20/05/2024 | 12:13 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Ai sẽ bị thành công chối bỏ?

DƯ HỒNG QUẢNG

Một người 30 lần xin việc thất bại. Một người 15 lần nộp đơn xin việc không đâu nhận. Rồi điều gì khiến họ, người trở thành giàu nhất Trung Quốc, người trở thành tỷ phú gốc Việt tại Mỹ? Và còn nhiều câu chuyện cổ kim Đông Tây giúp bạn trả lời câu hỏi: ai sẽ bị thành công chối bỏ?

Trang Boss hunting cho biết, bị từ chối là điều mà Jack Ma vô cùng quen thuộc và dường như điều đó không khiến ông cảm thấy bối rối chút nào. Ba lần thi trượt đại học tại Trung Quốc. 10 lần viết thư cho Đại học Harvard của Mỹ đều bị từ chối. 30 lần nộp đơn xin việc bị thất bại cả 30 lần. Thậm chí có 24 người xin bán hàng thuê cho nhà hàng gà rán KFC thì 23 người được nhận, chỉ mình Jack Ma bị từ chối. Nhưng với tâm niệm “đừng bỏ cuộc”, Jack Ma đã vươn lên, trở thành tỷ phú giàu nhất Trung Quốc.

Chính Chu là tỷ phú gốc Việt tại Mỹ, được mệnh danh “The Impressive Man” of Wall Street (“Người đàn ông ấn tượng” của phố Wall). Ít người biết rằng, năm 1988, tốt nghiệp cử nhân tài chính của Đại học Buffalo, Chính Chu gửi 15 hồ sơ xin việc, không đâu nhận. Tuy nhiên, những thất bại đầu đời không khiến ông lùi bước, thậm chí nó còn khiến ông càng nung nấu quyết tâm thành công ở lĩnh vực tài chính, nơi nhiều người cho rằng rất khắc nghiệt và phức tạp. Ông chia sẻ, trong cuộc sống, bạn cần kiên trì để theo đuổi mục tiêu của mình.

Kiên trì, bền gan cũng là những bài học lưu truyền trong lịch sử. Thời Chiến quốc bên Trung Quốc có Tô Tần, người đất Lạc Dương, học rộng, hiểu nhiều, muốn lập công danh. Ông bán hết gia sản, chu du thiên hạ, đem chiến lược của mình nói với các nước. Như thế đến vài năm mà vẫn chưa gặp được ông vua nào biết dùng. Tiền hết, đến cái áo lông điêu cũng rách tướp ra, không còn biết xoay vào đâu, Tô Tần đành phải bán cả xe ngựa lấy tiền lộ phí, rồi quẩy khăn gói đi bộ về nhà. Mẹ già thấy bộ dạng Tô Tần lúng túng thì đem lời mắng nhiếc. Vợ đang dệt cửi trông thấy, cứ ngồi yên chẳng thèm chào. Tô Tần đói quá, xin chị dâu cơm ăn, chị dâu chối là nhà không có củi, không chịu nấu cơm.

Tô Tần chảy nước mắt nói: “người ta mà nghèo hèn thì vợ không coi là chồng, chị không coi là em, mẹ không coi là con nữa. Đó là cái tội của ta”. Rồi ông quyết chí học tập, ngày đi xem hình sông thế núi, đêm vùi đầu đọc sách binh thư. Mỏi mệt quá muốn ngủ thì tự cầm dùi đâm vào đùi, máu chảy khắp chân. Khi thực học đã thành, Tô Tần dâng thuyết hợp tung liên kết các nước chống kẻ thù chung, được phong làm đại tướng, cầm binh quyền 6 nước. Câu chuyện kiên trì, bền bỉ của Tô Tần được ghi trong cuốn “Đông Chu liệt quốc” (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, năm 1988).

Ở nước Anh, bộ truyện giả tưởng “Harry Potter” của nữ văn sĩ Joanne Rowling bị liên tiếp 12 nhà xuất bản từ chối in. Nếu Joanne Rowling bỏ cuộc, sẽ không có kỷ lục của “Harry Potter” ngày nay được dịch sang 60 ngôn ngữ, bán được hơn 500 triệu bản, trở thành bộ sách bán chạy nhất trong lịch sử.

Ở Mỹ, Walt Disney là người tiên phong của ngành công nghiệp phim hoạt hình, nắm giữ kỷ lục là người giành được nhiều giải Oscar nhất. Nhưng trước khi thành công, ông từng bị biên tập viên của một tòa soạn lấy lý do “thiếu sức sáng tạo” để sa thải.

Thomas Edison cũng đã từng bị nhà trường từ chối cho học vì “thiểu năng trí tuệ”. Không ai rõ ông đã kiên trì như thế nào để trở thành nhà phát minh vĩ đại nhất mọi thời đại, chỉ biết rằng trước khi tìm ra dây tóc bóng điện đem lại ánh sáng cho nhân loại, ông đã thất bại hơn 10.000 lần.

Tiến sĩ tâm lý học Angela Lee Duckworth là giảng viên của Đại học Pennsylvania, Mỹ. Bỏ lại công việc tư vấn đầy tham vọng, Angela Lee Duckworth tới dạy toán lớp 7 ở trường công New York. Cô nhanh chóng nhận ra rằng IQ không phải là thứ duy nhất phân cách những học sinh thành công với những học sinh chậm tiến. Trong bài phát biểu trên diễn đàn trực tuyến TED Talk thu hút hơn 10 triệu lượt xem, cô giải thích về sự bền bỉ (grit) như một dấu hiệu báo trước cho thành công.

Bền bỉ bao gồm lòng đam mê và sự kiên trì để đạt tới một mục tiêu dài hạn. Bền bỉ nghĩa là có sức chịu đựng tốt. Nghiên cứu tại Học viện quân sự West Point, trường công Chicago và tại nhiều công ty tư nhân của Mỹ, Angela Lee Duckworth rút ra kết luận: không phải trí thông minh, không phải vẻ ngoài ưa nhìn, không phải thể lực tốt cũng không phải IQ, chính sự bền bỉ mới là chìa khóa của thành công. Thực tế cho thấy nhiều người tài năng nhưng không kiên trì, bền bỉ với mục tiêu của họ, chính là những người bị thành công chối bỏ. Vì vậy, chúng ta cần phải bền bỉ trong việc khiến những đứa trẻ trở nên bền bỉ hơn./.

29 August 2023
Tản văn
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)
Dừng chân (06/04/2024 16:59:15)