Con chim khôn quá làm hại cả đàn
Dư Hồng QuảngCó câu rằng, con chim dậy sớm sẽ bắt được sâu. Trên đảo Daphne Major, con chim đến sớm nhất sẽ hút được mật hoa. Thay vì đợi đến 9 giờ sáng khi cây xương rồng nở hoa một cách tự nhiên, một nhóm chim sẻ lại cố gắng thử cách khác mới mẻ và sáng tạo hơn: chúng không chờ đến khi hoa nở, mà cố gắng tách cánh hoa xương rồng để hút được mật đầu tiên. Câu chuyện này đăng trong cuốn “Nghệ thuật tư duy chiến lược” (The art of strategy) của Avinash K. Dixit và Barry J. Nalebuff, Nhà xuất bản Lao động, năm 2019.
Thoạt nhìn, có vẻ đây là lợi thế của những con chim đến sớm so với bày đàn đến muộn của chúng. Vấn đề là trong quá trình tách cánh hoa, những con chim sẽ cắt đứt nhụy hoa. Nhụy bị đứt, hoa không ra trái, xương rồng bị mất khả năng sinh sản. Nguồn thực phẩm chính cho chim sẻ xương rồng là mật hoa xương rồng. Thói khôn vặt trên dẫn đến kết quả: không có nhụy thì không có trái, không có trái thì không có hạt, không có hạt thì không có cây xương rồng mới, không có cây xương rồng mới thì không có hoa, không có mật hoa, không có chim sẻ xương rồng nữa. Như vậy, những con chim đến sớm đã giết hại cả đàn chim.
Nhà sinh vật học Garrett Harding thuộc Đại học California gọi câu chuyện trên là “bi kịch của mảnh đất công”. Ông dẫn ví dụ về việc chăn thả gia súc quá nhiều trên những khu đất sở hữu chung tại Anh vào thế kỷ XV. Hãy nghĩ về một cánh đồng dành cho tất cả mọi người. Mỗi người chăn nuôi gia súc sẽ cố gắng nuôi càng nhiều gia súc càng tốt trên vùng đất chung này. Mỗi người bị đẩy vào một hệ thống buộc anh ta phải tăng không giới hạn đàn gia súc của mình trong một thế giới có giới hạn. Mỗi người hành động vì lợi ích của riêng họ với niềm tin vào việc khai thác tự do của chung. Hành động đó khiến cỏ không mọc nổi và kết cục là tất cả mọi người đều đổ xô về phía thất bại. “Tham thì thâm” chính là lời cảnh báo cho những ai vì lợi riêng mà làm hỏng việc chung.
Biển cả bao la nhưng cá tôm không phải là vô hạn. Ở nhiều nơi hiện nay, có nạn đánh bắt quá mức là vì ai cũng nghĩ có thể hưởng lợi nhiều hơn bằng cách đánh bắt nhiều hơn cho mình. Cái giá phải trả sẽ là tận diệt nguồn thủy sản, để lại hậu họa cho các thế hệ tương lai. Vì thế, một số nước có quy định phải đo con cá, không đủ kích cỡ được phép đánh bắt thì phải thả về biển. Ai vi phạm sẽ bị xử phạt nặng.
Muốn giữ lợi ích chung thì không chỉ hô hào chung chung, mà cần chế tài, chính sách cụ thể. Biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ, nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, thực sự đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Nhưng không ai nhìn thấy khí hậu hình thù ra sao nên việc hô hào chung tay chống biến đổi khí hậu là rất khó. Biến đổi khí hậu chủ yếu do đốt nhiên liệu gây ra. Ở thành phố Thẩm Quyến, Trung Quốc có chính sách làm cho việc đăng ký xe chạy xăng tốn kém hơn nhiều so với số tiền mua xe ô tô. Xe điện thân thiện môi trường thì được khuyến khích. Vì vậy, trên đường phố Thẩm Quyến chủ yếu là xe điện gắn biển màu xanh lá cây.
Chống biến đổi khí hậu là câu chuyện toàn cầu, nhưng có câu “cha chung không ai khóc”. Chí Phèo chửi cả làng Vũ Đại, cả làng cùng nghe nhưng ai cũng coi là hắn chửi chung, “hình như nó chừa mình ra”. Đó là chuyện ngày xưa của người nông dân làng Vũ Đại. Thói vô trách nhiệm với việc chung thời nào cũng có. Nhưng trong thế giới hội nhập sâu rộng, nông dân ngày nay nhiều người đã nghĩ khác. Một người kiếm được giống ngô tốt, đem chia sẻ với những nhà xung quanh. Có người hỏi sao không giữ lại cho riêng mình. Ông thật thà đáp rằng một mình nhà ông có giống ngô tốt mà xung quanh toàn trồng ngô kém thì phấn ngô nhà khác bay sang sẽ làm hỏng ngô tốt nhà ông. Đó gọi là giúp người khác chính là giúp mình.
Phương Tây có câu “con chim dậy sớm sẽ bắt được sâu”. Đây là một lời cổ vũ những người chăm chỉ. Việt Nam ta cũng có câu “trâu chậm uống nước đục” gần với ý nghĩa trên. Đúng là chậm thì mất cơ hội. Ai chẳng muốn nhanh? Nhưng nhanh bằng cách chen lấn người khác trên đường đi, thậm chí chà đạp người khác trên đường đời, thì đó là nhanh mà chậm, là “dục tốc bất đạt”. Khôn như thế chính là khôn vặt, là khôn dại. Thói khôn vặt chẳng khác nào lấy đá tự ghè chân mình. Con chim dậy sớm sẽ bắt được sâu nhưng con chim khôn quá sẽ làm hại cả đàn./.