22/12/2024 | 00:08 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Tăng thiết giáp (5-10-1959 - 5-10-2024): Rạng ngời truyền thống vẻ vang “Đã ra quân là đánh thắng”

Đỗ Đình Thanh
Thiếu tướng, Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp
65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Tăng thiết giáp (5-10-1959 - 5-10-2024): Rạng ngời truyền thống vẻ vang “Đã ra quân là đánh thắng” Lễ đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất và Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống của Bộ đội Tăng thiết giáp_Ảnh: T.G
Suốt 65 năm kể từ khi thành lập, bộ đội tăng thiết giáp luôn nỗ lực, cố gắng xây dựng, củng cố, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống vẻ vang “Đã ra quân là đánh thắng”…

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng ta chủ trương xây dựng lục quân cách mạng, chính quy và tương đối hiện đại, có bộ binh, pháo binh và một số binh chủng bảo đảm, như: Thiết giáp, Không quân, Hải quân.

Thực hiện chủ trương đó, sau một thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 5-10-1959, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập trung đoàn xe tăng đầu tiên lấy phiên hiệu 202. Sự ra đời của Trung đoàn xe tăng 202 là một sự kiện lịch sử đánh dấu bước phát triển của quân đội ta, là cơ sở quan trọng cho sự ra đời Binh chủng Tăng thiết giáp sau này. Kể từ đây, trong đội ngũ trùng điệp của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng có thêm sự góp mặt của một lực lượng non trẻ nhưng tràn đầy nhiệt huyết cách mạng, đó là lực lượng tăng thiết giáp (TTG) chiến đấu bằng vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại.

Ngay sau khi thành lập, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn TTG 202 đã nỗ lực, cố gắng xây dựng, củng cố, vừa huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, vừa tham gia chiến đấu bảo vệ miền Bắc; nhiều đoàn cán bộ, chiến sĩ TTG đã lên đường vào chiến trường miền Nam trực tiếp chiến đấu “Lấy xe tăng địch đánh địch”.

Ngày 22-6-1965, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 101 thành lập Bộ Tư lệnh Thiết giáp, gồm 3 cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần - Kỹ thuật, 2 trung đoàn xe tăng (202 và 203), 1 tiểu đoàn huấn luyện và một số đơn vị trực thuộc, có nhiệm vụ: “lãnh đạo, chỉ huy, xây dựng và quản lý các đơn vị xe tăng, thiết giáp dự bị của Bộ và làm tham mưu cho Bộ về Binh chủng Thiết giáp”. Sự kiện lịch sử này đánh dấu giai đoạn phát triển mới của Bộ đội Thiết giáp.

Đầu năm 1967, tình hình cách mạng nước ta có bước phát triển mới, xuất hiện thời cơ chiến lược lớn, Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 12-1967 xác định “nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đưa cuộc chiến tranh cách mạng lên một bước cao nhất bằng phương pháp tổng khởi nghĩa, tổng công kích giành thắng lợi quyết định”.

Thực hiện chủ trương trên, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, bằng tác chiến hiệp đồng Binh chủng quy mô lớn, nhằm thu hút, giam chân phần lớn lực lượng cơ động của Mỹ - Ngụy trên hướng Bắc, tạo điều kiện cho các hướng khác tiến công và nổi dậy trong dịp Tết Mậu Thân - năm 1968.

Niềm mong ước cháy bỏng được xuất trận lập công của Bộ đội xe Tăng đã trở thành hiện thực. Ngày 5-8-1967, Bộ Tư lệnh Thiết giáp được Bộ Quốc phòng ra lệnh đưa 2 đại đội xe tăng vào chiến trường miền Nam chiến đấu.

Nhận và quán triệt mệnh lệnh của trên, Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh Binh chủng xác định: “mặc dù mới chỉ đưa một lực lượng nhỏ đi chiến đấu, nhưng phải kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ cao nhất vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, quyết tâm đánh thắng ngay từ trận đầu, vừa để xây dựng truyền thống của Binh chủng, vừa để rút ra những kết luận, kinh nghiệm thực tiễn cho việc xây dựng, huấn luyện Binh chủng trong thời gian tới”.

Với quyết tâm đó, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh quyết định sử dụng Đại đội tăng 3 và Đại đội tăng 9 thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 203, tổ chức thành tiểu đoàn thiếu, lấy phiên hiệu Tiểu đoàn tăng 198, gồm: 22 xe tăng PT-76, quân số, vũ khí, khí tài đầy đủ để thực hiện nhiệm vụ này.

Ngày 1-10-1967, Tiểu đoàn bắt đầu hành quân với quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” cùng tinh thần “Mở đường mà đi, đánh địch mà tiến”, qua 50 ngày đêm hành quân trong điều kiện địa hình phức tạp, không quân địch đánh phá ác liệt, Tiểu đoàn đã vượt qua chặng đường dài hơn 1.000km, từ Lương Sơn (Hoà Bình) đến Đường 9 - Nam Lào, vào khu tập kết chiến dịch, giữ được bí mật, an toàn. Đây được coi là cuộc hành quân lịch sử bằng xích của xe tăng ta.

Thành công của cuộc hành quân không chỉ được tính bằng chiều dài của mỗi cung đường, vòng quay của xích sắt xe tăng đã đi qua, mà còn thể hiện rõ nét độc đáo, sự sáng tạo cùng quyết tâm cháy bỏng của cả một thế hệ cán bộ, chiến sĩ TTG - những người đã đặt những viên gạch đầu tiên để xây nên truyền thống vẻ vang của Binh chủng Anh hùng.

Theo kế hoạch tác chiến chiến dịch, đêm 23 rạng sáng ngày 24-1-1968, Đại đội tăng 3 được giao nhiệm vụ phối thuộc cho Trung đoàn Bộ binh 24, Sư đoàn 304 tiến công tiêu diệt cứ điểm Tà Mây và giành thắng lợi giòn giã. Chiến thắng Tà Mây đã tạo được niềm tin tưởng bước đầu về sức mạnh đột phá của bộ đội xe tăng trong chiến đấu hiệp đồng binh chủng; đồng thời rút ra những bài học thực tiễn cho bộ đội xe tăng bước vào trận đánh tiếp theo.

Sau chiến thắng Tà Mây, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định đưa cả Tiểu đoàn tăng 198 tham gia chiến đấu cùng Trung đoàn Bộ binh 24, Sư đoàn 304 và Tiểu đoàn 3 của Sư đoàn 325, tiến công tiêu diệt cứ điểm Làng Vây.

17 giờ ngày 6-2-1968, trận tiến công cứ điểm Làng Vây bắt đầu. Lợi dụng hỏa lực của pháo binh, 2 đại đội tăng nhanh chóng cơ động chiếm tuyến triển khai xung phong. Đúng 23 giờ 15 phút, Sở Chỉ huy phát tín hiệu xung phong. Trên cả 2 hướng, lực lượng xe tăng đã hiệp đồng chặt chẽ với bộ binh, vận dụng linh hoạt các hình thức, thủ đoạn chiến đấu tiến công tiêu diệt địch. Đến 3 giờ ngày 7-2-1968, ta đã làm chủ trận địa, tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn Ngụy phòng ngự trong công sự vững chắc, bắt sống gần 600 tên địch, thu toàn bộ vũ khí trang bị.

Chiến thắng Tà Mây - Làng Vây phá vỡ một mảng lớn tuyến phòng thủ chiến lược Đường 9 của Mỹ - Ngụy, góp phần vào chiến công vang dội của quân và dân cả nước trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân - 1968. Đây là chiến công đầu của Bộ đội Tăng thiết giáp, là trận đánh điển hình về sự sáng tạo trong cơ động lực lượng; sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ và hiệu quả giữa xe tăng với bộ binh, công binh và các lực lượng khác trong tác chiến hiệp đồng binh chủng; góp phần làm rạng rỡ lịch sử truyền thống của quân đội ta; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, trong đó có Binh chủng Thiết giáp; khẳng định sự sáng suốt trong quyết định thời cơ sử dụng lực lượng thiết giáp tham gia chiến đấu để giành thắng lợi quyết định, là cơ sở thực tiễn đầu tiên về nghệ thuật tác chiến của xe tăng, của chỉ huy Binh chủng hợp thành có xe tăng tham gia, giúp việc nghiên cứu, chỉ đạo huấn luyện, xây dựng, sẵn sàng chiến đấu của Binh chủng Tăng thiết giáp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc sau này.

Chiến thắng Tà Mây - Làng Vây còn là sự kết tinh của 9 năm rèn luyện gian khổ, mư­u trí sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ. Là chiến thắng khởi nguồn cho truyền thống vẻ vang “Đã ra quân là đánh thắng” của Bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam Anh hùng.

Phát huy thành tích ra quân đánh thắng trận đầu, với khí thế thi đua giết giặc lập công, Bộ đội Tăng thiết giáp đã liên tiếp tham gia chiến đấu và giành thắng lợi ở Mường Sủi, Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, Đường 9 Nam Lào. Năm 1972, Bộ đội Tăng thiết giáp đã có sự phát triển mạnh về lực lư­ợng tham gia chiến đấu giành thắng lợi trên khắp các chiến trường như: Trị Thiên, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ...        

Đặc biệt, trên mặt trận Tây Nguyên, trong trận đánh vào căn cứ Đắc Tô - Tân Cảnh ngày 24-4-1972, kíp xe tăng 377 đã nêu tấm gương oanh liệt sáng ngời về tinh thần quả cảm, ý chí kiên cường và lòng dũng cảm, 1 xe cũng kiên quyết tiến công, tiêu diệt 7 xe tăng của địch, góp phần cùng đồng đội và các đơn vị bạn diệt gọn 2 Trung đoàn Bộ binh và 2 Chi đoàn Tăng thiết giáp của địch, làm chủ hoàn toàn căn cứ Đắc Tô 2.

Từ năm 1973 đến cuối năm 1974, lực lư­ợng Tăng thiết giáp tiếp tục có bư­ớc phát triển nhanh, từ 4 trung đoàn thành 9 trung, lữ đoàn tăng, nằm trong biên chế của các quân khu, quân đoàn và mặt trận, sẵn sàng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tháng 3-1975, trong chiến dịch Tây Nguyên, Bộ đội Tăng thiết giáp cùng các đơn vị bạn tiến công dũng mãnh, đột phá mạnh, thọc sâu nhanh, đập tan sức kháng cự của Sư­ đoàn 23 Ngụy và các lực lượng khác của địch, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, truy kích địch rút chạy trên đường số 7, tiến xuống đồng bằng giải phóng Phú Yên, Khánh Hòa, hoàn thành thắng lợi chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, tạo điều kiện và thời cơ chiến lược lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Với quyết tâm “Thần tốc - Táo bạo - Quyết thắng”, Bộ đội Tăng thiết giáp cùng Binh chủng hợp thành liên tiếp tiến công giải phóng Huế, Đà Nẵng, Phan Rang, Phan Thiết và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, mở rộng hành lang phía Bắc; đè bẹp cụm phòng ngự kiên cố của địch ở Xuân Lộc, mở toang cánh cổng phía Đông Sài Gòn, để chuẩn bị cho đòn tiến công chiến lược cuối cùng.

Trong khí thế chiến thắng dồn dập trên khắp miền Nam, các đơn vị TTG phía sau cũng nô nức chuẩn bị lên đ­ường đi chiến đấu, nhiều Tiểu đoàn TTG của Lữ đoàn 201, 215, Trung đoàn 206 và toàn bộ Lữ đoàn 202 nằm trong đội hình của Quân đoàn 1 (nay là Quân đoàn 12) đã thần tốc vào Nam. Toàn lực lượng TTG bừng bừng khí thế cùng cả dân tộc ra quân đánh giặc.

17 giờ ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu, Bộ đội Tăng thiết giáp với gần 400 xe tăng, xe thiết giáp đã hiệp đồng chặt chẽ với bộ binh và các quân, binh chủng bạn, phát huy sức cơ động cao và hỏa lực mạnh, dẫn đầu 5 cánh quân trên cả 5 h­ướng tiến công giải phóng Sài Gòn, với các nhiệm vụ chủ yếu là thọc sâu đánh chiếm Bộ tổng Tham mưu Ngụy, Dinh Tổng thống Ngụy quyền, Bộ Tư lệnh biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát và Sân bay Tân Sơn Nhất.

Đúng 10 giờ 45 phút, ngày 30-4-1975, xe tăng ta dẫn đầu đội hình tiến công đã dũng mãnh húc tung cánh cổng sắt tiến vào Dinh Tổng thống Ngụy quyền, buộc nội các Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Đến 11 giờ, Trung úy Bùi Quang Thận - Đại đội trưởng Đại đội tăng 4 - vinh dự cắm lá cờ giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu giờ toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Hình ảnh những chiếc xe tăng mang số hiệu 390 và 843 dũng mãnh húc đổ cánh cổng sắt Dinh Tổng thống Ngụy quyền đã đi vào lịch sử dân tộc như­ một biểu tượng của sức mạnh chiến thắng, là niềm tự hào của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Sau chiến thắng 30-4-1975, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch vẫn luôn tìm mọi cách chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng phát động cuộc chiến tranh xâm lư­ợc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc n­ước ta. Trư­ớc tình hình đó, toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta lại phải cầm súng chiến đấu, bảo vệ biên cương của Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế.

Lực lượng TTG đã phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đập tan cuộc tiến công xâm lược trên tuyến biên giới Tây Nam; cùng quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia, chiến đấu giải phóng đất nước, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

Trên tuyến biên giới phía Bắc, bộ đội TTG cùng các lực lượng vũ trang Quân khu 1, Quân khu 2 và các lực lượng quân, binh chủng bạn anh dũng chiến đấu, ngăn chặn kịp thời các hướng, mũi tiến công của địch, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Những chiến công của bộ đội TTG trong chiến tranh bảo vệ biên giới và thực hiện nghĩa vụ quốc tế một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò và sức mạnh đột kích của mình, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của dân tộc, quân đội và truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của Bộ đội TTG Việt Nam Anh hùng.

Bư­ớc vào thời kỳ đổi mới, Binh chủng Tăng thiết giáp luôn quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, trực tiếp là của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Chủ động tham mưu cho Bộ điều chỉnh tổ chức, biên chế các đơn vị TTG toàn quân và xây dựng, phát triển lực lượng trong Binh chủng bảo đảm “Tinh, gọn, mạnh”, phù hợp với thế bố trí chiến lược của TTG trên địa bàn cả nước…

Binh chủng và lực lượng TTG toàn quân đã duy trì nghiêm túc các nền nếp, chế độ sẵn sàng chiến đấu, thường xuyên rà soát, bổ sung và luyện tập thành thục các phương án, không để bị động bất ngờ, tích cực tham gia giúp đỡ nhân dân phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, dịch bệnh.

Đổi mới nội dung, chương trình huấn luyện đáp ứng yêu cầu chiến tranh công nghệ cao, tăng cường huấn luyện thực hành, huấn luyện đêm, huấn luyện A2, kết quả 100% các khoa mục đạt yêu cầu, có trên 85% khá, giỏi; tham gia hội thao, hội thi cấp toàn quân đều đạt giải cao; nhất là tham gia hội thao quân sự quốc tế do Liên bang Nga tổ chức, với trách nhiệm chính trị cao và truyền thống quyết thắng; đội tuyển xe tăng Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giành Huy chương Bạc năm 2019 và Huy chương Vàng năm 2020.

Cùng với không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; thực hiện hiệu quả phương châm “Chất lượng đào tạo của Nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, Binh chủng còn thường xuyên coi trọng xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần; tích cực quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Các tổ chức Đảng đạt trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; tổ chức chỉ huy, quần chúng vững mạnh; cán bộ, chiến sĩ luôn có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; mối quan hệ quân dân ngày càng được củng cố và phát triển, thực sự là những điểm sáng văn hóa trên địa bàn đóng quân…

Quán triệt thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 1656 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác kỹ thuật đến năm 2030 và những năm tiếp theo và Cuộc vận động 50, Binh chủng thường xuyên bảo đảm kịp thời trang bị kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phát triển sâu rộng đạt kết quả tốt. Hệ thống khu xe, kho, trạm, xưởng được xây dựng cơ bản, thống nhất, chính quy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong 65 năm qua, Bộ đội Tăng thiết giáp đã có 44 lượt tập thể, 16 cá nhân vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hàng trăm lượt tập thể, hàng nghìn lượt cá nhân được tặng huân, huy chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đặc biệt, đã có thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu góp phần vào sự nghiệp xây dựng quân đội; củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc, năm 2024 Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho Binh chủng Tăng thiết giáp.

Trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, bộ đội TTG với khí thế của thời kỳ mới, sức đột kích mới quyết tâm xây dựng Binh chủng và lực lượng TTG toàn quân vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đủ khả năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cụ thể là:

1. Quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; tập trung xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, có quyết tâm và trách nhiệm cao trong công tác, học tập và rèn luyện; sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

2. Tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp về phẩm chất, năng lực, phương pháp tác phong công tác; tiến hành có chất lượng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng; xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, các tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

3. Thực hiện tốt chức năng tham m­ưu cho Bộ Quốc phòng về tổ chức, xây dựng lực lượng, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng TT toàn quân. Nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, chất lượng huấn luyện - đào tạo lên một bước mới, thực hiện thắng lợi chủ trương xây dựng Binh chủng tinh, gọn, mạnh, chính quy, hiện đại, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

4. Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”. Thường xuyên duy trì đủ số lượng, chất lượng vật chất hậu cần sẵn sàng chiến đấu, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, tích cực, chủ động khai thác bảo đảm hậu cần thường xuyên, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả xăng dầu, tài chính cho các nhiệm vụ.

5. Tiếp tục thực hiện tốt Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí thiết bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”; bảo đảm kịp thời, đầy đủ, đồng bộ trang bị kỹ thuật cho các nhiệm vụ. Tích cực cải tiến, hiện đại hóa xe tăng, xe thiết giáp. Tổ chức huấn luyện, khai thác, sử dụng xe TTG thế hệ mới đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài./.

4 October 2024
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)