09/04/2025 | 12:29 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Quê ngoại

Tạ Nam Sơn

Ngày bé, mỗi một lần được theo bầm (quê tôi gọi mẹ là bầm) về quê ngoại, tôi vui lắm.

Nhà tôi ở trong đồi, quê ngoại tôi ở mãi ngoài bờ đê sông Hồng. Từ nhà tôi ra đến quê ngoại có dễ chỉ hai cây số. Con đường từ nhà tôi về quê ngoại đi giữa một bên là dòng nước quanh năm ăm ắp của con ngòi, một bên là cánh đồng màu mỡ, bốn mùa xanh lúa, xanh ngô. Tôi chân đất, vừa đi, vừa chạy lon ton theo bầm. Lúc tạt ngang, tạt ngửa, nhòm chỗ nọ, ngó chỗ kia. Có lúc chạy lên phía trước, đuổi bướm, đuổi chim, hay tụt lại sau, săn bắt cào cào, châu chấu. Chạy một hồi mỏi chân, tôi đòi bầm cõng. Bầm tôi bảo:

- “Bầm có hai chân, con cũng có hai chân, sao không tự đi mà bắt bầm cõng?”.

- “Nhưng tại chân con mỏi quá rồi!”.

Tôi bám tay bầm nũng nịu. Bầm bảo:

- “Chạy cho lắm vào thì mỏi chân chứ sao. Cứ đi đều đều như bầm có phải vừa không mỏi chân, vừa đi được xa không? Đòi cõng thì lần sau bầm không cho đi theo ra quê ngoại nữa đâu đấy!”.

Nói vậy nhưng bầm vẫn ngồi xuống, bảo tôi trèo lên lưng, rồi hẹn:

- “Bầm chỉ cõng một đoạn cho con đỡ mỏi rồi con phải xuống đi đấy nhá!”.

Tôi vâng, vừa cười hì hì vừa trèo rõ nhanh lên lưng bầm. Được vài chục bước chân, thấy bầm vừa cõng tôi, vừa xách đồ, tôi đòi bầm cho xuống để đi. Xuống khỏi lưng bầm, tôi còn đòi bằng được để xách đỡ bầm mấy quả dứa làm quà. Bầm mắng yêu: “cái thằng này, rõ là...!”.

Về quê ngoại nhưng tôi không còn được gặp ông, bà ngoại. Bầm tôi bảo, ông ngoại tôi mất lâu lắm rồi, từ hồi trước Cách mạng, còn bà ngoại tôi mất ngay sau hồi Cải cách. Tôi chỉ còn được gặp các cậu, mợ, dì, dượng, tức là các em trai, em dâu, em gái, em rể của bầm. 

Tôi thấy ai cũng hiền, cũng đẹp, cũng yêu tôi, nhất là mợ Linh. Mợ tôi đẹp lắm, khuôn mặt trái xoan phúc hậu, da trắng như trứng gà bóc, ăn nói nhỏ nhẹ, chẳng thấy gắt gỏng với ai bao giờ. Mợ gọi tôi là “cu Tí”. Đến bữa, mợ luôn gắp cho tôi thức ăn ngon. Mợ bảo: “cu Tí, ăn khoẻ vào để mà mau lớn, học cho giỏi, nay mai đi đại học, làm kỹ sư, bác sĩ, lấy tiền về nuôi thầy, bầm nhá!”. Tôi chỉ thưa "vâng" thật khẽ, mà trong bụng đã thầm hứa với mợ là sẽ cố gắng để làm được như lời mợ dặn.

Bao giờ về quê ngoại, tôi cũng được theo bầm đến thăm từng nhà các cậu, mợ, các dì, dượng. Mẹ bảo: “đã về đây phải cố mà đi hết mọi nhà, không có các cậu, mợ, các dì, dượng lại trách!”. Được cái, nhà các cậu, các dì cũng không xa nhau lắm, cùng trong một làng hay ở ngay làng bên. Đến nhà nào, các cậu, các dì cũng giữ bầm con tôi ở lại ăn cơm, còn cho gạo, đỗ, ngô, khoai,... để mang về làm quà. 

Nhưng tôi thích nhất là đi đến đâu cũng được nghe bầm tôi kể những chuyện ngày xưa của bầm ở quê ngoại. Chuyện bầm cõng em đi chơi, nấu nước giúp ông ngoại tiếp khách, bắt ốc ở đồng trong, hái rau sam, rau dền ở bãi sông... Tôi nhớ nhất câu chuyện về cái đận bầm suýt chết đuối ở cống Vĩnh Mộ.

Bầm tôi kể, trưa hôm ấy, bầm tôi - cô bé chưa đủ chục tuổi đầu - mang chậu quần áo ra ngòi để giặt, lóng ngóng thế nào để chậu quần áo trôi xuống ngòi. Bầm tôi lội xuống mé nước để níu lấy chậu quần áo, không may trượt chân ngã luôn xuống ngòi và trôi tuột theo dòng nước đang chảy xiết vào cửa cống. Nhiều người nhìn thấy bầm tôi rơi xuống nước mà không ai dám nhảy xuống cứu vì nước đang chảy quá mạnh, lại ngay gần cửa cống qua đê, có bơi giỏi đến mấy cũng bị hút vào cống mà chết. 

Lúc đó, có người đã chạy về báo tin cho ông, bà ngoại tôi. Ông, bà ngoại chạy ra bờ ngòi cũng chỉ đứng nhìn mà khóc, kêu trời, không biết làm gì hơn. Ai cũng khuyên ông, bà ngoại tôi nên về thuê người tìm xác con và chuẩn bị làm tang...

Vậy mà bầm tôi vẫn sống. Bầm tôi bảo, lúc ngã xuống nước cũng sợ lắm, nhưng vốn dĩ biết bơi nên bầm tôi nằm ngửa mặt lên trời, mặc cho dòng nước cuốn trôi vào cống. May mà khi đó, mực nước chưa kín hết đến nóc vòm cống. Bầm đưa một tay lên che trên trán cho khỏi sát mặt vào vòm cống, một tay vừa khua nước, vừa đẩy vào thành cống. Cứ thế, bầm trôi qua cống, ra cửa ngòi, ra đến sông, rồi bíu được vào dây neo của con thuyền thoi đang đậu ở ven sông mà leo lên bờ. Bầm tôi chạy về nhà, mếu máo, lo sợ ông, bà đánh mắng vì để mất quần áo. 

Thấy bầm tôi ướt lướt thướt chạy về, bà ngoại chạy ra ôm lấy, vừa khóc, vừa kêu: “ối giờ ơi, làm thế nào mà con sống được vậy? Mẹ đã tưởng phải lo ma cho con rồi. Rõ là nhà mình còn đại phúc!”. Khi bầm tôi khóc mà nhận lỗi với bà ngoại về việc làm mất quần áo, bà bảo: “cha mẹ thương con không hết, ai mà đánh mắng con kia chứ! Còn người còn của con ạ!”.

Mỗi lần kể lại câu chuyện suýt chết đuối đó, bầm lại bảo: “bầm ơn ông, bà ngoại lắm. Không nhờ có ông, bà ngoại thương yêu, nuôi nấng, dạy dỗ, bầm không có bây giờ!”. Nghe bầm nói như vậy, tôi cứ nghĩ, ai mà chẳng do cha mẹ sinh ra, ai chẳng phải nhờ cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ mới thành người. Điều đó là lẽ đương nhiên ở đời, có gì lạ mà bầm cứ phải nói về lòng biết ơn thế kia chứ!

Nhưng sau này, đến khi đã đủ lớn khôn để biết những điều phải trái, hay dở rồi, tôi mới hiểu tại sao bầm tôi lại nói những điều về lòng biết ơn như thế. Bởi đối với tôi, cái sự sinh ra, lớn lên trong vòng tay thương yêu của cha mẹ, được cha mẹ nuôi nấng, dạy bảo điều hay, lẽ phải, lo cho học hành thành người là lẽ tự nhiên. Nhưng với bầm tôi, điều đó còn hơn cả ước vọng! 

Mới lên 3 tuổi, bầm tôi đã mồ côi mẹ. Lên 5 tuổi, chỉ vì thiếu 3 đồng bạc nộp sưu, bầm tôi bị cha mình đem bán cho cho một địa chủ ở làng bên rồi mang con nhỏ bỏ quê trốn đi biệt tăm. Biết chuyện đó, một người bạn học của cha đẻ bầm tôi đã chuộc về nuôi. 

Từ đó, bầm tôi được nuôi nấng, che chở, đùm bọc bởi cha mẹ nuôi, những người mà sau này tôi vẫn gọi với cả tấm lòng yêu thương và biết ơn là ông, bà ngoại. Từ đó, mảnh đất bãi bên đê sông Hồng đã trở thành quê hương thứ hai của bầm tôi, nơi sau này tôi vẫn gọi một cách thân thương là quê ngoại.

Bầm tôi đã trở về với cõi vình hằng để gặp ông, bà ngoại sau khi đã trải qua gần 100 năm cuộc đời dù không ít gian nan, vất vả, xong cũng ngập tràn hạnh phúc bên gia đình, con cháu, người thân. 

Nhưng bây giờ, tôi vẫn thường trở về quê ngoại, xong không chỉ với niềm vui, mà còn với lòng biết ơn đất và người quê ngoại đã cưu mang, đùm bọc bầm tôi. Càng biết ơn đất với người quê ngoại, tôi càng thương, càng nhớ bầm tôi!

Hà Nội, ngày cuối hạ Quý Mão

25 October 2023
Tản văn
Hạnh phúc giản đơn (19/02/2025 13:59:36)
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)