“Bản diện kim cương” và “dòng tranh chân dung Ba Tỉnh”
Vũ Thanh Nhàn
Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh (Ba Tỉnh) sinh ra và lớn lên tại Nam Định - vùng đất địa linh nhân kiệt, với nền văn hóa, văn hiến lâu đời, nơi hội tụ tinh hoa chung đúc nên tài năng của nhiều bậc hiền tài. Ông là con thứ trong một gia đình có truyền thống hiếu học, thành đạt. Ba anh em trai đều có năng khiếu hội họa, còn người em gái lại là tiến sĩ vật lý.
Năm 1956, Đinh Quang Tỉnh được ra Hà Nội ăn học. Với thiên bẩm hội họa, bên cạnh học chuyên môn, ông còn say sưa học vẽ. Ông may mắn được nhà điêu khắc Nguyễn Thiện và họa sĩ Đỗ Tố giảng dạy cơ bản về hội họa trước khi tham dự khoá đào tạo chính quy.
Với tâm hồn và nhiệt huyết của tuổi trẻ, Đinh Quang Tỉnh tham gia phong trào vẽ tranh cổ động, châm biếm phục vụ sản xuất và chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Phát huy sở trường vẽ tranh châm biếm, ông trở thành cây bút biếm hoạ có uy tín của các báo: Văn Nghệ, Lao động, Nhân Dân, Hà Nội Mới...
Thời đó, nhiều tranh của ông gây ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc, như: Trí thức - Trí ngủ, Nghề tay trái cấp tính, Bao giờ cho đến ngày xưa, Phật Bà 1000 vú...
Đinh Quang Tỉnh cả đời gắn bó với hội họa, rồi tìm cho mình con đường riêng để chìm đắm trong nghệ thuật vẽ tranh chân dung, và thành công ở thể loại “bán thân” với kích thước tương đương hoặc lớn hơn người mẫu.
Ba Tỉnh nhiều lần tham gia triển lãm mỹ thuật lớn, nhưng ấn tượng sâu sắc về người họa sĩ tài danh chính là triển lãm cá nhân đầu tiên của ông năm 2009, nhân chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, mang tên “Bản diện kim cương bất hoại” - những gương mặt bền vững như kim cương, thời gian không thể phai mờ.
Triển lãm trưng bày gần 100 tác phẩm, gồm tranh sơn dầu, tranh bút sắt, ký họa, biếm họa đã đăng tải trên các báo... Tại lễ khai mạc, họa sĩ Vi Kiến Thành - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - nói: “đây là cuộc triển lãm tranh chân dung bằng màu dầu có một không hai tại Bảo tàng Mỹ thuật - ngôi đền nghệ thuật Việt Nam”.
Đinh Quang Tỉnh còn có một niềm vinh hạnh lớn lao của cuộc đời cầm cọ, đó là chân dung nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân (sáng tác năm 2001) - tác phẩm hội họa hy hữu của Việt Nam được giới thiệu trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. |
Theo quan niệm của họa sĩ Đinh Quang Tỉnh, đã là tranh chân dung thì vẽ phải giống mẫu, nhưng chỉ giống thôi là chưa đủ, mới chỉ dừng ở tả thực. Điều quan trọng là người nghệ sĩ bằng tài năng sáng tạo và kỹ thuật xử lý màu dầu, phải lột tả được cá tính, hồn cốt của nhân vật, đồng thời thể hiện được phong cách riêng, suy nghĩ, cảm xúc của người nghệ sĩ thì tác phẩm mới thành công.
Ông chia sẻ, vẽ tranh chân dung bằng màu dầu cũng giống như nhà văn viết tiểu thuyết về thân phận con người. Nhà văn có thể mặc sức khai thác mọi ngóc ngách đời sống con người, còn người họa sĩ thì bằng sắc màu có thể miêu tả trạng thái nhân vật, trực tiếp hoặc ẩn dụ, bay bổng phóng khoáng hay trầm lắng suy tư, thậm chí có thể vẽ từ trong khóe mắt đến sâu thẳm tâm hồn nhân vật mình yêu thích.
Một bức tranh có thể diễn đạt nhiều hơn hàng nghìn từ trên trang viết, miêu tả được những cảm xúc và suy nghĩ không thể nói thành lời.
Nghệ thuật vẽ tranh chân dung của Đinh Quang Tỉnh đã chứng minh cho sự tồn tại của vẻ đẹp ngôn ngữ hội họa cùng hồn cốt của tác phẩm, tình cảm của người sáng tạo hòa quyện làm một. Ông luôn ý thức được nội tâm nhân vật mình thể hiện mà chủ động bố cục hình ảnh cùng kỹ thuật điêu luyện để cho ra đời những tác phẩm có vẻ đẹp cốt cách khác biệt.
Ông là họa sĩ kết hợp hoàn hảo các yếu tố kỹ thuật sơn dầu cổ điển với chất liệu, thủ pháp hiện đại để có những tác phẩm nghệ thuật gây ấn tượng, chạm đến những điều kỳ diệu của tri giác người xem. Tranh chân dung của ông với kỹ thuật vẽ sáng - tối, hòa sắc hợp lý có độ tương phản rõ rệt, thường tạo ra ảo giác nổi trên bề mặt tranh, miêu tả ánh sáng một cách chính xác, tạo nên chiều sâu của tác phẩm là một thủ pháp “phù thủy” vi diệu.
Điểm đặc biệt là ông luôn “chớp” được cái “thần” toát ra từ đôi mắt của nhân vật, nhiều khi, chính tác giả cũng phải giật mình bởi nhân vật như bằng xương, bằng thịt từ trong tranh hiện ra. Mỗi tác phẩm là một cuộc trò chuyện không lời với người đối diện. Cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo có lần xem tranh của ông thốt lên: “người trong tranh là thật, còn người mẫu trở thành giả”!
Tranh chân dung là một loại hình nghệ thuật khó vào bậc nhất trong mỹ thuật tạo hình, mà vẽ bằng sơn dầu còn khó gấp bội. Nhưng họa sĩ Đinh Quang Tỉnh đã chọn suốt đời chỉ vẽ tranh chân dung màu dầu. Vài năm gần đây, những tác phẩm của ông, với cách thể hiện khác biệt, phối hợp tài tình đa chất liệu như: bút sắt phủ màu dầu, sơn dầu truyền thống điểm nhấn bút sắt,... thể hiện thật tỷ mỷ, công phu.
Với những tìm tòi mới, tranh chân dung của ông có lối đi riêng biệt - rất thật, rất giống, đạt được hiệu ứng thẩm mỹ bất ngờ, đưa nghệ thuật đến độ không tưởng; mỗi tác phẩm nghệ thuật là một dấu ấn cá nhân, lời nói riêng biệt trong bản hợp xướng mỹ thuật đương đại.
Tranh của ông không chỉ là việc vẽ hình, mà còn là cách để người xem nhìn thấy thế giới từ một góc độ khác biệt. Bởi nghệ thuật khắc họa chân dung của ông không chỉ là việc tạo ra cái mới, mà còn nhìn thấy điều cũ từ một góc nhìn mới.
Có lẽ ít người biết điều đặc biệt trong sự nghiệp hội họa của Đinh Quang Tỉnh khi phục dựng lại chân dung một số liệt sĩ, người quá cố mà có rất ít hoặc không có tư liệu nhận dạng: dường như ông là sứ giả hội họa, là thực thể siêu nhiên kết nối thiên đường với nhân giới, để vẽ chân dung người đã khuất mà không có di ảnh, chỉ còn hình dung, theo hồi tưởng của người kể...
Các tác phẩm thành công có thể nhắc đến như chân dung nhà văn - liệt sĩ Nam Cao dựa theo di ảnh và người mẫu là cháu họ của nhà văn Nam Cao; chân dung nữ văn công quân đội Tố Quyên dựa theo mô tả của Giáo sư Phạm Việt Hưng về mối tình đầu của ông cách nay đã gần 60 năm và một số chân dung liệt sĩ khi vẽ chỉ dựa vào đặc tính trên gương mặt của người thân mà phóng tác... Không thể tả xiết niềm xúc động và những giọt nước mắt nghẹn ngào của những người ruột thịt khi gặp lại người đã khuất hiện về trong tranh.
Giờ đây, khi đã qua tuổi “xưa nay hiếm” và tròn 15 năm sau triển lãm cá nhân lần đầu tiên, họa sĩ Đinh Quang Tỉnh lại vui mừng báo tin đến người thân, bạn bè đồng nghiệp và công chúng yêu hội họa: triển lãm nghệ thuật vẽ tranh chân dung mang tên “Bản diện kim cương” của ông sẽ diễn ra vào đầu tháng 10-2024 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm trưng bày 70 tranh chân dung đặc sắc được tuyển chọn từ trên 100 tác phẩm mang phong cách hội họa cổ điển nhưng đậm chất hiện thực và đương đại.
Lawrence Ferlinghetti - nhà thơ, họa sĩ, nhà hoạt động xã hội người Mỹ nổi tiếng - từng nêu một chân lý trí tuệ và sâu sắc: “hội họa phải đạt được sự thấu hiểu qua tự thân nó, không cần tới giải thích, và thi ca cũng vậy. Nếu một bài thơ hay một bức họa cần phải được giải thích thì đó là thất bại trong giao tiếp”.
Đây cũng chính là cốt lõi tư tưởng làm nên phong cách riêng biệt khẳng định sự độc đáo của “dòng tranh chân dung Ba Tỉnh” sẽ được giới thiệu trong triển lãm nghệ thuật vẽ tranh chân dung mang tên “Bản diện kim cương”./.









Các bài cũ hơn



