20/05/2024 | 12:13 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Khi bị khinh thường

DƯ HỒNG QUẢNG

Những ngày cuối năm học này, trên mạng xã hội đăng chuyện một nam sinh không có tiền đóng góp làm kỷ yếu, liên hoan,... nên đã không được phép chụp ảnh cùng cả lớp. Chuyện này chưa được kiểm chứng nhưng một câu chuyện tương tự như vậy thì hoàn toàn có thật ở thế kỷ XIX. Cuộc đời ai cũng có thể có lúc bị khinh thường, xin chép lại vài chuyện ở Trung Quốc và Mỹ.

Theo Sử ký Tư Mã Thiên (Nhà xuất bản Văn học, năm 2021), nước Triệu năm 283 Trước công nguyên, Liêm Pha anh dũng đánh tan quân Tề, được phong làm đại tướng. Còn Lạn Tương Như chỉ là môn hạ của một hoạn quan, chẳng ai coi trọng. Trước đe dọa xâm lăng của nước Tần, Lạn Tương Như xin vua cho đi sứ. Vì giữ được quốc thể, đất đai cho nước Triệu nên Lạn Tương Như được phong làm thượng khanh, địa vị cao hơn đại tướng Liêm Pha.

 Không phục việc này, Liêm Pha nói: “ta là đại tướng lập bao công danh, Lạn Tương Như thì chỉ bẻm mép mà lại vượt lên đầu ta. Ta mà gặp Lạn Tương Như, sẽ làm cho hắn mất mặt”. Nghe kể lại lời lẽ khinh thường trên, Lạn Tương Như liền cáo bệnh không vào triều, tránh mặt Liêm Pha. Có hôm trên đường, thấy đoàn xe ngựa của Liêm Pha đang tới, Lạn Tương Như vội bảo người đánh xe rẽ quặt vào một ngõ hẻm để tránh đường. Các môn khách của Lạn Tương Như rất bực bội, trách ông là hèn nhát.

Lạn Tương Như hỏi môn khách: “các ông xem tướng quân Liêm Pha và Vua Tần, ai mạnh hơn?”. Mọi người đều nói tất nhiên Vua Tần mạnh hơn nhiều. Lạn Tương Như nói: “chư hầu trong thiên hạ đều sợ Vua Tần, thế mà ta dám trực diện mắng ông ta giữa triều đường để bảo vệ nước Triệu. Vua Tần ta còn chẳng sợ, tại sao ta lại sợ Liêm Pha? Bởi ta nghĩ rằng, nước Tần hùng mạnh không dám xâm phạm nước Triệu, vì nước Triệu có ta và tướng quân Liêm Pha. Nếu hai chúng ta bất hòa, nước Tần biết tin, sẽ cử đại binh xâm lược. Chính vì lo cho giang sơn mà ta phải nhún nhường trước tướng quân Liêm Pha”. Có người đem những lời trên nói lại cho Liêm Pha. Ông rất hổ thẹn, liền để mình trần, trói dây gai, tới nhà Lạn Tương Như nhận tội. Từ đó, họ trở thành bạn bè thân thiết, đoàn kết giúp Vua Triệu giữ vững giang sơn.

Đến thời Tam Quốc, giặc Đổng Trác hiếp đáp Vua Hán, dâm loạn hậu cung. Trên điện, một tiếng hắt hơi của Đổng Trác vang như phát đại bác, làm tất thảy bá quan run cầm cập. Quan viên đều tránh mặt Tào Tháo, người bị coi là tay sai của Đổng Trác. Vương Tư đồ cho mời các quan viên tối đến nhà mình dự sinh nhật, trừ Tào Tháo không được mời. Đó là khung cảnh trong tập đầu bộ phim Tam Quốc diễn nghĩa - 2010.

Bất chấp bị mọi người khinh bỉ, tối đó Tào Tháo vẫn cố đến mừng thọ, tìm cơ hội tiếp cận Vương Tư đồ. Ở một phòng riêng, Tào Tháo nói với Vương Tư đồ: “tôi cúi mình trước giặc là để tìm cơ hội giết giặc. Xin mượn đại nhân thanh Thất tinh bảo đao để cắt đầu quốc tặc Đổng Trác”. Vương Tư đồ bái phục chí khí của Tào Tháo nhưng sợ rằng, việc chẳng thành, ông sẽ bị giết. Tào Tháo khảng khái nói: “chí sĩ vì nước giết giặc, còn nghĩ gì đến tính mạng của riêng mình!”.

Những người lúc đầu bị khinh thường như Lạn Tương Như, Tào Tháo sau đều trở thành những anh hùng cổ kim hiếm gặp. Tâm lý con người ta, khi bị khinh thường, thật khó lòng chịu đựng. Có điều khác nhau là thái độ ứng xử với sự khinh thường ấy ra sao. Có người bị khinh thường làm cho đau khổ, tuyệt vọng hoặc ít ra cũng là xấu hổ, mất tự tin, rồi nhụt chí, bỏ cuộc. Có người khi bị xúc phạm thì cứng cỏi đương đầu để vươn lên.

“Xúc phạm là một động lực”

là nhan đề bức thư tỷ phú Mỹ Rockefeller gửi con trai ngày

27-2-1901. Trong thư, Rockefeller kể ông luôn trân trọng giữ gìn một bức ảnh tập thể chụp các bạn học cùng lớp nhưng không có hình ông trong đó. Người thợ chụp ảnh nói với giáo viên buộc ông phải ra ngoài vì mặc quần áo quá tồi tàn, làm ảnh hưởng đến khung cảnh tươi sáng của đám con nhà giàu ăn mặc đẹp đẽ. “Ngay thời điểm đó, cha cảm thấy mặt mình nóng bừng. Nhưng cha không phàn nàn rằng ông bà không cho cha ăn mặc đẹp (họ đã làm mọi cách để cho cha được đi học). Cha nắm chặt bàn tay và tự thề với lòng mình rằng, một ngày nào đó, mình sẽ trở thành người giàu nhất thế giới, để được họa sĩ danh tiếng vẽ chân dung, chứ được chụp ảnh tập thể thì có đáng gì. Sự xúc phạm đã không còn là lưỡi dao tước đi phẩm giá của cha, mà là động lực mạnh mẽ, thúc giục cha vượt lên theo đuổi điều tốt đẹp. Không ngoa khi nói rằng, chính người thợ ảnh đó đã truyền cảm hứng cho một đứa trẻ nghèo trở thành người giàu nhất thế giới”./.

27 July 2023
Tản văn
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)
Dừng chân (06/04/2024 16:59:15)