08/02/2025 | 09:43 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Giải Nobel văn học 2022: Cô gái nhà nghèo thành nhà văn đỉnh cao

Đăng Bẩy
Giải Nobel văn học 2022: Cô gái nhà nghèo thành nhà văn đỉnh cao Nữ nhà văn Pháp Annie Ernaux_Ảnh: TL

Nhà văn đấu tranh không mệt mỏi chống lại bất công xã hội

Annie Ernaux (tên thời con gái là Duchenne) sinh ngày 1-9-1940 tại thành phố Lillebonne, thuộc Normandy - nơi cha mẹ cô có một cửa hàng tạp hóa nhỏ kiêm quán cà phê mang lại thu nhập ít ỏi. Sau khi tốt nghiệp sư phạm với bằng cao cấp về văn học hiện đại tại Đại học Rouen và Bordeaux, bà làm việc tại một số trường trung học và cao đẳng rồi chuyển đến Trung tâm Quốc gia về đào tạo từ xa. Bà bắt đầu sự nghiệp văn chương năm 1974 với tác phẩm tự truyện Les Armoires vides (Tủ trống - những tên sách dẫn sau đều được tạm dịch), từ đó, cứ độ 2 - 3 năm bà lại cho trình làng tác phẩm mới, đến nay đã có trên 20 đầu sách, hầu hết do nhà xuất bản danh tiếng Gallimard ấn hành. Bà nổi tiếng ở nước Pháp quê mình và cũng nổi tiếng không kém ở những thị trường người đọc lớn nhất thế giới như Mỹ và Anh.

Song song với sự nghiệp sáng tác văn chương, Annie Ernaux là người đấu tranh không mệt mỏi chống lại phân biệt và bất công xã hội, đặc biệt tiên phong trong phong trào chống nạn bất bình đẳng giới. Năm 1984, bà thắng giải Renaudot nhờ tác phẩm tự truyện La Place (đã có bản dịch tiếng Việt Một chỗ trong đời do Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành). Tháng 4-2016, tác phẩm Mémoire de fille của bà xuất bản (bản dịch tiếng Việt Hồi ức thiếu nữ cũng do Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành), trong đó kể lại những ký ức của thời thiếu nữ 60 năm về trước, khi bà mới chỉ là cô gái 18 tuổi, được yêu và lần đầu tiên có mối quan hệ thể xác với một người đàn ông. Câu chuyện tình mù quáng này được kể lại như một ký ức về sự hổ thẹn, một vết thương day dứt, khó chữa lành hơn bất kỳ điều gì khác.

Nhưng tác phẩm nổi bật nhất của bà phải kể đến Les Années (Những năm tháng, 2008), phác họa một giai đoạn xã hội Pháp kéo dài từ thời hậu thế chiến cho đến ngày nay, giai đoạn 1941 - 2006, qua lăng kính ký ức, những ấn tượng trong quá khứ và hiện tại, thói quen văn hóa, ngôn ngữ, phim ảnh, sách vở, ca nhạc, đài phát thanh, truyền hình, tiêu đề quảng cáo và tin tức. Tác phẩm đã nhận một số giải thưởng văn học vào các năm 2008 và 2009. Năm 2008, bà nhận “Prix de la langue francaise” vinh danh toàn bộ sự nghiệp sáng tác văn chương, đến năm 2019, Những năm tháng được tạp chí Le Monde xếp vào danh mục 100 tác phẩm văn chương sáng giá của nền văn học Pháp. Năm 2019, bà lọt vào danh sách rút gọn cho Giải thưởng Booker quốc tế cho bản dịch từ cuốn sách đó. Trong năm 2011, bà xuất bản cuốn L’Autre Fille (Cô gái khác) như một lá thư gửi đến người chị gái đã mất của mình và tập hợp tất cả ghi chép, dự định, suy tưởng về sự nghiệp viết văn vào cuốn L’Atelier noir (Hội thảo đen) đồng thời xuất bản cuốn tự truyện Ecrire la vie (Viết về cuộc đời). Tác phẩm là sự tổng hợp hầu hết các bài viết cá nhân, những sổ nhật ký và nhiều hình ảnh của bà chưa từng công bố trước đó. Và mới nhất là cuốn tiểu thuyết Le jeune homme (Người đàn ông trẻ tuổi) được bà cho xuất bản năm 2022.

Phát minh ra hình thức tự sự mới

Các tiểu thuyết của Annie Ernaux hoàn toàn là tự truyện - bà mô tả trải nghiệm từ cuộc sống của chính mình, mỗi giai đoạn của cuộc đời đều được bà chọn kể lại trong một tác phẩm. Về đời sống của cha mẹ mình với tất cả những khó khăn đi kèm của cha mẹ trong La Place (Quảng trường, 1983), La Honte (Xấu hổ, 1997), về những năm tháng thiếu nữ trong Ce qu’ils disent ou rien (Những gì họ đã nói, 1977), về cuộc hôn nhân trong La femme gelée (Người đàn bà băng giá, 1981), về mối tình nồng cháy với một người đàn ông Đông Âu trong Passion simple (Niềm đam mê giản đơn, 1992), về căn bệnh Alzheimer trong Je ne suis pas sortie de ma nuit (Tôi đã không thoát khỏi đêm của mình, 1997), về cái chết của mẹ bà trong Une femme (Một người đàn bà, 1988), về căn bệnh ung thư vú trong L’usage de la photo (Sử dụng nhiếp ảnh, 2005)... Thậm chí bà đã biến trải nghiệm của chính mình về việc phá thai bất hợp pháp và đau đớn vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX trở thành chủ đề chính trong cuốn tiểu thuyết L’Événement (Sự kiện, 2001).

Một dòng văn xuôi hiện sinh với những khó khăn, tổn thương và hoàn toàn vô cảm về bản thân và những người như mình. Nhân vật chính của bà là một phụ nữ châu Âu xinh đẹp có định hướng và quan điểm truyền thống - cứ tưởng là con tin của sự lựa chọn xã hội, nhưng thực tế cô chưa bao giờ có lựa chọn. Ví dụ, nhân vật chính của Sự kiện là sinh viên Annie, cô ấy đang mang thai và hoàn toàn bế tắc: năm 1963, việc phá thai bị cấm, việc sinh ra một đứa trẻ buộc cô ấy phải bỏ dở việc học và khó có thể trở lại sau này. Cần phải lựa chọn giữa một nền giáo dục cho phép mình có được một công việc tốt và khẳng định một địa vị xã hội tốt, dẫu biết rằng việc phá thai bí mật sẽ tước đi cơ hội làm mẹ: việc học là giá trị của bản thân cô. Vào thời điểm khá muộn, cô gái tìm được địa chỉ của một bác sĩ chuyên thực hiện các ca phá thai bí mật bằng cách sử dụng thuốc xổ và ống thông. Bị cấm la hét, không được gây mê, thậm chí không được ngậm giẻ vào miệng, khuôn mặt méo mó vì đau đớn. Không giống như tiểu thuyết phụ nữ thuộc thể loại “kinh dị về phụ khoa”, Annie Ernaux tôn trọng ngữ điệu lạnh lùng... Thực ra đây là thông điệp nghệ thuật của bà. Tính xã hội hiện đại là mặt trái của trật tự thế giới gia trưởng cứng nhắc, đưa con người đến chỗ cô đơn, cô lập với cội nguồn, xung đột toàn cầu với bản chất và đạo đức của chính mình. Sau 20 năm, đạo diễn Audrey Diwan dựa trên cuốn sách này đã làm thành phim và nhận được Sư tử Vàng tại Liên hoan phim Venice-2021.

Sách của Annie Ernaux mở ra những cửa sổ tinh tế, sâu sắc nhất nhìn vào đời sống xã hội của nước Pháp hiện đại. Trong thế giới của cuộc tuần hành chiến thắng của làn sóng nữ quyền thứ ba, sự thừa nhận và tự nhận thức về sự tồn tại của phụ nữ, bà đã cho thấy thế giới được tạo ra như thế nào, theo những cách đơn giản và không phức tạp nhất, đồng thời hoàn toàn không có sự phiến diện, vị tha, chân thành quá mức làm mất đi chính khái niệm văn hóa. Annie Ernaux phát minh ra một hình thức tự sự mới, ký ức tập thể, vừa riêng tư nhưng lại có tính cộng đồng, để ghi lại thời gian đã trôi qua. Và điều đặc biệt quan trọng là Annie Ernaux đã làm gì với khái niệm thời gian về mặt này: giống như nhân vật văn học của chính mình, bà cho thấy hàng triệu phụ nữ và đàn ông bình thường đã sống, đang và sẽ sống ở đây, ký ức cá nhân của họ và những gì còn lại trong đó đúng là lịch sử của nền văn minh này.

Annie Ernaux lần này được giải có lẽ cũng nói lên một xu hướng mà Ủy ban Nobel muốn thu hút sự chú ý - cho dù thế giới có điên rồ đến đâu, thì châu Âu truyền thống tư sản vẫn là nguồn gốc chính của những bi kịch nhân loại. Ủy ban Nobel đã ghi nhận chính xác điều này ở Annie Ernaux và quyết định trao giải cho bà, “cho sự can đảm và độ chính xác về mặt lâm sàng, nhờ đó mà bà khám phá ra gốc rễ của sự xa lánh và những hạn chế chung của trí nhớ cá nhân”./.

29 August 2023
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)