20/05/2024 | 10:15 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Chuyện nhân nghĩa, xưa và nay

Hà Đăng

Ngày xuân, rỗi việc, giở sách xưa ra đọc, xem ông cha ta đã nói chuyện nhân, nghĩa như thế nào. Tình cờ bắt gặp trong “Bình Ngô đại cáo” của Lê Lợi - Nguyễn Trãi, câu mở đầu của bản hùng văn này là: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.

Đọc tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Bác Hồ, một trong những “bảo vật quốc gia” mà Bác để lại, thấy trong mục Đạo đức cách mạng, Bác viết: Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những tính tốt như sau ngày càng tăng thêm. Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm.

Bác viết: Nhân là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân. Vì thế mà sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền. Những người đã không ham, không e, không sợ gì thì việc gì là việc phải họ đều làm được.

Nghĩa là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng. Ngoài lợi ích của Đảng không có lợi ích riêng để lo toan. Lúc Đảng giao cho việc, thì bất kỳ to hay nhỏ, đều phải ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải thì nói. Không sợ người ta phê bình mình mà phê bình người khác cũng luôn luôn đúng đắn.

Chuyện nhân nghĩa nay là thế, còn xưa thì sao?

Tôi còn nhớ, năm 1942 - 1943 gì đó, khi đang học tiểu học ở quê nhà (Tuy Hòa, Phú Yên), vào dịp nghỉ hè, tôi thường đến nhà cậu tôi học chữ nho. Ông là Trần Chương, nguyên nghị viên Viện Dân biểu Trung Kỳ, người đã từng tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Ông dạy cho chúng tôi, nhất là cho lớp học trò lớn tuổi hơn tôi, về NGŨ THƯỜNG, tức là năm cái thường hằng ngày phải làm. Ngũ thường là gì? Là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Năm cái ấy, làm người phải có mới ra con người.

NHÂN là gì? “Nhân giả tâm chi đức, ái nhi lý”. Nhân là cái đức của lòng, cái lý của tình thương. Thấy sự đau khổ thì trong lòng nảy ra thương xót là nhân. Nhưng nhân có rộng, có hẹp, nhân đối với mọi người, nhân đối với nước, đối với nhân loại.

“Mặc Địch kiêm ái”. Ông Mặc Địch gồm thương là bất câu người nào cũng thương hết, ấy là nhân rộng. Đạo Phật có thiên chú là Bái Ái (thương rộng) cũng là nhân rộng. Phật xem chúng sinh một mực đều là nhân, nghĩa là ai cũng đem lòng thương như nhau cả. Không sát sinh cũng là nhân. Có câu “Sát thân dĩ cầu nhân”. Bỏ mình để cầu lấy cái nhân, như thế mới gọi là nhân.

Nhưng cũng có kẻ giả nhân giả nghĩa để cầu danh, cầu lợi, cũng có trường hợp làm nhân mà nhiều người cho là ác. Ví dụ: người có bệnh phong, bệnh ho lao, buộc phải biệt cư để khỏi truyền nhiễm mà có kẻ cho là tàn nhẫn. Có khi làm nhân mà trở thành ngu dốt, như có kẻ lười biếng đi ăn xin, mình cho của bố thí là nuôi cái tính xấu của con người, rồi người này thấy đi ăn xin hơn đi làm thuê, hóa ra là nuôi dưỡng người lười nhát. Có phải làm nhân mà thành có tội không?

Đức Khổng Tử nói: “Vi phú bất nhân, vi nhân bất phú”. Làm giàu thì bất nhân, làm nhân thì không giàu. Người cũng nói: Lời nói xảo, sắc mặt bộ dạng sửa sang cho đẹp, người như thế ít có lòng nhân vậy.

NGHĨA là gì? “Nghĩa giả tâm chi kế, sự chế nghi”. Nghĩa là chế của lòng, phải của việc. Có câu: “Nhân trạch dã, nghĩa lộ dã”. Nhân là cái nhà để ở. Nghĩa là con đường phải đi. Lại có câu: “Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã”. Thấy việc nghĩa chẳng làm không phải là người dũng vậy.

Sau đây là người có nghĩa.

“Nước Tề đem quân đánh nước Lỗ, trông thấy một người đàn bà, tay dắt một đứa bé, tay ẵm một đứa bé nữa mà chạy. Khi quân Tề đến gần kịp, người ấy bỏ đứa bé ẵm, mà ẵm đứa dắt chạy vào núi; đứa bé bị bỏ, chạy theo khóc, bà cứ chạy không ngó lại. Tướng Tề chặn bà lại hỏi: “Đứa ẵm là gì của bà? Đứa bỏ là gì của bà?”. Bà thưa rằng: “Đứa ẵm là con của anh tôi, đứa bỏ là con của tôi. Sức tôi không thể hộ được hai đứa, cho nên nỡ bỏ con mà làm việc nghĩa, tôi không thể ăn ở vô nghĩa mà nhìn thấy nước Lỗ của chúng tôi”.

Khi ấy tướng Tề ra lệnh dừng binh mà nói rằng: “Chưa nên đánh nước Lỗ, người đàn bà mà còn biết giữ tiết làm điều nghĩa, huống chi bầy tôi của triều đình nước Lỗ, kẻ sĩ và quan phu nước Lỗ (tức là đức Khổng Tử) lòng tiết nghĩa đến như thế nào nữa!”.

Chuyện con chó có nghĩa.

Về thời ông Ngô Quyền, nhà ông Lý Tín Thuần có nuôi một con chó, đặt tên là Hắc Long (Rồng đen). Khi đi, ngồi nó cũng theo. Một ngày kia, Tín Thuần ở ngoài thành uống rượu say mềm, gần đấy có người nổi lửa đốt cỏ. Chỗ Tín Thuần nằm là chỗ thuận gió. Chó thấy lửa lại, bèn lấy miệng cắn kéo áo ông Thuần. Ông Thuần chẳng cục cựa. Phía Bắc chỗ nằm có một cái khe nước, chó liền chạy qua, nhúng nước cho thấm ướt mình, chạy lại chỗ nằm đi chung quanh ông Thuần rung mình cho nước tung ra. Thuần được khỏi lửa cháy, nhưng chó thì mệt giốc đến nỗi phải chết. Lúc Tín Thuần tỉnh rượu, nhìn thấy dấu lửa, bèn rống khóc, rồi sắm đủ quan quách, áo màng mà chôn chó. Mộ chó có nghĩa đắp cao hơn mười trượng, tức 3,3 mét ngày nay.

Nghe chuyện nay và chuyện xưa, chắc mỗi người chúng ta đều suy ngẫm: Muốn làm người thì đừng bao giờ làm chuyện bất nhân, bất nghĩa. Hãy học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ về nhân nghĩa, rộng ra là về đạo đức cách mạng của Người./.

5 August 2023
Tản văn
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)
Dừng chân (06/04/2024 16:59:15)