Đoàn công tác Tạp chí Cộng sản thăm và làm việc tại tỉnh Hà Giang
Thu Thanh
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Khánh Lâm nhấn mạnh, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Tỉnh ủy Hà Giang đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2022 - 2025, trong đó có nội dung làm việc hôm nay là hoạt động tuyên truyền nội dung và kết quả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh Hà Giang, nhất là việc cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; tình hình, kết quả xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025.
Thực hiện chuỗi bài viết nâng tầm tổng kết thực tiễn - lý luận thiết kế theo các nội dung và mô hình phát triển, tập trung vào những điểm mới, sáng tạo có ý nghĩa định hình mô hình phát triển, phương thức phát triển, xu hướng phát triển của Hà Giang, nhất là việc phát triển kinh tế - xã hội, gắn với xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và bảo vệ Tổ quốc...Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, với ý chí quyết tâm và sự đoàn kết, thống nhất cao, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương được quán triệt, học tập, triển khai sâu rộng, cụ thể hóa bằng các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện có hiệu quả. Các cấp ủy quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14-6-2024, của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các Ban Đảng Trung ương và Tỉnh ủy; chỉ đạo nâng cao chất lượng chuẩn bị báo cáo chính trị, công tác nhân sự đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định của Đảng.
Công tác xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên gắn với kết nạp đảng viên mới được chú trọng. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng.
Quy mô nền kinh tế tăng khá, năm 2024 tăng gấp 1,4 lần so với năm 2020; cơ cấu kinh tế đa dạng và chuyển dịch tích cực, hướng đến công nghiệp và dịch vụ. Tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân giai đoạn 2020 - 2024 đạt 5,32% (năm 2024 đạt 6,05%). Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 39,3 triệu đồng, tăng 9,5 triệu đồng so với năm 2020.
Các tuyến đường giao thông từ quốc lộ, tỉnh lộ, đường tới huyện, xã, thôn bản được quan tâm đầu tư, nâng cấp, hoàn thành nhiều tuyến quan trọng. Hạ tầng lưới điện truyền tải và phân phối được đầu tư, hiện đại hóa; hạ tầng viễn thông được chú ý nâng cấp, góp phần thúc đẩy sản xuất và tiến bộ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Đến nay, 100% các sở, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện, xã đã sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng và ứng dụng chữ ký số trong xử lý văn bản điện tử. Kết quả đánh giá chất lượng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh xếp vị trí thứ 12/63 tỉnh, thành phố.
Công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả đáng kể, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm đều qua các năm (năm 2024 giảm 6,26%); giai đoạn 2024 - 2025 đã hoàn thành việc xóa hơn 19.500 nhà tạm và nhà dột nát, cải thiện đời sống người dân. Quy mô, mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được củng cố, sắp xếp tinh gọn, giảm 300 điểm trường, hình thành các cụm điểm trường cấp tiểu học, chuyển học sinh tiểu học từ các điểm trường về học tại trường chính.
Việc giữ gìn bản sắc văn hóa và phát triển du lịch đã khai thác tốt tiềm năng văn hóa, góp phần nâng cao đời sống của người dân và thu hút du khách, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Những năm qua, tỉnh đã lựa chọn những sản phẩm văn hóa để tạo thêm điểm nhấn cho phát triển du lịch.
Du lịch tỉnh Hà Giang có những bước chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thu hút đầu tư; tạo việc làm; đón ngày càng nhiều du khách quốc tế và nội địa. Mạng lưới kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển; các sản phẩm du lịch được hình thành và phát triển ngày càng đa dạng. Công tác xúc tiến, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch được đẩy mạnh. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng cao, lượng khách du lịch đến tỉnh giai đoạn 2020 - 2024 tăng bình quân 26%/năm.
Tỉnh luôn quan tâm đến hoạt động văn hóa, du lịch cộng đồng với những tiêu chí đánh giá cụ thể. Địa phương xây dựng được các đề án về nâng cao chất lượng phục vụ và hoạt động của các làng văn hóa du lịch cộng đồng. Hiện toàn tỉnh có 40 làng văn hóa du lịch cộng đồng được xác định và có 16 làng văn hóa được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang công nhận đạt tiêu chuẩn để phục vụ du khách. Bên cạnh đó, ngành văn hóa, du lịch cũng chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho các điểm du lịch cộng đồng.
Hiện sản phẩm du lịch cộng đồng của Hà Giang đang được xây dựng theo mô hình làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đồng thời, từng bước nâng cao chất lượng tiến tới áp dụng phù hợp một số tiêu chí trong xây dựng làng văn hóa du lịch theo tiêu chuẩn ASEAN. Ngoài ra, một số mô hình hiện được đầu tư theo hướng chất lượng cao hình thành hệ thống khu nghỉ dưỡng mini gắn với du lịch cộng đồng…
Bên cạnh những thành tựu đạt được, du lịch Hà Giang còn gặp nhiều khó khăn, thách thức và rào cản để có thể phát triển bền vững và đạt hiệu quả cao về kinh tế. Cơ sở hạ tầng giao thông còn khó khăn, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch. Chất lượng sản phẩm dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là thị trường khách du lịch ở tầm trung và cao cấp.
Ngoài ra, điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn nên việc tự đầu tư về cơ sở vật chất, tạo môi trường cảnh quan phục vụ khách du lịch còn ít. Công tác đào tạo nguồn nhân lực mặc dù đã được tăng cường nhưng chưa bảo đảm do nhận thức của người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, du lịch Hà Giang chưa xác định được mô hình đặc thù dựa trên lợi thế về tài nguyên du lịch địa phương, trùng lặp về sản phẩm, kém sức cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại. Nhiều địa điểm không phù hợp với lộ trình, định hướng tuyến du lịch, chưa thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp và du khách…
Để du lịch Hà Giang phát triển đúng hướng, hiệu quả và bền vững, thời gian tới, ngành tiếp tục chú trọng việc nâng cao chất lượng các dịch vụ, đặc biệt là việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho các điểm du lịch cộng đồng. Cùng với đó, ngành văn hóa, du lịch cũng tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giúp người dân hiểu thêm về giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào để góp phần gìn giữ và phát triển; từ đó trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng.
Hà Giang thường xuyên nằm trong danh sách các điểm đến lý tưởng do các tạp chí du lịch uy tín trên thế giới bình chọn: được Google Year In Search công bố đứng top 4/10 điểm du lịch nổi bật nhất; được hệ thống Booking.com công bố là 1 trong 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam năm 2024. Khách sạn Yên Biên Luxury được giải thưởng ASEAN trao giải Địa điểm tổ chức MICE ASEAN 2024 - Hạng mục Địa điểm tổ chức sự kiện; 3 homestay được nhận giải thưởng ASEAN năm 2025. Hà Giang được Tổ chức giải thưởng Du lịch thế giới vinh danh là “Điểm đến mới nổi du lịch hàng đầu châu Á năm 2023”, “Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á năm 2024”. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Hà Giang vinh dự nhận dược giải thưởng được xem như giải “Oscars của ngành du lịch thế giới”.
Bên cạnh chú trọng bảo tồn văn hóa phát triển du lịch, tỉnh Hà Giang thực hiện tốt việc phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc./.









Các bài cũ hơn



