẹp”.
Ở hang Bi Ký trong động Phong Nha còn có 1 viên gạch Chăm nằm lộ ra 1/2 trên lối đi, nhưng lâu nay không du khách nào biết đó là 1 viên gạch. Trong động Phong Nha có dấu tích ban thờ của người Chăm thờ Thần giữ động, cùng một pho tượng Chăm bằng đá, nhưng đã bị đổ vỡ từ lâu. Ban thờ được xây bằng gạch của người Chăm, nằm sâu cách cửa động độ 600m. Viên gạch này chính là còn lại của ban thờ đó.
Trong động Thiên Đường, có khá nhiều cột và mảng thạch nhũ lớn, rủ xuống như rèm. Nếu ta chiếu đèn vào nó sẽ ánh lên lóng lánh như đã được dát bạc lên. Có cột thạch nhũ ở phía dưới nhìn không khác gì một bàn chân voi.
Lại có chỗ trên nền động tựa như vừa có ai đó đắp nên một mô hình tường thành quân sự với đầy đủ các răng cưa làm chỗ chiến đấu. Có 1 hố thạch nhũ nhỏ, khi chiếu đèn vào thì đáy hố sẽ vàng rực lên như có ai đó đã nấu chảy vàng và đổ xuống đó.
Lạ nữa, trong động Thiên Đường hầu như tăm tối đã hàng trăm triệu năm qua, vậy mà có những loài cây nhỏ đang sinh sống tươi xanh trên nền động, bất chấp thiếu ánh sáng để quang hợp...
Trong hang Sơn Đoòng có một bức thạch nhũ cực kỳ lớn, được gọi là Bức tường Việt Nam. Bức tường có đoạn cao 25m, đoạn cao vừa 65m, đoạn cao nhất đến 90m. Bức tường như thế này hiếm có trong hang động trên thế giới.
Cũng trong hang Sơn Đoòng có nhiều nơi có các mảng chứa đầy thạch nhũ dạng trứng, nhìn vào không khác gì những quả trứng mà một đàn vịt vừa đẻ ra. Lại nữa, ở một hang động nằm tít trên vùng rừng núi đá cao như Sơn Đoòng, có ai từng nghĩ là thấy được hóa thạch của các loài giáp xác biển?
Còn hang Khe Tong, người ta phát hiện nhiều công cụ đá, có nhiều vết ghè đẽo, nhiều vỏ ốc, xương thú và đồ gốm vỡ. Đồ gốm ở đây có hoa văn hình sóng nước và dây thừng, chứng tỏ người Quảng Bình cổ đã từng sinh sống và có sự văn minh khá cao.
Ở hang Rào, người ta phát hiện có nhiều vỏ ốc núi và vỏ ốc nước ngọt đổ thành từng đống lẫn với mai rùa, xương các loại thú. Đó là dấu tích từ những bữa ăn của người Quảng Bình cổ xưa.
Trên đây mới chỉ là những điều ta thấy được. Quả là hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng đang chứa đựng lắm điều kỳ thú, chờ được khám phá...
Ông Howard Limbert nhận định: các hang động trong khối núi đá vôi Kẻ Bàng chắc chắn là một trong những khu vực đá vôi quan trọng nhất trên thế giới. Nó chứa đựng bao điều kỳ bí mà ta chưa thể biết hết./.









Các bài cũ hơn

